Thủ tướng chỉ thị xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách 2018; Thủ tướng: Đức hãy đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn nữa; Đức lo ngại Mỹ sẽ gây chiến tranh thương mại với châu Âu; Thủ tướng muốn thúc đẩy hợp tác cảng biển với thành phố Đức
Tin kinh tế đọc nhanh 16-05-2017
- Cập nhật : 16/05/2017
Lo ngại quá tải như Tân Sơn Nhất, Hà Nội đề nghị mở rộng sân bay Nội Bài
“Chúng ta nhìn thấy Nội Bài xông xênh hơn Tân Sơn Nhất, nhưng nếu không làm ngay từ bây giờ thì nó lại như Tân Sơn Nhất vì tốc độ tăng rất nhanh, khoảng 30-40%” – Đó là phát biểu của ông Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Huyện ủy Mê Linh hôm 12/5.
Theo Bí thư Thành ủy HN, với tốc độ phát triển rất nhanh của sân bay Nội Bài, nếu các đơn vị liên quan không quan tâm đến vấn đề này thì tương lai có thể bị quá tải như sân bay Tân Sơn Nhất. Vì vậy ,thành phố đang đề nghị Chính phủ cho đầu tư, mở rộng Nội Bài. Cụ thể, ngoài nhà ga T1, T2 hiện có, tương lai sẽ xây dựng thêm nhà ga T3, T4, phát triển hạ tầng sân bay để phục vụ khoảng 50– 75 triệu hành khánh.
Ông Hải cho rằng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics phục vụ sân bay Nội Bài và đô thị phía Bắc cũng như trung tâm TP là cơ hội để huyện Mê Linh phát triển. Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng lưu ý cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên lắng nghe, đối thoại, tháo gỡ kịp thời vướng mắc của cán bộ, đảng viên và người dân, ổn định tình hình từ cơ sở. Huyện cũng cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng chính quyền vì dân phục vụ.
Được biết, sân bay Nội Bài hiện có tổng công suất 25 triệu hành khách mỗi năm. Năm 2015, nhà ga T2 được đưa vào hoạt động, toàn bộ ga T1 chỉ khai thác khách quốc nội với công suất tối đa 8 triệu khách/năm. Tuy nhiên, T1 nhanh chóng đối mặt với vấn đề quá tải khi đón hàng chục triệu lượt khách mỗi năm.
Theo Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được nâng cấp thành sân bay quốc tế lớn phía Bắc. Đến năm 2020, Nội Bài đạt cấp độ sân bay 4E với lưu lượng hành khách đạt 20-25 triệu hành khách/năm. Đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm.(Viettimes)
--------------------------------------------------------
Nhật Bản đầu tư xây dựng công viên phong điện lớn nhất Mỹ Latinh
Chính quyền bang Oaxaca, miền Đông Nam Mexico, thông báo Tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản cam kết đầu tư 1,2 tỷ USD cho dự án “Phong điện phương Nam” được xây dựng tại các thành phố Juchitán de Zaragoza, El Espinal và Istmo de Tehuantepec.
Thống đốc bang Oaxaca - ông Alejandro Murat - cho biết với 132 tuốcbin gió sử dụng công nghệ tiến tiến nhất và công suất thiết kế đạt 396 MW (Megawatt), dự án “Phong điện phương Nam” là công viên phong điện có vốn đầu tư và quy mô lớn nhất khu vực Mỹ Latinh.
Chính phủ Mexico đang lên kế hoạch xây dựng 52 công viên năng lượng sạch trước năm 2019 với chi phí đầu tư lên đến 6,6 tỷ USD. Hiện đã có 34 công ty đăng ký đầu tư nhằm mở rộng các cơ sở hạ tầng sử dụng năng lượng gió và Mặt Trời ở nước này trong vòng 3 năm tới.
Mexico được đánh giá là quốc gia đi đầu tại khu vực Mỹ Latinh trong lĩnh vực khai thác các nguồn năng lượng tái tạo. Năng lượng gió là một nguồn năng lượng sạch với công suất lắp đặt tăng mạnh nhất ở quốc gia này, trong đó riêng trong năm 2015 đã đạt mức tăng trưởng trên 100%. Trong vòng 15 năm tới, Mexico sẽ lắp đặt thêm một hệ thống điện gió với công suất hơn 12.000 MW.
Từ năm 2014 đến nay, Mexico đã xây dựng một số nhà máy phong điện với công suất 2.100 MW và kỳ vọng trong năm 2017 sẽ có thêm một số cơ sở khác đi vào hoạt động với công suất 1.100 MW, chưa kể đến một vài dự án năng lượng Mặt Trời cũng đang trong quá trình hoàn thành và chuẩn bị hòa lưới điện quốc gia.(TTXVN)
----------------------------
Gỡ nút thắt để xử lý “cục máu đông” nợ xấu
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định về thẩm định giá khởi điểm của nợ xấu, tài sản bảo đảm nợ xấu. Bên cạnh đó, Dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu cũng sắp trình Quốc hội xem xét thông qua (phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14 vào ngày 22/5).
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, Chính phủ giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện Nghị định này, trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Nghị định sẽ quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn.
Trước đó, đầu tháng 3/2017, NHNN đã lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu và tài sản sản đảm bảo của khoản nợ xấu có giá trị lớn.
Dự thảo Nghị định có 3 trường hợp phải thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng- TCTD Việt Nam (VAMC) tự đấu giá; thứ nhất là khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với TCTD bán nợ về giá khởi điểm; thứ hai là khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường; thứ ba là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà khi xác định giá khởi điểm để đấu giá, VAMC không thỏa thuận được với bên bảo đảm về giá khởi điểm.
Liên quan đến việc lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Dự thảo Nghị định quy định rõ: VAMC thông báo công khai về việc thuê doanh nghiệp thẩm định giá ít nhất năm ngày làm việc trên Cổng thông tin điện tử của NHNN Việt Nam, Trang thông tin điện tử của VAMC để các doanh nghiệp thẩm định giá đăng ký tham gia.
Bên cạnh đó, VAMC ban hành, thực hiện và chịu trách nhiệm về tiêu chuẩn, quy trình xem xét, quyết định lựa chọn doanh nghiệp thẩm định giá để thực hiện việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thực hiện theo quy định về Luật giá và quy định tại Nghị định này.
Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về Hội đồng đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Theo đó, VAMC quyết định thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có giá trị lớn theo quy định.
Liên quan tới các biện pháp xử lý nợ xấu, giới ngân hàng cũng đang kỳ vọng Nghị quyết về xử lý nợ xấu sẽ được ban hành và nhanh chóng có hiệu lực từ 1/7/2017. Ngày 22/5 tới, Quốc hội sẽ khai mạc kỳ họp thứ 3, khóa 14.
Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại
Theo báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) công bố, tỷ lệ nợ xấu trong quý I/2017 phân hóa giữa các ngân hàng. Thống kê từ 10 ngân hàng bao gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MB Bank, VIB, Sacombank, Eximbank, Techcombank, Kienlongbank, BacABank tính đến hết quý I/2017 cho thấy tổng nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của nhóm ngân hàng này đạt 50.695 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong đó, nợ xấu tăng chủ yếu ở nhóm 3 và nhóm 4, lần lượt là 13% và 18%, lên mức 15.749 tỷ đồng và 7.941 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn tuy giảm nhẹ 0,1% nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nợ xấu (53%) với 27.005 tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia ngân hàng cho biết: Vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chủ động thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ pháp lý của tài sản bảo đảm, thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm. Quá trình xét xử, thi hành án với nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho việc xử lý nợ xấu thông qua tòa án rất chậm, chưa hiệu quả.
Nhiều khoản nợ xấu tại các TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt có liên quan đến các vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố nên thời gian giải quyết bị kéo dài. Ngoài ra, cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn bất cập, gây nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC; thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu; thị trường mua bán nợ chậm phát triển…
Dự thảo Nghị quyết có 18 điều, gồm một số quy định chưa được quy định tại các luật hiện hành và một số quy định khác với quy định tại các luật hiện hành, thời hạn hiệu lực là 5 năm, kể từ ngày 1/7/2017. Theo đó, cho phép VAMC được mua các khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro đang hạch toán ngoài bảng và chuyển đổi các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt sang mua theo giá trị thị trường. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho các tổ chức, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ cũng là nội dung được thể hiện tại Dự thảo.(Baotintuc)
------------------
Thị trường trầm lắng, giá thép tiếp tục xu hướng giảm
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa cho biết, tình hình sản xuất, bán hàng các mặt hàng thép có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là tiêu thụ thép xây dựng sụt giảm.
Các nhà máy thép ở cả thị trường phía Bắc và phía Nam hoạt động trầm lắng hơn so với tháng trước. Một số nhà máy gặp khó khăn và tiềm ẩn kinh doanh lỗ trong thời gian tới.
Cùng với đó, giá thép tiếp tục có xu hướng giảm và điều này càng khiến cho sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất ngày càng gay gắt hơn trong việc duy trì thị phần.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, sản xuất thép xây dựng của các thành viên hiệp hội trong tháng 4/2017 đạt hơn 730.000 tấn, tăng nhẹ 3,6% so với cùng kỳ nhưng đã giảm 14,26% so với tháng trước. Việc tiêu thụ thép xây dựng đạt hơn 635.000 tấn, giảm 14% so với cùng kỳ 2016 và giảm 20% so với tháng trước.
VSA cũng cho biết, nhìn chung, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong 4 tháng đầu năm 2017 có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2016. Nhưng mức tăng trưởng bán hàng chỉ đạt 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng dự báo hồi đầu năm 2017 là khoảng 10%.
Cùng với sự tăng trưởng chậm của thị trường, giá thép cũng đang tiếp tục đà giảm. Giá thép trong nước tháng 4 đã giảm tiếp khoảng từ 400-700 đồng/kg so với cuối tháng 3. Hiện giá bán thép cuối tháng 4 ở mức khoảng từ 10.600 – 10.800 đồng/kg (giá giao tại nhà máy, chưa bao gồm 10% thuế VAT) và tiếp tục có xu hướng giảm.
Trong những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, giá thép phế giảm từ 20-25 USD/tấn, còn mức 255-265 USD/tấn. Giá phôi thép giảm 5-10 USD/tấn từ ngày 10/4 đến 14/4. Từ ngày 24/4 tiếp tục giảm mạnh từ 20-25 USD/tấn và hiện còn giữ mức 390 -400 USD/tấn phôi thép.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, các doanh nghiệp đang tiếp tục các chính sách chiết khấu và bảo lãnh giá, điều này làm cho thị trường thép trong nước thêm khó khăn. Cùng với đó, thép cuộn ngoại nhập với giá rẻ cũng gây khó khăn cho các nhà sản xuất nội địa.
Hiệp hội Thép khuyến nghị các doanh nghiệp cần giữ ổn định thị trường; bãi bỏ chính sách bảo lãnh giá, giảm và hạn chế các chính sách hỗ trợ bán hàng. Các doanh nghiệp cần thường xuyên trao đổi thông tin với nhau và báo cáo với hiệp hội để cùng phối hợp… giữ vững môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời, thúc đẩy hợp tác giữa các nhà sản xuất với nhau, tạo chuỗi liên kết đồng bộ bền vững giữa các nhà sản xuất ở khâu luyện và cán thép.
Hiệp hội sẽ tiếp tục phân tích và cung cấp thông tin phản ánh về việc nhập khẩu ồ ạt thép dài, thép cuộn hợp kim, đánh giá những tác động về việc áp thuế, thông tin về phôi thép để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, tránh tình trạng đầu cơ của các nhà thương mại.(TTXVN)