Tổng thống Vladimir Putin quan tâm đến loại tiền ảo là đối thủ của bitcoin; Tesla lọt top 500 doanh nghiệp lớn nhất Mỹ; Chợ Kim Biên mới sẽ được đấu thầu chọn chủ đầu tư, không giao cho Tuần Châu; Ngân hàng ở Tây Ban Nha "bán mình" với giá...1 euro
Tin kinh tế đọc nhanh 15-05-2017
- Cập nhật : 15/05/2017
Nghệ An đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nghệ An đang hỗ trợ, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đã thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.
Tỉnh Nghệ An đang hỗ trợ, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm đã thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, như: Dự án VSIP Nghệ An, Trạm nghiền và Cảng của nhà máy xi măng Sông Lam tại xã Nghi Thiết, Tôn Hoa Sen - giai đoạn 2, Vingroup (tại Cửa Hội), hạ tầng Khu D- Khu công nghiệp Nam Cấm, Bến cảng số 5, 6 Cảng Cửa Lò, Tổng kho xăng dầu DKC, Nhiệt điện Quỳnh Lập I, Nhà máy Tôn Hoa Sen 2, các nhà máy xi măng (Sông Lam, Tân Thắng, Hoàng Mai II...)...
Đây là những dự án đầu tư lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, khi hoàn thành đưa vào sử dụng không những giải quyết việc làm cho nhiều lao động mà còn tăng thu ngân sách, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương.
Theo đó, tỉnh rà soát, tập trung đôn đốc tiến độ triển khai các dự án ngay từ đầu và tích cực phối hợp với nhà đầu tư để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang có nhiều dự án gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, thu hút lao động... Khi nhà đầu tư gặp khó khăn, tỉnh Nghệ An yêu cầu ngay các ngành, như kế hoạch đầu tư, công nghiệp, xây dựng, tài nguyên môi trường, tài chính và các địa phương vào cuộc, tập trung tháo gỡ. Có những dự án, đích thân lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp kiểm tra, giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Với cách làm này, trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án đã được giải quyết kịp thời những khó khăn, tiến độ được đảm bảo theo kế hoạch đề ra.
Cùng với việc hỗ trợ, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, tỉnh Nghệ An cũng coi trọng xúc tiến đầu tư. Tỉnh tổ chức đoàn công tác tỉnh phối hợp với Công ty TNHH VSIP Nghệ An trực tiếp tham gia các hội thảo xúc tiến đầu tư để kêu gọi, xúc tiến các doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An đến với các bạn bè quốc tế; tổ chức các buổi làm việc với các đối tác đến từ Mỹ, Hà Lan, Ba Lan, Hàn Quốc về tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại Nghệ An trong lĩnh vực sản xuất ô tô điện, chế biến nước hoa quả đóng hộp, may mặc…
Nghệ An là địa phương có nhiều tiềm năng để kêu gọi đầu tư, đặc biệt là trên các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến đá, du lịch... Tuy nhiên, hiện nay, việc thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh còn hạn chế.
Nguyên nhân chính là do địa phương nằm xa các trung tâm lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh); lao động tại địa phương chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ hạn chế, thiếu lao động có trình độ chuyên môn cao. Mặt khác, nguồn nguyên liệu tuy dồi dào, nhưng phát triển và khai thác đang tồn tại nhiều bất cập, có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khi thu mua nguyên liệu...
Khắc phục tình trạng trên, để thu hút tốt các dự án đầu tư, tỉnh Nghệ An định hướng cụ thể các ngành nghề cần khuyến khích thu hút; xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung; nâng cao chất lượng đội ngũ lao động tại địa phương.
Hiện tỉnh đã quy hoạch xong các vùng trồng cây dược liệu, mía, sắn, sản xuất xi măng, đá trắng... và đang khuyến khích, tạo điều kiện để các nhà đầu tư đến địa phương tìm hiểu, thực hiện các dự án đầu tư gắn phát triển vùng nguyên liệu với thu mua, chế biến.(TTXVN)
-----------------------------------
Hé lộ kế hoạch thâu tóm Đường Biên Hòa của ông Đặng Văn Thành
Mọi câu hỏi về thương vụ M&A lớn nhất ngành mía đường đã dần sáng tỏ khi CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) đã công bố chương trình ĐHĐCĐ bất thường lấy ý kiến cổ đông về việc sáp nhập giữa SBT và Đường Biên Hòa (BHS).
Tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1 cổ phiếu BHS cho 1,02 cổ phiếu SBT, hay cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu BHS sẽ được nhận 102 cổ phiếu SBT. Tổng số cổ phiếu BHS đang lưu hành hiện là 197.874.449 cổ phiếu. Theo đó, SBT sẽ phát hành 303.831.937 cổ phiếu mới. Sau đó, SBT sẽ sở hữu 100% cổ phần của BHS, sau đó BHS sẽ chuyển từ CTCP sang Công ty TNHH Một thành viên trực thuộc SBT. Thị trường đã chờ đợi khá lâu đối với thông tin này và cũng đã có những tín hiệu báo trước vể tỷ lệ hoán đổi này.
Sau sáp nhập, tổng số cổ phiếu SBT đang lưu hành sẽ tăng từ 253.188.268 cổ phiếu lên 557.020.205 cổ phiếu và sẽ là doanh nghiệp dẫn đầu ngành mía đường Việt Nam. Tổng diện tích trồng mía của BHS và SBT là 44.500 ha (lần lượt là 21.500ha và 23.000 ha). Trong vụ 2015/2016, tổng sản lượng đường chế biến là 481.500 tấn. Trong đó, sản lượng của BHS là 250.000 tấn và của SBT là 231.500 tấn. Tổng sản lượng đường tiêu thụ là 486.671 tấn, lần lượt là 241.432 tấn và 245.239 tấn cho BHS và SBT. Công ty sau sáp nhập sẽ đóng góp khoảng 30% thị phần đường trong nước.
Hiện tại SBT sở hữu 100% cổ phần của Đường Thành Thành Công Gia Lai; 30,54% cổ phần của Đường Nước Trong và 39,23% cổ phần của Đường Tây Ninh. Trong khi đó BHS sở hữu 100% cổ phần Đường Biên Hòa – Ninh Hòa; 94,51% cổ phần Đường Phan Rang; 43,2% cổ phần Đường Tây Ninh và 13,08% cổ phần Đường Sơn Dương.
Đáng chú ý, Thành Thành Công đã mua lại mảng đường của Hoàng Anh Gia Lai, bao gồm một nhà máy đường với công xuất ép 1.050.000 tấn mía mỗi năm và diện tích trồng mía là 6.000 ha ngay cạnh nhà máy.
Cả BHS và SBT đều là 2 doanh nghiệp mía đường có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán đồng thời là 2 công ty mía đường chủ chốt của Tập đoàn Thành Thành Công do ông Đặng Văn Thành làm chủ tịch. Tập đoàn Thành Thành Công đã rất tích cực dẫn dắt quá trình tái cơ cấu ngành mía đường những năm gần đây, việc sáp nhập SBT với BHS sẽ là bước đi hợp lý tiếp theo trong chiến lược hiện tại của tập đoàn. (Infonet)
-------------------------
Ngân hàng do Trung Quốc hậu thuẫn kết nạp 7 thành viên mới
Ngày 13-5, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Chile Michelle Bachelet, chủ tịch Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) Kim Lập Quần (Jin Liqun) đã công bố quyết định kết nạp thêm 7 thành viên mới.
Sự gia nhập của Bahrain, Bolivia, Chile, Síp, Hi Lạp, Romania và Samoa đã nâng tổng số quốc gia thành viên của AIIB - một thiết chế do Trung Quốc sáng lập lên con số 77.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 tháng kể từ tháng 3, AIIB đã liên tục kết nạp tổng cộng thêm 13 thành viên mới, bao gồm cả Canada, quốc gia láng giềng của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục đứng ngoài sáng kiến này.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 13-5, ông Kim Lập Quần nhấn mạnh: "Mạng lưới cơ sở hạ tầng tốt chạy khắp châu Á sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa Chile tiến vào thị trường mới. Ngược lại, cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt ở Chile sẽ gắn kết hai châu lục lớn của thế giới là châu Á và châu Mỹ".
Đáp lại, nữ tổng thống Chile bày tỏ sự tin tưởng về sự liên kết của hai châu lục trong tương lai, đề cập đến ý tưởng xây dựng tuyến cáp quang xuyên Thái Bình Dương để cải thiện mạng lưới kết nối châu Á và châu Mỹ.
"Có thể xem tuyến cáp quang là một phần của Sáng kiến vành đai, con đường; biến Thái Bình Dương trở thành cầu nối cho các khu vực giữa hai châu lục", Reuters dẫn lời bà Bachelet.
Nhà lãnh đạo Chile cũng tiết lộ những dự án khác cũng nằm trong sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng bao gồm xây dựng một loạt các đường hầm và đường cao tốc xuyên dãy núi Andes, hay các cảng biển liên kết Nam Mỹ và châu Á.
Theo ông Kim Lập Quần, sự mở rộng của AIIB trong vòng 3 năm qua từ mức chỉ có 20 nước ban đầu kí bản ghi nhớ thành lập đến sự mở rộng "từ châu Phi đến châu Âu rồi sang Nam Mỹ" đã cho thấy tầm vóc và sứ mệnh cam kết toàn cầu của ngân hàng.
AIIB được xem là đối thủ cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới do Mỹ hậu thuẫn và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) do Nhật Bản khởi xướng.
Tuy nhiên, phát biểu trong hội nghị thường niên của ADB mới đây ở Nhật Bản, người đứng đầu ADB đã thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác với thiết chế tài chính của Trung Quốc hơn là cạnh tranh.
Cũng bên lề hội nghị đó, Trung Quốc và Nhật Bản - hai cường quốc kinh tế số 2 và số 3 của thế giới cũng đã "bắt tay" nhau tổ chức đối thoại, thảo luận về tương lai của nền kinh tế châu Á trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nhen nhóm.
Bản đồ kết nối giao thương trên đất liền và trên biển theo sáng kiến Vành đai - con đường của Trung Quốc.
Ngày mai (14-5), 29 nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới sẽ tham dự thượng đỉnh "Vành đai, con đường" tại Trung Quốc. Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15-5, quy tụ nhiều lãnh đạo và đoàn đại biểu các nước trên thế giới, bao gồm cả đoàn đại biểu Mỹ và Triều Tiên, theo Reuters.
Hội nghị được coi là dịp để Trung Quốc thúc đẩy tầm nhìn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tương lai mở rộng mối quan hệ giữa châu Á , châu Phi và châu Âu với hàng trăm tỷ USD được đổ vào cơ sở hạ tầng.(Tuoitre)
-----------------------------------
Đại gia Nga đạt dàn xếp “bất ngờ” với chính phủ Mỹ
Một nhóm công ty Nga đã đồng ý trả gần 6 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc dân sự của chính phủ Mỹ liên quan đến vụ rửa 230 triệu USD tiền tham nhũng, Reuters đưa tin ngày 14-5.
Các công tố viên liên bang ở New York đêm 12-5 (giờ địa phương) thông báo chính phủ Mỹ và doanh nhân Nga Denis Katsyv, người sở hữu Công ty Prevezon Holdings, bất ngờ đạt được thỏa thuận dàn xếp 1 tuần trước ngày tòa án xét xử.
Trong một tuyên bố, Prevezon đã mô tả vụ dàn xếp là một thắng lợi, nói rằng thỏa thuận đạt được mà công ty này không cần thừa nhận hành vi phạm tội. Cũng theo Prevezon, số tiền dàn xếp 6 triệu USD ít hơn 3% số tiền mà chính phủ Mỹ ban đầu yêu cầu phía Prevezon trả lại.
Chưởng lý quận Manhattan (Mỹ) Joon Kim cũng tuyên bố dàn xếp đạt được là một thắng lợi. Ảnh: New York Post
Giới chức trách Mỹ trước đó tuyên bố sẽ tịch thu hơn 20 triệu USD được phía Prevezon cất giấu tại các căn hộ cao cấp ở quận Manhattan, New York – Mỹ, trong tài khoản ngân hàng và các công ty liên quan khác. Các công tố viên Mỹ khẳng định phía Prevezon sử dụng những địa điểm này để rửa tiền tham nhũng của các quan chức thuế Nga.
Theo dàn xếp mới đây, không có công ty nào trong số này thừa nhận hành vi sai trái. Dàn xếp mới chấm dứt một vụ việc mài mòn niềm tin giữa Moscow và Washington ở nhiều mặt, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế và cáo buộc tham nhũng chính trị.
Giới chức trách Mỹ tiết lộ các cáo buộc tham nhũng và rửa tiền chống lại phía Prevezon xuất phát từ ông Sergei Magnitsky - kế toán người Nga của Công ty đầu tư Hermitage Capital.
Sau khi cáo buộc các quan chức thuế Nga tham nhũng 230 triệu USD, ông Magnitsky đã bị bắt với cáo buộc trốn thuế và qua đời trong tù một năm sau đó, theo công tố viên Mỹ.
Hội đồng nhân quyền Nga sau đó phát hiện ông Magnitsky nhiều khả năng qua đời do bị cai ngục đánh đập và không được chăm sóc y tế. Giới chức trách Nga khẳng định ông Magnitsky qua đời do bệnh tim chứ không phải do bị "trả thù".(NLĐ)