Người Pháp giúp nông dân Việt bảo hộ hạt điều; Ford cắt giảm 10% lao động toàn cầu; Hàn Quốc hướng tới giảm điện than; Facebook bị phạt 160.000 USD vì vi phạm luật thông tin người dùng; Colombia thất thu 400 triệu USD mỗi năm do rượu lậu
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 16-05-2017
- Cập nhật : 16/05/2017
Trung Quốc kêu gọi chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy toàn cầu hóa
Ngày 15/5, phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao hợp tác quốc tế 'Vành đai và Con đường' diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các lãnh đạo thế giới chống chủ nghĩa bảo hộ và thúc đẩy toàn cầu hóa.
Tại ngày làm việc thứ 2 của diễn đàn, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định trong thời điểm toàn cầu hóa đang đối mặt với nhiều thách thức, các nước cần thúc đẩy hợp tác, mở cửa, và chống lại chủ nghĩa bảo hộ, tránh rơi vào tình trạng phân rẽ và kiềm chế đặt ra các "ranh giới" hạn chế hợp tác hay theo đuổi các thỏa thuận độc nhất. Theo ông, trong một thế giới của tăng trưởng, phụ thuộc lẫn nhau và thách thức, không quốc gia nào có thể đơn độc giải quyết các vấn đề của mình cũng như của thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang chủ trương đi theo hướng bảo hộ dưới chính sách "Nước Mỹ trên hết", nhiều chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc nêu sáng kiến "Vành đai và Con đường" mang ý nghĩa cạnh tranh địa chính trị.
Trước đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết khoản đầu tư 124 tỷ USD cho dự án "Vành đai và Con đường" trong nỗ lực thúc đẩy tham vọng lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh bằng việc mở rộng các mối liên kết giữa châu Á, châu Phi và châu Âu. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều lãnh đạo thế giới như Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho biết London "sẵn sàng hợp tác với các nước đối tác trong sáng kiến trên".
Tuy nhiên, một số nước vẫn tỏ ra quan ngại. Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries kêu gọi minh bạch nhằm đảm bảo không tồn tại sự phân biệt trong hoạt động kêu gọi đầu tư. Một số ý kiến tại diễn đàn cảnh báo phải đảm bảo hoạt động cho vay bền vững để tránh hiện tượng các nước chủ dự án rơi vào tình trạng ngập trong các khoản nợ thiếu bền vững. Trong khi đó, Ấn Độ đã từ chối tham dự hội nghị lần này để phản đối dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan đặt mục tiêu nối liền vùng Tây Bắc Trung Quốc với Biển Arập và đi qua khu vực tranh chấp Kashmir giữa Pakistan và Ấn Độ.
Sáng kiến " Vành đai và Con đường" do Trung Quốc đề xuất vào năm 2013 bao gồm Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Sáng kiến này nhằm mục đích xây dựng mạng lưới thương mại và cơ sở hạ tầng nối châu Á với châu Âu và châu Phi không chỉ dọc theo mà còn vượt ra ngoài cả các tuyến đường thương mại của Con đường Tơ lụa cổ.(Baotintuc)
----------------------
Nhật Bản, New Zealand nhất trí thúc đẩy các đối tác thông qua TPP trước tháng 11
Nhật Bản và New Zealand ngày 15/5 khẳng định hai nước sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận thúc đẩy thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước tháng 11 tới với các nước đã tham gia ký kết hiệp định này mà không có Mỹ.
Phát biểu trước báo giới sau khi có các cuộc thảo luận với Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay tại thủ đô Tokyo, Bộ trưởng Chính sách Tài chính và Kinh tế Nhật Bản Nobuteru Ishihara nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là liệu các nước thành viên còn lại có thể đồng nhất quan điểm về hướng đi tương lai của TPP hay không.
Ông cũng bày tỏ hy vọng Nhật Bản và New Zealand - hai nước đã thông qua TPP, sẽ nỗ lực để thúc đẩy các đối tác đạt được một thỏa thuận mới trước tháng 11 khi Việt Nam tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Hai bộ trưởng gặp nhau với tư cách là đại diện của 11 quốc gia thành viên còn lại theo đuổi TPP, nhằm cố gắng thu hẹp những bất đồng có thể nảy sinh trong cuộc gặp cấp bộ trưởng TPP, dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 21/5 tới bên lề cuộc gặp của các bộ trưởng thương mại APEC cũng diễn ra tại đây từ ngày 20/5.
Ông Ishihara đã nhấn mạnh tầm quan trọng về "sự thống nhất của 11 quốc gia còn lại và sự rõ ràng về tương lai của TPP" bất chấp "những bất đồng về ý tưởng và động lực của mỗi quốc gia thành viên".
Ông Ishihara cũng đánh giá cuộc gặp thảo luận về TPP tại Hà Nội sắp tới sẽ là một cuộc gặp quan trọng, trong đó 11 nước còn lại ký kết TPP sẽ cùng thảo luận nghiêm túc về hướng đi của TPP, đồng thời nhấn mạnh Nhật Bản và New Zealand sẽ cố gắng đảm nhận vai trò dẫn dắt cuộc thảo luận này.
TPP bao gồm các thành viên Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Mỹ và 11 nước đối tác đạt được thỏa thuận TPP vào tháng 10/2015.
Thỏa thuận này đang trong giai đoạn 2 năm chờ đợi quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Tuy nhiên, TPP rơi vào tình trạng khó khăn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận thương mại mang tính lịch sử này.(TTXVN)
---------------------------
Thiếu lao động, doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường người máy
Trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu lao động ngày một trầm trọng do dân số lão hóa gia tăng, các công ty cỡ vừa ở Nhật Bản đang lên kế hoạch mua người máy và các thiết bị khác để tự động hóa một loạt công việc trong ngành chế tạo, dịch vụ phòng khách sạn, xây dựng,...
Người máy Robi trình diễn một điệu nhảy tại quán café Robi mới mở trong chiến dịch quảng cáo ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản ngày 15/1/2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kết quả khảo sát của Ngân hàng Nhật Bản, những công ty cỡ vừa có vốn điều lệ từ 100 triệu yen đến 1 tỷ yen đang lập kế hoạch tăng cường đầu tư trong tài khóa 2017 (bắt đầu từ tháng 4/2017) thêm 17%, mức cao kỷ lục.
Dù chưa rõ có bao nhiêu trong số này được đầu tư vào tự động hóa, nhưng các công ty bán người máy và các thiết bị tự động cho biết họ đã nhận được nhiều đơn đặt hàng về các thiết bị này. Doanh thu của nhiều công ty chế tạo người máy ở Nhật Bản từ tháng 1-3/2017 cũng tăng lần đầu tiên trong nhiều quý qua.
Theo ông Yasuhiko Hashimoto thuộc tập đoàn Công nghiệp nặng Kawasaki, hơn 90% số công ty Nhật Bản có quy mô cỡ nhỏ và vừa, nhưng phần lớn trong số này không sử dụng người máy.
Tập đoàn đã đáp ứng nhu cầu của các công ty này bằng cách tung ra nhiều ứng dụng và các gói sản phẩm tự động, trong đó có người máy cao 1m70, có hai tay, rất phù hợp sử dụng công nghiệp của các hãng sản xuất điện tử, chế biến thực phẩm và công ty dược phẩm.
Trong khi đó, Công ty chế tạo máy Hitachi cho biết đang nhận được nhiều đặt đặt hàng về máy đào đất được lập trình máy tính sử dụng hệ thống định vị toàn cầu, có thể đào đất có độ chính xác từng centimet và giảm một nửa thời gian làm việc.
Trong khi các công ty cỡ vừa đang hướng tới tăng cường tự động hóa, thì các công ty nhỏ hơn giải quyết tình trạng thiếu lao động bằng cách trả thêm lương cho nhân việc hoặc chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài.
Trong bối cảnh dân số lão hóa ngày càng tăng, các công ty Nhật Bản sẽ cần tiếp tục tìm ra những giải pháp đối phó với tình trạng thiếu lao động.
Dân số trong độ tuổi lao động ở Nhật Bản lên mức đỉnh điểm là 87 triệu người vào năm 1995 và từ đó liên tục giảm. Chính phủ Nhật Bản ước tính lực lượng này sẽ giảm xuống còn 76 triệu người vào năm 2017 và còn 45 triệu người vào năm 2065.
Cách thức Nhật Bản đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động sẽ là bài học quan trọng đối với các nước sắp lâm vào tình cảnh tương tự trong những năm tới là Trung Quốc và Hàn Quốc.(TTXVN)
--------------------------
Hàng Thái đang 'giành' thị trường người tiêu dùng Việt
Giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, chất lượng cao được xem là ưu thế cạnh tranh của hàng Thái so với hàng Việt cùng chủng loại trên thị trường hiện nay.
Theo đó, hàng Thái Lan đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các cửa hàng, siêu thị ở các thành phố lớn trên cả nước.
Theo Cục Thống kê của TP Hồ Chí Minh, lượng hàng hóa từ Thái Lan nhập vào TP Hồ Chí Minh ngày càng tăng, năm 2016 tăng khoảng 20 - 30% so với 2015. Hàng hóa nhập về chủ yếu là thực phẩm, đồ uống đóng gói sẵn, thời trang, đồ gia dụng, phụ tùng ô tô xe máy, mỹ phẩm…
Không chỉ chinh phục khách hàng Việt bằng chất lượng, hàng Thái Lan còn chinh phục người mua hàng bằng mẫu mã, màu sắc, bao bì có hình dáng độc đáo, lạ mắt.
Tại triển lãm những thương hiệu hàng đầu Thái Lan năm 2017 vừa diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn, các gian hàng Thái Lan luôn tấp nập người mua, người bán. Theo đó, từ ngày 13 - 14/5, ban tổ chức đã đón khoảng 20.000 lượt khách tham quan, mua sắm.
Bà Pitinun Samanvorawong, Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại TP Hồ Chí Minh, cho biết hàng Thái Lan đã xuất hiện ngày càng nhiều tại các cửa hàng, siêu thị tại ở các thành phố lớn tại Việt Nam. Sở dĩ hàng Thái được người tiêu dùng Việt ưu chuộng là do giá cả phải chăng, mẫu mã, chất lượng hàng hóa đảm bảo. Các nhà sản xuất Thái Lan luôn nỗ lực sản xuất ra những hàng hóa có chất lượng để phục vụ tốt nhất yêu cầu của người tiêu dùng.
Ông Lê Ngọc Trung, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Công Thương, cho biết quan hệ thương mại Việt Nam – Thái Lan có nhiều điều kiện phát triển thuận lợi trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược từ 2013. Tính đến tháng 3, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Thái Lan đạt 3,2 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ 2016.
“Để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh được với hàng Thái Lan, trước tiên hàng Việt Nam cần nâng cao chất lượng và mẫu mã hàng hóa bởi hàng Thái Lan họ mạnh về chất lượng và đa dạng mẫu mã. Ngoài ra, hàng Thái nhập về Việt Nam nhiều là do có hệ thống phân phối mạnh mẽ từ Thái Lan, do đó doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối.
Đối với các nhà quản lý cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng hàng Việt. Tăng cường xúc tiến thương mại thị trường nội địa tại các khu vực miền núi, biên giới và hải đảo… tăng cường chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa”, ông Trung cho biết thêm.
Theo các chuyên gia, hàng hoá của các doanh nghiệp Việt hiện không thua kém doanh nghiệp nước ngoài, thế nhưng từ những gì mà hàng Thái đang làm ở thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước có thể học tập kinh nghiệm, cách thức, cải tiến chất lượng hàng hoá để có thể mở rộng thị trường, cạnh tranh với hàng nhập ngoại.(Baotintuc)