Gia nhập Việt Nam 3 năm, Grab báo lỗ ngày càng “khủng”; Người Hồng Kông cảm thấy tự tin nhất về nền kinh tế trong 3 năm qua; Các đại lý Hyundai ở Mỹ nổi giận vì không được bán xe Genesis; Suốt hai thập kỷ qua, kinh tế Nhật vẫn đau với “vết sẹo” năm 1997
Tin kinh tế đọc nhanh 30-11-2017
- Cập nhật : 30/11/2017
Một quỹ nghìn tỷ USD của Singapore muốn mua cổ phiếu Sabeco
Trang Deal Street Asia vừa cho hay, một quỹ quản lý 1.000 tỷ USD, có trụ sở tại Singapore ngỏ ý muốn mua cổ phiếu của Công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB).
Trước đó, Reuters cũng đưa tin rằng hãng bia lớn của Nhật là Kirin cũng đang xem xét mua cổ phiếu của SAB. Ngoài ra, hãng bia khác của Nhật là Asahi cũng đã ngỏ ý quan tâm tới thương vụ bán vốn của SAB, nhưng chủ tịch của hãng này từng cho biết giá của SAB hiện quá cao. Trang Bloomberg cũng từng dẫn lời Giám đốc Tài chính của Fraser &Neave, Hui Choon Kit, nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với hãng tin Mỹ vào ngày 3.11 rằng: "Giá thị trường của SAB dường như vượt xa giá trị hợp lý và cao hơn mức chuẩn toàn cầu".
Cổ phiếu SAB cũng đã tăng gần 3 lần kể từ đầu năm và trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phiên đấu giá sẽ được diễn ra vào ngày 8.12, mức giá tham chiếu là 320.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện tại, hãng bia Heiniken là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài lớn nhất tại SAB với khoảng 5% cổ phần. Và với trần sở hữu của khối ngoại là 49%, thì nhà đầu tư ngoại chỉ được mua tối đa 38,59% vốn của SAB (gần 247,5 triệu cổ phần).
Nhiều khả năng danh tính của các nhà đầu tư lớn vào Sabeco sẽ sớm được công bố. Theo quy định đấu giá, những nhà đầu tư nào muốn mua trên 25% vốn của SAB thì phải đăng ký với Tổ chức Chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước 7 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua. (NCĐT)
-----------------------------
Uber lỗ gần 1,5 tỷ USD trong quý III
Gã khổng lồ dịch vụ gọi xe đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề, đặc biệt là lỗ kéo dài.Nguồn ảnh: Market Watch
Reuters dẫn một nguồn tin thân cận cho biết, các khoản lỗ hàng quý của Uber tiếp tục tăng lên, khi Công ty ngày đang phải vật lộn các rắc rối pháp lý và phải đối mặt với sự giám sát sát sao của các nhà quản lý trên toàn cầu.
Nguồn tin cho hay lỗ ròng của gã khổng lồ trong dịch vụ gọi xe đã tăng lên 1,46 tỷ USD trong quý III so với 1,06 tỷ USD trong quý trước.
Nguồn tin cũng cho biết thêm doanh thu ròng quý III tăng 14% lên 2 tỷ USD và doanh thu gọi xe gộp tăng 11,5% lên 9,7 tỷ USD, so với quý trước.
Là một công ty tư nhân, Uber không phải công khai báo cáo kết quả tài chính của mình, nhưng hồi đầu năm nay, hãng đã bắt đầu công bố một vài con số nhất định.
Ngày 28.11, một nhóm nhà đầu tư do SoftBank dẫn đầu đã đưa ra đề nghị mua cổ phần của Uber. Công ty của Nhật Bản cho hay một số nhà đầu tư ban đầu của Uber bao gồm cả quỹ đầu tư mạo hiểm Benchmark, sở hữu 13% cổ phần của Uber trị giá 9 tỷ USD, và Menlo, cũng dự định bán lại phần nắm giữ của họ tại Uber.
Softbank đã chào mua lượng cổ phần của các nhà đầu tư trên ở Uber với định giá 48 tỷ USD, giảm 30% theo định giá gần đây nhất của Uber là 68,5 tỷ USD, theo một nguồn tin vào ngày 27.11.
Uber đã bị ảnh hưởng bởi một loạt các vụ bê bối trong năm nay. Vụ việc mới nhất là việc hãng đã tiết lộ rằng nó đã trả 100.000 USD cho các tin tặc để giữ bí mật và xóa dữ liệu cá nhân của khoảng 57 triệu tài khoản của hành khách và tài xế của Uber, mà chúng tiếp cận được.(NCĐT)
-----------------------
Giá thép vẫn giữ ở mức cao, quặng sắt lần đầu giảm sau 8 phiên
Giá quặng sắt Trung Quốc giao sau hôm thứ 3 giảm sau 8 ngày tăng liên tiếp do nhu cầu từ các nhà máy sản xuất thép bắt đầu giảm. Trong khi đó, giá thép vẫn tiếp tục giữ ở ngưỡng cao do tồn kho giảm mạnh.
Việc cắt giảm sản lượng thép tiếp tục đẩy giá mặt hàng này lên cao với giá thép thanh giao sau tăng gần ngưỡng cao nhất kể từ giữa tháng 10. Trong khi đó, nhu cầu quặng sắt bắt đầu giảm xuống.
Giá quặng sắt giao trong tháng 5 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên giảm 1,6% xuống còn 502.5 nhân dân tệ (tương đương 76 USD)/tấn. Hôm thứ 2, hợp đồng này chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 2 tháng ở ngưỡng 516,5 nhân dân tệ/tấn.
Giá quặng sắt giao đến cảng Thanh Đảo giảm 1% xuống còn 67,27 USD/tấn vào hôm thứ 2 sau khi chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 2 tháng ở phiên giao dịch trước đó, theo dữ liệu từ Metal Bulletin.
Trong khi đó, giá thép thanh tại Sàn giao dịch Tương lai Thượng Hải tăng 0,6% đạt 3.868 nhân dân tệ/tấn, gần ngưỡng cao nhất trong vòng 6 tuần là 3.888 nhân dân tệ/tấn.
Trong khi nhu cầu quặng sắt của các nhà máy khu vực phía bắc đang giảm dần, một số thương gia vẫn lạc quan rằng nhu cầu quặng sắt không giảm mạnh như mọi người nghĩ. Chính phủ Trung Quốc yêu cầu nhiều nhà máy thép cắt giảm tới một nửa sản lượng bắt đầu từ tháng 11 kéo dài đến hết tháng 3 nhằm giảm lượng khí thải.
Một thương lái ở Bắc Kinh cho rằng "Có thể lượng cắt giảm sẽ còn cao hơn thế, tuy nhiên mức cắt giảm hiện tại vẫn có thể chấp nhận được".
Năng suất sử dụng của các lò cao giảm 0,26% so với tuần trước xuống còn 72,4%, theo dữ liệu từ ngân hàng đầu tư Morgan Stanley. Trữ lượng thép của cả thương lái và nhà máy giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua do lệnh cắt giảm sản lượng của Chính phủ nước này.
Morgan Stanley nhận định "Do trữ lượng và sản lượng thép giảm, chúng tôi kỳ vọng giá thép tiếp tục giữ ở ngưỡng cao". (NDH)
------------------------------
Bộ Công an lo ngại đề xuất bổ sung mỏ làm xi măng của Bầu Thụy
Doanh nghiệp muốn bổ sung mỏ nguyên liệu cho dự án xi măng nhưng Bộ Công an cho rằng tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp quyền khai thác.
Bộ Công an vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng tham gia ý kiến về việc bổ sung mỏ đá vôi, đất sét vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng cho dự án Thaicement Hà Tiên (Kiên Giang). Đây là dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Thaigroup do ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) làm chủ đầu tư.
Cơ quan này cho biết, theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, tại 3 khu vực dự kiến bổ sung mỏ nguyên liệu cho dự án xi măng Thaicement Hà Tiên với diện tích 475 ha có sự chồng lấn với quy hoạch các ngành khác. Do đó, Bộ Công an cho rằng, việc bổ sung mỏ đá vôi, đất sét tại 3 khu vực này vào thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng có thể ảnh hưởng quy hoạch các ngành nghề, môi trường, sinh thái. Ngoài ra, theo Bộ, điều đó còn tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp quyền khai thác, phức tạp an ninh trật tự tại địa phương.
Bộ Công an cũng nhận định, nguồn cung xi măng trong nước đang dư thừa. “Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, xem xét đề xuất điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam và Quy hoạch phát triển Công nghệ xi măng Việt Nam đảm bảo phát triển ngành công nghiệp xi măng bền vững, không làm ảnh hưởng tới môi trường, cảnh quan và tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên”, văn bản nêu ý kiến.
Tập đoàn Thaigroup (tiền thân là Tập đoàn Xuân Thành) là doanh nghiệp sở hữu một loạt các dự án nhà máy xi măng tại Hà Nam, Quảng Nam, Bình Phước, Kiên Giang... Ngoài ra, Thaigroup còn là chủ đầu tư một số dự án bất động sản - khách sạn lớn như Khách sạn Kim Liên, Khách sạn 5 sao Park Hyatt (Hà Nội), dự án Khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Enclave Phú Quốc...(Vnexpress)