"Một vành đai, một con đường" - Tham vọng 1.000 tỷ USD của ông Tập Cận Bình; 7,8% dư nợ cho vay toàn quốc nằm tại ĐBSCL, huy động và cho vay đều tăng mạnh; Chuyên gia phân tích đầu tư kỳ cựu Mỹ: Nhiều khả năng Alibaba sắp vào Việt Nam; Xuất khẩu xi măng và clinker tăng 6,7% trong tháng 4
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-05-2017
- Cập nhật : 16/05/2017
Phú Quốc chờ đón bình minh “đặc khu kinh tế”
Trong vòng 1 năm qua, giá bất động sản Phú Quốc đã tăng trung bình 70%.
Dự luật Đặc khu hành chính kinh tế đang được khẩn trương xây dựng và dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2018, có tạo cú huých để bất động sản đảo Ngọc “bùng nổ”?
Thị trường sôi động
Trong số gần 200 khách mời tham dự Lễ khai trương biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao Novotel Phú Quốc Resort có khá nhiều khách hàng tiềm năng. Họ tự bỏ chi phí đi lại, bay từ Hà Nội, TP.HCM hoặc các tỉnh, thành phố khác đến Phú Quốc để mắt thấy, tai nghe về dự án trước khi cân nhắc có xuống tiền hay không?
Tại Dự án Sonnasea Villas&Resort, tốc độ bán hàng khá ấn tượng. Toàn bộ 200 lô shophouse có diện tích 120 - 200 m2 giai đoạn 1 đã bán hết, tính đến thời điểm khai trương Novotel Villas hồi giữa tháng 4, 30/96 căn biệt thự đã có khách hàng đặt mua. Nhân viên sàn bất động sản tại đây cho biết, với khu shophouse, đa phần khách hàng đến từ Hà Nội, TP.HCM, trong đó có những khách hàng mua cả 10 lô, xây dựng thành khách sạn mini và kinh doanh nhà hàng ở tầng 1.
Những khách hàng khác mua ít hơn, tối thiểu cũng 3 lô. Giá gốc chủ đầu tư bán ra giai đoạn đầu cho mỗi lô đất này là 10 triệu đồng/m2 vào đầu năm 2016, nay nhà đầu tư nào mua lại của các nhà đầu tư bỏ vốn ban đầu phải chịu chi 17 - 18 triệu đồng/m2.
Nếu như shophouse tính cả tiền đất và chi phí xây dựng khoảng 6,5 triệu đồng/m2 có giá mỗi căn khoảng 5 - 6 tỷ đồng, phù hợp với khả năng của nhiều nhà đầu tư, thì biệt thự ở đẳng cấp cao hơn khi tổng giá trị mỗi căn ít nhất là 14 tỷ đồng. Nhưng với nhiều nhà đầu tư có mặt tại Phú Quốc hôm đó, trò chuyện với chúng tôi, cho hay, mức giá này trong tầm tài chính của gia đình họ và hầu như những khách hàng này không sử dụng vốn vay ngân hàng.
Từ gần 2 năm trước, biệt thự của Vingroup tại Phú Quốc cũng đạt kết quả bán hàng rất khả quan. Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản trong một chuyến tham quan dự án, có khách hàng cho biết ông mua liền 2 biệt thự một lúc, số tiền nhà đầu tư bỏ ra ước tính xấp xỉ 65 tỷ đồng. Còn nhân viên bán hàng của Tập đoàn cho hay, toàn bộ biệt thự giai đoạn 1 đã bán hết, giai đoạn 2 chưa triển khai bán hàng đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Ở phía Bắc đảo, dự án của Tập đoàn Sungroup cũng thu hút không ít nhà đầu tư Hà Nội tìm hiểu và đặt bút ký hợp đồng. Cho đến thời điểm này, trong quần thể dự án của Sungroup, khách sạn 5 sao Marriot đã đi vào hoạt động, nên nhà đầu tư có thể nhìn khá rõ hình hài lung linh của khu phức hợp thay vì phải tưởng tượng như trước đây.
Một nhà đầu tư đang tìm mua sản phẩm của Sungroup cho biết, ông đã có 2 căn condotel ở Đà Nẵng, 2 căn ở Nha Trang, lần này sẽ chuyển sang Phú Quốc vì tin vào tiềm năng tiếp tục tăng giá của bất động sản, bên cạnh đó là khả năng khai thác cho thuê lại phòng đạt tỷ suất cao hơn các trung tâm du lịch khác.
Bạn ông đã mua 3 lô shophouse của CEO Group và xây dựng các tầng trên làm phòng nghỉ cho thuê, tầng dưới làm cửa hàng ăn, cà phê…Sau khi trừ đi các chi phí, mỗi tháng họ kiếm được hơn 200 triệu đồng. Rõ ràng là, bất động sản nghỉ dưỡng Phú Quốc đang có ưu thế, cho phép người mua có dòng tiền ổn định, bên cạnh khả năng tăng giá trị khi tương lai của đảo Ngọc đang dần khẳng định sẽ ngày một tươi sáng hơn.
Triển vọng đặc khu
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết, Đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc là kết quả của một quá trình chỉ đạo và thực hiện hơn 8 năm qua của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang. Mới đây nhất là Thông báo Kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị về các đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Trên cơ sở đó, tỉnh Kiên Giang xác định sẽ xây dựng Đề án về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc theo mô hình phát triển kinh tế hướng ngoại, độ mở cao. Nhà nước ít can thiệp vào thị trường, vận hành theo nguyên tắc thị trường là chính, có cơ chế, chính sách đột phá về kinh tế. Phát triển Phú Quốc với trụ cột chính là công nghiệp giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ tài chính - ngân hàng và kinh tế biển.
Mục tiêu là bằng các chính sách ưu đãi đặc biệt, vượt trội, đủ sức cạnh tranh quốc tế để xây dựng và phát triển Phú Quốc trở thành trung tâm du lịch - dịch vụ lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á theo mô hình kinh tế mở.
Theo đó, mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc cũng được tổ chức cho phù hợp với đặc thù của Phú Quốc theo mô hình chính quyền đô thị một cấp, theo hướng tinh gọn, hiệu quả, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, chuyển đổi các xã, thị trấn hiện nay thành tiểu khu. Các cơ quan chuyên môn theo ngành dọc như quân sự, công an, tòa án, viện kiểm sát, hải quan, kho bạc, thuế, bảo hiểm xã hội… được tổ chức phù hợp với mô hình mới.
Ông Phạm Vũ Hồng cho biết, tỉnh Kiên Giang sẽ thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban để chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, hiệu quả việc xây dựng Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Đó là xây dựng thể chế và hành lang pháp lý, chủ động rà soát thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm dịch vụ hành chính công; huy động các nguồn lực tài chính (khoảng gần 40 tỷ USD từ nay đến năm 2030)…
“Cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Kiên Giang chúng tôi với mô hình thí điểm đặc khu kinh tế tại Phú Quốc cũng đang tập trung nghiên cứu, tập hợp các kinh nghiệm của các đặc khu kinh tế trên thế giới để đề xuất với Chính phủ. Chúng tôi dự kiến tháng 8 xây dựng xong bản kiến nghị gửi tới Chính phủ, để có thể đưa vào dự thảo Luật trong tháng 10, kịp trình Ủy ban thường vụ Quốc hội và được Quốc hội đưa vào chương trình họp cuối năm. Với tiến độ như vậy, chúng tôi kỳ vọng, tại kỳ họp tháng 5 năm sau, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự luật này”, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang chia sẻ về tiến độ của mô hình mới.
Nếu trở thành đặc khu kinh tế với những chính sách ưu đãi vượt trội, bất động sản Phú Quốc chắc chắn sẽ có diện mạo và đẳng cấp mới.
Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group nói rằng, so với những thiên đường du lịch khác trong khu vực, lợi thế tự nhiên và vị trí địa lý của Phú Quốc rất có ưu thế.
Chỉ 2 giờ bay từ Phú Quốc là đến thủ đô các nước ASEAN, tiếp cận thị trường 700 triệu dân, khoảng cách 3 giờ bay có thể tiếp cận thị trường 1 tỷ dân. Đặc biệt, Phú Quốc nằm trong vịnh Thái Lan, nên không có bão, không chịu rủi ro gián đoạn kinh doanh, bảo hiểm tài sản thấp. Với 150 km đường bờ biển với nhiều bãi cát trắng, thoải, trải dài, nước biển ấm, nhiệt độ bình quân 28 độ C, độ ẩm thấp, Phú Quốc có thể đón khách du lịch nghỉ dưỡng quanh năm.
Hạ tầng của Đảo Ngọc đã và đang được đầu tư quy mô lớn với sân bay quốc tế có thể đón 5 triệu lượt khách/năm, cảng tàu biển quốc tế đón được tàu với sức chứa 7.000 khách dự kiến hoàn thành năm 2017. Hệ thống giao thông vòng quanh và xuyên đảo quy mô lớn đã cơ bản hoàn thành. Casino Phú Quốc dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2017, hệ thống cáp treo vượt biển đi vào vào hoạt động từ tháng 12/2016…
Nếu như các thành phố du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang đã phát triển và hiện đạt hơn 15.000 buồng phòng/nơi, thì tại Phú Quốc đến thời điểm này mới có 4.000 phòng. Sự có mặt của các thương hiệu quản lý quốc tế lớn nhất đều đã có mặt tại Phú Quốc như Accor, Melia, Marriot, Intercontinental… hứa hẹn sẽ tạo sức hút với khách du lịch quốc tế và tạo ra sự sôi động cho thị trường nơi đây.
Khi được khoác áo mới, với một loạt cơ chế đột phá, không chỉ có khách du lịch bùng nổ tại đảo Ngọc mà các dịch vụ khác như tài chính, y tế… cũng sẽ tăng trưởng mạnh. Dân số cơ học và tự nhiên sẽ gia tăng mạnh mẽ, gấp nhiều lần so với con số hiện nay là 100.000 người. Cứ nhìn sang Bali để tưởng tượng khi hiện nay dân số của hòn đảo này lên tới 3 triệu người.(Baodautu)
--------------------------------------
Vốn từ kế hoạch 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc tìm đến Việt Nam
Hưởng ứng sáng kiến xây dựng “Con đường tơ lụa” thế kỷ 21 chạy khắp Á – Âu của Chính phủ Trung Quốc, các doanh nghiệp ngành xây dựng nước này cũng đang tích cực tìm đến Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong (HKTDC) Vincent HS Lo vừa dẫn đầu một phái đoàn 40 nhà đầu tư và chuyên gia đến thăm Hà Nội và TP HCM. Thành phần phái đoàn gồm các doanh nghiệp lớn trong nước (gồm cả Hong Kong) trong các ngành tài chính, tư vấn, kiến trúc, năng lượng, xử lý nước và chất thải, kỹ thuật và xây dựng, luật và kế toán, giao thông vận tải ...“Phái đoàn của chúng tôi có mục tiêu đầu tư vào các lĩnh vực mà trọng tâm đặc biệt là thực hiện sáng kiến "Vành đai và Con đường” do Chính phủ Trung Quốc triển khai, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng khu vực. Chúng tôi xác định rằng Việt Nam nằm ở vị trí quan trọng để đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây chính là yếu tố then chốt để tăng cường thương mại, giao thương giữa các quốc gia", ông Vincent HS Lo cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi gặp gỡ phái đoàn đầu tư Hong Kong và Thượng Hải do HKTDC dẫn đầu hôm 10/5.
Phái đoàn này cũng có có buổi gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường và lãnh đạo Hà Nội, TP HCM. Cùng với đó, các buổi gặp gỡ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các tên tuổi lớn như Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Investment Group) hay Công ty Phát triển Bất động sản Sunny World cũng đã diễn ra.
“Với chính sách hết sức linh hoạt của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi tin rằng việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại đây là hoàn toàn khả thi so với các quốc gia khác ở châu Á. Cùng với các doanh nghiệp do HKTDC giới thiệu, chúng tôi sẽ làm việc với các đối tác khác để có thể bày tỏ sự quan tâm đặc biệt vào dự án đầu tư 1.000 km đường cao tốc Bắc Nam”, ông Johnson Choi - Giám đốc điều hành Tập đoàn Sunwah vừa tiết lộ.
Cũng theo ông Choi, Chính phủ Việt Nam đang thể hiện sự hỗ trợ cho doanh nghiệp như những gì họ cam kết. So với các nước trong khu vực, tính thanh khoản của đồng tiền Việt Nam đang ở mức độ tốt hơn. “Hai mươi năm qua, chúng tôi chuyển kiều hối về Hong Kong khá dễ dàng”, vị này nhận xét.
Chủ tịch HKTDC Vincent HS Lo thì tin rằng, doanh nghiệp Hong Kong và Trung Quốc sẽ có thế mạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam nhờ nguồn vốn dồi dào và kinh nghiệm tốt. “Hong Kong là trung tâm tài chính của thế giới nên chúng tôi dễ dàng huy động nguồn vốn từ khắp nơi để đầu tư. Đồng thời, chúng tôi có kinh nghiệm trong hầu hết các dịch vụ, từ tư vấn đến triển khai xây dựng và vận hành”
Cũng theo ông Vincent HS Lo, các doanh nghiệp Hong Kong và Trung Quốc đại lục đang để mở về hình thức đầu tư và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến hình thức hợp tác công tư (PPP). Cùng với đó, ở giai đoạn hiện tại, việc hợp tác góp vốn liên doanh cũng được cân nhắc nhiều hơn là đầu tư 100% vốn, nhằm tận dụng hiểu biết thị trường bản địa của doanh nghiệp Việt Nam.
“Các công ty chưa quen được môi trường kinh doanh tại Việt Nam nên cũng sẽ có một số băn khoăn về các yêu cầu pháp lý, triển khai, vận hành các dự án theo thông lệ tại đây. Ngoài ra còn là cách thức vận hành thị trường ngoại hối như thế nào. Bởi vì huy động vốn thì không khó nhưng việc quản lý dòng tiền thế nào là cả một bài toán”, Chủ tịch HKTDC nhận định và cho rằng, việc góp vốn liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam sẽ phần nào khắc phục được các nhược điểm này.
Ngày 14/5, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã chủ trì Diễn đàn “Vành đai và Con đường”, với gần 30 lãnh đạo trên thế giới. Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy sáng kiến "Vành đai và Con đường", nhằm hồi sinh “Con đường tơ lụa” kết nối Á – Âu của nước này. Theo đó, Credit Suisse Group dự báo, Trung Quốc có thể rót hơn 500 tỷ USD vào 62 quốc gia trong 5 năm tới để thực hiện kế hoạch nhằm thúc đẩy quyền lực mềm của mình.(Vnexpress)
----------------------------------
Quốc Cường Gia Lai đã chi hơn 1.600 tỷ đồng trả nợ trong quý I/2017
Hàng tồn kho tuy giảm nhẹ so với đầu năm nhưng vẫn đang chiếm hơn 71% tổng tài sản doanh nghiệp này.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2017 của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) cho biết, trong quý này, QCG đã chi hơn 1.623 tỷ đồng để trả nợ gốc vay.
Con số này bao gồm toàn bộ nợ gốc hơn 1.376 tỷ đồng và lãi vay phải trả hơn 250 tỷ đồng cho BIDV, theo số liệu được công bố trước đó trong báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2016. Khoản tiền trả nợ có được nhờ QCG đã nhận tạm ứng tổng cộng 50 triệu USD từ CTCP Đầu tư Sunny Island. QCG đã ký biên bản thỏa thuận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển cho Sunny vào ngày 15/10/2016.
Nhờ đó, các khoản vay nợ của công ty giảm mạnh còn 555 tỷ đồng, trong đó có 332 tỷ đồng là nợ vay ngắn hạn. Tuy vậy, các khoản phải trả ngắn hạn khác tăng gần 2.000 tỷ đồng lên 2.744 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải trả bên thứ ba tăng 1.427 tỷ đồng, còn các khoản phải trả bên liên quan tăng thêm 566 tỷ đồng.
Tổng tài sản QCG tính đến ngày 31/3/2017 không thay đổi nhiều so với đầu năm khi đạt 8.237 tỷ đồng. Hàng tồn kho tuy giảm nhẹ so với đầu năm nhưng vẫn đang chiếm hơn 71% tổng tài sản doanh nghiệp này.
Trong quý I, nhờ bàn giao căn hộ các dự án cho khách hàng, doanh thu thuần của QCG đã tăng hơn ba lần khi đạt 269 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt 2,5 tỷ đồng, song tăng mạnh 58% so với con số chỉ 1,6 tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái.(NCĐT)
---------------------------------
Doanh nghiệp chuẩn bị 300 triệu đồng “tiền chuộc” dữ liệu bị hacker đánh cắp
Ở Việt Nam, đã có doanh nghiệp bị nhiễm mã độc nguy hiểm WannaCry và phương án bỏ tiền chuộc để lấy lại dữ liệu cũng đã được tính đến.
Mã độc WannaCry lây lan vào Việt Nam
WannaCry là loại mã độc được xếp vào dạng ransomware (bắt cóc dữ liệu đòi tiền chuộc). Tin tặc triển khai mã từ xa SMBv2 trong Microsoft Windows. Khai thác này (có tên mã là "EternalBlue") đã được làm sẵn trên internet thông qua Shadowbrokers dump vào ngày 14/4/2017 và được vá bởi Microsoft vào ngày 14/3. Tuy nhiên, rất nhiều tổ chức và người dùng chưa cài đặt bản vá này và trở thành nạn nhân của WannaCry.
Sau khi bị nhiễm WannaCry, máy tính nạn nhân hiện dòng chữ thông báo toàn bộ dữ liệu đã bị mã hoá và không thể sử dụng. Để đòi lại dữ liệu này, người dùng cần chi trả số tiền nhất định càng sớm càng tốt. Càng đợi lâu, số "tiền chuộc" càng tăng lên. Tinh vi hơn, các hacker đứng sau cuộc tấn công này chỉ nhận tiền chuộc bằng bitcoin.
Theo Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), đây là mã độc cực kỳ nguy hiểm, có thể đánh cắp thông tin và mã hoá toàn bộ hệ thống máy chủ của tổ chức bị hại. Khi nhiễm mã độc này, hệ thống máy tính sẽ bị "đóng băng" bằng chuỗi mã, khiến các tổ chức, doanh nghiệp phải chi trả số tiền lớn để "chuộc" lại dữ liệu.
Doanh nghiệp tính đến phương án bỏ tiền chuộc để lấy lại dữ liệu
Tại Việt Nam, theo thông tin cập nhật đã có hơn 200 máy tính bị lây nhiễm virus tống tiền, trong đó, nhiều trường hợp máy chủ của doanh nghiệp đã bị thâm nhập.
Tại một công ty xuất khẩu, 2 ngày nay, toàn bộ hệ thống máy tính đã bị nhiễm virus tống tiền. Các tài liệu quan trọng như danh sách khách hàng, hợp đồng xuất khẩu, báo cáo tài chính đều bị mất.
Dù ngay khi hệ thống máy tính bị nhiễm virus, 40 máy tính đã được ngắt kết nối với máy chủ. Tuy nhiên, phương án chấp nhận bỏ tiền chuộc để lấy lại dữ liệu cũng đã được tính đến vì tiền phạt chậm hợp đồng xuất khẩu cũng rất lớn.
Trao đổi với VTV, đại diện doanh nghiệp này cho biết: Theo như dự tính, sự cố này sẽ tiếp tục kéo dài. Công ty đã dự trù khoảng 300 triệu đồng để trả tiền chuộc cho hacker, lấy được dữ liệu gốc.
Ông Lâm Vũ Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển trung tâm CMC INFOSEC cho biết: Việc lấy lại dữ liệu mà không trả tiền cho hacker là gần như bất khả thi, vì khi mã hóa dữ liệu từng cái máy một đã có bộ khóa riêng và khi nạn nhân tiến hành trả tiền thì hacker mới cung cấp lại khóa để cho mở dữ liệu. Các khóa đối với từng nạn nhân là khác nhau.
Hiện tại, loại mã độc này chưa có "thuốc giải" chỉ có tin tặc mới có mã mới khôi phục được dữ liệu. Vì vậy, đối với doanh nghiệp chưa bị tin tặc xâm nhập hãy nhanh chóng khắc phục lỗ hổng trên hệ thống điều hành Window để tránh tính trạng bị hacker xâm nhập.(Bizlive)