Thống đốc PBOC bác bỏ tin đồn kiểm soát vốn và nhân dân tệ
Các công ty lo “giữ chân” lao động sau Tết
Chứng khoán tháng Giêng: Tích cực trở lại?
“Bêu tên” 8 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất hàng trăm tỷ đồng
Điện lực Khánh Hòa (KHP): Vượt 52% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 29-04-2016
- Cập nhật : 29/04/2016
Fed phát tín hiệu không vội vàng tăng lãi suất khi nền kinh tế còn yếu
Fed hôm 27/4 đã quyết định giữ nguyên lãi suất như hiện hành. Bên cạnh đó dù vẫn để ngỏ khả năng tăng trong tháng 6, song Fed phát đi tín hiệu không vội vàng tăng lãi suất trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu giảm tốc.
Theo đó cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Ủy ban Thị trường mở Mỹ (FOMC) đã kết thúc chiều qua với việc Fed quyết định giữ lãi suất cho vay qua đêm ở mức 0,25-0,5% như hiện nay đúng như dự báo của giới chuyên môn theo một cuộc thăm dò của Reuters.
Trong tuyên bố phát đi sau khi cuộc họp, Fed cho biết mặc dù thị trường lao động tiếp tục được cải thiện, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế dường như đã chậm lại. Fed cũng thừa nhận rằng, chi tiêu hộ gia đình có dấu hiệu chững lại, nhưng thu nhập thực tế của hộ gia đình đã tăng lên và tâm lý người tiêu dùng vẫn ở mức cao.
Bên cạnh đó, mặc dù ghi nhận xu hướng tăng của lạm phát trong thời gian gần đây và bày tỏ tin tưởng lạm phát sẽ đạt được mục tiêu 2% trong trung hạn, song kỳ vọng lạm phát vẫn ở mức thấp trong ngắn hạn. Bởi vậy, Fed cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ lạm phát.
Cơ quan này cũng nhận thấy rằng những “cơn gió ngược” của kinh tế toàn cầu vẫn còn hiện hữu mặc dù Fed không đề cập cụ thể đến những rủi ro này do đã được đề cập đến trong tháng trước. "Ủy ban tiếp tục giám sát chặt chẽ các chỉ số lạm phát cũng như diễn biến kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu", Fed cho biết trong tuyên bố sau cuộc họp.
Bởi vậy, mặc dù thị trường lao động tiếp tục được cải thiện tích cực, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 4,9%, song các nhà hoạch định chính sách của Fed cho biết sẽ tiến hành một cách thận trọng trong việc tăng lãi suất do sự bất ổn trong nền kinh tế thế giới và áp lực lạm phát yếu.
Chứng khoán Hoa Kỳ tăng điểm nhẹ sau khi tuyên bố này được phát đi, trong khi đồng USD ít biến động so với rổ tiền tệ. Giá trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn dài tăng mạnh.
Hiện các thương nhân đang đặt cược lớn vào việc tăng lãi suất lần đầu tiên trong năm 2016 sẽ diễn ra vào tháng 9 và một tỷ lệ cược ít hơn rằng việc tăng lãi suất tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 12. Được biết, tại phiên họp chính sách tháng 3, các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến lãi suất sẽ được tăng 2 lần trong năm nay.
Trong khi theo khảo sát của Tập đoàn FedWatch CME, xác suất tăng lãi suất trong tháng 6 đã tăng lên mức 23% từ mức 21% trước khi tuyên bố của Fed được phát đi. "Tuyên bố mới nhất này đã không đưa ra một khả năng vững chắc về việc tăng lãi suất vào tháng 6", Bill Irving - một nhà quản lý danh mục đầu tư với Fidelity Investments cho biết.
Số liệu ước tính về tăng trưởng GDP quý 1/2016 tại Mỹ sẽ được công bố hôm nay (28/4) được dự báo là không mấy lạc quan. Theo khảo sát của Reuter, các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng trưởng 0,7% trong quý 1/2016 thấp hơn nhiều mức tăng 1,4% của quý 4/2015.
Được biết, tại cuộc họp chính sách tháng Tư, Chủ tịch Fed Kansas City Esther George tiếp tục không đồng ý giữ nguyên lãi suất mà cho rằng cần thiết phải tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm.
Mức tăng trưởng ngành bao bì đang mạnh
Trước sự hồi phục của nền kinh tế và hoạt động giao thương diễn ra mạnh mẽ nhờ vào các hiệp định thương mại quốc tế được ký kết, ngành giấy bao bì đã ghi nhận kết quả rất tích cực.
Theo số liệu của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng giấy bao bì đạt gần 2,7 triệu tấn, tăng 12,63% so với cùng kỳ. Trong khi đó, sản xuất trong nước chỉ mới đáp ứng khoảng 54% nhu cầu tiêu thụ tương ứng với mức 1,45 triệu tấn. Gần 1,25 triệu tấn còn lại đến từ nhập khẩu, trong năm 2015, lượng nhập khẩu giấy bao bì cũng tăng trên 12% so với cùng kỳ.
Bước sang năm 2016, giới phân tích cho rằng sản xuất trong nước vẫn đang thiếu hụt, bên cạnh đó, việc dự báo các hiệp định TPP sắp chính thức có hiệu lực đang là nguyên nhân khiến các DN FDI cũng như các DN trong nước ồ ạt đổ vốn để gia tăng công suất nhà máy. Có thể kể đến là dự án 1 triệu tấn giấy công nghiệp của Tập đoàn Cheng Loong Đài Loan trị giá 1 tỷ USD hay dự án Nhà máy giấy Giao Long giai đoạn 2 với công suất 600 tấn/ngày (khoảng 180.000 tấn/năm) của DHC.
Với những dữ liệu có được, nhà đầu tư chứng khoán có thể tìm kiếm đến một số cổ phiếu thuộc ngành bao bì để tìm hiểu đầu tư. Bởi hiện tại đang có xu hướng các nhà máy làm bao bì thùng carton với quy mô lớn phía Bắc đang mở rộng vào Nam, tập trung tại các khu công nghiệp Đông Nam bộ như Nhơn Trạch 2, Bình An-Lộc Sơn nhằm đón đầu tăng trưởng các đơn hàng mới từ các khu công nghiệp vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là cho nhà máy của Samsung.
Chúng tôi cho rằng, các DN sản xuất giấy bao bì khu vực phía Nam sẽ hưởng lợi do có được lợi thế về chi phí vận chuyển – chi phí quyết định đến lợi thế cạnh tranh trong ngành.
Nhìn chung, giới chuyên môn có cơ sở cho rằng, các DN trong ngành (trong đó có DHC) sẽ có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý I cũng như trong cả năm 2016 này. Theo dự phóng, DHC có thể ghi nhận mức doanh thu và LNST cho cả năm 2016 lần lượt 707 tỷ và 88,8 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5% và 15,3% so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm hiện tại, mức giá mục tiêu cho DHC vẫn được bảo lưu ở mức 38.200 đồng/cổ phiếu.
Giảm mối lo thiếu vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc Quỹ Phát triển DNNVV cho biết, ngay trong năm nay, Quỹ sẽ tiến hành giải ngân 500 tỷ đồng và trong ba năm tiếp theo sẽ tiếp tục giải ngân 1.500 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, quy mô nhỏ, quy mô vừa (xác định theo Điều 3, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ), có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh thuộc một trong 3 ngành kinh tế: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải, cần hỗ trợ vốn có thể nộp hồ sơ ngay từ bây giờ.
Khi nộp hồ sơ tới Quỹ, DNNVV sẽ có cơ hội nhận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi so với mặt bằng lãi suất thương mại hiện nay, cụ thể, 5,5% với khoản vay ngắn hạn và 7% đối với khoản vay trung - dài hạn. Lãi suất này được giữ cố định trong suốt thời gian vay vốn của doanh nghiệp, tối đa lên tới 10 năm, sẽ giúp doanh nghiệp ổn định, cân đối và quản lý tốt dòng tiền của dự án.
Bên cạnh đó, trong năm nay, các DNNVV dự định vay vốn từ Quỹ sẽ được các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ các tổ chức tài chính quốc tế trong và ngoài nước tham vấn tại cơ sở sản xuất để tư vấn quản lý tài chính, quản lý sản xuất, bà Hồng cho biết thêm.
Việc cấp vốn của Quỹ sẽ thông qua phương thức ủy thác cho các ngân hàngthương mại. Hiện tại, đã có 3 ngân hàng thương mại nhận ủy thác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank).
Các DNNVV có nhu cầu hỗ trợ vốn có thể trực tiếp nộp hồ sơ xin vay vốn tới Quỹ, hoặc nộp hồ sơ xin vay vốn tới các ngân hàng thương mại nhận ủy thác. Các doanh nghiệp cần lưu ý, trong trường hợp bị ngân hàng nhận ủy thác từ chối cho vay, doanh nghiệp vẫn có thể nộp hồ sơ vay vốn tới Quỹ để đề xuất vay vốn tại ngân hàng nhận ủy thác khác.
Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc lại 6 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung cải cách hành chính, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, phát huy tự do sáng tạo, trọng dụng nhân tài, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Có thể nói, việc Quỹ Phát triển DNNVV được thành lập là minh chứng cụ thể về hành động của Chính phủ để hiện thực hóa chủ trương trên.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, lễ ra mắt và chính thức tiếp nhận hồ sơ cấp vốn của Quỹ tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát huy tối đa tiềm năng. Đây cũng là hành động thực thi chính sách thiết thực để hỗ trợ cộng đồng DNNVV vượt qua khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động hiện nay.
Gần 28.900 DN giải thể, ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4 cả nước có 5.844 DN gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động (bao gồm 1584 DN tạm ngừng kinh doanh có đăng ký và 4260 DN tạm ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký), tăng 50,6% so với tháng trước; có 840 DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động, tăng 16%.
Tính chung 4 tháng đầu năm, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 3.759 DN, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. “Trong đó phần lớn là những DN quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng, chiếm tới 93,5%”, Tổng cục Thống kê cho biết.
Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay là 25.135 DN, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 9450 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và 15685 DN ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký.
Ở chiều ngược lại, trong tháng Tư, cả nước cũng có 10.954 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 62,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% về số DN và giảm 14,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước; số vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng đạt 5,7 tỷ đồng, giảm 23,2%.
So với cùng kỳ năm trước, số DN thành lập mới tăng 19,2%; số vốn đăng ký tăng 21,3%. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong tháng Tư là 105 nghìn người, giảm 15,1% so với tháng Ba.
Ngoài ra trong tháng còn có 1.955 DN quay trở lại hoạt động, giảm 0,2% so với tháng trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 34721 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 248,2 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% về số DN và tăng 52,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015; số vốn đăng ký bình quân một DN đạt 7,1 tỷ đồng, tăng 24,2%.
Nếu tính cả 553,3 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng vốn bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 4 tháng đầu năm là 801,5 nghìn tỷ đồng.
Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các DN thành lập mới 4 tháng đầu năm 2016 là 427,2 nghìn người, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2015.
Số DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm là 11331 DN, tăng 79,4% so với cùng kỳ năm trước.
40 năm quan hệ EU - ASEAN hướng tới đối tác chiến lược
Trung tâm Habibie đã tổ chức hội thảo “EU - ASEAN: 40 năm quan hệ ngoại giao hướng tới đối tác chiến lược” chiều 26/4 tại Indonesia, với sự tham dự của một số đại sứ, các chuyên gia nghiên cứu và các học giả.
Các đại biểu đã tập trung thảo thuận và đánh giá về quá trình phát triển mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đặc biệt là các thách thức, cơ hội mà hai bên phải đối mặt trong thời gian tới; các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa ASEAN và EU trong bối cảnh hiện tại của các mối quan hệ quốc tế; thúc đẩy quan hệ ngoại giao EU - ASEAN cùng với tăng cường hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Đại sứ EU tại ASEAN Francisco Fontan Pardo nhận định thời gian qua, EU và ASEAN đã hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư, quốc phòng, an ninh, kết nối giao lưu nhân dân… tích cực mở rộng thị trường tới các nước thành viên ASEAN. EU cũng có một số chương trình nhằm giúp các nước ASEAN đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, đối phó với thảm họa thiên tai, môi trường.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn, trong các đối tác của ASEAN, quan hệ EU - ASEAN là một trong những quan hệ đối tác phát triển mạnh mẽ nhất trong 40 năm vừa qua. Về mặt chính trị, từ quan hệ chỉ ở mức đối thoại, EU và ASEAN đã phát triển quan hệ rất mạnh trên cơ sở thỏa thuận Nuremberg năm 2007 thiết lập quan hệ đối tác giữa ASEAN và EU.
Về lĩnh vực kinh tế - thương mại thì EU là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của ASEAN với tổng giá trị đầu tư đạt 132 tỷ USD. Về an ninh quốc phòng, EU là đối tác rất tích cực của ASEAN trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực, đặc biệt là trong vấn đề xử lý tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Mối quan hệ giữa EU và ASEAN được bắt đầu vào năm 1972, nhưng trong 3 năm trở lại đây những bước chuyển biến mới thật sự rõ ràng với một số lượng lớn các chuyến thăm cấp cao trao đổi giữa hai bên. EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, với kim ngạch giao dịch hàng hóa và dịch vụ giữa hai bên đạt khoảng 240 tỷ euro (271,2 tỷ USD).
EU đã tích cực mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư ở cấp độ song phương và khu vực. Tuy nhiên, Hiệp định thương mại tự do (FTA) ở cấp độ khu vực giữa EU và ASEAN vẫn là mục tiêu tối quan trọng.
EU là bên đóng góp nhiều nhất cho Ban Thư ký ASEAN và cũng là đối tác phát triển chính của ASEAN, tích cực hỗ trợ ASEAN trong việc phát triển và hội nhập khu vực. EU đã tăng gấp đôi ngân sách cho quỹ hợp tác phát triển giai đoạn 2014-2017 so với giai đoạn 2007-2013; hơn 170 triệu euro (192,1 triệu USD) đã được dành riêng cho chương trình hội nhập khu vực ASEAN hậu 2015.