Giá gạo châu Á giảm, gạo Thái thấp nhất 6 tháng
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 365-370 USD/tấn; Gạo cùng loại của Ấn Độ xuống 375-385 USD/tấn, và của Việt Nam xuống 350 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu trên thị trường châu Á tuần này giảm do nguồn cung dồi dào và nhu cầu yếu từ phía khách hàng quốc tế. Giá gạo Thái Lan đã xuống mức thấp nhất gần 6 tháng mặc dù Philippines sắp đấu thầu mua gạo.
Giá gạo Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam – ba nước xuất khẩu lớn nhất thế giới – đều giảm từ cuối tháng 7 bởi thiếu vắng khách hàng trong khi nguồn cung tăng. Ba nước chiếm khoảng 60% tổng mậu dịch gạo thế giới.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá hiện 365 – 370 USD/tấn, FOB, thấp nhất kể từ ngày 9/3. Giá báo gạo trung bình hiện là 367,50 USD/tấn, so với 365,50 USD/tấn ngày 9/3/2016, theo số liệu của Reuters.
“Vụ thu hoạch mới sắp đến, trong khi không có nhu cầu mua mới nên giá giảm”, Reuters dẫn lời một thương gia ở Bangkok cho biết. “Nếu đồng baht không mạnh lên thì giá gạo của chúng tôi sẽ còn thấp hơn nữa”.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giá giảm 3 USD/tấn trong tuần này, xuống 375 – 385 USD/tấn, FOB, do nhu cầu xuất khẩu yếu và những nhà cung cấp khác như Thái Lan giảm giá. So với ngày 27/7, giá gạo Ấn Độ hiện mất khoảng 2%.
“Thái Lan đã giảm giá bán. Để duy trì sức cạnh tranh chúng tôi cũng phải giảm giá”, Reuters dẫn lời một nhà xuất khẩu ở Kakinada thuộc bang miền Nam Ấn Độ Andhra Pradesh cho biết, và thêm rằng đồng rupee yếu đi cũng tạo cơ hội cho họ giảm giá bán.
Triển vọng vụ lúa Hè của Ấn Độ sẽ bội thu góp phần gây áp lực giảm giá trên thị trường trong nước.
Ấn Độ xuất khẩu gạo phi-basmati chủ yếu cho các nước châu Phi, còn gạo basmati chất lượng cao sang thị trường Trung Đông.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm giá giảm xuống 348 – 350 USD/tấn, FOB, từ mức 350 – 353 USD/tấn một tuần trước đây. Gạo 25% tấm – loại thường chào bán cho Philippines – giá tăng lên 338 – 340 USD/tấn, từ mức 334 – 340 USD/tấn một tuần trước.
“Giá giảm bởi khó có khả năng thắng cả gói thầu bán gạo cho Philippines”, Reuters dẫn lời một thương gia ở TP HCM cho biết.
Philippines kế hoạch mua 250.000 tấn gạo trong phiên đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 31/8 và Thái Lan đã tuyên bố sẽ cạnh tranh với Việt Nam và Campuchia trong cuộc đấu thầu này.
Việt Nam chưa ký được hợp đồng mới nào với Philippines và Indonesia kể từ tháng 5, trong khi thị trường Trung Quốc vẫn tiếp tục kiểm soát nhập khẩu qua biên giới khiến giá gạo xuất khẩu tháng này giảm mạnh.
Nhập khẩu gạo của Trung Quốc từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 962.000 tấn, theo số liệu của Hải quan nước này.(Vinanet)
Bruney muốn mua gạo của Lào
Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Bruney, Pehin Lim Jock Seng trong một cuộc gặp gỡ song phương với Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Lào MsKhemmaniPholsena tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 tại Vientiane đã bày tỏ mong muốn mua gạo của Lào.
Lào là một trong những nước trồng lúa ở châu Á, hàng năm xuất khẩu gạo sang Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước châu Âu như Anh, Pháp, Bỉ với tổng khối lượng xuất khẩu khoảng 300.000-400.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, nước này vẫn đang gặp khó khăn trong việc khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất lúa bởi nhiều nông dân chỉ trồng đủ để đáp ứng nhu cầu của gia đình mình.
Hiện Lào có thể sản xuất khoảng 4,1 triệu tấn gạo mỗi năm, trong đó dư thừa trên 1 triệu tấn dành cho xuất khẩu.
Lào có kế hoạch sản xuất khoảng 5 triệu tấn gạo vào năm 2020 để đảm bảo đủ cung cấp lương thực trong nước và xuất khẩu phần còn lại.
Lào đang nỗ lực phấn đấu chuyển từ nước nhập khẩu gạo sang xuất khẩu gạo trong thập kỷ tới nếu có thể duy trì tốc độ tăng sản xuất và tiêu dùng như hiện nay.
Lào cũng đã ký các hiệp định sản xuất nông nghiệp và cây trồng với các nước láng giềng, trong đó có Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc.(VITIC/Reuters)
Iran sẵn sàng hơn cho hành động của OPEC để thúc đẩy giá dầu
Iran đưa ra những tín hiệu tích cực rằng họ có thể hỗ trợ hành động chung giúp thị trường dầu mỏ, khả tăng trợ giúp những nỗ lực làm sống lại một thỏa thuận toàn cầu về đóng băng sản lượng tại các cuộc đàm phán vào tháng tới.
Nhà sản xuất lớn thứ ba của OPEC này đang tăng sản lượng sau khi được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây trong tháng 1. Tehran đã từ chối tham dự một nỗ lực trước đó hồi đầu năm của OPEC và các nhà sản xuất chủ chốt như Nga để ổn định sản lượng và cuộc đàm phán đã thất bại trong tháng 4.
Tuy nhiên Iran vẫn chưa quyết định liệu có tham gia một nỗ lực mới không, Tehran dường như sẵn sàng hơn để đạt được một thỏa thuận với các nhà sản xuất dầu mỏ khác.
Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, Eulogia Del Pino tuần trước đã công du tới các nước sản xuất dầu mỏ gồm Saudi Arabia và Iran để tăng cường hỗ trợ cho thỏa thuận. Mặc dù đang tăng giá trong năm nay, giá dầu ở quanh mức 49 USD/thùng là thấp hơn một nửa mức giữa năm 2014.
Một nguồn tin thân cận với Iran cho biết sau chuyến thăm của del Pino tới Tehran “Iran sớm đạt được mức sản lượng trước trừng phạt và sau đó họ có thể hợp tác với các nhà sản xuất khác”. “Nói chung, Iran thích OPEC hành động thêm nữa hơn là chỉ đóng băng ở mức sản lượng tối đa của tất cả các thành viên. Nếu vấn đề đóng băng này giúp giá cải thiện, Iran bằng những lời nói tích cực sẽ hỗ trợ”.
Các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ dự kiến cuộc họp bất thường vào tháng tới tại Algeria bên lề của Diễn đàn Năng lượng Quốc tế. Nga cũng được dự kiến tham dự Diễn đàn Năng lượng Quốc tế.
Venezuela, nước có nền kinh tế bị thiệt hại nặng bởi giá dầu sụt giảm, đã nhiều tháng tập hợp được các nhà sản xuất hướng tới một thỏa thuận để hạn chế sản lượng. Del Pino ở ở Tehran vào 15/8 trước khi bay sang Jeddah, Saudi Arabia.
Iran đã khẳng định họ tham dự trong cuộc họp của OPEC tại Algeria, một nguồn tin của OPEC cho biết hôm 23/8.
Những dấu hiệu tích cực
Nga, hồi tháng 4 đã sẵn sàng đóng băng sản lượng, hiện nay muốn thấy một thỏa thuận trong nội bộ OPEC trước khi họ cam kết tái tham dự sáng kiến.
Một nguồn tin cho biết liên quan tới Riyadh và Tehran “các cuộc đàm phán đang diễn ra. Tôi thấy những dấu hiệu tích cực đến từ các nước chủ chốt của OPEC”. “Nga muốn thấy một thỏa thuận của OPEC trước khi khẳng định bất cứ điều gì. Vì thế các thành viên OPEC đang bận rộn xây dựng một thỏa thuận”.
Các nguồn tin OPEC cho biết sự tham dự của Iran trong một hiệp ước sản lượng là một trở ngại chính trong việc đạt được một thỏa thuận.
Nỗ lực đóng băng sản lượng ở những mức tháng 1 đã thất bại hồi tháng 4 sau khi Saudi Arabia cho biết họ muốn tất cả các nhà sản xuất gồm cả Iran thạm dự sáng kiến này.
Tehran khẳng định họ sẽ sẵn sàng tham dự hành động chung chỉ khi họ đạt được sản lượng 4 triệu thùng/ngày trước trừng phạt. Số liệu của OPEC cho thấy nước này đã bơm 3,6 triệu thùng/ngày trong tháng 7.
Tổ chức OPEC đã làm sống lại các cuộc đàm phán đóng băng sản lượng trong tháng 9 do Saudi Arabia muốn giá cao hơn.
Bên cạnh Iran, những mức sản lượng tại Nigeria và Libya có thể cũng làm phức tạp việc đạt được một thỏa thuận. Trong khi Saudi Arabia, Iran và Nga đã đạt được sản lượng kỷ lục kể từ tháng 4, sản lượng của Nigeria thấp nhất trong hơn hai thập kỷ do các cuộc tấn công vào khu vực dầu mỏ. Libya đang bơm bằng một phần của mức sản lượng trước xung đột.(vinanet)
Đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường
Ngày 23/8, Hội đồng Đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 – Bộ Công Thương chính thức ra thông báo về việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016.
Trong đó, có quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 40.000 tấn đường thô (mã HS 1701) và quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 45.000 tấn đường tinh luyện (mã HS 1701).
Đối tượng tham gia đấu giá gồm: Thứ nhất, thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện. Thương nhân sản xuất đường chỉ được đăng ký đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường thô. Thứ hai, thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất. Thương nhân sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất chỉ được đăng ký đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường tinh luyện.
Mức giá khởi điểm với cả hai loại đường là 1 triệu đồng/tấn. Bước giá là 10.000 đồng/tấn. Số tiền đặt trước được tính bằng (giá khởi điểm) x (số lượng đường đăng ký mua quyền sử dụng hạn ngạch) x 10%.
Nếu có nhu cầu tham gia đấu giá, thương nhân thuộc đối tượng quy định nêu trên có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Trụ sở Bộ Công Thương (54 Hai Bà Trưng – Hà Nội). Hồ sơ bao gồm phiếu bỏ giá (được để trong phong bì riêng, có dấu niêm phong của thương nhân và để trong túi hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá); Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư (1 bản sao, có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân); Chứng từ xác nhận việc nộp tiền đặt trước vào Tài khoản của Bộ Công Thương (1 bản sao). Hồ sơ được nhận từ 8 giờ ngày 24/8/2016 đến 17 giờ ngày 1/9/2016.
Phiên đấu giá được tổ chức tại Trụ sở Bộ Công Thương (23 Ngô Quyền, Hà Nội) vào 9 giờ ngày 7/9/2016.
Doanh nghiệp cần thêm thông tin có thể liên hệ số điện thoại: 04.22205432/04.22205350 hoặc email: nganntt@moit.gov.vn;hangntt@moit.gov.vn.
(
Tinkinhte
tổng hợp)