Mỹ tố Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại
Tổng công ty thép Hoa Kỳ cáo buộc hàng chục nhà sản xuất thép Trung Quốc vi phạm luật thương mại và yêu cầu Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ (ITC) điều tra sự việc.
Hoa Kỳ tố Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại - Ảnh: PV-Magazine
Theo CNN, Tổng công ty thép của Mỹ US Steel có trụ sở tại Pittsburgh cho rằng nhà chức trách cần loại bỏ “tất cả sản phẩm thép Trung Quốc đang được giao dịch không công bằng” ra khỏi thị trường Mỹ.
US Steel tố cáo doanh nghiệp Trung Quốc đã cấu kết phi pháp để làm giá, đánh cắp bí mật thương mại và né thuế bằng cách sử dụng các nhãn hiệu giả mạo.
Tổng giám đốc điều hành của US Steel, ông Mario Longhi, nói: “Chúng tôi tuyên bố sẽ dùng mọi biện pháp có thể để đấu tranh vì hoạt động thương mại công bằng”.
Trung Quốc sản xuất một nửa lượng thép trên toàn thế giới. Sản lượng thép của nước này còn nhiều hơn tổng sản lượng thép của Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga và Nhật Bản cộng lại.
Khi nền kinh tế của Trung Quốc phát triển chậm, nhu cầu thép nội địa cũng lao dốc theo. Hiện Bắc Kinh đang bị cáo buộc dùng mọi chiêu thức để tuồn số thép dư thừa của họ vào các thị trường ngoại quốc, buộc những đối thủ của họ phải đóng cửa nhà máy hoặc sa thải hàng ngàn nhân viên.
Về phía mình, Trung Quốc bao biện rằng việc cung vượt cầu là vấn đề chung toàn cầu do đà suy thoái kinh tế. Bắc Kinh nói sẵn sàng hợp tác tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề dư thừa thép và công bố đã cắt giảm 500.000 việc làm trong các nhà máy thép của họ.
Tháng 3 năm nay, Mỹ đã có đòn phản ứng với Trung Quốc khi áp mức thuế lên tới 13% với sản phẩm thép của Trung Quốc nhập khẩu vào nước này. Trung Quốc cũng đã có những biện pháp đáp trả sau đó.
Mặc dù những động thái ăn miếng trả miếng đang diễn ra nhưng giá thép vẫn tiếp tục rơi xuống mức rất thấp. Ngày 26-4, US Steel công bố doanh thu sụt giảm mạnh của doanh nghiệp này và cho biết quý đầu năm 2016, US Steel lỗ 340 triệu USD.
Đơn khiếu nại của US Steel gửi tới ITC sẽ làm tình hình càng trở nên căng thẳng. ITC có 30 ngày xem xét để quyết định có nên mở cuộc điều tra chiếu theo phần 337 trong luật thuế năm 1930 của Mỹ, một công cụ hành pháp hiếm khi sử dụng nhưng rất mạnh mẽ.
Năm 2014, một bồi thẩm đoàn Mỹ đã kết tội 5 quân nhân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) về tội bán trái phép các thông tin bí mật của US Steel và các doanh nghiệp khác của Mỹ.
Samsung thống trị ngành chip, các đối thủ sa lầy
Ngành công nghiệp linh kiện bán dẫn thế giới đang đầy khó khăn nhưng Samsung vẫn có các công nghệ mới cho phép họ giành thị phần ở một vài sản phẩm chủ chốt.
Intel vừa tuyên bố cắt giảm 12.000 nhân sự, Qualcomm dự đoán doanh số chip vào quý tài chính thứ 3 có thể giảm đến 22%, trong khi SK Hynix hôm thứ Ba vừa qua công bố mức giảm 65% doanh thu, chứng kiến quý thu về thấp nhất trong 3 năm qua.
Samsung không tránh khỏi tình hình chung. Lợi nhuận từ chip - vốn chiếm gần phân nửa doanh thu của năm ngoái - được dự đoán sẽ sụt giảm, ở mức hơn 10% so với cùng kỳ năm trước, nhiều nhà dự đoán nói với Reuters.
Nhưng nếu các đối thủ hụt chân, Samsung có thể chỉ xây xước nhẹ và hưởng nhiều lợi ích khi các đối tác tìm đến dòng chip DRAM tiết kiệm năng lượng cao cấp cho smartphone, cũng như các bộ nhớ dùng chip 3D NAND.
“Khoảng cách công nghệ giữa Samsung và các đối thủ trong mảng DRAM và NAND đã được nới rộng gần đây, cho phép họ ít giảm lợi nhuận hơn so với các công ty khác”, Song Myung-sub, nhà phân tích tại HI Investment & Securities nói với Reuters.
Dù quý đầu có thể chứng kiến mức giảm đến 10%, lợi nhuận mảng chip của họ có thể vẫn gấp 5 lần SK Hynix.
Thương hiệu chip thứ hai thế giới này cũng đang nắm thị phần smartphone lớn nhất thế giới, và trang bị con chip riêng cho điện thoại của họ, những công nghệ mà hãng khác không có được.
“Đây là vùng an toàn của họ”, Avril Wu, nhà phần tích tại Trendforce cho biết.
Doanh số khá ổn của Galaxy S7 sau khi ra mắt là nguồn lực đằng sau lợi nhuận quý đầu của họ, mà theo công bố của Samsung đã tăng 10,4%, lên đến 5,8 tỷ USD.
Ở các sản phẩm chiến lược, các nhà phân tích có vẻ lạc quan nhất về giá trị chip NAND của Samsung. Họ là công ty đầu tiên sản xuất chip flash NAND dùng công nghệ 3D NAND, giúp họ giữ vững ngôi vị thống trị ở các sản phẩm tầng trên.
BNP Paribas dự đoán doanh thu NAND của Samsung tăng 16% và lợi nhuận tăng 69% trong năm nay. Doanh số cũng có thể vượt xa mức trung bình của thị trường, giúp họ chiếm nhiều thị phần hơn.
Công nghệ này được cho đang đi trước 3 năm so với các đối thủ như Toshiba Corp, SK Hynix hay Micron Technology.
Các nhà đầu tư cũng như phân tích đều chỉ ra công nghệ vượt trội của Samsung dành cho chip DRAM, cho rằng họ đang đi trước đối thủ, có thể sản xuất chip với kích thước bé hơn, cho phép tăng tốc và bảo vệ năng lượng, cũng như tăng mạnh hiệu suất nhà máy.
Samsung đang chiếm 58% thị trường DRAM cho di động vào quý 4/2015, theo TrendForce. Doanh thu từ DRAM cho di động chiếm hơn 50% tổng số tiền thu được từ mảng này.
Kinh tế Nga: Đặt cược vào các ngành công nghiệp truyền thông và viễn thông
Sau khi các nước Phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với Nga, các ngành công nghiệp Nga đã có những thay đổi ảnh hưởng đến cơ cấu xuất khẩu hiện hành, chưa nói đến những phát triển mới của ngành công nghiệp chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa.
Ảnh minh họa Sputnik/Евгений Биятов
Ngành công nghiệp truyền thông có một vị trí đặc biệt. Điều này xuất phát từ các đặc điểm địa lý của đất nước, buộc phải phát triển viễn thông và hậu cần. Một thực tế khác là nước Nga luôn luôn giàu tài năng, mà để áp dụng công nghệ đổi mới vào các lĩnh vực này thì chuyên gia trình độ cao có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Theo Bộ trưởng liên lạc và truyền thông đại chúng Nikolai Nikiforov, trong năm 2015, ngành công nghiệp truyền thông cung cấp dịch vụ với tổng doanh số là 1,7 nghìn tỷ rúp. Đồng thời, truyền thông thể hiện động thái tích cực trong bối cảnh suy giảm nghiêm trọng tại hầu như tất cả các phân khúc khác của nền kinh tế. Nói như các nhà phân tích chứng khoán, ngành công nghiệp này đang chuyển động ngược lại với xu hướng.
Phân khúc phát triển nhất của ngành công nghiệp là viễn thông liên quan chặt chẽ với việc mua trang thiết bị đắt tiền bằng ngoại tệ. Còn doanh thu, trái lại, thu được bằng đồng rúp suy yếu.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, sự xâm nhập của băng thông rộng cho cả năm đạt 66,7 %; truyền thông, bao gồm cả điện thoại di động, — hơn 90%.
Ngoài ra, ngành công nghiệp truyền thông không chỉ giới hạn ở viễn thông: còn có phân khúc Internet, sản xuất phần mềm (thiết bị IT) và hậu cần, chưa kể đến các phương tiện truyền thông. Và nhiều phân khúc trong số đó vẫn còn rất nhiều tiềm năng.
Lợi nhuận của Facebook tăng gấp 3 lần sau 1 năm
Facebook công bố doanh thu và lợi nhuận quý I tăng vọt so với cùng kỳ, theo tin từ Wall Street Journal.
Số liệu từ eMarketer cho thấy Facebook hiện đang chiếm 12% trong tổng doanh thu 186,81 tỷ USD của ngành quảng cáo số toàn cầu - Ảnh:CNBC.
Facebook ước tính trong quý I có khoảng 1,65 tỷ người trên thế giới kiểm tra tài khoản Facebook của họ ít nhất một lần mỗi tháng...
Ngày thứ Tư, Facebook thông báo doanh thu quý I/2016 tăng 52% nhờ nguồn thu từ các sản phẩm quảng cáo trên điện thoại di động tăng mạnh. Doanh thu quý I/2016 của Facebook đạt 5,38 tỷ USD từ mức 3,54 tỷ USD cùng kỳ trước.
Giới chuyên gia trước đó đã dự báo về con số 5,26 tỷ USD.
Trong quý I/2016, Facebook lãi 1,51 tỷ USD tương đương 52 cent/cổ phiếu, mức lợi nhuận này cao gấp 3 lần mức 512 triệu USD tức 18 cent/cổ phiếu cùng kỳ năm 2015.
Facebook ước tính trong quý I có khoảng 1,65 tỷ người trên thế giới kiểm tra tài khoản Facebook của họ ít nhất một lần mỗi tháng, vào quý trước đó, con số này là 1,59 tỷ người.
Trong 2 năm qua, tăng trưởng người dùng của Facebook tại châu Á, châu Phi và Nam Mỹ lên rất mạnh. Khoảng 2/3 số người dùng mới đến từ bên ngoài Mỹ, Canada và châu Âu.
Kết quả kinh doanh của Facebook có thể coi như một điểm sáng trong ngành công nghệ Mỹ sau khi một loạt hãng công nghệ lớn công bố kết quả kinh doanh gây thất bại trong tuần qua.
Ngày thứ Ba, Apple cho biết doanh thu quý I/2016 của hãng giảm lần đầu tiên trong 13 năm, doanh thu của Twitter và tập đoàn mẹ Alphabet của Google đồng thời gây nhiều thất vọng.
Cổ phiếu của Facebook tăng mạnh sau thông tin trên. Chốt phiên hôm qua cổ phiếu Facebook giao dịch ở mức 108,89 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu Facebook đã tăng gần 34% trong 1 năm qua.
Cùng trong thông báo về lợi nhuận ngày hôm qua, Facebook công bố kế hoạch đưa vào lưu hành cổ phiếu mới gọi là cổ phiếu loại C, loại cổ phiếu này không có quyền biểu quyết và được dùng để trả cổ tức cho những người đang nắm giữ cổ phiếu loại A và loại B. Tuy nhiên, kế hoạch này còn cần phải nhận được sự chấp thuận của các cổ đông.
Cách đây vài năm, tập đoàn mẹ Alphabet của Google cũng đã phát hành loại cổ phiếu tương tự với mục tiêu huy động vốn hiệu quả và trả cổ tức cho nhân viên mà không làm ảnh hưởng đến quyền biểu quyết của nhà sáng lập bao gồm Larry Page và Sergey Brin.
Kết quả kinh doanh quý I/2016 của Facebook cho thấy trang mạng xã hội này đang có vị thế ngày một lớn hơn trong thị trường quảng cáo thế giới.
Số liệu từ eMarketer cho thấy Facebook hiện đang chiếm 12% trong tổng doanh thu 186,81 tỷ USD của ngành quảng cáo số toàn cầu. Con số này tăng đáng kể so với mức 10,7% của năm 2015 dù vẫn còn khiêm tốn nếu so với mức 31% của Google.
Facebook được đánh giá là khá thành công với sản phẩm quảng cáo trên video. Hiện tại, chi phí quảng cáo cho 1.000 lượt xem video trên Facebook là 4 USD, cách đây 1 năm chi phí này là 3,44 USD, theo số liệu của công ty công nghệ Kenshoo.
Mua lại Instagram, một trong những vụ mua lại sinh lời nhất trong lịch sử
Facebook bỏ ra 1 tỷ đô la để mua lại Instagram vào năm 2012 khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng. Nhưng đến nay Mark Zuckerberg đã chứng minh quyết định của mình là hoàn toàn sáng suốt.
Năm 2012, 1 tỷ đô la là con số khổng lồ đối với một startup, đặc biệt là một startup chỉ có 13 nhân viên và chưa làm ra 1 đồng lợi nhuận. Vì vậy, khi Facebook quyết định mua lại Instagram với mức giá trên, nhiều nhà đầu tư không khỏi ngỡ ngàng.
Nhưng 4 năm sau mọi thứ đã rõ ràng: Đây là một trong những vụ mua lại thông minh nhất trong lịch sử. Mặc dủ giá khởi điểm là 1 tỷ đô la, nhưng vụ mua lại này kết thúc với mức giá khoảng 715 triệu đô do sự sụt giảm của cổ phiếu Facebook (Facebook mua lại Instagram bằng cả tiền mặt và cổ phiếu).
Ra đời vào năm 2010, Instagram có 2 triệu người dùng sau 2 năm hoạt động. Ngày nay ứng dụng chia sẻ ảnh này đã có đến 400 triệu người dùng, làm lu mờ cả Twitter. Facebook hi vọng Instagram có thể trở thành ứng dụng tỷ-người-sử-dụng thứ tư của mình, sau Facebook, Whatsapp (cũng được mua lại), và Messenger.
Instagram giờ đây đã lớn mạnh tới nỗi nhiều người dùng giảm tần suất sử dụng Facebook để sử dụng ứng dụng chia sẻ ảnh này.
Sau khi trải qua giai đoạn giám sát quảng cáo nghiêm ngặt, cuối cùng Instagram cũng mở cánh cổng cho mọi người đều được phép quảng cáo trên ứng dụng này.
Tiền đổ về rất nhanh. Các nhà phân tích của công ty Credit Suisse ước tính Instagram đã thu về 570 triệu đô la doanh thu cho Facebook chỉ trong quý đầu tiên của năm 2016, bằng 10% tổng doanh thu các dự án của Facebook trong giai đoạn này.
Credit Suisse cũng dự đoán ứng dụng này sẽ tiếp tục đóng góp 3.2 tỷ đô la doanh thu cho Facebook trong cả năm 2016. Để so sánh, 2,2 tỷ đô la là tổng doanh thu của Twitter trong năm 2015.
<div imscurrenteditoreditobject"="" type="Photo">
Twitter đã để "đàn em" Instagram vượt măt.
Một thương vụ từng được xem là quá lố, bởi Instagram chỉ có giá trị khoảng 500 triệu USD vào thời điểm mua lại, giờ lại được tôn vinh như một quyết định mang tính tiên đoán chính xác và táo bạo.
Khi lần đầu phát hành cổ phiếu cho công chúng vào năm 2012, Facebook mới làm ra một chút lợi nhuận từ các thiết bị di động và có nguy cơ bị soán ngôi bởi những ứng dụng Mobile-first ( ứng dụng được thiết kế để sử dụng trên di động đầu tiên, sau đó mới đến những thiết bị khác như iPad, Laptop ) như Twitter hay chính Instagram. Việc mua lại Instagram khẳng định với các nhà đầu tư rằng Facebook rất nghiêm túc trong việc thống trị thị trường di động đồng thời vô hiệu hóa một đối thủ cạnh tranh mới ra đời.
Công ty mua lại ứng dụng nhắn tin Whatsapp vào năm 2014 với cùng lí do trên, với mức giá 22 tỷ đô la.
(
Tinkinhte
tổng hợp)