World Bank tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam
Điện máy Trần Anh báo lãi 6 tháng tăng 75%
Dầu Tường An báo lãi nửa năm chỉ tăng 3,6%
FPT hợp tác kinh doanh, phát triển công nghệ với đối tác châu Âu
Nhà đầu tư bất động sản "tạm ngưng" giữa bất ổn chính trị toàn cầu
Tin kinh tế đọc nhanh 19-07-2016
- Cập nhật : 19/07/2016
Quỹ tài chính thúc vốn vào khối tư nhân
Hiện nay ngoài việc đầu tư vào cổ phiếu của các công ty niêm yết, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chú ý hơn đến việc rót vốn vào các DN tư nhân trong nước.
Cuối quý I vừa qua, VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Ltd (VOF) đã chính thức đầu tư 9 triệu USD vào Bệnh viện quốc tế Thái Hòa (tỉnh Đồng Tháp). Nguồn vốn trên dự kiến sẽ giúp Bệnh viện Thái Hòa có thể đầu tư nâng công suất lên mức 300 ngàn lượt khám bệnh/năm và trở thành một trong những bệnh viện có dịch vụ khám chữa bệnh hiện đại nhất khu vực ĐBSCL.
Quan sát kế hoạch đầu tư của VOF có thể thấy quỹ này tỏ ra khá tự tin rót vốn vào Bệnh viện Thái Hòa. Bởi trước đó vào năm 2009, cùng với DWS Vietnam Fund, họ đã đầu tư 10 triệu USD vào chuỗi Bệnh viện Hoàn Mỹ. Và chỉ sau 3 năm, số tiền thu được từ việc thoái vốn khỏi chuỗi Bệnh viện Hoàn Mỹ đã đem về cho các NĐT này trên 25 triệu USD.
Trong khi VOF vừa bỏ vốn đầu tư vào Bệnh viện Thái Hòa và lên kế hoạch đầu tư một số cơ sở y tế khác tại khu vực ĐBSCL, thì mới đây Quỹ Đầu tư Saigon Asset Management (SAM) cũng công bố đầu tư một khoản vốn lớn vào lĩnh vực sản xuất nước mắm. Theo đó, Quỹ này mua lại hệ thống sản xuất nước mắm Red Boat (Kiên Giang) và lên kế hoạch phát triển để đưa thương hiệu này thành nước mắm Việt Nam duy nhất được bày bán trong các siêu thị tại Mỹ.
Thực tế trên cho thấy, hiện nay ngoài việc đầu tư vào cổ phiếu của các công ty niêm yết, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chú ý hơn đến việc rót vốn vào các DN tư nhân trong nước. Những phân tích kinh doanh của Tập đoàn VinaCapital chỉ ra rằng, trong năm 2015 vừa qua khoản đầu tư vào cổ phần công ty tư nhân đóng góp lớn nhất trong lợi nhuận của VOF, với tỷ lệ 9,9%. Trong khi đó các mảng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, trái phiếu và khách sạn chỉ lần lượt đạt 0,8%; 4,6% và 4,5%.
Các phân tích liên tiếp trong 5 năm gần đây của VinaCapital cũng cho thấy, đầu tư vào cổ phần công ty tư nhân là khoản sinh lợi tốt nhất của VOF với mức lợi nhuận bình quân là 24,7% và 20,6%. Điều này cho thấy rằng khả năng gia tăng đầu tư vào lĩnh vực tư nhân sẽ là hướng chọn lựa mà VOF cũng như các quỹ tài chính tương tự khác như Mekong Capital, Dragon Capital, SAM, Welkin, AIF… hướng tới, với các khoản đầu tư trung bình 10-40 triệu USD/dự án.
Trên thực tế, đến thời điểm tháng 7 vừa qua, tại Diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực ĐBSCL, nhiều địa phương đã đưa ra hàng loạt các dự án mời gọi NĐT trong và ngoài nước cùng góp vốn. Chỉ tính riêng các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư ngay trong năm 2016, hiện đã có khoảng trên 60 dự án thuộc các lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao; chế biến nông, thủy sản; du lịch, nhà hàng, khách sạn được mời gọi đầu tư.
Tuy nhiên tiềm năng để thu hút thêm vốn ngoại vào khu vực ĐBSCL còn rất lớn. Chính vì vậy theo các chuyên gia, thời điểm này các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL cần tạo ra cơ chế khuyến khích các quỹ đầu tư tham gia góp vốn trực tiếp vào các DN tại địa phương. Từ đó tạo ra cơ chế hợp tác liên kết nội-ngoại để thực hiện các dự án phát triển kinh tế trọng điểm, nhất là các dự án thuộc các lĩnh vực có tiềm năng sinh lợi cao ở khu vực ĐBSCL như chế biến, xuất khẩu nông, thủy sản; dịch vụ y tế, giáo dục; và du lịch sinh thái...(TBNH)
Sự tự tin của dòng vốn đầu cơ
Việc phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán trong tuần qua cho thấy một sự gia tăng lớn về mức độ tự tin của nhà đầu tư
Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) vừa có một tuần giao dịch ấn tượng. Hôm 13/7, VN-Index chạm mốc 675 điểm, mức cao nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 đến nay. Kết quả này khiến giới chuyên gia cũng phải bất ngờ.
Việc phục hồi mạnh mẽ của TTCK trong tuần qua cho thấy một sự gia tăng lớn về mức độ tự tin của nhà đầu tư (NĐT), bất chấp GDP trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng khiêm tốn 5,52%, đi kèm là những diễn biến bất lợi của giá dầu thô vẫn tiếp tục giảm, xuất khẩu tăng thấp, cân đối ngân sách khó khăn và lạm phát có biểu hiện tăng tốc...
Đã lâu lắm rồi thị trường mới chứng kiến khối lượng và giá trị giao dịch nhiều đến thế, với hơn 3.000 tỷ đồng/ngày, thậm chí có hôm đạt gần 4.000 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt thị trường như VCB, MWG, CTD, hay PNJ liên tiếp phá vỡ các kỷ lục mới về giá, kéo toàn bộ thị trường trở nên sôi động. Các quỹ đầu tư nước ngoài vì thế khá hưng phấn. Chẳng hạn như, AFC Vietnam Fund tính đến hết tháng 6 ghi nhận mức tăng trưởng 14,8%, cao hơn so với mức tăng của chỉ số VN-Index 10,1%.
Khác với các quỹ khác, AFC Vietnam Fund chuyên đầu tư vào các cổ phiếu nhỏ, có tiềm năng tăng trưởng cao nhưng đang được định giá thấp. Điển hình trong doanh mục đầu tư của quỹ là Công ty vật liệu điện và viễn thông Sam Cường, Chứng khoán Bảo Việt, Đá Núi Nhỏ hay Bút bi Thiên Long… Sự hiệu quả trong chiến lược đầu tư của AFC Vietnam Fund cho thấy, cơ hội kiếm lời từ TTCK Việt Nam vẫn còn rộng mở, thậm chí ngay cả đối với dòng cổ phiếu nhỏ.
Có thể nói, khả năng phục hồi của chứng khoán Việt Nam ngày càng tốt hơn nếu so với cách đây vài năm. Ngay sau sự kiện Brexit (Anh trưng cầu dân ý và đồng ý rời khỏi EU), nhiều chuyên gia dự báo tác động có thể đến mức “đánh gục” toàn bộ thành quả của thị trường kể từ đầu năm đến nay, nhưng xem ra nỗi lo này đã hơi quá!
Bởi sau khi bình tâm lại thì một tính toán cẩn trọng hơn cho thấy Brexit sẽ không phải là mối nguy lớn cho Việt Nam. “Luận điểm quan trọng là nếu xuất khẩu của Việt Nam vào Anh sụt giảm đến 20% thì cũng chỉ tương đương làm giảm 0,6% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam”, các chuyên gia của AFC Vietnam Fund phân tích. Nhưng đó là chưa tính đến những điều chỉnh chủ động của các DN Việt Nam trong thời gian tới để phòng ngừa rủi ro này.
Ngoài ra, kể từ đầu tháng 7 đến nay, TTCK được hưởng lợi chung từ dòng vốn quốc tế đang có xu hướng chuyển dịch vào các quỹ hoán đổi danh mục ETF. Việc một số DN lớn trong nước có kế hoạch nới room cho khối ngoại cũng mang đến những động lực tăng trưởng cho thị trường, điển hình là Vinamilk.
HĐQT của Vinamilk mới đây đã gửi công văn đến Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh xin mở room tối đa cho NĐT ngoại đến 100%. Nếu điều này trở thành hiện thực, các quỹ ETF ngoại đầu tư vào Việt Nam là Van Eck Market Vector và Deusche Bank DB X-Trackers Vietnam ETF gần như chắc chắn sẽ đưa VNM vào rổ chỉ số của mình.
Trong khi đó, tiến trình cổ phần hóa các DNNN vẫn đang diễn ra với nhiều thương vụ chào bán cổ phiếu (IPO) dồn dập từ nay đến cuối năm. Mới đây, Chính phủ thông tin rằng đang cân nhắc sẽ giảm mạnh tỷ lệ sở hữu đến mức có thể không cần chi phối ở hai công ty bia rượu lớn nhất nước là Sabeco và Habeco. Nếu điều này trở thành hiện thực thì sẽ là một “đòn bẩy” đáng kể nữa đẩy tâm lý của NĐT theo hướng tích cực hơn.
Nhưng rủi ro không phải là không có. Thị trường địa ốc đang có những điều chỉnh đáng kể và có thể tăng trưởng toàn ngày sẽ chậm lại. Điều này một mặt sẽ giúp cho thị trường cân bằng hơn khi dịch chuyển sản phẩm về phân khúc nhà đất phù hợp với người có nhu cầu ở thực, thường khá ổn định. Nhưng có thể sẽ khiến một số kế hoạch triển khai của các DN phải dừng lại, hoặc chờ điều chỉnh, tác động đến tâm lý của TTCK trong ngắn hạn.
Nhìn chung, đối với các NĐT không chịu được rủi ro cao thì vẫn có những cơ hội dành cho họ trong các tháng cuối năm. Đó là các cổ phiếu thuộc ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ, năng lượng và logistics. Và giờ đây cũng là lúc các cơn mưa nặng hạt hơn đã bắt đầu xuất hiện, làm dịu đi tình trạng hạn hán do El Nino mang lại. Một chu kỳ hồi sinh của ngành nông nghiệp theo đó cũng đang diễn ra, và đó có thể cũng là một điềm báo cho chu kỳ tăng trưởng mới của TTCK…(TBNH)
Kinh doanh Casino: Cần khung pháp lý rõ ràng
Liệu đã đến lúc cho phép người Việt vào chơi Casino? Vấn đề này đột ngột làm “nóng” và thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Lâu nay, các quy định đang được áp dụng chỉ cho phép người nước ngoài được vào Casino tham gia các dịch vụ vui chơi có thưởng. Nhưng nhiều thông tin cho thấy điều này không ngăn cản được việc người Việt chơi Casino, đánh bạc ăn tiền.
TS. Nguyễn Đình Chúc, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng, thông tin: Theo các nguồn thống kê, người Việt tiêu khoảng 250 triệu USD/năm tại các sòng bài ở Campuchia. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Công an và từ nhiều nguồn tin khác nhau, tại Việt Nam có khoảng 200 sòng bạc hoạt động bất hợp pháp. Chỉ tính riêng trong thời gian diễn ra Euro 2016, ước tính 500 triệu USD đã được chi trả cho việc cá độ.
Giáo sư Hà Tôn Vinh - tác giả của nghiên cứu dày 1.500 trang về loại hình kinh doanh Casino, nêu một con số còn lớn hơn nữa. Ông cho rằng Việt Nam có thể phải mất khoảng 800 triệu USD/năm do người dân đi nước ngoài chơi Casino. Cấm không hết và thiệt hại tài chính cho đất nước là lý do nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét kỹ vấn đề Casino ở Việt Nam trên nhiều góc độ.
Ông Chúc dẫn một số ví dụ về vấn đề này: Hiện ước tính ngân sách thu khoảng 1 tỷ USD tiền thuế từ 3 tỷ USD doanh thu xổ số. Kinh doanh trò chơi điện tử dành cho người nước ngoài đóng thuế 51 triệu USD từ doanh thu 260 triệu USD. Nhưng riêng lĩnh vực Casino còn non trẻ của Việt Nam đạt doanh thu 50 triệu USD, nộp về cho ngân sách Nhà nước 15 triệu USD thông qua các loại thuế và phí. “Đây là ngành công nghiệp lớn, tuy nhiên lại chưa có quy định và quy chế rõ ràng để quản lý”, TS. Nguyễn Đình Chúc nói.
Đến thời điểm này, trong số các NĐT đã được cấp phép kinh doanh Casino, Hồ Tràm là dự án tiên phong triển khai và giữ đúng các cam kết. Tuy nhiên, ông Gary Martin, Giám đốc Phát triển Dự án của công ty Dự án Hồ Tràm chỉ ra rằng, việc thiếu khung pháp lý rõ ràng và chặt chẽ để người Việt được vào chơi Casino đã cản trở không ít hoạt động của các NĐT tiềm năng tại Việt Nam. Cụ thể, những dự án như Hồ Tràm của ông cũng đã phải có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh doanh trong thời gian gần đây.
“Từ hình thức kinh doanh Casino-Resort, tập trung vào mảng Casino nhiều hơn, chúng tôi đã điều chỉnh mô hình thành Resort-Casino, tập trung vào tiện nghi nghỉ dưỡng hơn”, ông Gary Martin chia sẻ về hàng loạt tiện ích mới được bổ sung tại The Grand - khu nghỉ dưỡng hiện có hơn 1.500 nhân viên đang làm việc và nằm cách TP. Hồ Chí Minh chưa đầy hai giờ lái xe.
DN này cũng đang nỗ lực tiếp tục phát triển các hạng mục xây dựng của dự án trong thời gian sắp tới, 800 triệu USD hiện đã đầu tư vào dự án và khoảng 300 triệu USD nữa đang đầu tư vào những hạng mục dự án, giúp nâng tổng số vốn giải ngân hơn 1 tỷ USD. Theo đó, tòa tháp thứ hai cùng với những tiện ích giải trí mở rộng và khu căn hộ cao cấp đang được gấp rút đầu tư.
“Việc sửa đổi Nghị định kinh doanh Casino sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho doanh thu thuế Nhà nước. Chúng tôi có đủ mọi tiện nghi phục vụ: đội ngũ chuyên gia quốc tế luôn tuân thủ các tiêu chuẩn thế giới khắt khe nhất, đã sẵn sàng cho chương trình thử nghiệm cho phép người Việt vào chơi Casino”, ông Gary Martin chia sẻ thêm.
Giáo sư Hà Tôn Vinh cũng đồng tình rằng, các cơ quan thẩm quyền có thể chọn Khu phức hợp The Grand tại Hồ Tràm làm nơi thí điểm cho người Việt vào chơi Casino, nhằm đánh giá thực tiễn về tiềm năng, quy mô ngành kinh doanh này tại Việt Nam. Đồng thời qua đó cũng có thể kiểm soát các hệ lụy xã hội, cũng như giảm thiểu tình trạng người dân ra nước ngoài đánh bạc và tham gia các hoạt động cá cược trái phép ngay tại Việt Nam.
Các chuyên gia đều nhất trí cần phải có một khung pháp lý rõ ràng cho vấn đề này. Kiến trúc sư Mary Beth Powell tin rằng, điều cốt lõi để phát triển ngành công nghiệp Casino là phải “am hiểu và có quy hoạch chi tiết” cho thị trường Việt Nam. “Nhiều tỉnh thành đang chờ được duyệt cấp phép kinh doanh sòng bạc, xem đó là cơ hội thu hút khách du lịch đến địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung”, Giáo sư Hà Tôn Vinh cho biết thêm.(TBNH)
Giá thép cùng với các hàng hóa kỳ hạn khác tại Trung Quốc ngày 18/7 đều giảm
Giá thép Trung Quốc cùng với các hàng hóa liên quan khác giảm phiên hôm thứ hai (18/7), xói mòn mức tăng tuần trước đó.
Giá thanh cốt thép kỳ hạn tháng 10, hợp đồng benchmark tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng hải và giá quặng sắt giao kỳ hạn tháng 9 tại Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm mạnh trong phiên giao dịch buổi chiều, chịu ảnh hưởng giảm 6%.
Giá thanh cốt thép ở mức thấp 1 tuần, ở mức 2.362 NDT (352,61 USD)/tấn và giá quặng sắt kết thúc ngày giảm 431 NDT/tấn.
Giá thép tăng 4,6% tuần trước đó, được thúc đẩy bởi sản lượng thép bị cắt giảm tại khu vực sản xuất lớn thành phố Đường Sơn giai đoạn 12-31/7, và dự kiến sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ, trong bối cảnh số liệu kinh tế vĩ mô tốt hơn so với dự kiến.
Nguyên liệu sản xuất thanh cốt thép, được sử dụng chủ yếu trong xây dựng, giảm mạnh trong vài giờ giao dịch cuối cùng.
Giá than cốc kỳ hạn tại Đại Liên giảm 5,3% và than luyện cốc giảm 3,8%.
Sản lượng thép thô trung bình ngày tại Trung Quốc trong tháng 6 đạt mức cao kỷ lục 2,316 triệu tấn, do nhu cầu tăng, đẩy các nhà máy thép sản xuất nhiều hợp kim.
Giá quặng sắt giao ngay sang cảng Thiên Tân Trung Quốc giảm hơn 20 cent, xuống còn 57,8 USD/tấn hôm 15/7, nhưng tăng 4,7% tuần trước đó, tuần tăng thứ 4 liên tiếp.