Doanh nghiệp Trung Quốc mất hàng tỷ USD vì biến động tỷ giá
Hai tháng, nhập gần 52 triệu USD thuốc trừ sâu từ Trung Quốc
Caixin PMI Trung Quốc: Dịch vụ mạnh mẽ, việc làm giảm
Các nhà đầu tư chứng khoán hãy dè chừng với lợi nhuận toàn cầu
Fed bật tín hiệu thận trọng với việc tăng lãi suất, lo ngại về kinh tế toàn cầu
Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-04-2016
- Cập nhật : 06/04/2016
IMF kêu gọi thắt chặt hợp tác chính sách để ổn định tài chính
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Hai (4/4) đã kêu gọi đẩy mạnh hợp tác chính sách trong bối cảnh các nền kinh tế mới nổi đang hội nhập mạnh với thị trường tài chính toàn cầu.
Trong phần phân tích của Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu, IMF cho rằng những thay đổi trong giá tài sản thị trường mới nổi chiếm hơn một phần ba sự biến động giá chứng khoán và tỷ giá hối đoái toàn cầu.
Báo cáo cũng nói rằng sự hội nhập tài chính đã thúc đẩy giá tài sản và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, nhưng khuếch đại những cú sốc và làm tăng biến động của dòng vốn toàn cầu. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng đáng kể của dòng vốn toàn cầu dòng mang lại từ các quỹ đầu tư tương hỗ cũng đang ảnh hưởng đến bản chất và quy mô tác động tài chính lan tỏa từ các nền kinh tế thị trường mới nổi.
Theo báo cáo, tác động của sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đối với giá chứng khoán toàn cầu đã tăng đáng kể trong 5 năm qua, nhưng những thay đổi trong giá tài sản ở Trung Quốc ít có tác động đến giá tài sản ở những nơi khác.
"Rõ ràng tác động lan tỏa tài chính từ Trung Quốc vẫn còn rất nhỏ, nhưng có thể sẽ tăng đáng kể khi Trung Quốc hội nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu", Gaston Gelos - Trưởng phòng Phân tích ổn định tài chính toàn cầu của IMF cho biết.
Từ đó, IMF kêu gọi cần tăng cường phối hợp chính sách và giám sát để bảo vệ sự ổn định tài chính.
Báo cáo cũng cho biết, rủi ro của các công ty bảo hiểm nhân thọ đến hệ thống tài chính đã tăng lên trong những năm gần đây, Vì vậy IMF cũng kêu gọi các nhà quản lý cần quan tâm theo dõi sát sao lĩnh vực bảo hiểm.
Đồng yên Nhật tăng vọt
Đồng yên tăng lên mức cao nhất kể từ 2014 đang đe dọa nỗ lực thúc đẩy lạm phát của NHTW Nhật Bản - vốn là một phần trong chiến lược vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
Tại sàn giao dịch New York, đồng yên đã có lúc chọc thủng mức tỷ giá 110 yên đổi 1 USD. Đây là mức “tỷ giá nhạy cảm” mà theo các chiến lược gia có thể làm tăng nguy cơ Chính phủ Nhật phải can thiệp lên thị trường.
Con số tăng trưởng 9% đã đưa đồng yên góp mặt vào nhóm 10 đồng tiền mạnh nhất trong năm nay. Trong khi các đồng tiền khác (kể cả nhóm tiền tệ mạnh) đồng loạt giảm vì nỗi lo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu thì đồng yên tăng giá. Chiều hôm qua tính theo giờ New York, tỷ giá yên tiếp tục tăng 0,9%, chạm đỉnh 110,34 yên đổi 1 USD, sau khi chạm mốc 109,95 yên đổi 1 USD. So với đồng euro, yên tăng khoảng 1% đạt 125,61 yên đổi 1 euro.
Trước đó, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, chính phủ vẫn đang dõi theo từng động thái trên sàn giao dịch ngoại hối. Thống đốc ngân hàng Haruhiko Kuroda cho biết ông sẽ duy trì kiểm soát thị trường tiền tệ và có khả năng sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất.
Các nhà phân tích đều dự đoán rằng giới chức Nhật Bản sẽ có động thái can thiệp hạn chế sự tăng giá của đồng yên. Kể từ năm 2011, Nhật Bản chưa lần nào can thiệp vào đồng tiền của mình.
Trưởng phòng chiến lược tiền tệ ngân hàng HSBC chi nhánh New York - Daragh Maher nhận định, “Đồng yên từ bấy lâu nay đều không có rủi ro. Nó giống như một đồng tiền ngoại lai trên thị trường tiền tệ đầy ắp lo lắng.” Chiến lược gia tại HSBC nhận định mức 110 yên đổi 1 USD là “mức tỷ giá tâm lý quan trọng” làm khơi dậy lo lắng về động thái can thiệp của chính phủ do điều này xung đột trực tiếp đến lợi ích của các tập đoàn kinh tế Nhật Bản.
Sự tăng giá đồng yên trong năm 2016 cũng cho thấy sức ảnh hưởng đang phai nhạt của Trung Quốc lên các mối quan hệ kinh tế toàn cầu. Cùng với phản ứng của giới chức Nhật, bước nhảy vọt của đồng yên phản ánh thách thức mà các đồng tiền mạnh đang phải đối mặt trong bối cảnh thị trường biến động liên tục.
Một đồng tiền yếu là nhân tố chính trong nỗ lực của ông Kuroda nhằm thúc đẩy lạm phát lên 2% thông qua chính sách kích thích tiền tệ. Chỉ số tiêu dùng chuẩn của NHTW Nhật Bản đã tiến gần tới mức 0% trong suốt 1 năm qua.
Phố Wall giảm điểm mạnh nhất 1 tháng
Chứng khoán Mỹ giảm điểm khá mạnh với chỉ số S&P 500 giảm sâu nhất trong 1 tháng. Nỗi lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu là “bóng đen” bao phủ thị trường.
Kết thúc phiên hôm qua (5/4), chỉ số S&P 500 giảm 1%, xuống còn 2.045,17 điểm, kết thúc chuỗi bình yên dài nhất 13 tháng khi biến động chưa đến 1% trong suốt 15 ngày qua. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8%, xuống còn 17.603,32 điểm. Tổng cộng khoảng 7,3 tỷ cổ phiếu được giao dịch trong phiên, thấp hơn 13% so với mức trung bình 3 tháng.
Nhóm ngân hàng giảm mạnh nhất, trong khi nhóm y tế cũng có phiên giảm điểm lần đầu tiên trong 3 ngày vì bị đè nặng bởi cổ phiếu Allergan. Cổ phiếu này lao dốc 15% sau khi Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ bắt đầu điều tra vụ M&A của hãng với Pfizer.
Hôm qua Giám đốc IMF Christine Lagarde đưa ra nhận định rủi ro đối với tăng trưởng của kinh tế toàn cầu đang tăng lên.
Trong khi đó dầu thô tăng giá ngày thứ hai liên tiếp sau khi Kuwait cho biết các nước sắp đạt được thỏa thuận về sản lượng mà không có sự tham gia của Iran. Số liệu từ Mỹ cũng cho thấy lượng dầu thô tồn kho giảm.
Giá dầu WTI giao tháng 5 giao dịch trên sàn New York tăng 95 cent, lên 36,84 USD/thùng. Dầu thô biển Bắc giao dịch ở London cũng tăng lên mức 37,87 USD/thùng.
Châu Âu đang tạo ra quá nhiều điện "sạch", nhiều đến mức điện lưới không tải nổi, nhưng khi cần vẫn thiếu
Châu Âu đang tạo ra quá nhiều năng lượng, điện lưới không tải nổi nhưng khi cần lại không có để dùng. Vấn đề quan trọng là phải lưu trữ được nguồn năng lượng này.
Châu Âu hiện nay đang gặp phải một vấn đề mới đến từ việc đầu tư mạnh tay và quyết liệt vào các nguồn năng lượng sạch trong thời gian qua. Đó là hạ tầng điện lưới hiện tại không đủ mạnh để tải được khối lượng điện khổng lồ đến từ thiên nhiên.
Trong một báo cáo của Liên hiệp quốc vào ngày 24/3 vừa qua, các nước đang phát triển bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico đầu tư vào năng lượng sạch nhiều hơn hẳn các nước phát triển như Mỹ và châu Âu trong năm 2015.
Một phần lý do của sự đổi ngôi này là sự đầu tư ồ ạt năng lượng sạch ở Trung Quốc, 1 phần 3 lượng đầu tư vào năng lượng tái tạo trên thế giới năm qua xảy ra tại đây. Mặt khác, đầu tư của các nước châu Âu vào năng lượng sạch cũng đã sụt giảm mạnh từ 62 tỉ USD năm 2014 xuống còn 48,8 tỉ USD năm 2015.
Lý giải vì sao các nước châu Âu tạm giảm đầu tư, Giáo sư Ulf Moslener tại đại học Frankfurt cho biết: “Các nước châu Âu đã đầu tư rất lớn vào các trang trại thu hoạch năng lượng tái tạo và họ đang gặp phải vấn đề mới đó là làm sao thay đổi hệ thống điện lưới hiện tại nhằm thích nghi với số lượng năng lượng mới thu được. Vấn đề quan trọng mang tính thiết yếu là phải lưu trữ được nguồn năng lượng này.”
Năng lượng tái tạo như gió và mặt trời không thể cung cấp điện 24 giờ 1 ngày, 7 ngày 1 tuần vì vậy phải cần đến những tấm pin năng lượng để lưu giữ điện năng khi thừa và giải phóng khi gió lặng, hoặc thiếu đi ánh sáng mặt trời.
Theo báo cáo, các nước châu Âu cần nâng cấp điện lưới của mình bằng cách xây dựng nhiều hơn những trạm lưu trữ điện để có thể tận dụng toàn bộ nguồn năng lượng tái tạo khổng lồ đang được tạo ra mỗi ngày.
“Chúng tôi đang ở một ngã rẽ thú vị. Các thị trường đi đầu như Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Anh Quốc sẽ đầu tư hết sức mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng”, Michael Liebrich, Chủ tịch Hội đồng tư vấn tại Bloomberg New Energy Finance, đồng tác giả bài báo cáo phát biểu. "Tôi không bất ngờ khi các nước châu Âu cắt giảm đầu tư vào xây dựng các trang trại thu hoạch năng lượng gió và mặt trời, họ cần tập trung vào thứ khác quan trọng hơn.”
Donald Trump: "Tôi có thể xóa khoản nợ 20 nghìn tỷ USD của Mỹ trong 8 năm"
Giải pháp mà ông Trump tự tin đưa ra là … bán cả nước Mỹ để trả nợ.
Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, Donald Trump đã có nhiều phát biểu gây sốc về kinh tế Mỹ. Gần đây, ông đưa ra một tuyên bố làm nhiều người ngỡ ngàng. Donald Trump nói rằng ông có thể giúp chính phủ Mỹ trả hết nợ trong vòng 8 năm nếu được bầu làm Tổng thống.
Theo Bộ tài chính Mỹ, nợ công của Mỹ hiện nay đang ở mức 19,3 nghìn tỷ USD. Con số này có thể giảm xuống 13,9 nghìn tỷ USD nếu không tính các khoản nợ trong nội bộ chính phủ, như trái phiếu kho bạc do Quỹ tín thác an sinh xã hội nắm giữ
Tuy nhiên, ông Trump liên tục khẳng định khoản nợ trên đã vượt quá 19 nghìn tỷ USD. Vì thế khi ông hứa hẹn xóa bỏ khoản nợ trong vòng 8 năm, có thể ông đang đề cập đến con số cao hơn, mà sẽ chạm đến mốc 20 nghìn tỷ USD vào thời điểm tổng thống mới đắc cứ.
Đa số các chuyên gia về nợ công cho rằng tuyên bố của ông Trump là “hoang đường”. Thứ nhất, GDP của Mỹ đã gần bằng 18 nghìn tỷ USD. Thứ hai, chính phủ Mỹ đang trong tình trạng thu không đủ chỉ. Chi tiêu của chính phủ trong năm ngoái là 3,7 nghìn tỷ USD trong khi thu nhập chỉ là 2,9 nghìn tỷ USD. Vậy thì lấy đâu ra 2,4 nghìn tỷ USD thặng dư ngân sách mỗi năm để trả nợ trong vòng 8 năm.
Donald Trump nói rằng ông có thể tạo ra sự khác biệt bằng tăng trưởng kinh tế và các hiệp định thương mại. “Tôi sẽ đàm phán lại mọi hiệp định thương mại mà chúng ta đang thua thiệt”, ông nói.
Ý tưởng Mỹ có thể xóa khoản nợ có quy mô tương đương GDP trong 8 năm bằng cách thiết lập lại điều khoản của các hiệp định thương mại và cắt giảm chi tiêu chính phủ rõ rằng là không thuyết phục. Thế nhưng, cố vấn cấp cao của ông Trump, Barry Bennett đã tiết lộ rằng giải pháp thực sự mà ông Trump đang ấp ủ là bán tháo 77.000 tòa nhà, bất động sản và quyền khai thác khoáng sản của chính phủ. Theo Văn phòng quản lý và ngân sách Mỹ, chi phí duy trì hàng năm cho các tòa nhà chính phủ là 1,7 tỷ USD.
“Chính phủ Mỹ sở hữu nhiều tòa nhà, đất đai và tài nguyên hơn bất cứ ai”, Bennett nói trong một cuộc phỏng vấn với báo CNBC. “Chúng ta có thể bán đứt các tòa nhà chính phủ không sử dụng, chúng ta có thể bán quyền khai thác năng lượng ở các mảnh đất mà chính phủ sở hữu, chúng ta có thể làm mọi thứ để kiếm tiền từ các tài sản chúng ta nắm giữ”, ông quả quyết.
Chính phủ Mỹ có bao nhiêu tòa nhà và đất cũng là một câu hỏi nhiều người đặt ra. Người ta nghi ngờ không biết chúng có thật sự đáng giá như ông Trump nói hay không.
Một vấn đề nữa là số tiền mua các tài sản trên sẽ đến từ đâu. Viễn cảnh 19 nghìn tỷ USD vốn đầu tư có ở khắp nước Mỹ, chỉ đợi đất và nhà của chính phủ đưa ra thị trường là sẽ được mua hết ráo thật khó tin.
Đúng là có nhiều nhà đầu tư đang nhòm ngó số tài sản mà chính phủ nắm giữ nhưng họ có đủ tiền để mua hết không lại là một câu chuyện khác. Điều mỉa mai là trước đó ông Trump đã tuyên bố cấm cửa người nhập cư vào nước Mỹ nhưng giờ lại muốn bán cả quốc gia cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Xét đến lập trường thay đổi như chong chóng của ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu ông thay đổi lời hứa về khoản nợ công khổng lồ của Mỹ trong những ngày tới.