Casumina lo ngại mất vị trí dẫn đầu; 'Ông trùm' BOT lãi đậm nhờ địa ốc; Đấu giá 89.500 tấn đường nhập khẩu năm 2017; Khách Trung Quốc tiếp tục 'đổ bộ' vào Việt Nam, tăng tới 64%
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 07-04-2016
- Cập nhật : 07/04/2016
World Bank cho 6 công ty Việt Nam vào “sổ đen” vì làm giả hồ sơ
Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) vừa thông báo tước quyền được tài trợ vốn của 6 công ty của Việt Nam trong vòng một năm.
Danh sách 6 công ty này bao gồm Công ty TNHH Tấm cách nhiệt (Insulation Panel), Công ty Cổ phần Kỹ thuật Hữu Nghị (Huu Nghi Engineering Corporation), Công Ty TNHH Thiết bị lạnh và Cách nhiệt (TST), Công ty TNHH Cách nhiệt Sài Gòn (Saigon Insulation), Công ty Cơ Điện Lạnh Đà Nẵng (Sea Refrigeration Electrical Engineering Company - SEAREE) và Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ lạnh Á Châu (Asia Refrigeration Industry).
Cuộc điều tra được tiến hành bởi đơn vị điều tra độc lập INT (The Integrity Vice Presidency) trực thuộc WB đã phát hiện những công ty này làm giả giấy tờ nhằm đủ điều kiện được nhận tài trợ vốn để giảm thiểu các chất khí phá hủy tầng ozone, thuộc dự án quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam, giai đoạn I.
WB cho biết, cuộc điều tra được tiến hành bằng sự hợp tác giữa đơn vị dự án và các công ty này.
"Đây là một trường hợp quan trọng, chứng tỏ rằng việc đạt được các mục tiêu bảo vệ môi trường một cách trung thực là một phần rất quan trọng của giải pháp phát triển bền vững và hiệu quả, trong nỗ lực của WB nhằm chấm dứt đói nghèo", Phó Chủ tịch Vụ Liêm chính WB Leonard McCarthy nói.
Theo quy định của Hiệp định Nghị quyết Đàm phán (NRA) với WB, các công ty này sẽ không được tham gia bất kỳ dự án nào được cấp vốn bởi WB trong vòng 1 năm.
Bình Định rút giấy phép dự án ô tô của Nga
Ban quản lý khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định vừa có quyết định rút giấy phép đầu tư dự án xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt và các dịch vụ hỗ trợ của một doanh nghiệp Nga do chậm triển khai.
Dự án xây nhà máy sản xuất ô tô buýt của doanh nghiệp Nga tại tỉnh Bình Định đã bị rút giấy chứng nhận đầu tư. Trong ảnh là những chiếc xe buýt do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Ảnh minh họa: Quốc Hùng
Nguồn tin từ Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội cho biết, dự án Công ty TNHH MTV Bus Industrial Centre do Công ty TNHH Buscenter Met (Nga) đầu tư có vốn đăng ký 1 tỉ đô la Mỹ đã được cấp phép khoảng 3 năm nay tại KCN Nhơn Hòa thuộc khu kinh tế Nhơn Hội, nhưng đến nay nhà đầu tư chưa triển khai dự án.
Công ty Bus Industrial Centre được thành lập để đầu tư dự án xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe ô tô buýt và các loại máy nông nghiệp cùng các dịch vụ hỗ trợ trên diện tích 50 héc ta tại khu công nghiệp Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn.
Được biết, đây là một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có vốn đăng ký lớn nhất tại địa phương này được cấp phép đầu tư từ trước đến nay. Tuy nhiên, dự án đã không triển khai được như cam kết.
Không riêng dự án 1 tỉ đô la Mỹ này, mà theo Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội mới đây cơ quan này cũng đã rút giấy chứng nhận đầu tư một dự án FDI chậm tiển khai khác là dự án xây dựng nhà máy điện gió Nhơn Hội của Công ty TNHH Quản lý và Đầu tư Viettracon (Đức) hợp tác với Công ty Green Venture Invest AG (Thụy Sĩ).
Dự án bị rút giấy phép này có số vốn đăng ký đầu tư 109 triệu đô la Mỹ tại khu vực sườn phía Tây núi Phương Mai thuộc khu kinh tế Nhơn Hội với quy mô diện tích khoảng 600 héc ta đất được cấp phép vào năm 2014.
Theo thiết kế, nhà máy có công suất 61,1 MW, giai đoạn 1 công suất là 30,55 MW dự kiến vận hành năm 2016, và giai đoạn 2 nâng tổng công suất lên 61,1 MW vào năm 2020. Nhà máy sẽ được đấu nối vào hệ thống điện ở cấp điện áp 110 KV, chuyển tiếp trên đường dây 110 KV Nhơn Hội – Phước Sơn. Tuy nhiên đến nay nhà đầu tư cũng vẫn chưa triển khai thực hiện dự án này.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định khẳng định là luôn chào đón và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai theo cam kết. Việc địa phương này quyết định thu hồi các dự án chậm triển khai cũng là nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khác có năng lực hơn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Ngoài hai dự án FDI bị rút giấy phép nói trên, trong quý đầu tiên của năm 2016 này, UBND tỉnh cũng đã có các văn bản về việc thu hồi chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại và dịch vụ hỗn hợp tại 01 Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn do Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Châu đầu tư, và dự án điểm du lịch số 9 tuyến du lịch Quy Nhơn - Sông Cầu do Công ty Cổ phần Kim Triều làm chủ đầu tư.
TP.HCM: Xuất khẩu cá cảnh sẽ đạt 50 triệu USD vào năm 2020
Trong Chương trình phát triển cá cảnh của TP.HCM giai đoạn 2016 – 2020 do UBND TPHCM vừa phê duyệt, TP.HCM đặt mục tiêu xuất khẩu cá cảnh đạt kim ngạch 50 triệu USD vào năm 2020.
Chương trình nhằm phát triển mạnh sản xuất cá cảnh ở các khu vực có khả năng tập trung cao tại các huyện như: Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và các quận nội thành, quận ven như: Quận 8, 9, 12, Gò Vấp và Thủ Đức.
TP.HCM phấn đấu đến năm 2020, sản lượng sản xuất cá cảnh đạt từ 150 đến 180 triệu con, xuất khẩu đạt từ 30 đến 50 triệu con, với kim ngạch xuất khẩu đạt 50 triệu USD (gấp gần 5 lần kết quả năm 2015); 100% cơ sở xuất khẩu cá cảnh tham gia Chương trình giám sát an toàn dịch bệnh cá cảnh của thành phố để đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường hiện có và mở rộng sang các thị trường khác.
Được biết, năm 2015, TP.HCM đã xuất khẩu 12 triệu con cá cảnh, đạt kim ngạch 11 triệu USD, tăng lần lượt 9,9% về số lượng và 12% về kim ngạch so với năm 2014. Trong giai đoạn 2011 – 2015, số lượng cá cảnh xuất khẩu tăng bình quân 8,6%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 6,6%/năm. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, châu Âu, châu Á.
Phát hiện hàng loạt sai lỗi của doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sang Nga
Kết quả quả thanh tra của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (FSVPS) đối với các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh Kinh tế Á-Âu cho thấy, qua quá trình thanh tra, FSVPS đã phát hiện hàng loạt sai lỗi của các doanh nghiệp.
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT, ngày 4-3 vừa qua, Nafiqad đã nhận được công thư số FS-NV-7/3636 của FSVPS kèm theo Dự thảo Báo cáo thanh tra do FSVPS tiến hành thanh tra tại Việt Nam từ ngày 30-11-2015 đến 4-12-2015 đối với các cơ sở chế biến thuỷ sản xuất khẩu sang thị trường Liên minh Kinh tế Á-Âu.
Kết quả cho thấy, FSVPS đã phát hiện hàng loạt sai lỗi tại các doanh nghiệp gồm: Công ty CP Nông nghiệp Hùng Hậu – Nhà máy số 1 (DL 01); Công ty CP Hùng Vương (DL 308); Công ty CP Chế biến Thủy sản XNK Kiên Cường (DL 409); Công ty CP Thủy sản Me Kong (DL 183); Công ty CP chế biến thủy hải sản Hiệp Thanh (DL 69); Công ty TNHH công nghiệp thủy sản Miền Nam (DL 14); Chi nhánh Công ty CP Thủy sản số 4 - Đồng Tâm (DL 516) và Công ty TNHH Hùng Vương- Vĩnh Long (DL 36).
Các sai lỗi điển hình là: Hệ thống truy xuất nguồn gốc tại doanh nghiệp không được đảm bảo về bảo quản và xử lý sản phẩm không đạt chuẩn. Trong các kho lạnh bảo quản thành phẩm trên giá chung với thành phẩm đông lạnh còn đặt lộn xộn với các sản phẩm không đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, cán bộ quản lý doanh nghiệp không nắm vững các yêu cầu trong văn bản quy phạm của Liên minh Kinh tế Á-Âu và Liên bang Nga, không cung cấp bằng chứng bằng văn bản về việc đào tạo cho nhân viên các yêu cầu của Liên minh Kinh tế Á-Âu và Liên bang Nga.
Ngoài ra, một trong những sai lỗi được FSVPS đã chỉ ra là các yêu cầu của Liên minh Kinh tế Á-Âu và Liên bang Nga không được đưa vào hệ thống quản lý chất lượng HACCP của doanh nghiệp đối với các sản phẩm dành cho xuất khẩu, trong khi đó có các yêu cầu của quy định quốc gia và tiêu chuẩn của EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đặc biệt, có doanh nghiệp, việc chứng nhận sản phẩm dành cho xuất khẩu được thực hiện mà không có sự kiểm tra của đại diện Nafiqad đối với lô hàng xuất đi. Chứng thư được cấp 1-2 ngày trước khi hàng được xuất đi. Việc chuyển hàng lên phương tiện chuyên chở được thực hiện mà không có sự giám sát của đại diện Nafiqad.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Nafiqad cho biết: Đối với các doanh nghiệp phát hiện có sai lỗi kể trên, Nafiqad yêu cầu doanh nghiệp rà soát, nghiên cứu các sai lỗi do Đoàn thanh tra FSVPS phát hiện trong quá trình thanh tra, trên cơ sở đó thiết lập và thực hiện các hành động khắc phục phù hợp.
Đồng thời, lập báo cáo (cả tiếng Việt và tiếng Nga) gửi về Nafiqad trước ngày 25-4 (bản điện tử gửi về địa chỉ vuhue.nafi@mard.gov.vn) để tổng hợp và trả lời FSVPS. Báo cáo cần kèm theo các bằng chứng chứng minh các sai lỗi đã được khắc phục (ảnh hiện trạng, kết quả kiểm nghiệm,..).
Nông dân Nhật hướng tới sản xuất thóc gạo giá rẻ để xuất khẩu
Các nguồn tin cho hay nông dân Xứ sở Hoa anh đào đang hướng tới sản xuất thóc gạo với giá rẻ hơn so với hiện nay để tăng cường xuất khẩu, sau khi Nhật Bản ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo các chuyên gia nông nghiệp, các giống gạo Nhật Bản được ghi nhận có chất lượng tốt, nhưng hoạt động xuất khẩu gạo của nước này khá hạn chế do có giá cao.
Liên đoàn các hiệp hội hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản (NFACA) đặt mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh với các nhả sản xuất lúa gạo nước ngoài trên thị trường quốc tế để bảo đảm tăng trưởng.
NFACA lên kế hoạch hướng dẫn một số vùng và khu vực Nhật Bản tập trung vào việc trồng giống lúa có giá rẻ hơn, thông qua việc cắt giảm chi phí và gieo trồng các giống lúa có năng suất cao hơn.
NFACA đặt mục tiêu tăng gấp sáu lần lượng gạo xuất khẩu hàng năm lên 10.000 tấn trong vòng ba năm tới. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe cho biết sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ để nâng cao khả năng canh tranh cho người nông dân Nhật Bản khi tham gia TPP.
Nhật Bản cùng với Mỹ và 10 nước khác đã ký TPP, mà khi thực thi sẽ tạo ra một thị trường với hơn 800 triệu dân, chiếm 40% GDP thế giới và 25% tổng thương mại toàn cầu.