tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 28-11-2017

  • Cập nhật : 28/11/2017

Reuters: “Ông lớn” bia Nhật Kirin xem xét mua cổ phần của Sabeco

Ngoài Kirin Holdings, một số hãng bia nước ngoài khác cũng quan tâm đến việc mua cổ phần tại Sabeco khi Chính phủ Việt Nam thoái vốn. Tuy vậy, thị giá cao có thể khiến họ "chùn tay".

saigon special, mot trong nhung thuong hieu bia chinh cua sabeco. anh: minh tuan

Saigon Special, một trong những thương hiệu bia chính của Sabeco. Ảnh: Minh Tuấn

Tập đoàn Kirin Holdings, một trong những hãng bia lâu đời nhất Nhật Bản, đang xem xét mua cổ phần tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Reuters dẫn lời người phát ngôn của hãng này ngày 27/11 cho biết.

Kirin Holdings sẽ xem xét quy mô lượng cổ phiếu sẽ mua vào sau khi Chính phủ Việt Nam công bố chi tiết về kế hoạch thoái vốn tại Sabeco, công ty có thị phần bia lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Kirin cũng là một trong những nhà đầu tư tiềm năng có mặt tại roadshow của Sabeco tại Singapore mới đây nhằm giới thiệu cơ hội đầu tư vào công ty này khi Chính phủ thoái vốn.

Ngoài Kirin Holdings, một “ông lớn” bia khác của Nhật là Asahi Group cũng có mặt tại buổi roadshow này. Ngoài ra còn có các quỹ đầu tư và các ngân hàng từ châu Á và châu Âu.

Reuters dẫn lời ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco, cho biết, nhiều nhà đầu tư tiềm năng có mặt tại buổi roadshow đã tỏ ra rất quan tâm tới việc mua cổ phần tại Sabeco.

“Chúng tôi đã gặp gỡ một số nhà đầu tư có tiếng - bao gồm các nhà đầu tư chiến lược và các hãng bia khác”, ông Hà nói trong một cuộc phỏng vấn tại Singapore.

Ông Hà cũng cho biết các nhà đầu tư đã phản hồi rất tích cực tại buổi roadshow và coi Sabeco là công ty hấp dẫn để đầu tư với tiềm năng tăng trưởng cao.  

Hãng tin Nikkei cho biết đại diện của Sabeco không tiết lộ chi tiết về việc thoái vốn ngoài chiến lược kinh doanh chung của công ty, và chỉ cho biết rằng đây là thời điểm thích hợp về mặt thị trường chứng khoán và nền kinh tế.

Quá trình thoái vốn đang diễn ra theo kế hoạch và Bộ Công Thương, cơ quan đại diện 89,6% vốn nhà nước tại Sabeco, sẽ sớm công bố kế hoạch thoái vốn tại hãng bia này, ông Hà nói thêm.

Sabeco sẽ tổ chức 2 buổi roadshow nữa tại London và TP.HCM trong tuần này. Dự kiến lộ trình thoái vốn cụ thể sẽ được công bố trong buổi hội thảo khác tại TP.HCM vào ngày 29/11 sau khi Chính phủ phê duyệt mức giá, quy mô cổ phần và phương thức thoái vốn.

Việt Nam được coi là thị trường có triển vọng lớn đối với các hãng bia quốc tế, và cũng là thị trường đem lại lợi nhuận lớn thứ hai cho hãng bia Heineken (Hà Lan). Việt Nam được dự báo sẽ nằm trong các thị trường có lượng bia tiêu thụ bình quân đầu người cao nhất châu Á trong vài năm tới.

Trong khi đó, Sabeco chiếm khoảng 40% thị phần bia tại Việt Nam, với vị thế áp đảo ở miền Nam và đang vươn “vòi bạch tuộc” ra miền Bắc, vốn được coi là địa bàn truyền thống của Habeco.

Theo một số hãng tin quốc tế, có gần 10 hãng bia nước ngoài quan tâm đến việc mua cổ phần tại Sabeco khi Chính phủ Việt Nam thoái vốn. Ngoài 2 hãng bia Nhật kể trên còn có các “ông lớn” khác như ThaiBev, Heineken (hiện nắm gần 5% vốn tại Sabeco), AB InBev, San Miguel, và SABMiller.

Như vậy, cuộc đua giành cổ phần chiến lược tại Sabeco hẳn sẽ khốc liệt. Tuy nhiên, hẳn các nhà đầu tư ngoại sẽ dè chừng bởi giá cổ phiếu của Sabeco (mã chứng khoán SAB) đã tăng gần 3 lần trong vòng 1 năm qua, đạt đỉnh 318.800 đồng/cp khi chốt phiên 24/11, cao hơn so với mức tăng 40% của chỉ số VN-Index.

Tuy vậy, ông Hà khẳng định rằng thị giá của Sabeco là do thị trường quyết định. Còn Reuters dẫn lời một số nhà đầu tư rằng chính tỷ lệ nhỏ cổ phiếu trôi nổi khiến thanh khoản giao dịch thấp và đẩy giá cổ phiếu này.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/11, cố phiếu SAB của Sabeco giảm gần 5% xuống 303.000/cổ phiếu, và tụt xuống vị trí thứ ba trong số các công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, sau Vinamilk (VNM) và Vingroup (VIC).(Bizlive)
-----------------------------------

Hơn 33 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong 11 tháng

 Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung trong 11 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 33,09 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính đến ngày 20/11/2017, Việt Nam có 2.293 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 19,8 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, cả nước có 1.100 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2016 và 4.535 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 5,29 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ 2016.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 16 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo lĩnh vực, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn 14,95 tỷ USD, chiếm 45,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 8,37 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,5 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

27% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 11 tháng là từ Nhật Bản

Theo đối tác, có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư 8,94 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,18 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 4,69 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư.

Địa phương nhận nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất 11 tháng (tỷ USD)

Trong số 59 tỉnh thành phố được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn, TP HCM là địa phương thu hút nhiều đầu tư nhất với tổng số vốn đăng ký 5,68 tỷ USD, chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 3,28 tỷ USD, chiếm 9,9% tổng vốn đầu tư. Thanh Hóa đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký 3,16 tỷ USD chiếm 9,5% tổng vốn đầu tư.(NDH)
------------------------------

Bitcoin bùng nổ, chuẩn bị vượt 10.000 USD?

Vượt mốc 9.000 USD một Bitcoin, đồng tiền điện tử này sáng nay leo lên đến 9.740 USD và đang hướng đến mốc 10.000 USD một BTC.

 

giao dich tai may atm bitcoin o tp.hcm - anh: huu thuan

Giao dịch tại máy ATM Bitcoin ở TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN

 

Hiếm có một tài sản nào mà tăng giá từ đầu năm đến nay ở mức 900% như Bitcoin nếu chỉ tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay. 

Chỉ trong vòng một ngày, giá Bitcoin đã tăng phi mã đến hơn 1.000 USD và dường như vẫn chưa tìm được đỉnh để dừng lại.

Khi đạt mốc 7.000 USD, nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo về bong bong Bitcoin, và dự báo chẳng chóng thì chày giá trị đồng tiền điện tử này sẽ bị sụp đổ.

Và dự báo có vẻ đúng khi Bitcoin mất hơn 2.200 USD trong vòng 5 ngày để rồi chứng kiến một cuộc đua nhanh chóng hơn, lần lượt vượt vũ môn 8.000 USD rồi 9.000 USD.

Câu hỏi bây giờ là lúc nào Bitcoin vượt mốc 10.000 USD?

Các dự báo đưa ra là trước thời điểm cuối năm. Nhưng nhìn diễn biến trên thị trường rất có thể sớm hơn, chỉ trong vòng một ngày.

Đỉnh cao của Bitcoin được thiết lập vào sáng nay lúc 13h30 ngày 27-11 giờ Việt Nam khi đạt đến con số 9.741,06 USD một BTC.

Trước đó, vào lúc 9h30 phút, giờ Việt Nam, giá trị một Bitcoin cũng đã vượt 9.720 USD, sau đó giảm xuống và đến 12h00 lại lấy lại phong độ, vượt mức 9.700 USD.

Trước đó, mất hai tuần để Bitcoin "sụp đổ" từ đầu tháng 9 với giá 5.000 USD đến giữa tháng 9 còn 3.000 USD.

Mất chưa đầy một tuần để Bitcoin bốc hơn hơn 2.200 USD, tức từ đỉnh 7.700 USD xuống còn chưa đầy 5.500 USD một BTC vào ngày 12-11.

Nhưng chỉ trong ngày hôm nay, Bitcoin tăng giá chóng mặt lên hơn 1.000 USD. 9.720 USD một BTC là giá đang được giao dịch trên coinmarketcap.com. Trên sàn Coinbase.com, giá một đồng BTC được bán với 220.690.000 VND.

Nhưng vì sao Bitcoin lại lên giá một cách mạnh mẽ như thế?

Giới hạn của đồng tiền này, nếu khai thác hết vào thời điểm năm 2040, chỉ là 21 triệu BTC, và không hơn con số đó.

Để "đào" được một Bitcoin không dễ. Cứ mỗi 10 phút một lượng ít ỏi chừng 10 Bitcoin được sinh ra và nằm đâu đó trong không gian Internet.

Hằng hà sa số các máy đào Bitcoin trên thế giới đang hoạt động để cố giải mã các thuật toán nhằm có được một Bitcoin, và không phải ai cũng may mắn.

Cho đến thời điểm hiện tại, trên coinmarketcap.com, có tổng cộng khoảng16.700.000.

Như vậy, so với con số 21 triệu BTC đến năm 2040 thì số lượng Bitcoin còn lại trong 20 năm tới không nhiều, chỉ hơn 3 triệu BTC còn lại đâu đó trong không gian.

Điều đáng nói là số lượng các tài khoản để giao dịch Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác đang ngày càng tăng.

Theo Bloomberg, tại Coinbase, sàn trực tuyến mua bán, chuyển tiền Bitcoin phổ biến, đã có đến 13 triệu tài khoản, và riêng trong năm nay con số đó đã tăng đến 3 lần.

Rất đông các nhà đầu tư đã tham gia cuộc chơi lướt sóng Bitcoin mà số lượng lại hạn chế. Ví dụ, khoảng 17 triệu Bitcoin hiện tại hay 21 triệu Bitcoin sau này nếu cào bằng chia đều cho các nhà đầu tư muốn sở hữu thì chẳng được bao nhiêu.

Vì thế, giá tăng, nhu cầu lớn, người bán thì muốn nắm giữ để đầu cơ chờ tăng giá, mà nhiều dự đoán sẽ vượt 10.000 USD, rồi 11.000 và thậm chí 20.000 USD một BTC.

Chính vì thế, bất chấp các cảnh báo bong bong bể, giới đầu tư vẫn lao vào cuộc chơi, và mỗi lần rung lắc là một lần đồng tiền này trở nên mạnh hơn. 

Đó chính là nền tảng cho đà tăng giá chưa có dấu hiệu dừng lại của đồng tiền điện tử này.

Sự háo hức và say mê của giới đầu tư lại được tiếp sức từ sàn giao dịch lớn nhất thế giới CME tháng 12 này sẽ đưa Bitcoin vào hợp đồng tương lai.(Tuoitre)
----------------------------

Hàng ngàn người 'sập bẫy' địa ốc Alibaba

Chỉ riêng dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM) đã có gần 500 khách hàng “sập bẫy” Công ty CP địa ốc Alibaba, với số tiền bước đầu công ty này khai nhận là hơn 16 tỉ đồng.

Chưa kể công ty này cũng đã mở bán 14 dự án đất nền tại Long Phước (Đồng Nai) với hàng ngàn nền nên rất nhiều nạn nhân của Alibaba đang nơm nớp nỗi lo mất tiền.

Đặt cọc xong mới biết "bẫy"

Anh Khang, một trong số gần 500 khách hàng đã đặt cọc mua nền đất tại dự án mà Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM, cho biết vào khoảng đầu tháng 11, anh nhận được lời chào mời mua đất nền từ nhân viên kinh doanh của Công ty CP địa ốc Alibaba. Mức giá chào bán là 5,5 triệu đồng/m2, đặt 50 triệu giữ chỗ, khi mở bán số tiền trên sẽ chuyển thành tiền đặt cọc mua nền đất, nếu không mua sẽ trả lại tiền. “Họ nói giá đất nền ở đây rẻ lắm rồi vì dự án rộng đến gần 100 ha, với rất nhiều tiện ích như trường học quốc tế, bệnh viện, sân golf... nên tôi đã đặt cọc mua. Nhưng giờ tôi mới biết dự án này thực chất chưa phải là của Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP.HCM. Hiện tôi đang liên hệ để đòi lại tiền”, anh Khang nói.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Vân (TP.HCM) kể cách đây 2 tháng đã bỏ ra 500 triệu đồng mua 2 lô đất tại dự án Alibaba Long Phước 12 (H.Long Thành) và sau đó đặt cọc thêm 100 triệu đồng để mua 5 nền tại dự án Alibaba Long Phước 14. Tuy nhiên, mới đây khi chị lên ký hợp đồng mua bán, hỏi về pháp lý của các dự án thì Công ty CP địa ốc Alibaba chỉ đưa ra được mấy bản đồ quy hoạch Long Thành và mấy sổ đỏ đứng tên một cá nhân nào đó chứ không phải là sổ đỏ của Công ty CP địa ốc Alibaba. Lo ngại, chị Vân đã yêu cầu lấy lại tiền nhưng chưa được, còn nhân viên kinh doanh luôn thuyết phục chị “yên tâm” vì công ty lớn làm ăn uy tín, vốn điều lệ 1.600 tỉ đồng, nhân viên có 1.500 người”, rồi cam kết lợi nhuận 28%/năm… Nếu năm đầu tiên khách mua không đủ tiền đóng công ty sẽ mua lại với giá gấp 150% số tiền đã đóng...

Còn anh Dũng, đã bỏ ra 60 triệu đồng để đặt cọc mua 3 nền đất tại dự án Alibaba Long Phước 4 nhưng khi lên ký hợp đồng thấy pháp lý khu đất chưa có gì, đất cũng chẳng thấy đâu nên đã xin lấy lại tiền cọc. Tuy nhiên, do công ty này không trả lại tiền, anh Dũng đã khởi kiện ra tòa. “Mình còn làm ăn nên không muốn làm um xùm lên. Nhưng thái độ của công ty này kỳ quái khiến mình rất bức xúc”, anh Dũng nói.

Rủi ro rất cao

Phân tích hợp đồng “thỏa thuận hợp tác đầu tư” giữa Công ty CP địa ốc Alibaba ký với khách hàng, luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM, nói rằng những công ty công bố thông tin không đúng sự thật và huy động vốn trái quy định pháp luật như Công ty CP địa ốc Alibaba nếu giao dịch bị tuyên vô hiệu thì mọi cam kết cũng đều vô hiệu.

“Theo luật Kinh doanh bất động sản nếu không phải là đất của công ty thì Công ty CP địa ốc Alibaba không được ký với khách hàng kể cả trong trường hợp các cá nhân ủy quyền cho công ty này bán. Như vậy, ở góc độ pháp lý giao dịch này bị tuyên vô hiệu. Theo đó mọi cam kết cũng đều vô hiệu. Do đó, với những giao dịch không đúng quy định pháp luật thì đừng nghĩ đến phần cam kết này, dù cam kết cao hay thấp đều vô nghĩa. Thậm chí vốn gốc còn có khả năng mất nếu công ty này cố ý lừa đảo”, luật sư Phượng phân tích.

Về việc hai công ty này tổ chức huy động vốn (nhận 50 triệu đồng/nền) của khách hàng mua đất nền tại khu đô thị Tây Bắc Củ Chi, theo Nghị định 121 thì hành vi vi phạm về huy động vốn hoặc mua bán theo hình thức ứng tiền trước với mức phạt từ 100 - 150 triệu đồng và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp số lợi bất hợp pháp. Nếu không trả được khách hàng số tiền đã nhận, mà số tiền đó đã sử dụng cho mục đích khác, thì còn có thể bị điều tra xác định về trách nhiệm hình sự.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục