Mỹ tố Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại
Samsung thống trị ngành chip, các đối thủ sa lầy
Kinh tế Nga: Đặt cược vào các ngành công nghiệp truyền thông và viễn thông
Lợi nhuận của Facebook tăng gấp 3 lần sau 1 năm
Mua lại Instagram, một trong những vụ mua lại sinh lời nhất trong lịch sử
Tin kinh tế đọc nhanh 29-04-2016
- Cập nhật : 29/04/2016
Xuất siêu 1,46 tỷ USD trong 4 tháng
Tổng cục Thống kê cho biết, do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu trong tháng 3/2016 nên xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong tháng này đã cao hơn 672 triệu USD so với con số ước tính. Thêm một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng đạt kim ngạch cao hơn ước tính, nên kim ngạch xuất khẩu thực hiện tháng 3/2016 đạt 15,117 tỷ USD USD, cao hơn 917 triệu USD so với số ước tính.
Kim ngạch xuất khẩu thực tế cao hơn ước tính tới hơn 900 triệu USD nên tháng 3/2016, cán cân thương mại đã thặng dư khá lớn. Con số chính thức là 624 triệu USD.
.
Kết quả này đã tác động tới cán cân thương mại cả nước trong 4 tháng đầu năm. Đó là, tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước ước xuất siêu 1,46 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 5,60 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,06 tỷ USD.
Cụ thể, 4 tháng đầu năm kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 52,9 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 15,1 tỷ USD, tăng 2,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 37,8 tỷ USD, tăng 7,3%.
Trong khi đó, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 51,4 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 20,7 tỷ USD, giảm 0,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 30,7 tỷ USD, giảm 1,4%.
Điều đáng quan tâm, nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với kim ngạch 14,7 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu sang thị trường này lại tăng 16,5%, ước đạt 5,8 tỷ USD, nên nhập siêu từ thị trường này trong 4 tháng qua ước đạt 8,9 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2015.(BĐT)
Cienco5 tố khuất tất chuyển nhượng cổ phần tại Cienco5 Land, Dự án BT Thanh Hà
Cụ thể, ông Lê Quang Vinh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 – CTCP (Cienco5) đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chỉ đạo Tổng công ty, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land) rà soát lại toàn bộ tình hình triển khai thực hiện Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án hoàn vốn (khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 A, Thanh Hà Cienco 5 B và đô thị Mỹ Hưng Cienco 5); quá trình hoạt động của doanh nghiệp dự án (Cienco5 Land); quá trình thay đổi vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco5 Land.
Ông Vinh cũng đề nghị dừng tất cả các vấn đề liên quan tới việc chuyển nhượng Dự án, chuyển chủ đầu tư, nhà đầu tư đối với Dự án BT và các dự án hoàn vốn; dừng việc thay đổi chuyển nhượng vốn điều lệ tại doanh nghiệp Dự án.
Theo thông tin riêng của Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Lê Quang Vinh là người của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát - đơn vị trúng đấu giá lô 10.176.000 cổ phần (tương đương 23,18% cổ phần của Cienco5). Nhà đầu tư này cũng vừa mới đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải tạm dừng điều động cán bộ là những người đại diện phần vốn nhà nước tại đây.
Phân tích của Phó tổng giám đốc Cienco5 Lê Quang Vinh cho thấy, việc thay đổi vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ tại doanh nghiệp dự án không phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng ban đầu khi thành lập. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của Cienco5 tại Cienco5 Land chỉ còn 3% vốn điều lệ thay vì 49% vốn điều lệ ở giai đoạn đầu thành lập. Việc thay đổi/chuyển nhượng này có dấu hiệu mất vốn Nhà nước và có dấu hiệu của việc chuyển nhượng dự án sai quy định khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng trình tự thủ tục thoái vốn Nhà nước.
Trước đó, vào giữa tháng 4/2016, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Thanh cho biết đang hoàn tất thương vụ mua lại 95% cổ phần của Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land). Đây là doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5). Sau khi thương vụ này, Mường Thanh sẽ kiểm soát dự án Khu đô thị Thanh Hà, quận Hà Đông, Hà Nội.
Vị này cũng tiết lộ, tổng giá trị thương vụ này là 1.500 tỷ đồng, bao gồm khoản mua lại 95% cổ phần tại Cienco 5 Land và các khoản nợ Mường Thanh sẽ đứng ra trả thay cho công ty này.
Khu đô thị Thanh Hà gồm 2 dự án thành phần tọa lạc trên địa phận hai xã Phú Lương (dự án Thanh Hà A) và xã Cự Khê (dự án Thanh Hà B) do Cienco 5 làm chủ đầu tư. Khu đô thị mới Thanh Hà A có diện tích hơn 195 ha, tổng mức đầu tư gần 4.400 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất là hơn 2.400 tỷ đồng. Khu đô thị mới Thanh Hà B có diện tích 193 ha, tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất là hơn 2.000 tỷ đồng.(BĐT)
Công ty thép lớn nhất Mỹ kiện yêu cầu cấm nhập khẩu thép TQ
Hãng tin Reuters ngày 27-4 đưa tin Công ty thép lớn nhất Mỹ U.S. Steel, có trụ sở ở bang Pennsylvania, đã gửi đơn kiện lên Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) để yêu cầu điều tra hàng chục công ty thép TQ và nhà phân phối thông đồng ấn định giá, ăn cắp bí mật thương mại và né thuế bằng cách cố tình dán nhãn sai cho các sản phẩm thép xuất khẩu sang Mỹ.
Đơn kiện yêu cầu chính phủ Mỹ cấm nhập khẩu thép của các công ty Trung Quốc này vì họ sử dụng các phương thức cạnh tranh không công bằng trong kinh doanh. U.S. Steel cáo buộc các công ty này đã ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ của U.S. Steel trong một vụ đột nhập mạng của công ty này vào năm 2010.
Đơn kiện nêu ra một số bị đơn gồm Tập đoàn Sắt thép Hà Bắc, Tập đoàn Sắt thép An Sơn, Tập đoàn Sắt thép Sơn Đông.
Đơn kiện của U.S. Steel dựa vào Mục 337 của Đạo luật thuế quan năm 1930 cấm các hành vi và phương thức cạnh tranh không công bằng liên quan đến nhập khẩu. ITC sẽ có thời hạn 30 ngày để quyết định có thụ lý vụ kiện này hay không.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành U.S. Steel Mario Longhi ra tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi đã nói rằng chúng tôi sẽ sử dụng mọi công cụ sẵn có để đấu tranh cho kinh doanh công bằng. Cùng với việc nộp đơn kiện hôm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục theo đuổi các vụ chống bán phá giá và chống trợ cấp đồng thời thúc đẩy việc thực thi luật pháp hiện hành”.
Phản ứng trước động thái trên của U.S. Steel, ngày 27-4, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định không có vụ tranh chấp quyền sở hữu tài sản trí tuệ nào tồn tại trên thực tế giữa Trung Quốc và Mỹ đối với sản phẩm thép. Tuyên bố kêu gọi ngành công nghiệp thép của hai nước hợp tác để giải quyết tình trạng năng suất thép dư thừa toàn cầu do nhu cầu yếu. Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ hy vọng ITC sẽ bác bỏ các cáo buộc của U.S. Steel.
Các nhà phân tích nhận định rằng vụ kiện trên là diễn biến đáng chú ý nhất trong ngành thép ở Mỹ trong 25 năm qua và có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước sản xuất thép lớn khác trong bối cảnh thế giới đang bế tắc trước nguồn cung thép dư thừa trên toàn cầu.
U.S. Steel thua lỗ 1,5 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái và tiếp tục lỗ 340 triệu đô la Mỹ trong quý 1 năm nay. Đầu tháng 4-2016, U.S. Steel thông báo sẽ sa thải 25% lực lượng nhân sự ở Bắc Mỹ.(TBKTSG)
Chính sách cơ khí còn ngoài tầm với của doanh nghiệp
Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam – Trước thềm hiệp định TPP” diễn ra ngày 27-4, nhiều ý kiến cho rằng nếu có thị trường, có việc làm, DN cơ khí Việt Nam đủ tự tin để làm tốt, đủ tài chính để thuê chuyên gia và nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước.
Đồng thời, Nhà nước cần có một hệ thống chính sách đồng bộ và quy hoạch cụ thể để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mạnh vào lĩnh vực cơ khí.
Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VAMI cho rằng: trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, thông qua việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, các DN cơ khí sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, phát triển các sản phẩm, từ đó thúc đẩy ngành phát triển mạnh hơn. Đặc biệt, ngành cơ khí sẽ có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí trở thành khâu dẫn đầu và là lực đẩy đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm chế tạo của thế giới. Tuy nhiên, hiện nay ngành cơ khí vẫn đang còn rất nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt cho rằng, ngành cơ khí Việt Nam sau 30 năm vẫn chỉ đi sau các nước và hiện đang phải nhập khẩu cả công nghiệp phụ trợ cho cơ khí. Nguyên nhân chủ quan, theo ông Thụ, là dù Nhà nước ban hành rất nhiều văn bản, nhưng đến nay các chính sách đều không thiết thực với DN và nằm ngoài tầm với của các DN. Các DN cơ khí trong nước không có thị trường, các tổng thầu, thầu phụ thuộc về các DN nước ngoài, DN cơ khí quốc doanh, còn cơ khí tư nhân bị ra rìa.
Nội lực của DN cơ khí cũng là nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của ngành. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách Công nghiệp – Bộ Công Thương, cả nước có 14.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm cơ khí, nhưng chỉ có gần 100 doanh nghiệp có quy mô vốn hơn 500 tỷ đồng. Với quy mô nhỏ, quản trị kém, công nghệ thấp, khả năng liên kết yếu và khó tiếp cận nguồn vốn..., sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp trong nước không cao.
Chia sẻ thêm về hạn chế của doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho hay, riêng đối với sản phẩm đúc, đây là khâu trung gian kết nối ngành công nghiệp luyện kim và công nghiệp cơ khí chế tạo. Tỷ trọng các sản phẩm ngành đúc có thể chiếm từ 40-70% giá trị trong chuỗi công nghệ chế tạo các sản phẩm cơ khí. Tuy nhiên, một thực tại đáng buồn là ngành đúc Việt Nam hiện có khoảng 500 doanh nghiệp, cơ sở làm đúc nhưng chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam có công nghệ, thiết bị hiện đại.
Ths. Lê Văn Khương, Chủ tịch Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) cho rằng, khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn là một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam lâm vào tình trạng hụt hơi. Thiếu vốn đầu tư nên đa phần các nhà máy sản xuất cơ khí có dây chuyền công nghệ lạc hậu, kém đồng bộ, sản phẩm làm ra không có sức cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, cần có các chính sách vĩ mô để thu hút mạnh mẽ các dòng vốn của các tổ chức và cá nhân trong – ngoài nước.
Chia sẻ về việc nâng cao công nghệ sản xuất các sản phẩm đúc, theo ông Trần Ngọc Hà, Tổng giám đốc VEAM hiện Tổng công ty VEAM đã đầu tư hơn 230 tỷ đồng cho dây chuyền đúc hiện đại nhập khẩu từ Nhật Bản. Dây chuyền này đã giúp doanh nghiệp đúc được các thiết bị kỹ thuật phức tạp, chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm cho các công ty trong và ngoài nước.
Khuyến nghị về vấn đề này, Ths Lê Văn Khương cho rằng, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN cơ khí phát triển, Nhà nước vẫn phải đưa ra cơ chế chính sách, cụ thể như thuế, phí, có chính sách khuyến khích tiêu dùng, tạo thị trường đầu ra cho doanh nghiệp, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích sử dụng những vật liệu trong nước, tăng thuế nhập khẩu ở mức cao đối với vật liệu xây dựng nhập khẩu. (HQ)
15 Tập đoàn Hoa Kỳ tìm cơ hội hợp tác lĩnh vực hàng không với Việt Nam
Hội thảo cũng thu hút lãnh đạo Cục hàng không Việt Nam, các hãng hàng không tư nhân (Vietjet Air), Vietnam Airline, Star Airline… và khoảng 50 nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Việt Nam muốn tìm hiểu và tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, hiện nay, Việt Nam có 21 sân bay dân sự đang hoạt động, bao gồm: Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và gần đây là Cam Ranh. Sắp tới, sẽ có những cảng HKQT Phú Quốc, Cát Bi (Hải Phòng)… Trong năm 2015, 21 sân bay này đang hoạt động với công suất khoảng 70 triệu hành khách/năm, nâng mức tăng trưởng vận chuyển đường hàng không 10 năm qua lên gần 15%/năm.
Theo ông Cường, giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, hàng không Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân) đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 10%/năm, số lượng hành khách đi máy bay đạt hơn 300 triệu vào năm 2030.
Theo kế hoạch, đến 2020 sẽ có 23 sân bay được khai thác (trong đó có 13 cảng HKQT), công suất 113 triệu lượt hành khách/năm. Hiện có có một thách thức lớn đối với cảng HKQT Tân Sơn Nhất TP HCM) theo ông Cường là quá tải do nhu cầu đi lại bằng máy bay của người dân ngày càng cao.
Vì vậy, Cục Hàng không đang cấp bách để nâng cao năng suất của cảng hàng không này. Theo kế hoạch, từ nay đến 2020, sẽ tăng từ 35-40 triệu hành khách/năm (hiện đã đạt 29 triệu hành khách/năm). Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2020, sẽ đầu tư cảng HKQT Long Thành đạt 25 triệu khách/năm, diện tích 5.000 ha để chia sẻ với Tân Sơn Nhất. Khi đưa vào hoạt động sẽ khai thác đồng thời cảng Tân Sơn Nhất và Long Thành.Theo công suất thiết kế, đến năm 2030, khi hoàn thành giai đoạn 2, cảng HKQT Long Thành sẽ đạt công suất khai thác từ 80 đến 100 triệu hành khách/năm với các loại máy bay hiện đại.
Tại miền Trung, theo ông Cường, sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) chưa được phát triển như như kỳ vọng, thời gian tới, Cục hàng không sẽ có hướng kêu gọi đầu tư để phát triển thành Trung tâm bảo dưỡng, sưa chữa máy bay và đào tạo phi công cho cả Việt Nam. Đồng thời, xây dựng nơi đây thành Trung tâm trung chuyển hàng hóa tầm cỡ khu vực và quốc tế…
Cũng theo ông Cường, tất cả những kế hoạch trên để đi đến một tổng kế hoạch đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 25 cảng hàng không, trong đó có 15 cảng HKQT, công suất 282 triệu lượt hành khách/năm.
Ông Cường hy vọng thông qua Hội thảo lần này, đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty đến từ Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như các nhà đầu tư sẽ hứng thú với những danh mục đầu tư ở các sân bay hiện hữu và sân bay xây dựng mới trong tương lai mà pháp luật Việt Nam cho phép.
Đáp lại những thiện chí kêu gọi đó từ Cục hàng không Việt Nam, đại diện lãnh đạo Công ty Honey Well tại Việt Nam mong muốn được hợp tác cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hàng không vũ trụ; các công nghệ điều khiển cho tòa nhà, động cơ phụ máy bay… cho các thị trường quan trọng từ xăng, dầu tới ô tô và hàng không vũ trụ để hỗ trợ Việt Nam thành một đất nước xanh hơn, an toàn và tiết kiệm năng lượng.
Tập đoàn Parsons có trụ sở tại Hồng Kông có mặt tại Hội thảo cũng mong muốn được cung cấp các giải pháp tài trợ vốn toàn dự án mà Việt Nam cho phép, bao gồm: tư vấn chiến lược, nghiên cứu khả thi, hoạch định, thiết kế, xây dựng, tổng thầu xây dựng công trình (EPC)…
Ngoài ra, Tập đoàn Pratt & Whitney của Hoa Kỳ, Tập đoàn dẫn đầu thế giới về cung cấp thiết kế, chế tạo và dịch vụ cho động cơ máy bay và các hệ thống năng lượng phụ trợ cũng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không quốc tế, quốc nội của Việt Nam và việc mua sắm, trang bị các loại máy bay mới chất lượng, an toàn của các hãng hàng không Nhà nước và tư nhân của Việt Nam.
Là diễn giả từ đầu đến cuối Hội thảo, bà Rena Biter, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận những đề xuất của Cục hàng không Việt Nam và mong muốn hợp tác làm ăn của các Tập đoàn đến từ Hoa Kỳ.
Theo bà Rene Biter, do nhu cầu đi lại bằng đường hàng không và việc xây dựng nhiều sân bay mới ngày càng cấp thiết tại Việt Nam, Việt Nam rất cần các công nghệ hàng không, thiết bị, dịch vụ thiết kế kỹ thuật.
Hội thảo lần này sẽ kết nối các nhà phát triển dựa án hàng không tại Việt Nam với công nghệ hàng không tiên tiến nhất và các nhà cung cấp thiết bị của Hoa Kỳ, Đồng thời, đây cũng là cơ hội chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động hàng không bao gồm việc ứng dụng các công nghệ, dịch vụ tiên tiến nhất trong lĩnh vực xây dựng và vận hành cảng hàng không. Tại hội thảo, thông qua nhiều hình thức gợp gớ, các cơ hội hợp tác giữ các công ty trong ngành hàng không các nước đã được trao đổi đầy đủ và chi tiết.(ĐT)