tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 24-08-2016

  • Cập nhật : 24/08/2016

Triển vọng phát triển ngành rong biển Việt Nam

Tại Việt Nam có hơn 800 loại rong biển, trong đó nhiều loại được sử dụng làm thực phẩm xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu...

Rong biển chứa nhiều chất dinh dưỡng được nhiều thị trường thế giới ưa chuộng. Riêng tại Việt Nam có hơn 800 loại rong biển, trong đó nhiều loại được sử dụng làm thực phẩm xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, châu Âu...

Lợi ích nhiều mặt

Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học và Môi trường thuộc Đại học Nha Trang, trong 800 loại rong biển có ở Việt Nam thì rong đỏ Rhodophyta chiếm hơn 400 loại, rong lục Chlorophyta chiếm 180 loại và rong nâu hơn 140 loại và gần 100 loại rong lam.

Ngoài ra, còn có các loại như rong sụn, rong nho chiếm số lượng ít hơn. Những loại rong này sống chủ yếu ở các tỉnh khu vực Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận vì nơi đây có những mô đá để rong bám vào trong quá trình sinh trưởng, đồng thời tính chất nước biển ở đây đủ độ mặn cho cây rong phát triển.

PGS.TS Ngô Đăng Nghĩa, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Mội trường cho biết, rong biển chứa nhiều vitamin, đạm, chất xơ có lợi cho đường ruột, các nguyên tố đa vi lượng như Natri, Kali, iot, canxi, magie, selen, kẽm, đồng,… và các chất chống oxy hóa cao có lợi cho sức khỏe con người, trong đó có loại giúp loại bỏ các đồng vị phóng xạ trong cơ thể người bị nhiễm ra ngoài.

Do đó, rong biển được dùng làm thực phẩm và chế biến thực phẩm. Điển hình như rong hổ tai dùng để nấu canh, chè, các loại rong khác dùng để chế biến sushi, sashimi, …

Bên cạnh việc sử dụng rong biển làm thực phẩm, các doanh nghiệp còn sử dụng rong biển chế tạo thành chất tạo độ quánh trong công nghiệp, mỹ phẩm, dược phẩm, chất ăn kiêng, các loại gel trong cố định tế bào, thực phẩm tái cấu trúc, thức ăn gia súc, vật nuôi,…

 

Rong biển hiện là sản phẩm quý hiếm, có loại đạt sản lượng thu được rất ít, mà đơn vị tính là theo tờ mỗi năm. Loại này chủ yếu dùng để làm món ăn sushi kiểu Nhật hay kimbap kiểu Hàn Quốc.

Trong năm 2015, cả nước có hơn 10.000 ha sản xuất rong biển, trong đó rong cau chiếm 8.200 ha và rong sụn chiếm 1.500 ha, rong guột và rong mứt chỉ chiếm 400 ha.

Tuy nhiên, hiện nay ngành rong biển chưa được chú trọng đầu tư tương xứng với giá trị của nó. Sản lượng rong biển thu hoạch tự nhiên của cả nước chỉ đạt 56.000 tấn tươi, tương đương 8.000 tấn rong khô.

Sản lượng rong biển nuôi trồng tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện năng suất chưa cao do chưa chú trọng đầu tư, có nơi chỉ đạt 3,5 tấn tươi/ha/năm. Vì vậy, ngành rong biển cần có giải pháp riêng để phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Hướng đến giải pháp phát triển

Trước triển vọng phát triển lớn của ngành rong biển cũng như giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng của loại thực phẩm này, nhiều ý kiến đưa ra là cần phải đầu tư cho rong biển hơn nữa để tạo điều kiện phát triển sinh kế cho người dân sinh sống tại những khu vực có tiềm năng nuôi trồng rong biển.

Ông Trần Công Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết, để nâng cao sản lượng rong biển Việt Nam phục vụ cho xuất khẩu thì phải tăng cường trồng rong biển trên biển và hải đảo, các đầm phá.

Đây cũng là mô hình kết hợp bảo vệ môi trường biển đảo, nơi có rong biển sinh sống. Bên cạnh đó, để tiêu thụ được sản phẩm rong biển đi kèm với gia tăng giá trị thì các doanh nghiệp chế biến rong biển phải đa dạng hóa sản phẩm từ rong biển, đa dạng hóa thị trường, đổi mới công nghệ trong chế biến để phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường và các nhà nhập khẩu.

Không những vậy, các doanh nghiệp cũng hợp tác, đào tạo kĩ thuật cho người trồng rong biển để có năng suất cao, cho thu nhập ổn định cho người dân.

Bên cạnh đó, các địa phương khoanh vùng lưu giữ giống rong biển nhằm nâng cao chất lượng giống, tạo giống chất lượng cao đảm bảo cung cấp đủ số lượng rong giống cho người dân.

Hưởng ứng với những chiến lược này, Công ty TNHH Hải Nam – Okinawa (TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã phối hợp với các kĩ sư Nhật Bản sản xuất rong nho, một trong các loại rong biển được nhiều nước ưa chuộng tạo nguồn rong xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hải Nam - Okinawa, mô hình nuôi trồng rong nho bằng nước biển sạch được lắng lọc trong hồ chứa qua hệ thống tinh lọc trước khi bơm vào bể.

Các yếu tố nước và nhiệt độ luôn được kiểm soát ở mức ổn định để tạo điều kiện tốt nhất cây rong phát triển, từ đó cây rong sẽ cho sản lượng cao quanh năm và chất lượng tốt nhất.

Bên cạnh chú trọng kĩ thuật nuôi trồng thì Công ty Hải Nam - Okinawa cũng chú trọng việc nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm từ rong nho, trong đó có sản phẩm rong nho muối, có thời gian lưu trữ từ 6 tháng đến 1 năm, dễ dàng vận chuyển đến người tiêu dùng.

Đây cũng là sản phẩm được các nhà nhập khẩu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản lựa chọn hàng đầu hiện nay.

Như vậy, khi hướng đến đầu tư chuyên sâu về giống rong, số lượng cũng như chú trọng kĩ thuật sản xuất rong chất lượng cao cho người dân, khoanh vùng nguyên liệu cụ thể sẽ giúp cho ngành rong biển có hướng đi tích cực hơn trong tương lai.(Vinanet)


Bộ nông nghiệp Nga đề xuất thuế xuất khẩu lúa mì xuống còn 0%

Thuế xuất khẩu lúa mì hiện tại ở mức tối thiểu; Bộ nông nghiệp Nga dự kiến, xuất khẩu lúa mì niên vụ 2016/17 sẽ đạt 25-30 triệu tấn; Dự trữ ngũ cốc nhà nước có thể đạt 2 triệu tấn.

Bộ nông nghiệp Nga đề xuất giảm thuế xuất khẩu lúa mì xuống còn 0% đến 1/7/2017, Cơ quan thông tấn Nga cho biết.

Các thương nhân dự kiến, Bộ nông nghiệp sẽ đề xuất hủy bỏ hoàn toàn cơ chế thuế, ở mức tối thiểu 10 rup (tương đương 0,16 USD)/tấn, nhưng có thể tăng, nếu đồng rup suy giảm.

“Chúng tôi gửi đề xuất cho chính phủ, chúng tôi vẫn đàm phán về vấn đề này”, cơ quan thông tấn TASS trích dẫn Vladimir Volik, người đứng đầu văn phòng luật của Bộ cho biết.

Phương án thuế được thiết lập bằng 1/2 mức giá hải quan trừ đi 6.500 rup (tương đương 102 USD)/tấn, nhưng không thấp hơn 10 rup/tấn. Giá lúa mì Nga khu vực biển Đen chiếm 12,5% protein ở mức khoảng 168 USD/tấn.

Một số nhà  phân tích và nhóm vận động nông dân hy vọng chính phủ sẽ phải xem xét mức thuế và hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc trong năm marketing 2016/17.

Bộ nông nghiệp dự kiến, sản lượng cây trồng sẽ không thấp hơn 100 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với mức kỷ lục năm 2008. Bộ có thể nâng ước tính thêm 3-6 triệu tấn, nếu thời tiết vẫn thuận lợi.

Nga có thể xuất khẩu lên đến 40 triệu tấn ngũ cốc năm marketing 2016/17, bắt đầu ngày 1/7, bao gồm 25-30 triệu tấn lúa mì.

Bộ nông nghiệp có kế hoạch mua 1 triệu tấn ngũ cốc thị trường nội địa vào cuối năm 2016 với sự can thiệp của nhà nước.

Tuy nhiên, Bộ cũng cho biết, có thể mua 600.000 tấn ngũ cốc vào tháng 1/2017 và bổ sung 1,4 triệu tấn trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.

Các biện pháp can thiệp của nhà nước bắt đầu vào thứ sáu từ Crimea, xuất khẩu ngũ cốc khó khăn, do rủi ro pháp lý sau khi Nga sáp nhập năm 2014.

Khu vực này sản xuất 1,5 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay, trong đó chỉ cần 300.000 tấn sử dụng nội địa, cơ quan thông tấn RIA cho biết.( VITIC/Reuters/Vinanet)


Trung Quốc bỏ thuế chống bán phá giá với thép Nhật Bản, EU

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 22/8 thông báo nước này bỏ các loại thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép ống không gỉ nhập khẩu từ Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Quyết định này có hiệu lực cùng ngày. Theo tuyên bố trên trang chủ của Bộ Thương mại Trung Quốc, Bộ này đã áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép ống không gỉ nhập khẩu từ Nhật Bản và EU từ ngày 9/11/2012. Tuy theo mức độ phá giá, mức thuế áp đặt trong khoảng từ 9,2%-14,4%.

Ngày 20/6 vừa qua, Bộ Thương mại thông báo với ngành sản xuất thép trong nước rằng bộ này sẽ xem xét lại các biện pháp chống bán phá giá. Trong quá trình xem xét, ngành thép nội địa đã rút đơn yêu cầu tiếp tục các biện pháp chống bán phá giá nhằm vào mặt hàng nhập khẩu từ Nhật Bản và EU. Do đó, Bộ này quyết định bỏ loại thuế trên.(Tin tức)


Phương pháp kiểm tra cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), Bộ NN&PTNT vừa chính thức thông báo việc áp dụng các phương pháp kiểm tra và xử lý các kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo Quyết định số 2636/QĐ- BNN-QLCL ngày 29-6-2016 của Bộ NN&PTNT đối với các lô hàng cá bộ Siluriformes (chủ yếu là cá tra) xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Cụ thể, theo quy định của Cơ quan thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), việc kiểm nghiệm các lô hàng cá bộ Siluriformes xuất khẩu vào Hoa Kỳ trong chương trình của FSIS được thực hiện theo các phương pháp quy định (tại website: http://www.fsis.usda.gov/wps/portal/fsis/topics/science/laboratories-andprocedures/guidebooks-and-methods/guidebooks-and-methods ), trong đó có nêu các giới hạn phát hiện tối thiểu (MLA) của từng phương pháp đối với từng chỉ tiêu kiểm nghiệm.

Nafiqad đề nghị các Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng cập nhật các phương pháp của FSIS, đặc biệt lưu ý đến MLA đối với từng chỉ tiêu tương ứng.

Trường hợp kết quả phân tích mẫu có giá trị lớn hơn giá trị MLA, lô hàng cá bộ Siluriformes xuất khẩu vào Hoa Kỳ được coi là không đạt yêu cầu. Trường hợp kết quả phân tích mẫu có giá trị nhỏ hơn giá trị MLA, lô hàng cá bộ Siluriformes vẫn được phép xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Nếu kết quả kiểm nghiệm các lô hàng cá bộ Siluriformes của cùng cơ sở sản xuất tiếp tục bị phát hiện cùng một chỉ tiêu hóa chất kháng sinh cấm nhưng kết quả nhỏ hơn MLA, Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng có văn bản yêu cầu doanh nghiệp rà soát toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt là nguồn gốc nguyên liệu chế biến các lô hàng nêu trên để có biện pháp kiểm soát chặt chẽ mối nguy hóa chất kháng sinh.

Nafiqad cũng nêu rõ, trường hợp xác định nguyên nhân tại cơ sở nuôi, doanh nghiệp cần lập biên bản làm việc giữa doanh nghiệp và các cơ sở nuôi trong quá trình điều tra truy xuất, (biên bản cần có thông tin đầy đủ về tên, địa chỉ cơ sở nuôi, mã số được cơ quan có thẩm quyền cấp-nếu có, số điện thoại người đại diện và chữ ký của hai bên) và tổng hợp báo cáo về Nafiqad.

Trước đó, vào đầu tháng 7 vừa qua, Nafiqad đã phát đi thông báo từ ngày 15-7 đến 15-10, 100% lô hàng cá thuộc họ Siluriformes của các doanh nghiệp Việt Nam phải được kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Các lô hàng cá thuộc họ Siluriformes, trong đó có cá tra và basa, được sản xuất tại các nhà máy có tên trong danh sách được FSIS chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này mới thuộc diện phải kiểm tra và cũng chỉ những nhà máy được FSIS chấp nhận mới được xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Tần suất kiểm tra là 100% lô hàng với các chỉ tiêu như Salmonella; Malachite Green/Leuco Malachite Green; Enrofloxacine/Ciprofloxacine và Crystal Violet.

Nafiqad nêu rõ, chỉ những lô hàng được kiểm tra và được Trung tâm Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản thuộc Nafiqad cấp chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành mới đủ điều kiện xuất khẩu vào Hoa Kỳ.(Baohaiquan)


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục