Phú Quốc chờ đón bình minh “đặc khu kinh tế”; Vốn từ kế hoạch 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc tìm đến Việt Nam; Quốc Cường Gia Lai đã chi hơn 1.600 tỷ đồng trả nợ trong quý I/2017; Doanh nghiệp chuẩn bị 300 triệu đồng “tiền chuộc” dữ liệu bị hacker đánh cắp
Tin kinh tế đọc nhanh tối 14-05-2017
- Cập nhật : 14/05/2017
Công ty Mỹ đầu tiên đầu tư vào dầu thô Iran từ năm 1979
Hãng lọc dầu Pall đang rục rịch đầu tư vào ngành công nghiệp dầu khí của Iran. Nếu được xác nhận, Pall sẽ là doanh nghiệp Mỹ đầu tiên đầu tư vào dầu thô Iran kể từ thời Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Theo Russia Today, Neda Mousavizadehgan, thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị ngành công nghiệp dầu mỏ Iran (SIPIEM), cho biết hãng Pall sẽ chuyển giao công nghệ và đầu tư vào dây chuyền sản xuất thiết bị dầu khí ở Iran. Bà Mousavizadehgan cho hay việc này sẽ cắt giảm chi phí bằng cách cung cấp thiết bị cho ngành công nghiệp ở Iran, cùng lúc cũng tăng cường an toàn cho các nhà máy hóa dầu. Các nhà máy nước này vấp phải nhiều lỗi kỹ thuật nguy hiểm gần đây.
Trước khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ vào tháng 1.2016, ngành dầu khí Iran đã bội chi nhiều tiền để nhập khẩu các thiết bị không đạt chuẩn. Phát ngôn viên của Pall xác nhận hãng quan tâm đến việc vào lại thị trường quốc gia Trung Đông.
Bộ Ngoại giao Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Iran hồi tháng 2, nhắm vào 13 cá nhân và nhiều doanh nghiệp liên quan đến đợt thử tên lửa đạn đạo. Iran và sáu nước khác, gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nga và Trung Quốc, ký một thỏa thuận vào tháng 7.2015 để giải quyết xung đột về chương trình hạt nhân Iran.
Tehran khi đó đồng ý cắt giảm 2/3 nhà máy ly tâm, hạ chương trình làm giàu uranium, giảm trữ lượng uranium từ 10.000 kg xuống còn 300 kg trong 15 năm và cho phép thanh tra quốc tế tiếp cận các cơ sở hạt nhân. Đổi lại, các nước phương Tây đồng ý dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt lên Iran.(Thanhnien)
-----------------------------
Hai nhà sáng lập Snapchat mất hơn 2 tỉ USD chỉ trong một ngày
Hai nhà sáng lập tuổi đôi mươi của hãng Snap, công ty mẹ của ứng dụng nhắn tin Snapchat, là Evan Spiegel và Bobby Murphy mỗi người vừa mất hơn 1 tỉ USD vì cổ phiếu lao dốc 25%, xóa sạch 6 tỉ USD giá trị thị trường.
Theo Bloomberg, Spiegel và Murphy mất tiền vì đợt lao dốc cổ phiếu xuống còn 17,12 USD/cổ phiếu hôm 11.5, sau khi hãng Snap báo cáo lợi nhuận lần đầu tiên chiều 10.5 (giờ Mỹ). Công ty truyền thông xã hội báo cáo lỗ 2,2 tỉ USD trong quý 1/2017, phần lớn là vì tiền lương thưởng sau đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hồi tháng 3. Sau khi điều chỉnh chi phí dự kiến, hãng lỗ 188,2 triệu USD, nhiều hơn mức được giới phân tích dự báo.
Snap cho hay ứng dụng Snapchat có ít người dùng mới hơn dự kiến và công ty đang chật vật trong việc mở rộng đối tượng của mình giữa lúc Facebook đang sao chép nhiều tính năng phổ biến nhất của Snapchat. Quý 1/2017, số người dùng hoạt động hằng ngày của Snapchat chỉ tăng 36,1%, tiếp tục giảm theo xu hướng của nửa sau năm 2016.
Snapchat ngày càng bị cạnh tranh nhiều khi cả Instagram và Facebook đều thêm tính năng “Stories” giúp người dùng chia sẻ hoạt động thường ngày của họ. Đây là tính năng gần giống với tính năng có sẵn trên Snapchat. CEO Evan Spiegel mới đây cũng nhắc đến các đối thủ cạnh tranh trong cuộc gọi với các nhà đầu tư: “Nếu bạn muốn là một doanh nghiệp sáng tạo, bạn phải cảm thấy thoải mái và tận hưởng thực tế rằng nhiều người sẽ sao chép sản phẩm của bạn nếu bạn tạo ra những thứ tuyệt vời. Yahoo không thể là Google chỉ với một hộp tìm kiếm”.
Spiegel và Murphy trở thành tỉ phú sau khi đưa Snapchat lên sàn, mỗi người sở hữu tài sản hơn 5 tỉ USD trước khi cổ phiếu lao dốc, theo chỉ số Bloomberg Billionaires. Sau báo cáo doanh thu, số tiền của mỗi người chỉ còn 3,8 tỉ USD.
Một cuộc khảo sát hơn 3.000 người ở Mỹ cho thấy niềm tin của người tiêu dùng vào Snapchat đang thấp. Hầu hết người trẻ dùng ứng dụng này cho rằng họ sẽ không dùng nữa khi bước sang tuổi 35, theo Russia Today.(TN)
-------------------------------
Lợi nhuận quý 1của Vietnam Airlines giảm 40%
Tổng công ty hàng không VN - CTCP (Vietnam Airlines) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2017.
Theo đó, doanh thu thuần bán hàng quý 1 đạt hơn 20.833 tỉ đồng, tăng 17%, đạt hơn 3.000 tỉ đồng so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng đến 22%, nên phần lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 3.247 tỉ đồng, giảm 4% so cùng kỳ.
Theo giải trình của công ty, nguyên nhân giá vốn tăng là do giá dầu bình quân trong quý 1 tăng so với giá dầu bình quân quý 1 năm trước. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính đạt 242 tỉ đồng, giảm 635 tỉ đồng do không phát sinh nguồn thu từ hoạt động đầu tư ngoài doanh nghiệp; cũng như lợi nhuận tài chính từ chênh lệch tỷ giá giảm do tỷ giá USD biến động ít hơn so với quý 1/2016. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 39 tỉ đồng trong khi chi phí bán hàng tăng mạnh 175 tỉ đồng. Kết quả, Vietnam Airlines chỉ lãi trước thuế 853,7 tỉ đồng, giảm gần 40%; lợi nhuận sau thuế đạt 746 tỉ đồng, giảm 43% so cùng kỳ.(Thanhnien)
----------------------
Việt Nam khó tránh việc phát triển nhiệt điện than
TS Trần Trọng Quyết, phó chủ tịch Hội Điện lực TP.HCM, cho rằng dù vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến các dự án nhà máy nhiệt điện than, nhưng VN vẫn phải phát triển loại hình này để đảm bảo an ninh năng lượng.
Nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề này được đưa ra tại hội thảo chuyên đề “Tổn thất điện năng và nhiệt điện than”, do Tổng công ty Điện lực miền Nam vừa tổ chức.
Theo TS Quyết, Quốc hội đã có quyết định tạm dừng xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận.
Trong khi đó, nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác phát triển rất chậm và chiếm tỉ trọng rất nhỏ, thủy điện cơ bản đã khai thác gần như cạn kiệt, nên tất yếu phải phát triển nhiệt điện than.
“Tuy nhiên, vấn đề là phải sử dụng công nghệ tiên tiến để điện than không phải là ngành công nghiệp “phi đạo đức” như người ta đánh giá” - TS Quyết nhấn mạnh.(Tuoitre)