Xác định có vàng ở Phú Riềng - Bình Phước
Ngày 2.11, Sở TN-MT Bình Phước cho biết đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về việc kiểm tra, khảo sát đánh giá trữ lượng vàng tại khu vực hai xã Phú Riềng, Phú Trung (H.Phú Riềng) mà Thanh Niên phản ánh cùng ngày.
Đại diện Sở TN-MT Bình Phước cho biết theo tài liệu tài nguyên khoáng sản tỉnh Bình Phước do Tổng cục Địa chất và khoáng sản VN xuất bản năm 2006, kết quả đo vẽ bản đồ địa chất, địa chất thủy văn và địa chất công trình... do Liên đoàn Địa chất thủy văn - địa chất công trình miền Nam thực hiện (hoàn thành năm 2004) xác định đã phát hiện điểm quặng vàng tại khu vực H.Phú Riềng.
Theo kết quả này, vàng xâm tán trong mạch thạch anh - sulfur và đới cạnh mạch; đá vây quanh là cát bột kết hệ tầng mã đà bị biến đổi. Các mạch thạch anh - sulfur có bề dày 0,2 - 1 m có phương đông bắc - tây nam hoặc á vĩ tuyến, tập trung thành đới mạch có chiều rộng từ 3 - 10 m, chiều dài không liên tục. Vàng gốc có hàm lượng 0,64 - 4,1 g/t (gr/tấn -PV).
Trả lời Thanh Niên, đại diện Sở TN-MT Bình Phước cho biết cơ quan này đã báo cáo cho UBND tỉnh và Bộ TN-MT, Bộ Công thương... “Hướng giải quyết, xử lý thuộc Bộ Công thương nếu có vàng hoặc khai thác hay không thì thuộc Bộ Công thương trình Chính phủ quy hoạch, khai thác; địa phương chỉ đảm bảo việc quản lý, giữ gìn an ninh trật tự...”- đại diện Sở TN-MT Bình Phước nói.
Bộ Tài chính chi tiêu ngân sách 'giật gấu vá vai'
Phát biểu tại nghị trường sáng nay 3.11, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM Trần Du Lịch lo ngại trước tình trạng Bộ Tài chính đang thu - chi ngân sách theo kiểu 'giật gấu vá vai'.
Đại biểu Trần Du Lịch - Ảnh: Ngọc Thắng
Đánh giá mặt tích cực của tình hình kinh tế - xã hội, Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng cái được lớn nhất, nếu hình tổng thể của cả một cánh rừng, là “sự ổn định của vĩ mô, lạm phát bên trong và các hiệp định thương mại ký kết bên ngoài đã mở ra một thời kỳ mới so với thời điểm năm 2010”.
Tuy nhiên, về tồn tại, theo ông Lịch, trong số 21 chỉ tiêu giai đoạn 5 năm (từ 2011 - 2015), có 9 chỉ tiêu không đạt lại rơi vào đúng 9 chỉ tiêu tạo ra chất lượng tăng trưởng, như: tổng đầu tư xã hội/GDP, sản phẩm công nghệ cao, năng suất lao động, lao động qua đào tạo… Đại biểu Lịch lo ngại trong 5 năm tới hoặc từ năm 2016, có thể GDP năm sau sẽ không thể cao hơn năm trước như kế hoạch đã đề ra.
GDP phục hồi, doanh nghiệp vẫn “chết” nhiều
Ví von tăng trưởng thời gian qua như người đã “nhón gót chân lên”, nếu không có động lực mới sẽ không thể tăng được nữa, đại biểu đề nghị phải khắc phục được 4 hạn chế:
Thứ nhất, tổng đầu tư vốn toàn xã hội giảm (trong khi nền kinh tế chủ yếu tăng trưởng dựa vào vốn).
Thứ hai, nông nghiệp đã giảm trần tăng trưởng và suy giảm.
Thứ ba, kinh tế phục hồi nhưng doanh nghiệp trong nước thời gian dài chết quá nhiều, xảy ra hiện tượng FDI tồn tại tốt còn doanh nghiệp trong nước phát triển yếu kém. Nếu duy trì tăng trưởng dựa vào FDI, đại biểu Lịch lo ngại sẽ phát sinh mâu thuẫn vì xét cho cùng FDI vẫn là nợ quốc gia, GDP tăng nhưng lợi tức của quốc gia sẽ giảm, bởi vì tổng nguồn vốn đưa vào bao giờ cũng thấp hơn tổng đưa ra và phân phối không được.
Thứ tư, vướng vào chi ngân sách, nợ công thâm thủng, đại biểu cảm thấy hiện nay chi tiêu ngân sách, Bộ Tài chính khổ sở theo kiểu giật gấu vá vai thì rõ ràng không có dư địa kích tổng cầu cho giai đoạn sau.
“Từ 2016 trở đi, với 4 hạn chế trên, tôi đồng ý tăng trưởng GDP 6,5-7% nhưng nếu không có động lực mới thì không đạt được”, ông Lịch băn khoăn.
Động lực mới ở đây, theo ông Lịch, về chính sách tiền tệ, vấn đề nợ xấu, đổ vỡ ngân hàng đã được xử lý khá tốt, nhưng phải sớm giảm lãi suất cho vay trung - dài hạn. Để kích thích tăng trưởng, tỷ lệ tăng tín dụng phải gấp 3 lần tăng trưởng GDP, tức khoảng 20%/năm.
Đối với chính sách tài khóa, vấn đề quan trọng nhất phải xem lại cân đối thu - chi, giảm cho được chi thường xuyên, trong đó có cải cách hành chính. Tái cơ cấu lại nợ công, giải quyết sự đồng bộ trên thị trường vốn, tiền tệ, chứng khoán và bảo hiểm. Ông Lịch nhấn mạnh: "Hiện nay tất cả gánh nặng đổ lên vai ngân hàng thương mại thì không thể giải quyết được bài toán vốn".
Trái phiếu chính phủ sôi động trở lại
Trong tháng 10, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức đấu thầu huy động được hơn 24.900 tỉ đồng trái phiếu chính phủ (TPCP), tăng nhiều lần so với mức 2.628 tỉ đồng của tháng 9.
Lãi suất trúng thầu trong tháng 10 cũng tăng nhẹ so với tháng 9, lãi suất kỳ hạn 3 năm ở mức 6,54 - 6,7%/năm, kỳ hạn 5 năm tăng từ 0,18 - 0,75%/năm, kỳ hạn 10 năm nhích nhẹ 0,4%, lãi suất kỳ hạn 15 năm không tăng, ở mức 7,65 - 7,9%/năm.
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dồi dào là một trong những nguyên nhân khiến kênh đầu tư TPCP sôi động trở lại.
Ngoài ra, đề xuất của Chính phủ về việc phát hành trở lại TPCP kỳ hạn dưới 5 năm đang được kỳ vọng sẽ được Quốc hội sớm thông qua. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng mua vào TPCP, tính chung trong tháng 9 và tháng 10, khối ngoại mua ròng hơn 5.800 tỉ đồng TPCP trên thị trường thứ cấp.
Tăng cường vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng
Ngày 2 - 3.11, Tổng lãnh sự quán của Anh tại TP.HCM phối hợp với Vụ Phát triển hạ tầng cơ sở (Infrastructure UK) thuộc Bộ Tài chính Anh quốc tổ chức hội thảo về quan hệ đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực phát triển hạ tầng cơ sở.
Ông James Ballingall, Giám đốc Cơ quan quốc tế - Phát triển cơ sở hạ tầng Anh, cho biết hiện các nước trên khắp thế giới đang hướng tới tài chính tư nhân như là một phương tiện phát triển cơ sở hạ tầng và là động cơ phát triển để thoát khỏi suy thoái.
Còn theo ông Javier Encinas, Phó giám đốc dự án Cơ quan phát triển cơ sở hạ tầng Anh, 4 khung chính để xây dựng một chương trình PPP thành công gồm: khung pháp lý, chính sách (cam kết chính trị, cần có luật về PPP, kế hoạch và chương trình đầu tư PPP); khung thể chế (bộ phận PPP trung tâm, các bộ phận quản lý theo ngành, năng lực kỹ thuật, cấp vốn cho khu vực công); khung tài chính, công nghiệp (nhà thầu, đơn vị vận hành, cố vấn tài chính, kỹ thuật và pháp lý, đơn vị cho vay và cung cấp vốn).
Sau TPP, thuế 12 mặt hàng thủy sản sẽ về 0% ngay lập tức
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), khoảng 25 mặt hàng thủy sản xuất khẩu chịu thuế từ 1 - 10% sẽ trở về 0% ngay lập tức hoặc theo lộ trình kéo dài lâu nhất đến năm thứ 16.
Trong đó, có đến 12 mặt hàng thủy sản sẽ giảm thuế về 0% ngay sau khi TPP có hiệu lực như: cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá hồi đỏ, cá tuyết (đông lạnh), surimi cá minh thái, trứng cá minh thái, cá trích, trứng cá trích, tôm, tôm chế biến, cua, cá ngừ đóng hộp.
Cá minh thái, cá hồi Thái Bình Dương (hồng và trắng), cá ngừ vây dài (đông lạnh), cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương (tươi) sẽ giảm dần và về 0% vào năm thứ 6.
(
Tinkinhte
tổng hợp)