Thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành dược đổ bể
Fed khó có thể tăng lãi suất trước tháng Sáu
Công ty kính nổi Chu Lai được tiếp tục nhập khẩu săm lốp ô tô cũ
Nhà đầu tư "không còn chỗ trú ẩn" trong "cơn bão" lợi nhuận giảm
Alibaba chính thức vượt mặt Walmart trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, giấc mơ bá chủ trong tầm tay
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 06-04-2016
- Cập nhật : 06/04/2016
Vàng trong nước ngược chiều thế giới, chênh lệch tiếp tục thu hẹp
Giá vàng thế giới tiếp tục phục hồi nhẹ lên quanh 1.230 USD/oz nhờ lực mua vào để bù đắp trạng thái bán ra thời gian trước. Trong khi giá vàng SJC lại suy giảm nhẹ trong sáng nay (6/4); chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nhờ đó tiếp tục được thu hẹp.
Lực cầu bắt đáy hòa chung với động thái mua vào để bù đắp trạng thái sau mấy phiên bán ra gần đây của các nhà đầu tư đã hỗ trợ giá vàng thế giới tiếp tục phục hồi trong phiên hôm qua, thậm chí có thời điểm đã tăng lên sát 1.235 USD/oz. Hiện giá vàng kỳ hạn tháng 6 đang dừng ở 1.231 USD/oz; giá vàng giao ngay cũng đang dao động quanh 1.230 USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng SJC sau phiên tăng nhẹ hôm qua lại quay đầu giảm trong sáng nay (6/4) trong bối cảnh lực cầu trong nước là rất yếu, giao dịch ảm đạm. Vì thế, hiện giá bán ra vàng SJC của các DN chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi từ 100.000 đến gần 200.000 đồng/lượng.
Theo đó, sáng nay Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã giảm cả giá mua và bán vàng SJC 30.000 đồng/lượng, đưa giá giao dịch tại TP.HCM xuống còn 33,00 – 33,27 triệu đồng/lượng, còn tại Hà Nội và một số địa phương khác là 33,00 – 33,29 triệu đồng/lượng. Hiện giá bán ra vàng SJC của DN này đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 170.000 đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI cũng giảm cả giá mua và bán vàng SJC của mình 40.000 đồng/lượng xuống còn 33,14 triệu đồng/lượng (mua vào) và 33,20 triệu đồng/lượng (bán ra). Hiện giá bán ra vàng SJC của DOJI chỉ cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng gần 120.000 đồng/lượng.
Theo các nhà phân tích, mặc dù kinh tế Mỹ vẫn đang cho thấy đà phục hồi vững chắc thể hiện quả những chuyển động tích cực của thị trường lao động, song nhiều khả năng Fed chưa thể tăng lãi suất trong tháng 4 này mà có thể phải đợi đến tháng 6. Điều đó đang khiến đồng USD chịu áp lực bán mạnh, qua đó hỗ trợ tích cực cho giá hàng hóa, bao gồm cả vàng.
Tuy nhiên giá vàng khó có thể bứt phá mạnh khi mà tình cảm của các nhà đầu tư dành cho kim loại quý này đang nhạt dần. Hơn nữa, Fed vẫn chưa từ bỏ ý định sẽ tăng lãi suất trong năm nay theo lộ trình bình thường hóa lãi suất của mình, trái ngược với động thái nới lỏng mạnh tiền tệ của nhiều NHTW lớn khác như ECB hay BOJ. Điều đó sẽ hỗ trợ cho đồng USD vẫn đứng ở mức cao, qua đó tạo sức ép lớn đến giá vàng.(TBNH)
CEO Mỹ: Thủy sản Việt Nam vẫn tụt hậu sau Trung Quốc
Theo CEO của High Liner Foods, khả năng xử lý và chế biến cá thịt trắng của ngành thủy sản Việt vẫn còn tụt hậu sau Trung Quốc tới 5 năm.
Gần đây, nhiều công ty thủy sản lớn của thế giới đã tăng cường hợp tác với Việt Nam và bỏ qua Trung Quốc. Điển hình là công ty A. Espersen của Đan Mạch đã chuyển dây chuyền sản xuất ở Châu Á từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, công ty xử lý cá pollock lớn nhất của Nga là Russian Fishery cũng đã chấp nhận cho Thủy sản Hùng Vương mua lại 51% cổ phần.
Lý do mà cả 2 công ty này đưa ra để chọn lựa Việt Nam là do ngành chế biến ở Trung Quốc đang trải qua giai đoạn nhiều thử thách, đặc biệt là đối với phân khúc cá thịt trắng (whitefish).
Mặc dù vậy, theo ông Keith Decker, CEO của một trong những công ty chế biến thủy hải sản lớn nhất nước Mỹ là High Liner Foods, thì Việt Nam vẫn còn khá lâu mới bắt kịp Trung Quốc. Ông Decker bình luận: "Việt Nam vẫn đang còn tụt sau Trung Quốc 5 năm. Giá nhân công ở Việt Nam đúng là rẻ hơn, nhưng mọi khoản chi phí còn lại đều đắt hơn, vì Việt Nam chưa có đủ cơ sở hạ tầng".
Ông Decker cho biết, Trung Quốc có rất nhiều tổ hợp cảng, kho lạnh và đường cao tốc để phục vụ cho ngành chế biến thủy sản tại 2 trung tâm chính là Đại Liên và Thanh Đảo. Điều này khiến cho giá thành lưu kho và vận tải tại nước này thấp hơn đáng kể so với Việt Nam.
Ngoài ra, các nhà chế biến thủy sản Trung Quốc cũng được hỗ trợ tốt hơn về mặt tài chính: "Các doanh nghiệp có nguồn vốn và hợp đồng xuất khẩu sang Âu Mỹ vẫn có thể tiếp cận nguồn tín dụng. Các ngân hàng sẵn sàng cấp vốn cho những doanh nghiệp có khách hàng chất lượng cao", ông Decker cho biết.
Trước mắt thì ngành thủy sản Trung Quốc vẫn còn nhiều thế mạnh đáng kể: "Họ có cơ sở hạ tầng tốt, nhà máy tốt, và lao động không phải là vấn đề lớn vì lương không tăng nhiều và họ có thể tìm được nguồn nhân công mới". Ngoài ra, việc đồng NDT rớt giá cùng với giá xăng dầu cũng giúp ích đáng kể cho doanh nghiệp thủy sản Trung Quốc.
Dù vậy, ông Decker cũng cho rằng ngành thủy sản Trung Quốc đang trải qua nhiều xáo trộn, và ngay cả một số doanh nghiệp lớn cũng đã ngã ngựa. Theo đó, "quy mô sản xuất của Trung Quốc sẽ giảm xuống, và các công ty nhỏ hơn, ít vốn hơn sẽ dần biến mất".
USD xuống thấp nhất gần 18 tháng so với yên
Phiên 5/4, USD bắt đáy gần 18 tháng so với yên khi giới đầu tư đặt cược rằng Fed sẽ không thể nâng lãi suất trong những tháng tới.
Chốt phiên, USD giảm 0,9% so với yên xuống 110,34 JPY/USD, thấp nhất kể từ khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tung ra chương trình kích thích khổng lồ hồi tháng 10/2014.
Trong khi đó, euro lại giảm 0,1% so với USD xuống 1,1385 USD/EUR.
Chỉ số Đôla Wall Street Journal, theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ, tăng 0,1% lên 86,72 điểm.
USD giảm mạnh so với yên chủ yếu là do đồn đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong nửa đầu năm nay sau khi Chủ tịch Fed Janet Yellen tháng trước cho rằng những bất ổn về kinh tế toàn cầu cho thấy việc Fed nâng lãi suất một cách thận trọng là hoàn toàn hợp lý.
Sau khi USD tăng so với yên 3 năm liên tiếp, “một số nhà đầu tư đang đặt câu hỏi liệu xu hướng này đã đạt đến điểm bước ngoặt hay chưa. USD đã giảm 8,3% so với yên kể từ đầu năm đến nay.
Trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm thứ Ba 5/4 cho biết, các nước cần tránh cạnh tranh bằng việc phá giá đồng nội tệ dù trong “bất kỳ trường hợp nào”.
Yên mạnh lên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực thúc đẩy kinh tế và lạm phát của Nhật Bản sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng ảm đạm. Tuy nhiên, diễn biến của yên đã “bác bỏ” nỗ lực của BOJ trong việc kìm hãm đà tăng của đồng tiền này trong những tháng gần đây, kể cả việc BOJ bất ngờ áp dụng lãi suất âm hồi tháng 1 vừa qua.
Giới đầu tư cũng tăng mua yên do lo ngại kinh tế toàn cầu giảm tốc và giá dầu biến động mạnh.
Yên tiếp tục tăng trong phiên 5/4 bất chấp cảnh báo của các quan chức Nhật Bản rừng họ sẽ không “đầu hàng” trước đà tăng quá mức của đồng tiền này.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda hôm thứ Ba 5/4 cho biết, ông sẽ nhanh chóng hành động để tăng cường các biện pháp kích thích nếu cần thiết để thúc đẩy lạm phát.
Lãi suất vay trung dài hạn của Quỹ phát triển DNNVV là 7%/năm
Thông tư số 37/2016/TT-BTC quy định lãi suất cho vay của Quỹ phát triển DNNVV được ban hành cuối tháng 2/2016 sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/4/2016.
Thông tư quy định rõ lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam của Quỹ phát triển DNNVV được thành lập theo Quyết định 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013.
Cụ thể, lãi suất cho vay vốn ngắn hạn với thời gian vay vốn dưới 01 năm (không bao gồm vốn lưu động) là 5,5%/năm; Lãi suất cho vay vốn trung và dài hạn là 7,0%/năm.
Các mức lãi suất trên được áp dụng đối với các khoản giải ngân vốn vay cho DNNVV kể từ ngày Thông tư 37/2016/TT-BTC có hiệu lực.
Quỹ phát triển DNNVV (tên giao dịch tiếng Anh: Small and Medium Enterprise Development Fund, viết tắt là SMEDF) được thành lập nhằm hỗ trợ cho các DNNVV có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước, phù hợp với mục đích hoạt động của Quỹ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, góp phần làm tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động (DNNVV trực tiếp đầu tư, sản xuất - kinh doanh thuộc Danh mục các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của Quỹ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành trong từng thời kỳ).
Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Quỹ có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại.
Hàng Việt đang mất chỗ ở siêu thị
Hàng loạt Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia được ký kết và có hiệu lực đã mở tung cánh cửa tự do hóa toàn cầu, tạo điều kiện cho hàng hóa các nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương và ASEAN lưu thông, phát triển mạnh mẽ.
Dù chưa phải là thời điểm Việt Nam mở cửa hoàn toàn đối với hàng hóa nước ngoài theo khuôn khổ các hiệp định thương mại này, song sự hiện diện của hàng ngoại đã tràn ngập tại khắp các siêu thị, chợ truyền thống của người Việt.
Theo các chuyên gia, những thương hiệu Việt đang mất dần, đặc biệt là thương hiệu của các DNNVV có nguy cơ “bật gốc” ra khỏi siêu thị. Trong các siêu thị hiện nay, hai lực lượng hàng hóa mạnh nhất là của các công ty đa quốc gia và hàng nhãn riêng của siêu thị.
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN nhận định, đối sách quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng hóa ngoại nói chung, hàng Thái Lan nói riêng, là DN nội phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối.
Thực tế, yếu tố khiến hàng Thái Lan được người tiêu dùng Việt ưa thích là vì giá chỉ cao hơn các sản phẩm Việt một chút, và rẻ bằng một nửa so với hàng hóa có xuất xứ từ Châu Âu, nhưng chất lượng lại không thua kém là mấy.
Trong khi đó, sản phẩm do các DN nội sản xuất chậm đổi mới mẫu mã, chất lượng không đồng đều, nên chỉ phù hợp với người tiêu dùng thu nhập thấp. Trong điều kiện giá cả không còn là mối quan tâm duy nhất của người tiêu dùng, thì chất lượng đang là công cụ cạnh tranh hữu hiệu.
Một tín hiệu đáng mừng cho hàng Việt là sau gần 6 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo sự chuyển biến về ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong nhận thức của người tiêu dùng. Lượng hàng hóa Việt Nam sản xuất có chất lượng ngày càng nhiều.
Mặt tích cực nữa là việc lưu thông hàng hóa được cải thiện với nhiều kênh phân phối tỏa khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là việc đưa hàng Việt về các chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu vùng xa, các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, nơi có đông công nhân, người lao động đã được triển khai sâu rộng.
Hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, góp phần làm thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối hàng Việt, đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam.
Thực tế, đây là bước đi hợp lý khi tận dụng thế mạnh “bản xứ” và né đi mũi nhọn thế mạnh của hàng ngoại tập trung ở đô thị lớn. Nhưng khi hàng ngoại “tràn” về những vùng mà hàng hóa Việt đang phân phối thì sẽ ra sao?
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, DN sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam, ngay cả các DN lớn chứ chưa nói đến các hợp tác xã, làng nghề truyền thống… đang phải chịu áp lực cạnh tranh về thị trường, giá và quảng cáo rất lớn từ nước ngoài. DN ngoại chỉ cần quảng cáo nhiều ở truyền hình, báo điện tử hay mạng xã hội cũng có thể “bóp nghẹt” các sản phẩm tiêu dùng được sản xuất trong nước.
Theo bà Lan, các DN sản xuất hàng tiêu dùng, thực phẩm ngoại của Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản thường đi theo đoàn, hội để “đánh” thị trường muốn tiếp cận. Họ tập hợp các DN lớn nhất, sản phẩm mạnh nhất để lên kế hoạch "chiến đấu". Nếu là DN độc lập, thì cũng là DN rất lớn, đa ngành, đa sản phẩm.
Thế nên, khi đưa hàng hóa sang Việt Nam, các DN này sẽ thực hiện ồ ạt, tiến hành các chiến dịch quảng cáo, và hiện diện rầm rộ… Điều này rất dễ khiến DN Việt choáng váng, còn người tiêu dùng thì thích thú với những sản phẩm mới và mạnh tay chi tiền.