tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 26-03-2016

  • Cập nhật : 26/03/2016

Microsoft bất ngờ chen chân vào thương vụ Yahoo bán mình giá 10 tỷ USD

Theo tin từ Recode, ban quản trị của Yahoo đánh tiếng bán mảng kinh doanh cốt lõi với giá 10 tỷ USD. Microsoft ngay lập tức lên tiếng sẽ hỗ trợ tài chính bất cứ nhà đầu tư quan tâm tới thương vụ.
ceo marissa mayer cua yahoo. anh: recode

CEO Marissa Mayer của Yahoo. Ảnh: recode

Microsoft đã gặp một số quỹ đầu tư tư nhân quan tâm tới việc mua lại mảng kinh doanh cốt lõi của Yahoo với giá 10 tỷ USD. Microsoft cho biết sẵn sàng "hỗ trợ đáng kể về mặt tài chính".

Tài sản ban quản trị của Yahoo rao bán bao gồm mảng tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo.

Mục đích của Microsoft sau lời chào mời trên là bảo toàn thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm với Yahoo, trong trường hợp công ty này bị bên thứ ba mua lại.

Mức giá 10 tỷ USD này cao hơn mức định giá 6 – 8 tỷ USD của các chuyên gia đối với mảng kinh doanh lõi của Yahoo.

Năm 2008, CEO Microsoft - Steve Ballmer từng lên kế hoạch chi 45 tỷ USD để thâu tóm đối thủ, tuy nhiên thương vụ đổ bể vào phút cuối.

Một năm sau, hai công ty ký thỏa thuận tích hợp Bing làm trình duyệt mặc định trên các dịch vụ của Yahoo, có hiệu lực trong 10 năm.

Tuy nhiên vào năm 2015, Yahoo đột ngột thay đổi đối tác tìm kiếm Microsoft bằng Google.

Recode cho rằng Microsoft chen chân vào thương vụ vì muốn giữ vị trí cung cấp công cụ tìm kiếm cho Yahoo. 

Hiện Verizon và Time Inc. đang được xem là người mua chiến lược của Yahoo. Bên cạnh đó còn có rất nhiều cái tên sáng giá khác, đơn cử như AT&T và Comcast.
Hoặc như Alibaba, nếu như công ty này xem việc mua lại mảng cốt lõi của Yahoo là một cách lấy lại phần cổ phần đang bị Yahoo nằm trong tay Yahoo.
Bên cạnh đó, Softbank cũng không thể bị loại trừ khỏi danh sách ứng cử viên này.

Chỉ một thương vụ BigC Thái Lan đã gần bằng tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2015

Tập đoàn Casino Group đã bán BigC Thái Lan thành công với giá trị lên tới 3,4 tỷ USD, chỉ riêng thương vụ này đã gần bằng tới 80% tổng giá trị M&A của Việt Nam năm 2015.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu từ IMAA, năm 2015 Việt Nam có tổng cộng 525 thương vụ mua bán và sáp nhập, tăng vọt so với giai đoạn 2009-2014 (mỗi năm khoảng trên 300 thương vụ). Nếu so với năm 1999, tổng số vụ mua bán sáp nhập năm 2015 lớn gấp 16 lần và giá trị gấp hơn 40 lần.

Mặc dù tăng trưởng đột biến trong năm 2015, các số liệu từ IMAA chỉ ra một sự thật đáng buồn rằng, M&A Việt Nam mới chỉ tăng về “lượng”, chứ chưa tăng về “chất”, có nghĩa là các thương vụ M&A trong năm 2015 vẫn chủ yếu là mua bán sáp nhập quy mô nhỏ.

Tính trung bình, mỗi thương vụ M&A năm 2015 có giá trị khoảng hơn 8 triệu USD, thấp hơn so với các năm trước như 2011, 2012, 2014 và thậm chí còn thấp hơn năm 2002 và 2006.

Sự nhỏ bé của doanh nghiệp Việt sẽ còn rõ hơn nếu so sánh với số liệu các quốc gia trong khu vực. Năm 2015, “con rồng Châu Á” Singapore có 700 thương vụ M&A, giá trị gần 100 tỷ USD, trung bình 141 triệu USD/thương vụ, lớn gấp 17 lần so với Việt Nam. Con số trung bình tại các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều lớn gấp hơn 3 lần so với trung bình tại Việt Nam.

Mới đây, tập đoàn Casino Group đã bán BigC Thái Lan thành công với giá trị lên tới 3,4 tỷ USD, chỉ riêng thương vụ này đã gần bằng tổng giá trị M&A của Việt Nam năm 2015. Trong khi đó, Casino Group cũng đang rao bán BigC Việt Nam và hệ thống này được định giá khoảng 800 triệu USD, chưa bằng 1/4 so với BigC Thái Lan.

Tuy nhiên, nếu so với mặt bằng trong nước, thương vụ BigC vẫn sẽ là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay.

Quan trọng hơn, sự nhỏ bé của DN Việt Nam còn thể hiện ở chỗ, hầu hết các vụ M&A lớn nhất đều là DN nước ngoài thâu tóm lại DN trong nước hoặc DN nước ngoài thâu tóm lại DN nước ngoài. DN Việt Nam chỉ đóng vai người đi thâu tóm ở những thương vụ nhỏ, còn lại đa phần vào vai người bị thâu tóm.

Thương vụ thâu tóm lớn nhất của DN nội được biết tới đó là Vingroup bán lại tòa nhà Vincom Center A cho VIPD với giá trị lên tới 470 triệu USD.

Trong khi đó, nhìn sang Thái Lan, ai là người chi ra 3,4 tỷ USD để mua lại BigC Thái Lan từ tay người Pháp? Câu trả lời đó là TCC Group của Thái Lan. Nó cho thấy nội lực của những DN Việt Nam, kể cả những DN lớn nhất vẫn còn thua xa các DN trong khu vực.

Nếu nhìn qua bảng xếp hạng những tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á của Forbes, có thể thấy Thái Lan, Philipines, Malaysia Indonesia, Singapore đóng góp rất nhiều đại diện tỷ đô, với tài sản những người đứng đầu lên tới trên 10 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có duy nhất 1 đại diện với tài sản khoảng 1,5 tỷ USD.

Tạm gác nỗi buồn DN nội sang một biên, điểm tích cực có thể nhận thấy từ số liệu của IMAA, đó là M&A tại các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đang giảm dần cả về số lượng và giá trị trong các năm gần đây, trong khi M&A Việt Nam lại đang tăng dần.

Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào giai đoạn tới, các chính sách trở nên thông thoáng, môi trường kinh doanh tại Việt Nam trở nên hấp dẫn, cùng với xu hướng mua bán thuận lợi, khi đó dòng vốn ngoại sẽ tăng cường đổ về thông qua các thương vụ M&A.


Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp chưa hiệu quả

Quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vay vốn ngân hàng thông qua hình thức bảo lãnh khi doanh nghiệp (DN) không đủ điều kiện về tài sản, thế chấp...
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Thế nhưng, hiện nay quỹ này vẫn chưa đem lại hiệu quả cho DN. Điển hình tại TP. HCM, sau gần 10 năm thành lập, số lượng DN tiếp cận được hình thức bảo lãnh này còn quá ít.
“Bị trói” vì nhiều quy định không phù hợp
Đại diện Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP. HCM cho biết, thành phố có hơn 266 ngàn DN, trong đó DNVVN chiếm đa số với tỷ lệ 96%. Do số lượng DNVVN chiếm tỷ lệ cao nên nhu cầu vay vốn đầu tư của DNVVN trên địa bàn rất lớn.
Tuy nhiên, quỹ bảo lãnh tín dụng không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của DN. Tổng nhu cầu vay vốn bình quân năm 2009 - 2013 là 1.256 tỷ đồng nhưng vay vốn theo hình thức bảo lãnh chỉ khoảng 524 tỷ đồng. Năm 2014 - 2015 nhu cầu vay vốn bình quân của DNVVN trên địa bàn là 1.347 tỷ đồng, thế nhưng Quỹ bảo lãnh tín dụng giải ngân với mức khá khiêm tốn 31 tỷ đồng.
Ông Hoàng Đình Thắng - Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng TP. HCM, cho biết, DNVVN có nhu cầu vay vốn rất lớn nhưng quỹ lại không đáp ứng được yêu cầu DN. Nhiều quy định về cho vay bảo lãnh chưa phù hợp thực tế khiến quỹ như bị trói chân, hoạt động rất khó khăn. Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu quy định DN phải có tài sản thế chấp cho khoản vay được bảo lãnh. Cụ thể, DN phải có vốn tự có 15% trong tổng mức đầu tư dự án, phải có 15% giá trị tài sản thế chấp tại ngân hàng. “Thực tế, quy định này tuy có chặt chẽ nhưng hầu như các DNVVN không đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chí bảo lãnh”, ông Thắng chia sẻ.
Theo khảo sát của Đại học Ngân hàng TP. HCM, cả nước hiện có 27 quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động và nơi nhiều nhất cũng chỉ bảo lãnh được 105 DN. Trong khi đó, theo đại diện Công ty Đầu tư tài chính TP. HCM, hiện nay, 98% nguồn hoạt động của quỹ này đều từ ngân sách. Điều này khiến quy mô của các quỹ có xu hướng bị thu hẹp, tính hấp dẫn đối với DN ngày càng giảm. 

TS. Bùi Quang Tín, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng cho hay, nguyên nhân một phần nữa là do chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc xây dựng quy trình đồng thẩm định, nên một hồ sơ tín dụng phải thực hiện thẩm định hai lần. Điều này làm cho DN tốn nhiều thời gian và công sức cũng như chi phí để được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng.
Điều đáng nói, các DN thuộc các thành phần kinh tế được xếp loại DNNVV theo Nghị định số 56/2009/NĐ-CP chưa phù hợp với tình hình hiện nay. “Ví dụ, đối với DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng quy định quy mô tổng nguồn vốn tối đa là 100 tỷ đồng hoặc tối đa 300 lao động. Đối với DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ quy định quy mô tổng nguồn vốn tối đa là 50 tỷ đồng hoặc tối đa 100 lao động. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, rất ít DNVVN đáp ứng được các quy định trên”, TS Tín cho biết thêm.
“Cởi trói” để hoạt động hiệu quả
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM cho biết: Ở các nước, nhiều hiệp hội được đứng ra bảo lãnh cho DN nhưng Việt Nam chưa làm được việc này. Hiện ngân hàng không an tâm với quỹ vì sợ rủi ro khi DN làm ăn thất bại. “Chúng ta phải hiểu rõ, khi bảo lãnh cho một DN tức là giúp họ tạo ra nhiều việc làm, đóng thuế cho nhà nước…”, ông Hưng nhấn mạnh.
Về vấn đề tại sao hiệp hội các nước có thể bảo lãnh để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt, Trưởng đại diện phía Nam Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân, cho biết, mô hình hiệp hội của các nước hoạt động rất tốt. Các nước không thu thuế thu nhập DN. DN đóng góp cho hiệp hội, cho nên hiệp hội có phí để hoạt động tốt. Từ đó, ngân hàng có thể tin tưởng vào sự bảo lãnh của hiệp hội. Như vậy, muốn Quỹ bảo lãnh tín dụng tại Việt Nam hoạt động tốt, bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt cho rằng nên tìm cách kết nối đồng bộ giữa hiệp hội, cơ quan bảo hiểm và quỹ bảo lãnh thì mới giải quyết được vấn đề.
Còn TS Bùi Quang Tín đề nghị nên khuyến khích các địa phương thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng độc lập, không trực thuộc các Quỹ đầu tư địa phương nhằm tăng tính chủ động và tăng cường trách nhiệm quản lý. Song song đó, cần có chính sách ưu đãi để thu hút vốn điều lệ cho quỹ bảo lãnh tín dụng, như khi góp vốn vào Quỹ sẽ được miễn một phần thuế thu nhập DN theo tỷ lệ giữa số vốn góp so với tổng vốn hoạt động kinh doanh.
Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM, ông Hưng khẳng định cần có một chỉ đạo cụ thể của Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc này. Như ban hành tiêu chuẩn thấp hơn để tạo điều kiện cho các DN tiếp cận được vốn vay từ quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời yêu cầu ngân hàng cùng chung vai gánh rủi ro với quỹ. Có như vậy, DN mới tiếp cận được vốn và quỹ mới hoạt động hiệu quả.

Sau Nga, ô tô Belarus cũng sẽ hưởng thuế suất 0% khi về Việt Nam

 

Việt Nam sẽ cho phép các doanh nghiệp liên doanh Việt Nam - Belarus được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Tin từ Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 23/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng và người đồng cấp, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Cộng hoà Belarus Vovk Vitali Mikhaylovich đã thay mặt Chính phủ hai nước chính thức ký Nghị định thư giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ CH Belarus về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải gắn động cơ trên lãnh thổ CHXHCN Việt Nam.

Cơ sở để đàm phán dành ưu đãi song phương giữa Việt Nam và Belarus là căn cứ theo Điều 1.6 của Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN - EAEU FTA).

Theo Nghị định thư hợp tác về ô tô này, doanh nghiệp sản xuất ô tô (MAZ) của Belarus sẽ cùng các đối tác Việt Nam thành lập liên doanh để sản xuất, lắp ráp ô tô tải và xe từ 10 chỗ trở lên tại Việt Nam. Belarus cam kết tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, đến năm 2020 là 40% và đến năm 2026 là 60%

Theo Nghị định thư, nếu một liên doanh không đạt được mức nội địa hóa đã cam kết nêu trên sau 10 năm thì liên doanh đó sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Ngoài thị trường trong nước, các liên doanh còn định hướng sản xuất ô tô để xuất khẩu sang các nước thứ ba, trước hết là các nước Đông Nam Á do ô tô có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% của Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào các nước ASEAN.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Việt Nam sẽ cho phép các liên doanh được nhập khẩu miễn thuế một số xe nguyên chiếc để bán thăm dò dung lượng và thị hiếu của thị trường đồng thời cho hưởng hạn ngạch miễn thuế cụ thể đối với linh kiện, phụ tùng lắp ráp ô tô trong vòng 5 năm là khoảng thời gian trước khi thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô theo VN – EAEU FTA sẽ được cắt giảm dần về 0%.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế quan như nêu trên, các liên doanh phải đáp ứng các điều kiện được quy định cụ thể trong các Nghị định thư hợp tác về ô tô. Ngoài ra, việc sản xuất ô tô của các liên doanh phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam và trong kế hoạch thành lập liên doanh, trong đó MAZ phải có biện pháp cụ thể cho việc chuyển giao công nghệ, chuyển giao các đối tượng sở hữu công nghiệp theo các thỏa thuận được lập thành hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp giữa MAZ và các doanh nghiệp Việt Nam…

Dự kiến Nghị định thư hợp tác về ô tô sẽ có cùng hiệu lực với hiệu lực của Hiệp định VN-EAEU FTA, tức là vào khoảng giữa năm 2016.

Trước đó, Việt Nam cũng đã ký Nghị định thư về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải gắn động cơ trên lãnh thổ Việt Nam với Nga.

Các điều khoản và nội dung tương tự như trên tuy nhiên, tiêu chí tỷ lệ nội địa hoá vào năm 2020 là 25% đối với ô tô chuyên dụng, 30% đối với ô tô tải và ô tô thể thao tiện ích và 35% đối với ô tô chở từ 10 người rồi tiếp đó đạt được tỷ lệ nội địa hóa vào năm 2025 là 40% đối với ô tô chuyên dụng và ô tô thể thao tiện ích, 45% đối với ô tô tải và 50% đối với ô tô chở từ 10 người, là mức thấp hơn so với tỷ lệ nội địa hoá cam kết tại Nghị định thư với Belarus.


Nhật Bản vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Triển vọng phục hồi của kinh tế Nhật Bản vẫn trở nên xa vời ngay cả khi 3 mũi tên của Abenomics đã được bắn ra.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Vào đầu thập niên 2000, cụm từ “ thập kỷ mất mát ” bắt đầu được sử dụng để nói về sự suy thoái của kinh tế Nhật Bản trong thập niên 1990. Thập kỷ mất mát này khởi đầu với một trong những bong bóng chứng khoán lớn nhất trong lịch sử. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã chạm mốc cao nhất mọi thời đại là 38.916 điểm vào tháng 12/1989 nhưng sau đó lao dốc 80% xuống mức thấp kỷ lục là 7.831 điểm vào tháng 4/2003.

Nhưng thập kỷ mất mát không chỉ là về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Nhật Bản còn phải chứng kiến giá bất động sản giảm, lãi suất giảm, thất nghiệp tăng, GDP trì trệ và dân số già hóa với tốc độ nhanh hơn bất cứ nền kinh tế lớn nào khác. Nói tóm lại, Nhật Bản có mọi đặc điểm của một cuộc suy thoái lớn chưa từng thấy kể từ thập niên 1930.

Những tưởng “thập kỷ mất mát” sẽ kết thúc như nhiều chu kỳ khủng hoảng khác, nhưng một thập kỷ nữa đến rồi đi và kinh tế Nhật vẫn chìm trong suy thoái. Ngày nay, sau hơn 26 năm bong bóng chứng khoán nổ ra ở Nhật Bản, nước này vẫn tiếp tục vật lộn với giảm phát, lãi suất 0%, hệ thống ngân hàng ốm yếu, dân số già hóa, tăng trưởng âm. Dù đã bước sang thập kỷ suy thoái thứ ba nhưng Nhật Bản vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Điều này có ý nghĩa quan trọng vì Nhật Bản là nền kinh tế và thị trường trái phiếu lớn thứ ba thế giới và là nước có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất trong các nước phát triển.

Vào tháng 12/2012, thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền và cam kết sẽ làm hồi sinh kinh tế Nhật Bản. Ông đề ra chương trình “ba mũi tên” mang tên Abenomics. Mũi tên thứ nhất là chính sách tiền tệ: triển khai in tiền gần như không giới hạn hay còn gọi là nới lỏng định lượng.

Mũi tên thứ hai là chính sách tài khóa. Chính sách này bao gồm việc giảm thuế và chi tiêu công nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng. Mũi tên thứ ba là tái cấu trúc nền kinh tế được bảo hộ quá mức và bị nhiều luật lệ kìm hãm của Nhật Bản.

Mũi tên thứ nhất được bắn ra gần như ngay lập tức. Mục tiêu nhãn tiền của chính sách nới lỏng tiền tệ là giảm giá đồng yên so với đồng USD và tiền tệ của các đối thủ xuất khẩu ở Châu Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc.

Vào tháng 12/2012, tỷ giá đồng yên/USD rơi vào khoảng 75:1. Cho đến giữa năm 2014, tỷ giá đã giảm xuống 100:1, rồi tụt mạnh nữa xuống 120:1 vào cuối tháng 12/2014. Hiện nay, tỷ giá đồng yên/USD ở quanh mức 112:1. Trong thời gian trên, hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản cũng đã ít nhiều gia tăng theo. Ở chừng mực nào đó, mũi tên thứ nhất đã trúng đích, ít nhất là trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, mũi tên thứ hai, chính sách tài khóa, đã chệch hướng. Thay vì sử dụng chính sách tài khóa để giảm thuế và kích cầu, Nhật Bản lại tăng thuế tiêu dùng, làm phanh lại đột ngột nền kinh tế vốn đã trì trệ của nước này. GDP của Nhật Bản đã giảm 1,9% trong quý hai năm 2014 và giảm thêm 0,6% trong quý ba cùng năm. Đây là đợt suy thoái thứ hai của Nhật Bản trong vòng có hai năm. Mặc dù tăng trưởng đã tăng trở lại trong quý bốn năm 2014, nhưng chỉ ở mức khiêm tốn là 0,4%.

Mũi tên thứ ba của Abenomics, cải cách cấu trúc, chưa bao giờ được bắn ra. Cải cách cấu trúc là về các vấn đề như nhập cư, vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động, cải thiện hiệu suất của mạng lưới phân phối bán lẻ và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Điều này có vai trò sống còn vì cải cách cấu trúc là giải pháp dài hạn duy nhất cho tình trạng suy thoái kinh tế của Nhật Bản.

Suy thoái khác với các cuộc khủng hoảng theo chu kỳ kinh doanh vì chúng là kết quả của những rào cản cấu trúc với tăng trưởng mà kìm hãm sự hình thành vốn, đầu tư và việc làm. Các chính sách tài khóa và tiền tệ chỉ có thể đem lại giải pháp tình thế và tác dụng của chúng sẽ giảm dần theo thời gian. Một vấn đề mang tính cấu trúc phải được giải quyết bằng một biện pháp mang tính cấu trúc tương ứng.

Với việc áp dụng lãi suất âm và cải cách cấu trúc chưa được thực hiện, triển vọng phục hồi của Nhật Bản đang trở nên xa vời. Công cụ chính sách duy nhất của nước này chỉ là phá giá đồng yên. Mục đích của phá giá đồng yên là tăng lạm phát ở Nhật Bản dưới dạng giá hàng nhập khẩu tăng.

Sự gia tăng lạm phát này làm tăng trưởng danh nghĩa đi lên nhưng lại không có tác dụng lên tăng trưởng thực tế. Nhật Bản cần tăng trưởng thực tế để khắc phục khối nợ khổng lồ mà nay đã vượt quá 200% GDP.

Ngay cả chiến lược phá giá đồng yên cũng đang thất bại khi mà đồng yên đã tăng 8% trong năm nay, mức tăng cao nhất trong 10 đồng tiền lớn của thế giới. Bất chấp việc áp dụng lãi suất âm kể từ tháng 1, giá đồng yên đã chạm mức cao nhất trong 17 tháng qua so với đồng USD.

Khi mà cả ba mũi tên của Abenomics đã rơi rụng theo các cách khác nhau, có vẻ như Nhật Bản vẫn chưa thể tìm thấy lối thoát cho ba thập kỷ mất mát của mình.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-03-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-03-2016

    Miễn thuế xe Nga, vẫn không có ô tô con giá rẻ
    Nước ASEAN nào rót tiền vào Việt Nam nhiều nhất 2015?
    Việt Nam sẽ trở thành thị trường của ô tô Thái Lan?
    Viettel cuối cùng cũng nhận giấy phép viễn thông tại Myanmar
    Nhà thầu Trung Quốc: Nên hay không?

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 28-03-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 28-03-2016

    Ngành thực phẩm và đồ uống đón làn sóng “ngoại”
    Thu hồi giấy phép hoạt động của Ngân hàng liên doanh VID Public Bank
    Foxconn chốt thương vụ thâu tóm Sharp vào 31/3
    Không dễ đánh tráo lãi suất
    Hết thời lạm phát thấp?

  • Tin kinh tế đọc nhanh 28-03-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh 28-03-2016

    Trung Quốc tiêu hủy 35 tấn chuối nhập từ Philippines
    Thái Lan nói không với vốn vay của Trung Quốc "vì lợi ích quốc gia"
    Không cho Vinataba đăng ký nhãn hiệu và sản xuất thuốc JET, HERO
    Chúng ta cần thay đổi cách nhìn về Nhật Bản
    Nhà máy gần 1.900 tỷ đồng ở Dung Quất đóng cửa

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 27-03-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 27-03-2016

    Ngành than cần 18.000 tỷ đồng vốn mỗi năm
    Nối dài danh sách ngân hàng M&A
    Cảng Thọ Quang, Đà Nẵng: Dự án hạ tầng hàng hải đầu tiên đầu tư theo hình thức PPP
    Thành lập Hội đồng nước châu Á
    Nhà nước phải để doanh nghiệp đứng lên vai

  • Tin kinh tế đọc nhanh 27-03-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh 27-03-2016

    Độc quyền đẩy giá thuốc quá cao
    "Quan hệ thân hữu” khiến doanh nghiệp kém phát triển
    Ngành tôm điêu đứng
    Viettel được mở mạng di động tại Myanmar
    ​Việt Nam đầu tư sang Lào 4,9 tỷ USD

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-03-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-03-2016

    IMF: Kinh tế cần cả giá dầu và lãi suất
    Singapore: Dùng ngân sách hợp lý, tránh các gói kích thích lớn
    Trung Quốc mời “anh em” Đông Nam Á vay 11,5 tỷ USD
    Miễn tiền thuê đất 50 năm cho dự án 6.750 tỷ của Samsung
    Nhà đầu tư Dubai tái khởi động dự án 550 triệu USD ở Hạ Long sau 9 năm trì hoãn

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-03-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 26-03-2016

    Nếu giá dầu tiếp tục lao dốc, Việt Nam có nên ngừng khai thác mỏ?
    Lạm phát tại Nhật Bản lại quay về mức zero
    Reuters: Bất động sản Việt Nam hưởng lợi nhờ kiều hối
    Bán không hết trái phiều kỳ hạn 5 năm
    GDP quý I tăng 5,46%, nền kinh tế có dấu hiệu chững lại!

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 26-03-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 26-03-2016

    Xâm nhập mặn ‘kéo’ giá tôm, cá xuất khẩu giảm mạnh
    Vì El Nino, thế giới sẽ gặp tình trạng thiếu hụt... đường
    Tỉ lệ nội địa hóa ngành dệt may mới đạt 51,1%
    Doanh nghiệp FDI tố một năm tiếp 10 đoàn kiểm tra
    Áp thuế tự vệ không đúng lúc gây thiệt hại cho người tiêu dùng?

  • Tin kinh tế đọc nhanh 26-03-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh 26-03-2016

    Fed khiến dầu mất mốc 40 USD/thùng, chứng khoán toàn cầu đồng loạt giảm điểm
    2 ngày mở 1 shop, FPT Shop hoàn thành kế hoạch năm 2016 ngay trong quý I
    Chủ KCN bít cửa công ty Nhật kiện đòi gần 500 triệu đồng
    CJ chắc hẳn sẽ rất hối tiếc khi thị trường thịt 18 tỷ USD rơi vào tay Masan
    Satra nói gì khi các nhà đầu tư chiến lược “tố” nhau?

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-03-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 25-03-2016

    Cần Thơ cấp dự án sản xuất giày thể thao trị giá hơn 171 triệu USD
    Không thể lỡ sóng TPP vì lệ thuộc
    Quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu An Giang trên diện tích hơn 30.000 ha
    Nghịch lý kinh tế phục hồi, số doanh nghiệp giải thể tăng mạnh
    FECON trúng thầu 4 dự án lớn với tổng giá trị 170 tỷ đồng