Lộ diện các chủ nợ khác của Phương Trang: SCB, NCB, VPBank
Ngân Hàng Xây Dựng (CB) có thể đang là chủ nợ lớn nhất của Phương Trang và các công ty liên quan, nhưng hàng trăm chiếc xe khách Phương Trang đang được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), VPBank…
Phương Trang là thương hiệu vận tải hành khách đường bộ được biết đến nhiều nhất trên cả nước trong vài năm qua. Những ngày qua, cái tên này lại gắn liền với việc bị Ngân hàng Xây dựng (CB) khởi kiện để thu hồi 3.000 tỷ đồng nợ khó đòi.
Trên thực tế, Phương Trang không chỉ hoạt động vận tải hành khách và các lĩnh vực liên quan như du lịch, xăng dầu. Thương hiệu này còn gắn với hàng loạt dự án bất động sản như Khu đô thị mới Phương Trang – Vịnh Đà Nẵng, các dự án New Pearl (đã chuyển nhượng cho Vạn Thịnh Phát), The Landmark City tại TP. HCM…
Khối bất động sản này và một số tài sản khác của Phương Trang từng được định giá lên đến 14.500 tỷ đồng khi ngân hàng Đại Tín (tiền thân của CB) thẩm định và cấp hạn mức cho vay vào năm 2012.
Bên cạnh hoạt động vận tải hành khách, để đầu tư vào các dự án này, một lượng tiền lớn từ các ngân hàng đã được Phương Trang huy động từ CB và các ngân hàng khác. Riêng tại công ty mẹ (CTCP Đầu tư Phương Trang) năm 2014, chi phí tài chính đã lên tới 664 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến công ty này thua lỗ kỷ lục trong năm đó.
CB có thể đang là chủ nợ lớn nhất của Phương Trang và các công ty liên quan trong lĩnh vực bất động sản. Nhưng nhiều ngân hàng khác cũng đang cho tập đoàn này vay hàng trăm tỷ đồng để kinh doanh trong các lĩnh vực khác.
Trong lĩnh vực vận tải hành khách, để đầu tư đội xe hàng nghìn chiếc, công ty phụ trách mảng kinh doanh này của Phương Trang là CTCP Xe khách Phương Trang cũng phải vay tiền từ nhiều ngân hàng và dùng chính những chiếc xe này làm tài sản đảm bảo.
Dữ liệu cho thấy, hàng trăm chiếc xe của CTCP Xe khách Phương Trang đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của công ty này tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), VPBank…
Từ cuối năm 2015 đến nay, NCB liên tục là bên nhận bảo đảm các tài sản là xe chở khách của Phương Trang. Tổng số xe hiện là 260 chiếc bao gồm 122 chiếc Mitsubishi Attrage MT, 68 chiếc Hyundai Grand i10 và 60 chiếc Thaco Mobihome (xe giường nằm), 20 chiếc Thaco town (29 chỗ ngồi).
Trong khi đó SCB là đối tác lớn của Xe khách Phương Trang từ năm 2014. Gần 100 xe khách trên 40 chỗ của Phương Trang được đăng ký làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại SCB. Ngoài ra còn 40 chiếc Toyota Hiace, 34 chiếc Ford, 19 chiếc Samco loại 34 chỗ ngồi…
VPBank cũng nhận 41 chiếc xe khách cơ lớn làm tài sản đảm bảo của công ty này trong các năm 2014 và 2015.
Quá trình xử lý khoản nợ hàng nghìn tỷ của Phương Trang và các công ty liên quan tại CB đã kéo dài nhiều năm và chắc chắn chưa kết thúc sớm. Hệ lụy của việc này là kết quả hoạt động kinh doanh vận tải hành khách của Phương Trang có thể bị ảnh hưởng xấu và điều này sẽ tác động gián tiếp đến khả năng thanh trả nợ các khoản vay khác của công ty này.
Thị phần trong nước giảm không ngừng, Nam Ngư, Chinsu tìm đường sang Thái
Thị trường nước mắm Thái Lan tuy lớn nhưng sẽ là thách thức với Masan vì người Thái đã quen dùng hàng nội và với giá rẻ.
Theo báo cáo thường niên của Masan Consumer, thị phần nước tương và tương ớt của Masan Consumer không đổi so với năm 2014, thị phần cà phê giảm nhẹ, trong khi thị phần nước mắm giảm từ 70% xuống 65%. Nếu so với năm 2012, thị phần nước mắm của Masan đã giảm 15% (từ mức 80%).
Khi thị phần mắm Nam Ngư, Chinsu của Masan có dấu hiệu đi xuống, Singha, công ty đã rót 1,1 tỷ USD vào Masan cuối năm 2015, có thể giúp Masan tiếp cận thị trường Thái Lan trong năm 2016 và tiếp đó là Myanmar, Lào và Campuchia. Tổng dân số của 4 quốc gia này là 160 triệu dân, so với 90 triệu dân của Việt Nam.
Đưa mắm và cà phê vào Thái Lan, nơi có số dân 65 triệu người, trong năm 2016 sẽ là bước đi đầu tiên của Masan trong quá trình xây dựng chiến lược đưa thức ăn và nước giải khát vào các quốc gia có nhiều điểm chung văn hóa như văn hóa lúa nước, sử dụng nước mắm và sự tăng lên của tầng lớp trung lưu trẻ tuổi.
Thị trường nước mắm Thái Lan không lớn như Việt Nam. Theo nghiên cứu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (Viet Capital Securities), doanh thu từ nước mắm của Thái Lan (4,922 tỷ đồng) năm 2015 không bằng một nửa Việt Nam (11.305 tỷ đồng).
Vào được, nhưng làm sao để trụ được?
Mắm của Masan có thể vào thị trường Thái Lan nhưng trụ lại và phát triển là một bài toán khó. Viet Capital Securities chỉ ra ba nguyên nhân sau.
Thứ nhất, để hiện diện tại các quầy hàng, trong siêu thị của người Thái, Masan cần nhiều thời gian vì các kênh sản xuất, phân phối không thể chuyển sang Thái. Tận dụng hệ thống phân phối sẵn có của Singha có thể là lợi thế nhưng việc xây dựng thương hiệu cần thời gian và đầu tư.
Thứ hai, giá nước mắm tại Thái Lan rẻ hơn so với Việt Nam. Trong khi nước mắm Nam Ngư giá 40.000 đồng/lít, Chin-su với 65.600 đồng/lít và mắm Liên Thành giá 94.667/lít thì mắm ở Thái Lan rất rẻ. Loại của Tiparos là 25.790 đồng/lít và Plamuk: 24.688 đồng/lít, Oyster với 27.333 đồng/lít.
Người Thái thường chỉ dùng mắm để nấu ăn trong khi đó, người Việt ngoài mục đích trên còn để chấm. Thông thường, mắm Việt sẽ đòi hỏi chất lượng tốt hơn. Điều quan trọng của Masan là phải thay đổi thói quen của người tiêu dùng Thái, chuyển từ việc dùng mắm nấu ăn sang chấm. Điều này, nói thì có thể đơn giản nhưng thực hiện được thì rất khó.
Hoạt động kinh doanh của Masan Consumer qua các năm. Nguồn: Báo cáo thường niên Masan
Thứ ba, người Thái quen dùng mắm do nước họ sản xuất. Thách thức với Masan là phải thuyết phục người tiêu dùng Thái chuyển sang thích hàng Việt.
Cách Masan thay đổi, cải tiến sản phẩm sẽ là yếu tố then chốt trong chiến lược tại thị trường Thái của Masan. Tuy nhiên, chỉ khi nào Masan cho ra đời sản phẩm mới và nhận được phản hồi từ khách hàng thì mới có câu trả lời. Sự thiếu sáng tạo trong thị trường nước mắm ở Thái Lan, nơi mới chỉ vài thương hiệu xuất hiện, sẽ là cơ hội cho Masan dù không dễ dàng.(CafeF)
Tasco thu lợi nhuận “khủng” từ đâu?
Theo báo cáo tài chính mới nhất của Tasco, lợi nhuận từ bất động sản của doanh nghiệp này đang chiếm tới 82,3%.
Thời gian gần đây nhiều cơ quan truyền thông cho rằng, Công ty CP Tasco đã thu lãi “khủng” từ việc đầu tư các dự án BOT giao thông khi đứng sau hàng loạt các dự án BOT trên các trục đường khắp các tỉnh Nam Định – Thái Bình – Hà Nội…
Tuy nhiên, tìm hiểu của Báo Giao thông tại báo cáo tài chính hợp nhất của Tasco mới đây, có thể thấy cơ cấu doanh thu các trạm thu phí đường bộ để hoàn vốn cho các dự án BOT được đánh giá thấp.
Cụ thể, lợi nhuận từ các trạm thu phí đường bộ chỉ chiếm 2,2% năm 2014 và đến Qúy 1/2016 chiếm 17,% tổng lợi nhuận của Công ty.
Bắt đầu từ Qúy 3/2015 đến nay, Tasco tăng thêm 1 trạm thu phí BOT QL1 Quảng Bình, đây chính là lý do doanh thu các trạm thu phí đường bộ của Tasco tăng lên trong năm 2015 và đến Qúy 1/2016 cũng chỉ chiếm 16,6% tổng doanh thu.
Cụ thể hơn, theo đại diện của Tasco, lợi nhuận sau thuế trong năm 2014 của Công ty Cổ phần Tasco là hơn 258,6 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ các hợp đồng xây dựng chiếm tới 97,2%, kinh doanh bất động sản chiếm 0,1% và thu phí giao thông chiếm 2,2%.
Năm 2015, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 160,9 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận các lĩnh vực cũng thay đổi. Cụ thể, kinh doanh bất động sản chiếm tỷ lệ 43,6%, hợp đồng xây dựng chiếm 43%, thu phí giao thông đường bộ chiếm 12,7%.
Đặc biệt trong Quý I/2016, với mức lợi nhuận sau thuế đạt hơn 84,8 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã chiếm tới 82,2% trong khi thu phí giao thông đường bộ đạt 17,%.
Theo đại diện Tasco, với 3 trạm thu phí của Tasco, đây chưa phải là con số đủ hấp dẫn để nói dự án BOT mang lại lợi nhuận cao cho Tasco.(GTVT)
Chiến lược “làm lụt” thị trường của OPEC phát huy hiệu quả
Sản lượng dầu thô của Trung Quốc vừa giảm mạnh nhất trong 15 năm qua. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy chiến lược “làm lụt” thị trường của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có hiệu quả.
Logo hãng PetroChina ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.
Theo Bloomberg, quốc gia châu Á giảm đến 7,3% lượng dầu sản xuất trong tháng 5 so với cách đây một năm, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2001. Điều này cho thấy chiến lược của OPEC cũng có hiệu quả tại nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới.
Việc Đại lục giảm hạn ngạch có thể giúp thị trường dầu mỏ cân bằng, duy trì sự phục hồi giá cả 75% từ mức đáy 12 năm lập ra vào đầu năm 2016. Giá dầu tăng khiến OPEC tự tin hơn vào chiến lược do Ả Rập Xê Út dẫn đầu, điều mà họ theo đuổi hai năm nay: bơm dầu “vô tư” để gây sức ép lên các nhà sản xuất với chi phí cao.
Dư cung dầu mỏ toàn cầu vừa có dấu hiệu đang kết thúc, khi các doanh nghiệp bắt đầu đóng cửa những mỏ dầu không tạo ra lợi nhuận và giảm đầu tư, theo nhiều dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngân hàng Goldman Sachs…
“Đây chắc chắn là dấu hiệu quan trọng cho thấy thị trường dầu mỏ toàn cầu đang tái cân bằng. Chiến lược của Ả Rập Xê Út đang bắt đầu mang lại kết quả”, nhà phân tích Michal Meidan tại hãng tư vấn Energy Aspects cho biết. Sản lượng dầu Trung Quốc thấp hơn phản ánh việc các hãng sản xuất dầu nước này cắt giảm chi tiêu giữa lúc giá giảm, người đứng đầu mảng nghiên cứu dầu khí châu Á Gordon Kwan tại Nomura Holdings nói.
Hồi tháng 3, PetroChina, nhà sản xuất quốc doanh lớn nhất Đại lục, cho hay hãng dự kiến sản lượng dầu khí sẽ giảm lần đầu tiên trong 17 năm, vì chuyện đóng cửa các giếng dầu “không có hy vọng” mang lại lợi nhuận. Công ty Cnooc thì dự báo sản lượng trượt 5,2% trong năm nay.
“Sản xuất dầu trong nước thấp hơn có nghĩa là Trung Quốc sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào dầu nhập khẩu từ Trung Đông và Nga”, chuyên gia Kwan nói.
Ngoài dầu mỏ, sản lượng than của Đại lục cũng giảm 15,5%, nhiều nhất kể từ tháng 4.2015. Nhu cầu than ở nước này giảm vì nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, chuyển hướng sang tăng trưởng chủ yếu nhờ tiêu dùng.(TN)
Microsoft bất ngờ chi 26,2 tỷ USD mua mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn
Hãng phần mềm Mỹ vừa công bố bỏ ra 26,2 tỷ USD để mua lại LinkedIn - một mạng xã hội về nghề nghiệp. Microsoft dự tính sẽ tích hợp LinkedIn vào hàng loạt ứng dụng và dịch vụ của mình.Hãng phần mềm Mỹ vừa công bố bỏ ra 26,2 tỷ USD để mua lại LinkedIn - một mạng xã hội về nghề nghiệp. Microsoft dự tính sẽ tích hợp LinkedIn vào hàng loạt ứng dụng và dịch vụ của mình.
Trong một động thái đầy bất ngờ, Microsoft mới đây vừa công bố mua lại LinkedIn - một mạng xã hội về nghề nghiệp. Microsoft sẽ tốn tới 26,2 tỷ USD cho thương vụ này. Sau khi hoàn tất, hãng dự tính sẽ tích hợp LinkedIn vào hàng loạt ứng dụng và dịch vụ của mình, bao gồm Office, Skype, và Cortana. Sự tích hợp này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dùng. Ví dụ như, người dùng có thể biết được một cách chi tiết thông tin về người mà họ sắp gặp gỡ để trao đổi hợp tác kinh doanh. Microsoft hứa hẹn sẽ để LinkedIn hoạt động độc lập, trong đó có cả việc giữ nguyên vai trò của CEO Jeff Weiner. Weiner sẽ báo cáo trực tiếp công việc lên Satya Nadella - CEO của Microsoft. Hãng hy vọng thương vụ này sẽ sớm được các cơ quan quản lý thông qua ngay trong năm 2016.
Đây là thương vụ lớn đầu tiên của Satya Nadella kể từ khi ông lên làm CEO Microsoft cách đây hơn 2 năm. Hãng định vị mình là "công ty về công nghệ đám mây hàng đầu thế giới", còn LinkedIn là "mạng xã hội nghề nghiệp hàng đầu thế giới". Có hơn 433 triệu người trên thế giới dùng LinkedIn để tìm kiếm thông tin liên quan đến việc làm, hoặc để kết nối lại với các đồng nghiệp cũ. Nhiều người dùng LinkedIn đã chấp nhận trả phí để dùng các dịch vụ cao cấp của mạng xã hội này.
Mua lại LinkedIn cũng đồng nghĩa với việc, Microsoft muốn có sự hiện diện lớn hơn ở mảng mạng xã hội. Microsoft từng đầu tư vào Facebook trong những giai đoạn đầu Facebook mới được xây dựng, tuy nhiên, công ty không thành công khi thâm nhập các mạng xã hội dành cho doanh nghiệp. Microsoft từng bỏ ra 1,2 tỷ USD mua lại Yammer thời điểm cách đây gần 4 năm, tuy nhiên, khách hàng doanh nghiệp không hứng thú với công cụ này như hãng kỳ vọng. Hãng sẽ còn tiếp tục chia sẻ các thông tin liên quan đến vụ thâu tóm này của mình trong thời gian tới.
(
Tinkinhte
tổng hợp)