tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 27-11-2017

  • Cập nhật : 27/11/2017

Saudi Arabia chống tham nhũng, thu lại 100 tỉ đô

Trong chiến dịch chống tham nhũng chưa từng có tại vương quốc Saudi Arabia, chính quyền thực hiện chính sách chủ yếu thu lại khối tài sản khổng lồ từ tay các nhân vật tham nhũng.

hoang thai tu mohammed bin salman - dung dau uy ban toi cao chong tham nhung saudi arabia - anh: afp

Hoàng thái tử Mohammed Bin Salman - đứng đầu Ủy ban tối cao chống tham nhũng Saudi Arabia - Ảnh: AFP

 

Chiều tối 4-11, nhà vua Salman Bin Abdual-Aziz bất ngờ ban bố chiếu chỉ cho thành lập Ủy ban tối cao chống tham nhũng. Ủy ban này có quyền xử lý mọi cá nhân và tổ chức có dính đến tham nhũng; có quyền trực tiếp điều tra, ra lệnh bắt giữ, cấm xuất cảnh và nhiều biện pháp chế tài cần thiết khác đối với những cá nhân dính líu đến các vụ án tham nhũng.

Như chống khủng bố

Đứng đầu ủy ban đầy quyền lực này là con trai của nhà vua - hoàng thái tử Mohammed Bin Salman, người uy quyền thứ hai trong vương quốc đồng thời kiêm nhiệm các chức vụ như phó thủ tướng thứ nhất (không có thủ tướng), bộ trưởng quốc phòng...

Tham gia ủy ban này với tư cách thành viên gồm chủ tịch Hội đồng điều tra và giám sát, chủ tịch Hội đồng quốc gia chống tham nhũng, tổng Thanh tra chính phủ, tổng Chưởng lý vương quốc và chủ tịch An ninh quốc gia.

Ngay sau khi chiếu chỉ của nhà vua Salman được ban bố, Hội đồng trưởng lão dòng Hồi giáo Sunni (cơ chế cao nhất của Hồi giáo tại Saudi Arabia) ra tuyên bố ủng hộ và khẳng định việc thành lập Ủy ban tối cao chống tham nhũng này thể hiện quan điểm của hoàng gia coi chống tham nhũng cũng cấp bách như chống khủng bố.

Ngay đêm 4-11, một loạt nhân vật vốn "bất khả xâm phạm" đã bị bắt giữ trong một chiến dịch bất ngờ quy mô lớn. Những người bị bắt giữ bao gồm 11 cháu nội của cố quốc vương Abdu al-Aziz Al Saud - người sáng lập Vương quốc Saudi Arabia vào năm 1932, 4 bộ trưởng đương nhiệm và hàng chục cựu bộ trưởng.

Những người này bị kết tội đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích chung, chiếm đoạt công quỹ, lợi dụng uy tín, quyền lực để tùy tiện sử dụng và biển thủ tài sản công.

Ủy ban tối cao chống tham nhũng đã ra lệnh phong tỏa 70% tài sản của những người bị bắt cùng hơn 2.000 tài khoản của họ tại các ngân hàng.

Đứng đầu trong số người bị bắt giữ là hoàng tử Matab Bin Abdullah - con trai cựu hoàng Abdullah bin Abdu al-Aziz, người tiền nhiệm của nhà vua Salman. Hoàng tử Matab đồng thời là bộ trưởng tư lệnh Vệ binh hoàng gia. Nhân vật cỡ bự thứ hai bị xử lý cùng thời điểm là Adel Faqih - bộ trưởng kinh tế - kế hoạch. 

Trả lại tài sản bất minh hoặc đi tù

Những người bị bắt được ưu ái tạm giữ trong điều kiện "tiện nghi" mà có tin nói là "tại khách sạn 5 sao Ritz Carlton Riyad".

Mặc dù các thông tin liên quan đến vụ bắt giữ sau đó được giữ kín, nhưng báo giới Ả Rập gần như có được khá nhiều nguồn thẩm thấu đáng tin cậy. Họ nói rằng đích thân hoàng thái tử Salman thường xuyên lui tới khách sạn này "trò chuyện" với các "khách lưu trú bắt buộc đặc biệt" ở đây.

Đến ngày 22-11, có tin cho rằng chính quyền quyết định trả họ về gia đình và chịu chế tài "cư trú bắt buộc", cấm xuất cảnh đến khi nào họ chấp nhận điều kiện mà chính quyền áp đặt.

Điều kiện đó là phải từ bỏ khối "tài sản bất minh khổng lồ" mà họ đang sở hữu, chuyển giao cho chính phủ để đổi lấy miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu không chấp nhận điều kiện này, họ sẽ bị chuyển đến giam tại nhà tù al-Hair ở phía nam thủ đô Riyad, nơi được coi là "rất khắc nghiệt" và sẽ bị xét xử tại tòa án.

Chiến dịch chống tham nhũng do hoàng thái tử Bin Salman trực tiếp điều hành tại Saudi Arabia từ ngày 4-11 được coi là "chưa từng có" tại vương quốc Ả Rập vùng Vịnh này. Việc bắt giữ các nhân vật thành viên hoàng gia là điều chưa từng xảy ra, bởi họ trước nay thuộc diện không thể bị công khai xử lý vì bất cứ lý do gì.

Chấp nhận nộp lại "tài sản bất minh" để đổi lấy việc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng là thể hiện cách xử lý riêng biệt độc đáo của vương triều Salman đối với các thành viên hoàng gia và các quan chức cao cấp của vương quốc phạm tội tham nhũng.

Ước tính thu lại 100 tỉ USD

Trả lời báo New York Times ngày 24-11, hoàng thái tử Mohammed Bin Salman cho biết 95% những người bị bắt chấp nhận trả lại tài sản bất minh để tránh vòng lao lý; 1% số này được chứng minh vô tội; 4% còn lại khẳng định họ không tham nhũng và chấp nhận các biện pháp tố tụng.

Tổng chưởng lý Saudi Arabia ước tính số tài sản thu lại được trong chiến dịch này lên đến 100 tỉ USD.(Tuoitre)
------------------------------------

Các chuỗi cafe phát triển đang khiến Việt Nam nhập khẩu cà phê nhiều hơn

Các chuỗi cafe phát triển đang khiến Việt Nam nhập khẩu cà phê nhiều hơn

Mặc dù được biết đến là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil) nhưng trong những năm gần đây, lượng cà phê nhập khẩu của Việt Nam lại tăng lên nhanh chóng.

Theo Công ty Cổ phần Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam VIRAC, trong niên vụ 2016/2017, tổng lượng cà phê nhập khẩu ước đạt 1 triệu bao, tăng so với mức 640.000 bao trong niên vụ trước. Dự báo tổng sản lượng cà phê Việt Nam sẽ nhập khẩu trong niên vụ 2017/18 đạt khoảng 1.06 triệu bao. Việt Nam hiện đang nhập khẩu cà phê tươi, cà phê rang xay, cà phê pha sẵn từ Trung Quốc, Lào, Brazil, Mỹ…

Lý giải nguyên nhân cho việc lượng cà phê rang xay nhập khẩu tăng trong vài năm gần đây là do ngành bán lẻ cà phê phát triển mạnh mẽ với rất nhiều thương hiệu nước ngoài như Starbucks, McCafé, Dunkin Donuts, và PJ's Coffee bao gồm một số thương hiệu cà phê Hàn Quốc đã mở rộng thị trường của họ tại các thành phố lớn của Việt Nam.

Trong khi đó, dù kinh doanh ngay tại nguồn cung cà phê lớn thứ 2 thế giới, những thương hiệu này vẫn liên tục nhập khẩu cà phê từ các quốc gia khác. Các hãng đồ uống này đặt ra rất nhiều yêu cầu khắt khe về nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm của họ nhưng hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ sức, đủ công nghệ, đủ khả năng cạnh tranh với những thương hiệu cà phê rang xay, hòa tan nước ngoài. Vì vậy, cà phê thô chiếm đến hơn 90% trong lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam.

nganh ban le ca phe phat trien khien luong ca phe nhap khau tang cao. nguon: virac, usda

Ngành bán lẻ cà phê phát triển khiến lượng cà phê nhập khẩu tăng cao. Nguồn: VIRAC, USDA

Trong đề án quy hoạch ngành cà phê, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2020, lượng cà phê chế biến sâu (rang xay, hòa tan) chiếm 30% sản lượng cà phê Việt Nam. Nhưng có thể nói cho đến nay, ngành cà phê vẫn chưa gặt hái được nhiều thành quả, không phát triển được chế biến sâu, hiện chỉ chiếm khoảng 7%-8% sản lượng cà phê cả nước.

Cho dù hiện nay ngày càng có nhiều thương hiệu cà phê nước ngoài có ý định xâm nhập thị trường Việt Nam nhưng những doanh nghiệp Việt kinh doanh trong lĩnh vực này như Highlands Coffee, Trung Nguyên hay Vinacafe, Phúc Long…đang sử dụng chính những hạt cà phê trên các vùng cao nguyên màu mỡ Việt Nam cho những sản phẩm của mình cũng là những dấu hiệu đáng mừng cho ngành cà phê chế biến nước ta.(CafeF)
----------------------------------

Giàu có, sạt nghiệp cũng vì tiêu

Hồ tiêu một thời từng giúp nông dân Tây Nguyên một bước lên đời, trở thành triệu phú, tỷ phú, bao người đua theo trồng. Giờ đây, cây tiêu “trở bệnh” chết hàng loạt, giá cả tuột dốc không phanh khiến nông dân, kể cả tỷ phú cũng có người lâm vào cảnh tay trắng, nợ nần chồng chất, phải bỏ xứ ra đi.

 

nong dan ban nha tra no vi tieu.

Nông dân bán nhà trả nợ vì tiêu.

 

Người giàu... cũng khóc

Những ngày này, nông dân Tây Nguyên đang tất bật chăm sóc cây tiêu chuẩn bị cho vụ thu hoạch kế tiếp. Khác với không khí hào hứng thường thấy, khuôn mặt ai nấy đều khắc khoải nỗi lo, hy vọng vào mùa giá cả tăng lên chút đỉnh để trả bớt nợ nần.

Xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song được ví là xã tỷ phú của tỉnh Đắk Nông với 3.000 hộ dân, chủ yếu làm nghề nông nhưng có tới gần 35% số hộ có thu nhập 1 tỷ đồng/năm trở lên. Toàn xã có 500 căn nhà xây từ 1 tỷ đồng/căn, gần 300 chiếc xe ô tô con các loại, và hàng trăm xe ô tô tải, dịch vụ du lịch, vận tải khác… Số tài sản này có được là nhờ nông dân liên tiếp trúng mùa hồ tiêu. Thế nhưng 3 năm trở lại đây, cây tiêu bắt đầu nhiễm bệnh, bị ngập úng chết hàng loạt, người dân vay tiền đầu tư trồng lại nhưng cây không sống nổi.

Gia đình ông Nguyễn Thành Trung (55 tuổi, thôn Đắk Lư, xã Nâm N’Jang) là một trong nhiều hộ dân sở hữu diện tích hồ tiêu lớn của xã với 12 ha, tương đương gần 10.000 trụ, trong đó khoảng 5 ha tiêu kinh doanh cho thu nhập trung bình từ 5-6 tấn/ha, số còn lại đang trong giai đoạn phủ trụ. Theo tính toán của ông, nếu cây tiêu phát triển tốt, không sâu bệnh, giá cả ổn định ở mức 120 nghìn đồng/ký, ông sẽ nắm trong tay vài tỷ/năm.

Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, từ ngày xuống trụ, tiêu liên tục bị ngập úng, thối rễ chết gần một nửa. Ông phá đi, vay ngân hàng tiền tỷ để đầu tư trồng lại nhưng vẫn không ăn thua. Đã vậy, giá hồ tiêu liên tục giảm không có điểm dừng, hiện chỉ còn 80 nghìn đồng/ký. Ông chỉ mong vụ tiêu năm nay cho thu nhập đủ để trả lãi ngân hàng.

Cũng vì thấy nhiều gương nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ trồng tiêu, năm 2013, anh Hồ Văn Nghĩa, ở thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) đang trồng cà phê, vay mượn đủ đường để mua thêm 4 ha đất, xuống trụ với hy vọng đổi đời. Không ngờ khi cây tiêu bắt đầu cho thu hoạch cũng là lúc thời kỳ hoàng kim của “vàng đen” đã hết. Anh Nghĩa tâm sự: Tiền đầu tư cho tiêu bao năm qua anh đều lấy từ vườn cà phê, cộng thêm ký nợ phân bón, thuốc men ở đại lý, chưa kể tiền thuê nhân công chăm sóc… tính sơ sơ ngốn cả tiền tỷ. Vậy mà lúc cây tiêu bắt đầu cho thu hoạch thì giá rớt thảm hại.

Không riêng gia đình ông Trung, anh Nghĩa, nhiều nông dân do muốn “đánh mẻ thắng lớn” nên dồn tiền, vay thêm ngân hàng mua đất mở rộng diện tích. Nay tiêu rớt giá, bị bệnh…họ cố gắng vay tiền “cứu chữa” cầm cự chờ thời.

Bỏ nhà tha hương vì… tiêu

Nhắc tên bà Lê Thị Vui (SN 1957), người dân ở thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh (Gia Lai) ai cũng biết đến bởi bà quá nổi tiếng với hành trình làm giàu từ cây tiêu. Thời vàng son, gia đình bà sở hữu gần chục ha đất trồng hơn 20.000 trụ tiêu, nhà lầu, xe hơi có đủ. Nhưng giờ đây, dù đã bước vào tuổi 60 nhưng bà vẫn hàng ngày cặm cụi đi bán từng bó rau để mưu sinh qua ngày.

Bà Vui kể, thời đó, trồng tiêu dễ như trồng dây khoai lang, chỉ cần trúng vài vụ là đã có tiền mua đất, cất nhà. Còn 3 năm nay, vườn tiêu bị bệnh, gia đình bà mua thuốc đến tiền tỷ nhưng tiêu không khỏi bệnh. Thiếu tiền, bà đi vay ngân hàng, đến khi nợ lên 4 tỷ đồng, vườn tiêu chết sạch. Để có tiền trả lãi hàng tháng, bà phải đã nhổ trụ tiêu bằng gỗ để bán. Cùng đường, bà treo biển bán cả nhà và đất để trả ngân hàng nhưng chẳng có ai mua.

Cùng cảnh ngộ, gia đình chị Lương Thị Bích Phượng (SN 1977) từng là gương điển hình từ tay trắng vươn lên làm giàu nhờ trồng hồ tiêu. Song việc mở rộng diện tích hồ tiêu lên đến con số 8.000 trụ tiêu, đã để lại cho gia đình chị gần 4,6 tỷ đồng với số tiền lãi hơn 40 triệu đồng/tháng. Suốt ngày chị phải lo chạy đôn chạy đáo vay nóng đảo nợ ngân hàng, số tiền nợ cứ ngày càng tăng lên. Chị cũng đã nhổ hết trụ tiêu gỗ để bán, trồng các loại nông sản ngắn ngày nhưng chỉ đủ ăn chứ chẳng thấm vào đâu so với số tiền lãi hàng tháng.

Tương tự hàng chục hộ dân ở các thôn Hòa Thắng, Hòa Bình, Hòa An, huyện Chư Pưh, từng ngồi ô tô tiền tỷ nhưng giờ phải đi làm thuê để có cái ăn qua ngày. Một số khác thì buông xuôi, bỏ nhà, dắt díu nhau vào Nam tha hương cầu thực.

Ông Nguyễn Long Khánh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Pưh cho biết, toàn huyện có hơn 2.800 ha đất trồng hồ tiêu. Từ năm 2014 đến nay, có hơn 300 ha tiêu ở các xã Ia Blứ, Ia Hla, thị trấn Nhơn Hòa, xã Ia Hrú… bị chết hoàn toàn khiến nông dân lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. Nhiều người vay ngân hàng nhưng không có tiền để trả phải bán nhà, đất nhưng không ai mua.

Chư Pưh có 80% dân số là nông dân đang gặp khó khăn về kinh tế, ảnh hưởng không nhỏ tình hình an ninh trật tự. Huyện  nhiều lần đề xuất UBND tỉnh có chủ trương giúp nông dân vượt qua thời điểm khó khăn. Phòng cũng tham mưu huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tránh việc phụ thuộc mạnh vào cây hồ tiêu. (Tienphong)
--------------------------------

Bibica cùng lúc thành lập 2 công ty con có vốn điều lệ tổng cộng 250 tỷ đồng

 

ca 2 cong ty con nay deu do ong truong phu chien lam nguoi dai dien theo phap luat.bbc: cong ty co phan bibica

Cả 2 công ty con này đều do ông Trương Phú Chiến làm Người đại diện theo pháp luật.BBC: Công ty Cổ phần Bibica

CTCP Bibica (mã chứng khoán BBC) vừa thông qua quyết định thành lập 2 công ty con – Công ty TNHH Một thành viên Bibica Hà Nội và Công ty TNHH Một thành viên Bibica Biên Hòa.

Trong đó, Công ty TNHH MTV Bibica Hà Nội có trụ sở đóng tại lô B18, đường Công nghiệp 06, Khu công nghiệp Sài Đồng B, Phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội.

Bibica Hà Nội có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, chuyên về sản xuất các loại bánh từ bột, sản xuất đường, cacao, socola, mứt kẹo, đồ uống không đường, chưng, tinh cất và pha chế các loại rượu mạnh... Ông Trương Phú Chiến được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên – người đại diện theo pháp luật của Bibica Hà Nội.

Bên cạnh đó, Bibica cũng quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Bibica Biên Hòa với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Bibica Biên Hòa có trụ sở tại Khu công nghiệp Biên Hòa, phường An Bình, Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Ngành nghề kinh doanh của Bibica Biên Hòa cũng giống như Bibica Hà Nội.

Về nhân sự, ông Trương Phú Chiến cũng được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Hội đồng thành viên – người đại diện theo pháp luật của Bibica Biên Hòa.

Ông Trường Phú Chiến hiện cũng là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của công ty mẹ - CTCP Bibica.

Cuối tháng 8 vừa qua PAN Group đã mua thêm gần 1 triệu cổ phiếu BBC, nâng tỷ lệ sở hữu tại Bibica lên 50,07%, nắm cổ phần chi phối.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục