Thị trường ô tô năm 2018 đã được định đoạt?; Phê duyệt hơn 30.000 tỉ đồng phát triển hạ tầng du lịch; Mỗi ngày TP.HCM sẽ tăng thêm 3.000 - 5.000 tấn rác; Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi mới áp dụng từ 1/1/2018
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 27-11-2017
- Cập nhật : 27/11/2017
Thanh tra Chính phủ công bố nhiều sai phạm quản lý bất động sản Hà Nội
Tỷ lệ chọn mẫu thanh tra là 38/204 dự án, tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra là hơn 1.500 tỷ đồng...
Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị tại Hà Nội, giai đoạn từ 2002-2014.
Theo kết luận này, các dự án thanh tra được chọn mẫu với tỷ lệ 38/204 dự án (18,62%), và đã phát hiện một số sai phạm liên quan đến nghĩa vụ tài chính về đất đai, lạm dụng chủ trương xây nhà ở xã hội, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở...
Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra là hơn 1.500 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong đó, dự án khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai) đang nợ tiền sử dụng đất tại lô CT2 là khoảng 733 tỷ đồng vẫn chưa nộp.
Dự án khu nhà ở tại số 628 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình do Viglacera làm chủ đầu tư bị phát hiện sai phạm với số tiền gần 12,5 tỷ đồng do xác định tiền sử dụng đất của dự án không đúng vị trí quy định tại bảng giá đất.
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện số tiền sai phạm hơn 611 tỷ đồng do việc xác định nghĩa vụ tài chính của các chủ đầu tư phải thực hiện nhưng chưa đủ, và chưa nộp; khoảng 206 tỷ đồng do các chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… nhưng không thực hiện nghĩa vụ tài chính với phần diện tích tăng thêm.
Thanh tra Chính phủ cho rằng trách nhiệm để xảy ra các sai phạm là của Thường trực UBND thành phố Hà Nội. Ngoài ra còn có các sở ngành: tài chính, tài nguyên và môi trường, xây dựng, quy hoạch - kiến trúc, thuế, đăng ký đất đai và chủ đầu tư.
Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở ngành rà soát cụ thể, xác định bổ sung tiền sử dụng đất đối với các dự án do chủ đầu tư xây dựng sai quy hoạch, thu về ngân sách Nhà nước.
UBND thành phố Hà Nội cũng phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân qua các thời kỳ để xảy ra sai phạm tại kết luận thanh tra này.(Vneconomy)
-----------------------------------
Sếp công ty đại chúng, quỹ đầu tư vào tầm ngắm chống tham nhũng
Một nội dung mới của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội là mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài nhà nước đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư... Tuy còn ý kiến trái chiều, nhưng đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ hướng mở rộng này.
Kiểm soát tài sản của chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc
Điểm mới của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư có trách nhiệm ban hành quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, quy định về kiểm soát xung đột lợi ích và trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, tổ chức và chịu trách nhiệm thực hiện các quy định đó.
Đồng thời, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phải thực hiện việc minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người có chức vụ trong doanh nghiệp nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, cổ đông, người góp vốn, người gửi tiền.
Căn cứ quy định của luật này, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phải ban hành quy định việc kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của những người giữ chức vụ chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, tổng giám đốc, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng của công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và các đơn vị thành viên.
Ban kiểm soát trong các tổ chức này thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ như trên. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát trong kiểm soát tài sản, thu nhập do công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư quy định cho phù hợp.
Ban soạn thảo còn đề xuất, trong phạm vi chức năng thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra và các luật có liên quan, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra cấp tỉnh tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư...
Chặn tham nhũng ở khu vực tư có dễ?
Thống nhất việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư, Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhìn nhận, đây là điểm nổi bật trong lần sửa đổi luật này, phù hợp với công ước quốc tế và chủ trương của Đảng là từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước. Tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách. Nhiều người đưa hối lộ hoặc thông đồng với khu vực nhà nước để tư lợi gây thất thoát lớn tiền, tài sản nhà nước.
“Đã xảy ra các vụ tham nhũng nghiêm trọng trong khu vực tư, như tại Công ty cho thuê tài chính ALCII, hoặc các vụ chiếm đoạt tiền của ngân hàng, của khách hàng gửi tiền... Đây mới chỉ là bước đầu nên luật tập trung vào phòng, chống tham nhũng tại các công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng, các quỹ… là phù hợp, vì kinh nghiệm cho thấy tham nhũng xảy ra tại các đơn vị này ảnh hưởng đến nhiều người”, ông Hàm nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) cho rằng, dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư là phù hợp. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo có đánh giá tác động toàn diện, đồng thời cân nhắc thận trọng các quy định để các cơ quan nhà nước, thanh tra thực hiện pháp luật, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị không nên điều chỉnh sang lĩnh vực ngoài nhà nước. Luật giao cho cơ quan thanh tra, cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất việc thực hiện các quy định do doanh nghiệp tự ban hành là chưa phù hợp, dễ gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cũng có thể lạm quyền. Nếu người đứng đầu doanh nghiệp không hợp tác thì cũng rất khó thanh tra...
Chia sẻ quan điểm của ban soạn thảo, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết: để từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, trước mắt cần lựa chọn những tổ chức, doanh nghiệp mà trong mô hình quản trị có nguy cơ cao phát sinh hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và hành vi đó gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Trên cơ sở đó bắt buộc các chủ thể phải thực hiện một số biện pháp phòng, chống tham nhũng theo Luật Phòng, chống tham nhũng. Các quy định áp dụng theo dự thảo luật đối với nhóm chủ thể này là các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư tập trung vào việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.
“Qua rà soát cho thấy, các đạo luật chuyên ngành như: Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng... ở mức độ nhất định đã có quy định nhằm phòng ngừa các hành vi vi phạm trong quản lý, điều hành nhưng chưa rõ và đầy đủ. Vì vậy cần đưa vào quy định để áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng đối với các chủ thể này. Đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội thống nhất việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài khu vực nhà nước”, ông Khái khẳng định.(ĐTCK)
------------------------
Thu ngân sách cả nước 10 tháng mới đạt 74,3%
Kết quả thực hiện dự toán thu ngân sách trung ương cả nước 10 tháng qua mới chỉ đạt 74,3% dự toán, trong đó những địa phương trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương… mới đạt 60-70% dự toán.
Kết quả thực hiện dự toán thu ngân sách trung ương cả nước 10 tháng qua mới chỉ đạt 74,3% dự toán. Trong ảnh là người dân thực hiện quyết toán tại Cục Thuế TP. Ảnh: A.H.
Tại công văn đôn đốc thực hiện nhiệm vụ thu hai tháng cuối năm, Tổng Cục Thuế cho biết 10 tháng đầu năm, kết quả thu ngân sách trung ương tại TP.HCM mới đạt 70,9, trong khi đó Hà Nội đạt 69,9%. Đồng Nai, Bình Dương, Vĩnh Phúc đạt lần lượt là 61,9%, 68% và 59,8%.
Do vậy trong hai tháng còn lại, Tổng Cục Thuế yêu cầu 16 địa phương có số thu điều tiết về ngân sách Trung ương phải thu tối thiểu 103.400 tỉ đồng. 47 địa phương còn lại phải thu tối thiểu 3.800 tỉ đồng.
Để đạt được nhiệm vụ trên Tổng Cục Thuế yêu cầu các cục thuế tăng cường công tác thanh kiểm tra, sao cho nâng mức truy thu bình quân trên mỗi cuộc thanh kiểm tra. Bên cạnh đó lựa chọn những đơn vị có rủi ro cao, có tiềm năng truy thu vào ngân sách lớn để tập trung lực lượng thực hiện.
Ngoài ra, các cục thuế cần đẩy mạnh công tác đôn đốc thu hồi nợ và cưỡng chế nợ thuế, thực hiện rà soát số thuế TNDN trong năm 2017 để nộp sát với số thuế phát sinh trong hai tháng còn lại.
Đối với 16 Cục thuế có số điều tiết ngân sách về trung ương, Tổng Cục thuế yêu cầu phải triển khai đầy đủ giải pháp chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài Chính tại các cuộc họp giao ban điều hành công tác thu ngân sách trung ương. Các vụ, cục chức năng của Tổng Cục Thuế cũng phải tham mưu các giải pháp cũng như hỗ trợ các Cục Thuế trong công tác quản lý kê khai, thu hồi nợ thuế, thanh kiểm tra thuế, chống thất thu với doanh nghiệp và hộ kinh doanh… (Tuoitre)
------------------------------
Hà Nội: Trong năm 2017 phát triển hơn 11 triệu m2 nhà ở
Theo tin từ Cổng thông tin điện tử chính phủ, phát triển nhà ở, nhà ở tái định cư là một trong những nội dung được thành phố Hà Nội tập trung chỉ đạo thực hiện trong năm nay.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới năm nay đạt khoảng 11.033.432 m2. Trong đó, diện tích nhà ở xã hội dự kiến là 60.688m2 sàn, nhà ở thương mại khoảng 2.508.104 m2 sàn, nhà do dân tự xây khoảng 8.300.000 m2 sàn (bao gồm thành thị và nông thôn).
Dự kiến đến hết năm 2017, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thành nhà ở tái định cư 164.640 m2 sàn tương đương 2.134 căn hộ. Đã triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng; đặt hàng mua nhà ở thương thương mại phục vụ tái định cư tại Dự án X2 Đại Kim.
Xây dựng nhà ở xã hội tại các khu Tiên Dương (Đông Anh), Cổ Bi (Gia Lâm), Ngọc Hồi (Thanh Trì), Cổ Nhuế 2 (nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sĩ Bộ Công an) và Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm); diện tích sàn xây dựng nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2017 dự kiến là 60.688m2 tương đương với 650 căn hộ (bao gồm cả nhà ở công nhân và sinh viên).
Triển khai lập quy hoạch cải tạo 28 khu chung cư cũ đồng thời đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện (đã có báo cáo về ý tưởng quy hoạch 10 khu). Đã giao các đơn vị lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để thực hiện cải tạo, xây lại các khu chung cư cũ trên địa bàn Thành phố. Đến nay, đã có 16 nhà đầu tư đang đề xuất ý tưởng quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu chung cư cũ.
Diện tích bình quân năm 2017 đạt 25,6 m2/người (mục tiêu đến năm 2020 là 26,3 m2/người và theo kết quả điều tra giữa kỳ - năm 2014 của Tổng cục Thống kê diện tích bình quân đạt 23,1 m2/ người).
Tính đến nay, thành phố Hà Nội đã hoạch định bố trí diện tích nhà sinh hoạt cộng đồng cho 126/179 tòa nhà chung cư, xác lập sở hữu Nhà nước diện tích kinh doanh dịch vụ tại 93/117 tòa nhà có diện tích kinh doanh dịch vụ.(CafeF)