Danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập; Phát hiện đường dây nhập cá bơm tạp chất từ Trung Quốc; China Eximbank giải ngân 18,25 triệu USD cho dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông;Cá tra thương phẩm phải đáp ứng 4 điều kiện
Tin kinh tế đọc nhanh tối 16-05-2017
- Cập nhật : 16/05/2017
Tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch với thị trường Séc
Ngày 15/5, tại Hà Nội, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội đã tổ chức hội thảo cung cấp thông tin về thị trường Séc.
Tham tám kinh tế đại sứ quán Séc giới thiệu về thị trường Séc và cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, hội thảo nhằm cung cấp thông tin thị trường Séc cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các tổ chức quan tâm đến kinh doanh và đầu tư với Séc; đặc biệt chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thổng Séc và 50 doanh nghiệp đến Hà Nội ngày 6/6/2017.
Hiện nền kinh tế của Việt Nam và Séc đang phát triển với nhịp độ cao và cùng hội nhập sâu vào nền kinh tế giới và khu vực. Điều đó đã tạo cơ hội thuận lợi cho phát triển hợp tác song phường về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa 2 nước. “Tuy vậy, kết quả hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của mỗi nước”, ông Nguyễn Ngọc Tú cho biết.
Tính đến cuối năm 2016, có 36 doanh nghiệp của Séc đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn hơn 108 triệu USD, xếp thứ 40 trong hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về phía Việt Nam có 4 dự án nhỏ đầu tư sang Séc với tổng vốn đăng ký khoảng 5 triệu USD.
Năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Séc đạt gần 250 triệu USD. Hiện nay, Séc là một trong những bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam khu vực Trung và Đông Âu. Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Séc vẫn là giầy dép, hàng may mặc, thủy hải sản, máy công nghiệp, phụ tùng máy và thiết bị điện. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Séc chủ yếu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng và sản phẩm từ sắt thép…
Theo ông David Jarkisch, tham tán kinh tế Đại sứ quán Séc tại Việt Nam, du lịch cũng là thế mạnh của Séc với lượng khách hàng năm khoảng 10 triệu lượt khách. Thủ đô Praha thường là lựa chọn hàng đầu của du khách với nhiều công trình văn hóa, lịch sử nổi tiếng.
Cả hai nước có cơ hội hợp tác phát triển du lịch, khai thác hiệu quả hai chiều về tiềm năng thế mạnh các khu du lịch – nghỉ dưỡng biển của Việt Nam và du lịch – nghỉ dưỡng suối khoáng của Séc.
Tại hội thảo, Trung tâm xúc tiến Đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội cũng giới thiệu các chương trình xúc tiến của thành phố Hà Nội năm 2017, các chương trình của Đại sứ quán Séc trong năm 2017 - 2018 liên quan đến đầu tư, thương mại, du lịch. Đặc biệt là tại diễn đàn doanh nghiệp Việt – Séc ngày 6/6/2017 tổ chức ở Hà Nội, các doanh nghiệp có thể gặp gỡ, giao thương với các doanh nhân đến từ Séc.(Baotintuc)
----------------------------------------
Việt Nam khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khi năng suất giảm
Năng suất là nền tảng của GDP, do đó tốc độ tăng trưởng năng suất cao thì tốc độ tăng trưởng GDP cao. Con đường tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Việt Nam về dài hạn là phải có giải pháp để cải thiện tốc độ tăng trưởng năng suất, vốn đang có xu hướng giảm.
Đây là vấn đề được đặt ra tại Tọa đàm "Đánh giá kinh tế Việt Nam 4 tháng đầu năm - Nhận định các chính sách nổi bật của Chính phủ", do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Đại học Fulbright, tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, chiều 15/5.
Đánh giá mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2017, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu, Đại học Fulbright, cho rằng, muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% và kiểm soát lạm phát 4% như đã đề ra từ đầu năm 2017, trong ba quý còn lại của năm nay, nền kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng trên 7%. Điều này là khó thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại và phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Liên quan đến chiến lược bù đắp GDP, một số chuyên gia phân tích, trong ngắn hạn, muốn tăng trưởng GDP thì có thể tăng "bơm dầu", "bơm tiền", tức là đẩy mạnh khai thác khoáng sản để xuất khẩu hay tăng cung tiền cho nền kinh tế. Tuy nhiên, những giải pháp này không mang lại hiệu quả cao mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tổn thương đến nền kinh tế và bất ổn về kinh tế vĩ mô.
Đánh giá về tác động của GDP tăng trưởng thấp trong 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam đang có những khiếm khuyết cơ bản về năng lực cạnh tranh; đồng thời, GDP giảm không thuần túy về mức tăng trưởng, mà đằng sau là những năng lực cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam chưa được cải thiện hiệu quả.
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2017 của Chính phủ, kinh tế vĩ mô ổn định và có nhiều diểm sáng như chỉ số giá tiêu dùng không tăng, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, sản xuất công nghiệp tăng 7,4% và cao hơn 4,2% của quý I. Bên cạnh đó, lĩnh vực xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh 15,4% và tập trung các nhóm hàng công nghiệp chế biến, nông sản... Về vốn FDI đăng ký mới, góp cổ phần và đăng ký bổ sung tăng mạnh, đạt 10,6 tỷ USD, tăng 40,5%. Số lượng các doanh nghiệp thành lập mới cũng tăng cao, với gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký mới đạt tổng số vốn đăng ký mới và bổ sung là 825.000 tỷ đồng.(TTXVN)
-------------------------
Kinh tế Trung Quốc duy trì xu thế tăng trưởng trong ổn định
Ngày 15/5, người phát ngôn Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết trong tháng 4/2017, lĩnh vực sản xuất của nước này tăng trưởng ổn định, nhu cầu thị trường không ngừng gia tăng, nền kinh tế tiếp tục duy trì xu thế tiến lên trong ổn định.
Theo thống kê, ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng 6,5%, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 1,1% so với mức tăng của tháng trước; chỉ số của ngành dịch vụ tăng 8,1%, giảm 0,2% so với mức tăng của tháng trước. Bên cạnh đó, đầu tư và tiêu dùng cũng duy trì mức ổn định.
Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia, từ tháng 1 – tháng 4/2017, mức đầu tư tài sản cố định trên toàn quốc tăng 8,9% so với cùng kỳ, giảm 0,3% so với mức tăng từ tháng 1 đến tháng 3. Trong đó, đầu tư trong nhân dân tăng 6,9% so với cùng kỳ, chiếm 61% trong tổng đầu tư.
Đối với lĩnh vực bất động sản, từ tháng 1 – tháng 4/2017, đầu tư phát triển bất động sản trên toàn quốc tăng 9,3% so với cùng kỳ, tăng 0,2% so với mức tăng từ tháng 1 đến tháng 3. Diện tích tiêu thụ nhà ở thương mại trên toàn quốc là 416,5 triệu m2, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 4, diện tích nhà ở thương mại tồn kho trên toàn quốc là 674,6 triệu m2, giảm 13,4 triệu m2so với cuối tháng 3.
Về tiêu dùng, theo thống kê, tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng trong xã hội tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 0,2% so với mức tăng của tháng trước.
Người phát ngôn Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đánh giá các nhân tố tích cực của nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục gia tăng, nhưng môi trường trong và ngoài nước vẫn phức tạp, khó lường.(TTXVN)
---------------------------
Dự báo CPI năm 2017 ở dưới mức 4%
Theo báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5 do MerketIntello vừa công bố, đẩy mạnh đầu tư từ khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là thách thức lớn nhất để vực dậy nền kinh tế VN trong phần còn lại của năm.
Chính phủ đã có những thúc giục nhất định về việc giải ngân vốn từ nguồn ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh cho khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, cho đến tháng 4, tốc độ giải ngân nguồn đầu tư từ ngân sách diễn ra chậm hơn so với kế hoạch. Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách chỉ đạt 3,4% trong tháng 4. Theo Bộ Tài chính, tính tới ngày 17.4, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công qua Kho bạc Nhà nước là 14,3% kế hoạch, giải ngân vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia mới chỉ có 4,3% kế hoạch. Bên cạnh đó, các kế hoạch tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước đang bị chững lại, khiến cho động lực thu hút vốn từ khu vực kinh tế tư nhân bị giảm dần.
Về tổng thể, MarketIntello giữ nguyên dự báo về tăng trưởng kinh tế ở mức 6,1% trong năm 2017 do không có thêm tín hiệu làm thay đổi kỳ vọng tăng trưởng. Tuy nhiên, các chuyên gia hạ mạnh dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) xuống mức dưới 4% do một số nguyên nhân. Thứ nhất CPI thực tế trong 4 tháng đầu năm tăng thấp, khiến cho xu hướng tăng CPI dài hạn đã chính thức đảo chiều đi xuống. Thứ hai, tiêu dùng trong nước không có nhiều cải thiện trong khi giá các mặt hàng cơ bản, đặc biệt là dầu thô, không tăng. Thứ ba, dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách điều hành tiền tệ theo hướng thận trọng để bảo vệ tiền VND không bị mất giá quá nhiều so với USD. Do CPI được kỳ vọng giảm nên kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động cũng sẽ giảm theo.
Theo đó, các mức dự báo cụ thể như sau: Tăng trưởng kinh tế của VN năm 2017 kỳ vọng đạt mức 6,1%. Nông nghiệp được kỳ vọng sẽ hồi phục nhẹ nhưng công nghiệp khai khoáng suy giảm sẽ khiến tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể. Khả năng tăng giá điện có thể đẩy lạm phát lên cao từ quý 3, nhưng mức cầu nội địa yếu sẽ giúp lạm phát được kiềm chế ở mức khoảng 3,8% trong mục tiêu của Quốc hội.(Thanhnien)