Goldman Sachs: Đồng USD sẽ sớm vượt giá trị của đồng euro
Sẽ kiểm tra nhà máy sản xuất thuốc trước khi nhập khẩu
Chôm chôm đi Pháp, xoài qua Nhật
Xuất khẩu mất hơn 3 tỷ USD vì giá dầu
Sắt thép Trung Quốc "ồ ạt" tràn vào Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-11-2015
- Cập nhật : 21/11/2015
Phải đổi mới tư duy để phát triển kinh tế
Một trong những điểm yếu của kinh tế VN hiện nay là chi phí đầu tư đổi mới công nghệ của các DN rất thấp...
Ngày 19-11, tại diễn đàn tổng kết 30 năm phát triển kinh tế VN do Viện Kinh tế VN tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu VN cho rằng dù VN đã đạt được nhiều thành tựu sau 30 năm đổi mới, nhưng phát triển trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay VN cần có một cuộc đổi mới nữa.
Theo TS Vũ Tuấn Anh - chuyên gia cao cấp Viện Kinh tế VN, một trong những điểm yếu của kinh tế VN hiện nay là chi phí đầu tư đổi mới công nghệ của các DN rất thấp, chỉ khoảng 0,2 - 0,3% doanh thu, trong khi tỉ lệ này ở các nước là 5 - 10%.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế VN chủ yếu dựa vào yếu tố năng lượng. Chẳng hạn để tạo ra một đơn vị giá trị GDP, mức tiêu hao điện năng của VN gấp 4,6 lần Hong Kong, 3 lần Singapore, 2 lần Hàn Quốc, 1,3 lần Thái Lan...
Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng VN chưa thoát khỏi đẳng cấp phát triển thấp. Đó là công nghệ kỹ thuật, chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp và khai thác tài nguyên. Về mặt thể chế, dù đang dần chuyển sang cơ chế thị trường nhưng nhiều yếu tố cũ vẫn còn, chính sách về đất đai, tiền lương... chưa theo thị trường.
Theo TS Lưu Bích Hồ, VN phải đổi mới tư duy, nhận thức, coi kinh tế tri thức, sáng tạo là động lực phát triển mới có thể thoát khỏi tình trạng lạc hậu, trì trệ của nền kinh tế.
Giảm chi phí thông quan hàng hóa bằng quản lý rủi ro
Để giảm thời gian thông quan, cần phải giảm tỉ lệ hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành, chuyển sang quản lý rủi ro...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết không chỉ có doanh nghiệp mà ngay cả hải quan cũng gặp khó khăn với kiểm tra chuyên ngành, do có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý chuyên ngành, trong khi những khâu thuộc trách nhiệm của hải quan đều đã được điện tử hóa như khai hải quan, thông quan hàng hóa chỉ 1 - 3 giây với hàng luồng xanh không thuế, nộp thuế điện tử chỉ còn khoảng 5 - 7 phút...
Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Tài chính, để giảm thời gian thông quan, cần phải giảm tỉ lệ hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành, chuyển sang quản lý rủi ro, trong đó tăng cường kiểm tra hàng hóa của những thị trường có nhiều rủi ro và ngược lại.
Xuất khẩu cá cảnh chưa xứng tiềm năng
hiện ngành cá cảnh VN vẫn chưa phát triển đúng như tiềm năng với kim ngạch xuất khẩu từ 10 - 12 triệu USD/năm, kém xa Singapore (300 triệu USD/năm), Thái Lan và Indonesia (50 - 70 triệu USD/năm)...
Ông Lê Đức Liêm - phó phân viện trưởng Phân viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản phía Nam - cho biết như vậy tại hội thảo “Hiện trạng và tiềm năng phát triển cá cảnh VN” do Tổng cục Thủy sản phối hợp cùng Sở NN&PTNT TP.HCM tổ chức ngày 19-11.
Để thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất và kinh doanh cá cảnh, nâng mức xuất khẩu khoảng 40 - 50 triệu USD/năm, ông Liêm cho rằng ngành cần có quy hoạch cụ thể từng vùng miền, tránh tình trạng sản xuất tự phát, quy mô nhỏ lẻ không đáp ứng được các đơn hàng có số lượng lớn.
Đặc biệt, cơ sở sản xuất cần phối hợp với các trung tâm nghiên cứu để nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, thông tin về thị trường, giám sát an toàn dịch bệnh.
Phải đấu thầu lại những gói thầu vượt giá trần
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị như vậy với các nhà tài trợ vốn ODA thực hiện dự án đường sắt đô thị.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo các dự án đường sắt đô thị Hà Nội ngày 19-11, ông Trường cho biết khi triển khai các dự án đường sắt đô thị, mong muốn lớn nhất của Chính phủ và Bộ GTVT là đảm bảo chất lượng, tiến độ và khống chế được tổng mức đầu tư để dự án không vượt tổng mức đầu tư ban đầu.
“Vừa qua, một số gói thầu đấu thầu vượt giá trần là không hợp lý. Kiên quyết những gói thầu vượt giá trần phải đấu thầu lại. Cần tăng cường đấu thầu quốc tế rộng rãi, tránh trường hợp đấu thầu trong các nhà thầu của nước cho vay vốn để tăng tính cạnh tranh” - ông Trường nói.
Theo ông Trường, các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM sử dụng nhiều công nghệ khác nhau như của Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu.
Chính phủ giao Bộ GTVT và các thành phố thống nhất các công nghệ, đặc biệt là vé dùng chung cho các tuyến đường sắt đô thị, một vé có thể lưu hành được trên tất cả các tuyến.
Vì vậy, Bộ GTVT mong muốn các nhà tài trợ hỗ trợ, chấp nhận việc Bộ GTVT thống nhất các công nghệ dựa trên các tiêu chuẩn của thế giới đã có; dành khoản kinh phí để đào tạo nâng cao năng lực vận hành, xây dựng quy trình, tiêu chuẩn cho việc sử dụng thống nhất một loại vé.
Về các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội đang bị chậm cấp vốn do phải chờ các cơ quan liên quan thẩm định việc điều chỉnh dự án, ông Trường cho biết Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư sớm thẩm định để các nhà tài trợ có điều kiện giải ngân đúng tiến độ. Bộ GTVT và Hà Nội sẽ báo cáo Thủ tướng hướng tháo gỡ những vướng mắc ở các dự án.