tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 17-05-2017

  • Cập nhật : 17/05/2017

Nhiều chaebol xứ Hàn vẫn lãi lớn bất chấp khủng hoảng chính trị

Quý 1/2017, Hàn Quốc có 9 công ty báo lãi nghìn tỷ Won (khoảng 879 triệu USD). Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, chỉ có 4 công ty trong nhóm này.



Các công ty này gồm Samsung Electronics, SK hynix, POSCO, tập đoàn tài chính Shinhan, Hyundai Motor, LG Display, SK Innovation, Korea Electric Power Corp. (KEPCO), và SK C&C.

"Thông thường, quý đầu tiên của năm là thời điểm kinh doanh chững lại”, Lee Sang-hoon, cựu chuyên gia phân tích tại Daishin Securities, cho biết. "Tuy vậy, 9 công ty này vẫn báo lợi nhuận hoạt động trên một nghìn tỷ trong quý đầu tiên, điều này hứa hẹn một năm ăn nên làm ra của họ”.

Kết quả kinh doanh của các công ty hàng đầu của kinh tế Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh kinh tế - chính trị nước này đang có những biến động lớn.

Mới đây, ông Moon Jae-in đắc cử trở thành tân tổng thống của nước này với nhiệm vụ vực dậy một đất nước vừa trải qua cuộc khủng hoảng chính trị gây chấn động tới gốc rễ của toàn bộ hệ thống chính trị và doanh nghiệp. Ông Moon cam kết sẽ giảm ảnh hưởng chính trị của các chaebol - tên gọi của các tập đoàn gia đình quy mô lớn đã thống trị nền kinh tế Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ - như Samsung, SK.

Samsung Electronics, từ lâu đã nắm trong nhóm công ty lãi nghìn tỷ Won, báo cáo lợi nhuận hoạt động trong quý đầu năm 2017 là 9,89 nghìn tỷ Won, mức cao nhất kể từ quý 3/2013.

Điều đó cho thấy những vấn đề gần đây của tập đoàn như tình hình sức khỏe của chủ tịch Lee Kun-hee hay việc người thừa kế, Phó chủ tịch Lee Jae-yong bị bắt, không mấy tác động tới tình hình kinh doanh của gã khổng lồ này.

Được gọi là “Thái tử Samsung”, Lee Jae-yong bị bắt vì cáo buộc hối lộ liên quan tới bê bối chính trị dẫn tới việc cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất.

Theo Korean Business Times, kết quả ấn tượng của Samsung có được nhờ sự bùng nổ của thị trường chíp nhớ.

Trong khi đó, hãng sản xuất màn hình LG Display là công ty có tăng trưởng lợi nhuận lớn nhất trong 9 công ty. Quý đầu 2017, hãng này báo lãi 1,02 nghìn tỷ Won, tăng vọt từ 39,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

SK Innovation ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ trong mảng kinh doanh hóa chất với lợi nhuận hoạt động 1 nghìn tỷ Won trong quý, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2011 lợi nhuận quý của hãng này chạm ngưỡng nghìn tỷ. Theo giới phân tích, những khoản đầu tư khôn ngoan vào mảng hóa chất và dầu bôi trơn của hãng này đã bắt đầu mang lại hiệu quả.

Trong năm năm qua, SK Innovation đã đầu tư gần 5 nghìn tỷ Won vào mảng này, trong đó gồm có 1,6 nghìn tỷ Won cho cơ sở sản xuất tại Incheon, 1,2 nghìn tỷ Won cho liên doanh hóa dầu tại Trung Quốc và 480 tỷ Won cho cơ sở sản xuất dầu sơn tại Ulsan.

Trong số lợi nhuận một nghìn tỷ Won của hãng này có tới 454,7 tỷ Won đến từ cơ sở sản xuất mới đầu tư tại Incheon.

Còn Tập đoàn tài chính Shinhan ghi nhận lợi nhuận hoạt động quý đầu năm đạt 1,29 nghìn tỷ Won, lợi nhuận ròng là 997,1 tỷ Won.

Kết quả này khiến nhiều người bất ngờ bởi trong quý, đơn vị đầu tàu của tập đoàn này là Ngân hàng Shinhan báo lợi nhuận ròng giảm 7% xuống 523,5 tỷ Won.

Tuy vậy, các đơn vị kinh doanh khác gồm Công ty thẻ Shinhan Card, Công ty đầu tư Shinhan Investment Corp. lại có tăng trưởng lợi nhuận tăng vọt. Cụ thể, Shinhan Card đạt lợi nhuận 410,8 tỷ Won, tăng 170% so với cùng kỳ năm trước, còn Shinhan Investment Corp. lãi 46 tỷ Won, tăng 111% so với quý đầu năm ngoái.

Trong quý 1/2017, lợi nhuận của hãng sản xuất xe lớn nhất Hàn Quốc Hyundai Motor giảm từ 1,34 nghìn tỷ xuống còn 1,25 nghìn tỷ Won, tương đương mức giảm 6,8%.

Kết quả này một phần do thua lỗ tại thị trường Trung Quốc, nơi các hãng xe của Hàn Quốc bị tẩy chay - phản ứng của chính quyền Bắc Kinh trước việc Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa trên đất của Hàn Quốc.

Trong tháng 3, Hyundai Motor và công ty con Kia Motors chỉ bán được 72.032 xe tại Trung Quốc, giảm 52,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số tháng 4 của hai hãng này cũng không khả quan hơn khi Hyundai Motor chỉ bán được hơn 35.000 xe, giảm 64%, Kia Motors chỉ bán được hơn 16.000 chiếc, giảm 68%.

Tuy vậy, hãng này kỳ vọng sẽ sớm vực dậy trong tương lai không xa với công nghệ và thương hiệu của mình.

Hãng điện lực lớn nhất Hàn Quốc KEPCO cũng ghi nhận lợi nhuận giảm tốc trong quý đầu 2017. Lợi nhuận hoạt động của hãng này đạt 2,46 nghìn tỷ Won, giảm mạnh so với con số 3,61 nghìn tỷ Won cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này một phần do giá điện giảm và giá khí gas hóa lỏng tăng.

Ngoài ra, hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân của hãng nãy cũng bị thu hẹp do chính sách của chính phủ và dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

Công ty cuối cùng trong nhóm này là hãng dịch vụ công nghệ thông tin SK C&C với lợi nhuận hoạt động 1,5 nghìn tỷ Won.(VNeconomy)
--------------------------------

Nguyên chủ tịch Thuỷ sản Việt Nhật bị tố chiếm đoạt 155 tỷ đồng

Hàng loạt hành vi sai phạm của nguyên Chủ tịch HĐQT Thuỷ sản Việt Nhật như làm giả chứng tờ, lập hợp đồng khống với đối tác… kéo dài trong 6 năm qua đã gây thất thoát cả trăm tỷ.

Theo Nghị quyết Đại hội cổ đông thường niên vừa được Công ty cổ phần Thuỷ hải sản Việt Nhật (mã CK: VNH) công bố, doanh nghiệp này thống nhất không thông qua báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 vì các số liệu thống kê về hoạt động kinh doanh đã bị làm giả, lập khống nhằm mục đích đối trừ nợ.

Báo cáo kiểm toán này được lập bởi Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam. Đại diện kiểm toán cho biết, báo cáo tài chính phản ánh trung thực và hợp lý các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính, lưu chuyển tiền tệ và kết quả sản xuất kinh doanh cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2016. Tuy nhiên, vấn đề cần nhấn mạnh là trong năm qua, công ty tiến hành thanh lý hầu như toàn bộ tài sản nhằm thanh toán các khoản nợ gốc, vay lãi tại ngân hàng làm gia tăng sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Sau khi báo cáo tài chính này được công bố, hàng loạt nhân sự chủ chốt trong ban lãnh đạo đã nộp đơn xin từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị vì lý do cá nhân, sức khoẻ… Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM cũng ra quyết định huỷ niêm yết toàn bộ cổ phiếu VNH do doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ liên tiếp trong 3 năm.

Sau đó không lâu, công ty chuyển qua niêm yết trên sàn UPCoM và tổ chức đại hội cổ đông bất thường nhằm bầu bổ sung nhân sự, lập phương án rà soát hoạt động kinh doanh.

Theo kết quả tra soát tài chính giai đoạn từ 2010 đến 2016 do Công ty TNHH Kiểm toán PKF Việt Nam thực hiện, ông Nguyễn Văn Nhựt - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty và vợ là ba Trần Thị Thuý đã lập giả các chứng từ, hợp đồng nhằm chiếm đoạt hơn 155 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2010, Công ty TNHH Đồ hộp Phú Nhật (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Đồ hộp Tấn Phát) nhận ứng vốn 65 tỷ đồng, số tiền này được thể hiện trên sổ sách kế toán. Theo đó, Đồ hộp Tấn Phát lập giả 24 phiếu thu, mỗi phiếu trị giá 1 tỷ do ông Nguyễn Văn Triển (Giám đốc, đồng thời là con trai ông Nhựt) nộp tiền và bà Trần Thị Thuý là người đại diện ký nhận. Nhưng thực tế kiểm kê không có khoản tiền 24 tỷ đồng nhập vào quỹ công ty và số tiền 41 tỷ còn lại cũng không có tài liệu chứng minh hoàn trả như cam kết.

“Năm 2014, Đồ hộp Tấn Pháp lợi dụng hợp thức các chứng từ kế toán để khấu trừ nợ và chiếm đoạt 2 chiếc xe Inova 7 chỗ và Fortuner 8 chỗ. Từ 2013 đến năm 2016, hai bên tiếp tục lập giả các chứng từ để thể hiện Thuỷ sản Việt Nhật phải trả phí gia công, phí lưu kho ước tính 14 tỷ đồng”, văn bản mới công bố nêu rõ.

Kết quả tra soát cũng khẳng định vị nguyên Chủ tịch HĐQT công ty vi phạm Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty về việc thanh lý tàu đánh cá để trục lợi cá nhân hơn 1,8 tỷ đồng, tự ý định giá tài sản góp vốn gồm đất và nhà nhằm đoạt khoản tiền dư là 5,7 tỷ đồng so với giá trị thực tế.

Chưa dừng lại ở đó, năm 2014, doanh nghiệp này đã nhập khống 319 tấn cá để rút số tiền 20,5 tỷ đồng, lập khống giá trị hàng tồn kho và báo lỗ 35 tỷ đồng… Mới đây, đại diện ban lãnh đạo công ty cho biết, khi xuất bán số lượng cá nguyên liệu tồn kho này, vì chất lượng giảm và hao hụt nhiều trong gia công nên gây thiệt hại gần 16,6 tỷ đồng. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến hoạt động kinh doanh trong năm qua kém khả quan.

“Đại hội đồng cổ đông thông qua việc uỷ quyền cho HĐQT kiến nghị Uỷ ban Chứng khoán nhà nước thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra các báo cáo tài chính từ năm 2010 đến năm 2016 để làm rõ hoạt động kinh doanh của HĐQT và Ban giám đốc cũ vì có dấu hiệu tham ô, chiếm đoạt tài sản để thu hồi tổng số tiền bị chiếm đoạt là 155 tỷ đồng và 2 chiếc ôtô của công ty”, ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch HĐQT mới được bổ nhiệm chia sẻ về phương án xử lý thất thoát.

Công ty cổ phần Thủy sản Việt Nhật thành lập năm 2002, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và mua bán thủy hải sản, thực phẩm chế biến. Sản phẩm của công ty tập trung vào các mặt hàng cua ghẹ, mực, tôm giá trị cao để xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản… Công ty vừa thông qua tờ trình đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nhật, đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm nay lần lượt đạt 200 tỷ đồng và 60 tỷ đồng. (Vnexpress)
-------------------

Đại diện Thương mại Mỹ sẽ họp bộ trưởng APEC tại Việt Nam

Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer ngày 15/5 cho biết Đại diện Thương mại mới của Mỹ Robert Lighthizer sẽ tham dự cuộc họp bộ trưởng thương mại của các quốc gia thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tuần tới tại Việt Nam.

dai dien thuong mai my robert lighthizer trong mot su kien o washington, dc ngay 14/3. anh: afp/ttxvn

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong một sự kiện ở Washington, DC ngày 14/3. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc họp giữa các bộ trưởng thương mại APEC dự kiến diễn ra vào hai ngày 20-21/5 tại Hà Nội, ông Lighthzier sẽ gặp nhiều người đồng cấp của các bên tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định này, các quốc gia thành viên còn lại hiện đang nỗ lực tìm cách thúc đẩy TPP.

Bên cạnh đó, Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ và là một thành viên của APEC -cũng đang tạo cơ hội cho ông Lighthizer có một cuộc gặp với người đồng cấp đến từ Bắc Kinh, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đang nỗ lực cắt giảm thâm hụt thương mại trong giao thương với Trung Quốc. 

Ngoài ra, người phát ngôn Spicer cho biết ông Lighthzier sẽ gặp giới chức các ủy ban quan trọng liên quan đến thương mại của Quốc hội Mỹ trong tuần này. Những cuộc gặp trên là bắt buộc trước khi bức thư thông báo bắt đầu tiến trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được gửi cho các nghị sĩ, đánh dấu sự bắt đầu quá trình tham vấn kéo dài 90 ngày. Sau đó, cuộc đàm phán về một trong các khối thương mại lớn nhất thế giới mới có thể chính thức bắt đầu. 

Ông Lighthizer, người được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm Đại diện Thương mại Mỹ sau nhiều tháng trì hoãn, đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 15/5 vừa qua. Ông cũng sẽ là nhà đàm phán chủ chốt của Mỹ trong việc tái thương lượng nội dung hiệp định NAFTA với Canada và Mexico trong năm nay. (TTXVN)
---------------------------------

Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn lùi ngày sản xuất thương mại sang 2018

Hãng tin Reuters dẫn nguồn từ website cho biết, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có công suất 200.000 thùng/ngày sẽ bắt đầu hoạt động sản xuất thương mại vào quý I/2018. Theo nguồn tin của Reuters, những vấn đề liên quan tới việc chạy thử máy là nguyên nhân gây ra sự chậm trễ này.

Đại diện phát ngôn của nhà máy Nghi Sơn hiện chưa đưa ra bình luận khi được Reuters liên lạc.

Tháng 2 vừa qua, nhà máy Nghi Sơn cho biết dự kiến sẽ xuất xưởng những sản phẩm dầu thô đầu tiên vào tháng 5/2017. Các sản phẩm làm từ dầu đầu tiên dự kiến ra mắt vào tháng 3 năm sau.

Đầu tháng 5, nhà máy Nghi Sơn gửi yêu cầu tới các hãng môi giới rằng cần thuê 27 tàu chở dầu thô cỡ lớn. Các tàu này có khả năng vận chuyển 2 triệu thùng dầu mỗi tháng và sẽ được sử dụng để chuyển dầu thô từ Kuwait đến nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong giai đoạn từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2018.

Nghi Sơn là nhà máy lọc hóa dầu thứ hai tại Việt Nam. Các cổ đông lớn của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn là Tập đoàn Idemitsu Kosan của Nhật Bản và Kuwait Petroleum International, với 35,1% cổ phần. Trong khi đó, cổ phần của PetroVietnam là 25,1% còn Mitsui Chemicals là 4,7%.

Nhà máy sẽ xử lý dầu thô Kuwait để sản xuất khí hoá lỏng, xăng, dầu diesel, dầu hỏa và nhiên liệu máy bay, chủ yếu cho thị trường nội địa.

Nhu cầu với dầu thô Kuwait hiện giảm sau khi nước này đóng cửa nhà máy lọc dầu Shuaiba, vốn có sản lượng 200.000 thùng/ngày vào tháng 4 vừa qua. Dự kiến, nhu cầu với dầu thô Kuwait vẫn sẽ thấp cho đến khi nhà máy Nghi Sơn đi vào sản xuất.

Theo Reuters, nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Việt Nam dự kiến sẽ giảm khi nhà máy Nghi Sơn đi vào hoạt động.

Được biết, Dung Quất, nhà máy lọc dầu duy nhất đang hoạt động của Việt Nam, hiện đáp ứng khoảng 30% nhu cầu trong nước.

Nevyn Nah, chuyên viên phân tích đến từ công ty năng lượng Energy Aspects, cho rằng việc đi vào sản xuất thương mại chậm hơn dự kiến sẽ giúp nhà máy hạn chế thiệt hại do giá các sản phẩm từ dầu giảm, điều vốn được dự báo từ trước. "Những ảnh hưởng tới lợi nhuận sẽ được chuyển sang giữa năm 2018 nếu nhà máy bắt đầu sản xuất từ quý I năm sau", chuyên viên này cho biết.

Việc nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa góp phần tăng cung xăng dầu ở châu Á có thể là tin tốt cho các nhà máy lọc dầu, một thương gia chuyên hợp tác với các nhà máy lọc dầu ở Bắc Á cho biết. Mặc dù vậy, theo một nhà kinh doanh đến từ Singapore, sự chậm trễ này có thể ảnh hưởng tới thị trường dầu thô.(KTTD)
--------------------------

 

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-04-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-04-2016

    Vàng giảm nhẹ về quanh 1.225 USD/oz dưới áp lực chốt lời
    77% trái phiếu Chính phủ do ngân hàng nắm giữ
    USD giảm sau biên bản họp Fed
    Quốc hội quyết định điều chỉnh thuế ôtô
    TS. Nguyễn Đức Kiên: "Doanh nghiệp chết thì liệu có ngồi ôm mỏ dầu mà khai thác được không?"

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 07-04-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 07-04-2016

    World Bank cho 6 công ty Việt Nam vào “sổ đen” vì làm giả hồ sơ
    Bình Định rút giấy phép dự án ô tô của Nga
    TP.HCM: Xuất khẩu cá cảnh sẽ đạt 50 triệu USD vào năm 2020
    Phát hiện hàng loạt sai lỗi của doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu sang Nga
    Nông dân Nhật hướng tới sản xuất thóc gạo giá rẻ để xuất khẩu

  • Tin kinh tế đọc nhanh 07-04-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh 07-04-2016

    2.000 doanh nghiệp Thái Lan có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam
    Credit Suisse và HSBC phủ nhận giúp khách hàng trốn thuế
    Doanh nghiệp thủy sản ký hợp đồng xuất khẩu hơn 8 triệu USD
    Mỹ quyết định phạt BP 20 tỷ USD vì sự cố tràn dầu vịnh Mexico
    Ngân hàng trung ương Ấn Độ hạ lãi suất thấp nhất 5 năm

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-04-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-04-2016

    IMF kêu gọi thắt chặt hợp tác chính sách để ổn định tài chính
    Đồng yên Nhật tăng vọt
    Phố Wall giảm điểm mạnh nhất 1 tháng
    Châu Âu đang tạo ra quá nhiều điện "sạch", nhiều đến mức điện lưới không tải nổi, nhưng khi cần vẫn thiếu
    Donald Trump: "Tôi có thể xóa khoản nợ 20 nghìn tỷ USD của Mỹ trong 8 năm"

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-04-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-04-2016

    Vàng trong nước ngược chiều thế giới, chênh lệch tiếp tục thu hẹp
    CEO Mỹ: Thủy sản Việt Nam vẫn tụt hậu sau Trung Quốc
    USD xuống thấp nhất gần 18 tháng so với yên
    Lãi suất vay trung dài hạn của Quỹ phát triển DNNVV là 7%/năm
    Hàng Việt đang mất chỗ ở siêu thị

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-04-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 06-04-2016

    IMF: Thế giới sẽ đón nhiều cú sốc kinh tế mới từ Trung Quốc
    Lộ diện các ngân hàng lớn “góp mặt” trong Tài liệu Panama
    Thu giữ hàng chục nghìn hộp sữa bột Similac giả tại Trung Quốc
    Mạng 5G sắp được thương mại hóa
    LG Display sẽ xây dựng dự án 1,5 tỷ USD tại KCN Tràng Duệ

  • Tin kinh tế đọc nhanh 06-04-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh 06-04-2016

    “2016 vẫn là một năm tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam”
    Trung Quốc phá giá đồng nội tệ phiên thứ hai liên tiếp
    Đồng USD sụt giá so với yen Nhật và bảng Anh
    VinGroup đã bỏ ra gần 5.700 tỷ để nắm 1 dự án rộng 215ha tại Hà Nội
    Phát hiện một doanh nghiệp FDI xuất khống gần 700.000 mét vải

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-04-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 05-04-2016

    Các nhà xuất khẩu châu Á đối phó với sự giảm tốc của Trung Quốc ra sao?
    Doanh nghiệp trong nước chủ động đón đầu xu hướng năng lượng xanh
    Ngày 5/4: Giá vàng theo đà giảm mạnh
    Tập đoàn Chubb chính thức ra mắt thương hiệu Chubb Life tại Việt Nam
    Nhà đất Trung Quốc đang bùng nổ?

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-04-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 05-04-2016

    Vàng bật tăng mạnh do USD suy yếu
    Nhật Bản quan tâm thị trường thực phẩm Indonesia
    Cảnh báo nhựa đường nhái mác Shell Singapore bán tại Việt Nam
    Tín hiệu mới trong thu hút FDI vào Cần Thơ
    Ngăn sự giảm tốc của công nghiệp

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 05-04-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 05-04-2016

    ​Giá nhà tăng trong quý I/2016
    USD tiếp tục giảm do giới đầu tư điều chỉnh theo sự thận trọng của Fed
    IFC rót 50 triệu USD vào Dragon Capital
    Công ty Panama giúp khách hàng trốn thuế như thế nào
    Tăng trưởng không phải là tất cả