tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 16-06-2016

  • Cập nhật : 16/06/2016

Nới lỏng tiền tệ: Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lời?

Để giữ lời, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải động đến một chốt chặn nhạy cảm...

Từ khi tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đến nay, nguyên tắc xuyên suốt và gần như không thể thay đổi là không được sử dụng nguồn vốn từ ngân sách.

Như đề cập ở bài viết “Nới lỏng tiền tệ: Có tiếng, còn dè miếng”, Thông tư số 23 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 4/12/2015 được xem như một lời hứa tạo điều kiện về vốn cho các ngân hàng tham gia tái cơ cấu hệ thống.
Cụ thể, theo Thông tư 23, các tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, tổ chức tín dụng tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định sẽ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Thông tư có hiệu lực từ 28/1/2016, nhưng đến này “lời hứa” trên vẫn chưa được thực hiện.
Chiều 14/6, sau bài viết trên, chúng tôi nhận được ý kiến trao đổi từ lãnh đạo quản lý nguồn vốn của một ngân hàng thương mại. Người trong cuộc này đưa ra một góc nhìn khác, bên cạnh vấn đề cung tiền với lãi suất và lạm phát.
Ông cho biết, sau khi có cơ chế, cũng như trong đề án tái cơ cấu ngân hàng mình, các đề xuất, kiến nghị cũng đã được nêu ra, trong đó có đề xuất được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc như Thông tư 23 nêu.
Được biết, các ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của Nhà nước cũng đã có đề xuất trên, cũng như một số ngân hàng thực hiện sáp nhập, hợp nhất thời gian qua. Và họ đang chờ đợi.
Theo quan điểm của vị lãnh đạo trên, từ khi tiến hành tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đến nay, nguyên tắc xuyên suốt và gần như không thể thay đổi là không được sử dụng nguồn vốn từ ngân sách.
“Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần có nguồn lực thực tế để thúc đẩy. Quan điểm là không dùng tiền ngân sách nhà nước, nhưng Ngân hàng Nhà nước có thể tạo điều kiện về cơ chế. Ở đây là như Thông tư 23, với việc xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để tạo thêm nguồn vốn cho các ngân hàng đang tham gia tái cơ cấu”, vị lãnh đạo trên nói.
Ông cũng lưu ý rằng, nguồn vốn ở đây là từ nguồn huy động của các ngân hàng, nếu giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì cũng chỉ là trả lại cho họ một phần để đưa vào kinh doanh, thêm nguồn lực để hoạt động, gián tiếp hỗ trợ cho tái cơ cấu.
Thực tế những năm tái cơ cấu vừa qua, các ngân hàng thương mại tham gia trực tiếp hoặc qua chỉ định hầu như chưa nhận được các hỗ trợ từ chính sách về tài chính và nguồn vốn. Thậm chí tại các kỳ đại hội đồng cổ đông gần đây, có trường hợp sau ba năm tham gia tái cơ cấu vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các bản kiến nghị liên quan.
Với các ngân hàng thương mại nhà nước tham gia tái cơ cấu chỉ định tại các ngân hàng yếu kém, thời gian qua đã phải chia sẻ nhân sự quản lý cao cấp, hỗ trợ quản trị điều hành, quản lý rủi ro, hỗ trợ nguồn và thậm chí là cả chia sẻ cơ hội kinh doanh…
Nay, “đổi lại”, họ có đề xuất được xem xét hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, như thêm nguồn lực để tiếp tục tham gia thúc đẩy quá trình tái cơ cấu. Mà điều này đã được quy định trong thông tư nói trên.
Tuy nhiên, khi trao đổi về tình huống giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho những trường hợp trên, một chuyên gia cho rằng bối cảnh hiện nay khiến Ngân hàng Nhà nước khó thực hiện “lời hứa” trong Thông tư 23.
“Lạm phát đang có xu hướng tăng mạnh trở lại, mục tiêu kiểm soát dưới 5% năm nay có nhiều thử thách. Cung tiền cũng đang là một vấn đề được chú ý, trong khi đó tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một chốt chặn nhạy cảm đối với độ nở của cung tiền”, chuyên gia này nói.
Tại Chỉ thị số 04 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 27/5 vừa qua, trong các gợi mở về hướng tạo nguồn hỗ trợ các ngân hàng thương mại cũng không thấy bóng dáng của tình huống sẽ điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Thay vào đó, Thống đốc định hướng sẽ tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Vậy, ưu tiên tái cấp vốn, qua kênh trái phiếu đặc biệt của VAMC, cho những trường hợp tham gia tái cơ cấu hệ thống nói trên, có nên xem là một lựa chọn thay thế việc thực thi Thông tư 23 trong điều kiện hiện nay?( VnEconomy)


Panama sẽ thanh tra một số cơ sở thủy sản tại Việt Nam vào tháng Bảy

Theo thông tin từ Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Tổng cục An toàn thực phẩm Panama (AUPSA) đã có văn bản chính thức thông báo sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam trong tháng Bảy tới đây.

che bien ca tra phuc vu xuat khau. (anh an hieu/ttxvn)

Chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu. (Ảnh An Hiếu/TTXVN)

Cụ thể, đoàn công tác này sẽ đến Việt Nam từ ngày 4-7 đến ngày 12-7 để đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu và thanh tra một số cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam.

Đoàn thanh tra sẽ chia làm 4 nhóm, bao gồm một nhóm kỹ thuật và 3 nhóm thanh tra. Trong số đó, mỗi nhóm sẽ thanh tra 5-7 cơ sở chế biến và cơ sở nuôi.

Liên quan đến thông báo này, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng NAFIQAD cũng  đề nghị các đơn vị trực thuộc, các cơ sở chế biến thủy sản tiến hành rà soát, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định để làm việc với đoàn thanh tra khi có yêu cầu.

Danh sách dự kiến đoàn thanh tra Panama đến thanh tra tập trung vào 19 đơn vị, các công ty, các cơ sở chế biến xuất khẩu cá da trơn vào thị trường này.

“Tuy nhiên, danh sách các cơ sở đoàn đến thanh tra có thể sẽ thay đổi theo đề nghị của AUPSA. Song Cục sẽ có thông báo lịch trình cụ thể đến các cơ sở trong thời gian sớm nhất,” ông Tiệp nói.

Phía Việt Nam đã đề nghị Pânma tiến hành thanh tra sau khi một số lô hàng cá tra của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào nước này bị phát hiện nhiễm vi sinh gây bệnh và bị phía Panama cảnh báo.

Các lô hàng cá tra của Việt Nam muốn tiếp tục được phép xuất khẩu vào Panama thì phải lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu kết quả đạt yêu cầu, Panama sẽ cho thông quan và lưu thông trên thị trường nước này.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Panama cho biết, để các lô hàng cá tra của Việt Nam khi nhập khẩu vào nước này không phải lấy mẫu kiểm nghiệm, cơ quan thẩm quyền Panama cần sang thanh tra các cơ sở nuôi và chế biến cá tra của Việt Nam.

Danh sách dự kiến đoàn thanh tra Panama có thể đến thanh tra bao gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Đăng, Xí nghiệp đông lạnh 8-Công ty cổ phẩn xuất nhập khẩu thủy sản An Giang, Xí nghiệp 3- Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Phân xưởng 2- Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy sản Phát Tiến, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long, Công ty Cổ phần Thủy sản An Phú, Công ty Cổ phần thủy hải sản Nam Sông hậu, Công ty Cổ phần Nha Trang Seafoods-f89, Xí nghiệp Chế biến Thủy sản Hoàng Phong-Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi, Xí nghiệp Chế biến Thủy sản Hoàng Phương –Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Út Xi.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Ấn Độ Dương-Nhà máy đông lạnh thủy sản Ấn Độ Dương, Công ty Cohế biến xuất nhập khẩu Quốc Ái, Công ty thủy sản Biển Đông, Công ty thủy sản Hải Sáng, Công ty Đại Thành, Công ty chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Hòa Phát, Công ty Cổ phần Châu Âu.

 


25 doanh nghiệp trong “tầm ngắm” của Hải quan Hải Phòng

25 doanh nghiệp thuộc loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu có mức độ rủi ro cao đang được Hải quan Hải Phòng triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ.

hoat dong nghiep vu tai chi cuc hai quan quan ly hang dau tu gia cong hai phong. anh: t.binh.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư gia công Hải Phòng. Ảnh: T.Bình.

Theo Cục Hải quan Hải Phòng, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã rà soát 711 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công, sản xuất xuất khẩu, qua đó xác định được 25 doanh nghiệp có rủi ro cao.

Trong đó, có 9 doanh nghiệp đã được chuyển cho Chi cục Kiểm tả sau thông quan Hải Phòng tiến hàng kiểm tra.

Đến nay, Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã thực hiện kiểm tra 4 doanh nghiệp, trong đó 1 doanh nghiệp đã hoàn thành kiểm tra và phát hiện có hành vi vi phạm, cơ quan hải quan đã ấn định, truy thu số tiền thuế 300 triệu đồng.

Với 16 doanh nghiệp, trong diện rủi ro cao, Hải quan Hải Phòng đang tiếp tục thu thập thông tin để theo dõi, đánh giá để đưa ra biên pháp quản lý phù hợp.

Hiện nay, Hải quan Hải Phòng được xem là đơn vị quản lý số DN gia công, sản xuất xuất khẩu lớn bậc nhất khu vực phía Bắc, tập trung ở nhiều tỉnh, thành có số lượng khu công nghiệp lớn là Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, trong đó có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.


2 nhóm hàng nhập khẩu 10 tỷ USD

133,246 tỷ USD là tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tính đến hết tháng 5, theo thông tin cập nhật từ Tổng cục Hải quan. Trong đó có 2 nhóm hàng nhập khẩu và 1 nhóm hàng xuất khẩu đạt giá trị từ 10 tỷ USD trở lên.

cong chuc hai quan lang son kiem tra hang nhap khau. anh: t.binh.

Công chức Hải quan Lạng Sơn kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh: T.Bình.

Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu có mức tăng trưởng nhẹ thì nhập khẩu lại giảm so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cụ thể, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 67,444 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2015; tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 65,805 tỷ USD, giảm 1,7%.

Trong đó, xuất khẩu có 13 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Dẫn đầu vẫn là điện thoại với trị giá đạt 14,254 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2015. Đứng thứ 2 là dệt may đạt 8,623 tỷ USD, tăng 6,4%; đứng thứ 3 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,376 tỷ USD, tăng 6%; giày dép đứng ở vị trí thứ 4 với trị giá 5,049 tỷ USD, tăng 8%; kế đến là máy móc, thiết bị phụ tùng, dụng cụ đạt 3,626 tỷ USD, tăng 16,1 tỷ USD…

Xét về tốc độ tăng trưởng, nhóm hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm có mức tăng cao nhất với mức tăng 58,7%, với trị giá kim ngachjd dạt hơn 391 triệu USD.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn chiếm ưu thế trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu với con số 47,133 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 70%. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài cũng có mức tăng cao hơn trung bình cả nước, với mức tăng 9,4% so với cùng kỳ.

Ở chiều nhập khẩu, có 16 nhóm hàng nhập khẩu đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó có 2 nhóm hàng đạt giá trị kim ngạch hơn 10 tỷ USD.

Đứng đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 10,59 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Đứng thứ 2 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,441 tỷ USD, tăng 11,1%.

Các nhóm hàng nhập khẩu lớn khác có thể kể đến như: Vải đạt 4,148 tỷ USD, tăng 2,2%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,063 tỷ USD, giảm 7%; sắt thép đạt gần 3 tỷ USD, tăng 0,7%...

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu 38,796 tỷ USD, chiếm gần 59% trị giá nhập khẩu cả nước, giảm 2,8% so với cùng kỳ.

Như vậy, hết tháng 5, cả nước đang xuất siêu 1,639 tỷ USD.


Nói sữa không đạt chuẩn, Meiji muốn chỉ định nhập khẩu độc quyền tại Việt Nam

Cho rằng sữa Meiji bán ở Nhật có một số hàm lượng không đáp ứng chuẩn Việt Nam, hãng này đề nghị Tổng cục Hải quan ngừng cấp phép với các lô hàng từ nhà nhập khẩu trong nước không được uỷ quyền.
sua meiji cho tre tu 0-12 thang va tu 1-3 tuoi o thi truong viet nam chu yeu la hang noi dia duoc san xuat cho thi truong nhat ban. anh: thanh lan.

Sữa Meiji cho trẻ từ 0-12 tháng và từ 1-3 tuổi ở thị trường Việt Nam chủ yếu là hàng nội địa được sản xuất cho thị trường Nhật Bản. Ảnh: Thanh Lan.

Trong một công văn gửi cơ quan chức năng Việt Nam mới đây, Công ty sữa Meiji của Nhật bày tỏ mong muốn chỉ định một nhà nhập khẩu duy nhất tại Hà Nội, được uỷ quyền nhập và bán các dòng sản phẩm của họ ở Việt Nam.
Theo đó, hãng này thừa nhận sữa Meiji nội địa Nhật Bản (sản phẩm sản xuất hướng đến thị trường Nhật và đang được lưu thông tại nước này) không đúng với chuẩn ở Việt Nam. Cụ thể là thành phần biotin, choline, mangan i-ốt trong sữa bột công thức Meiji nhãn hiệu Hohoemi (số 0 - cho trẻ dưới 12 tháng) và thành phần biotin, kẽm, i-ốt trong sữa Meiji nhãn hiệu Step (số 9 - cho trẻ từ 1-3 tuổi) đáp ứng các quy định của Nhật nhưng lại không hợp chuẩn của Việt Nam.
"Điều này là do sự khác biệt trong tiêu chuẩn về thành phần dinh dưỡng và nhu cầu các chất khác nhau giữa người Nhật và người Việt", hãng Meiji giải thích.

Việc sữa nội địa Nhật có hàm lượng i-ốt thấp hơn so với nhu cầu của trẻ em Việt (do thói quen ăn uống và sinh hoạt của người Nhật) đã được cảnh báo nhiều nhưng sữa Meiji nội địa vẫn được ưa dùng và tiêu thụ với số lượng lớn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sở dĩ hàm lượng này thấp so với chuẩn Việt Nam bởi Chính phủ Nhật không cho phép bổ sung i-ốt vào sữa công thức cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, Meiji cũng đề cập việc không loại trừ hàng nội địa Nhật Bản này khi đem về Việt Nam được bảo quản không đúng cách dẫn đến chất lượng xuống cấp hoặc khả năng hàng giả trà trộn trên thị trường. Do đó, Meiji đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam không cấp phép nhập khẩu và không thông quan với sản phẩm Meiji nội địa Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.
Trên thực tế, sữa công thức Meiji cho trẻ 0-3 tuổi được các bà mẹ sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, hãng này đã ngừng lưu hành nhãn hàng tại Việt Nam nên trên thị trường chủ yếu là sản phẩm sữa được bán tại Nhật, do các công ty nhập khẩu của Việt Nam cũng như các cửa hàng xách tay mang về trong nước tiêu thụ.
Lãnh đạo một công ty chuyên nhập khẩu các mặt hàng từ Nhật về cho biết: "Đề nghị này của Meiji đe doạ tới khả năng nhập khẩu hợp pháp của các công ty khác và tạo điều kiện cho công ty nhập khẩu họ chỉ định được độc quyền. Thực tế là các sản phẩm sữa Meiji chúng tôi nhập khẩu đều có giấy tờ hợp lý của công ty xuất khẩu bên Nhật, giấy chứng nhận chất lượng của Bộ Y tế cũng như các giấy tờ liên quan của nhà chức trách Việt Nam".
Đại diện một công ty nhập khẩu khác nói: "Thực ra tôi chuyên nhập khẩu sữa, nếu bị cấm nhập thì tôi sẽ chuyển sang nhãn hiệu khác nên dù cơ quan hải quan không cho phép cũng không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, cần làm rõ để minh oan cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Đừng khiến người tiêu dùng nghĩ sữa Meiji chúng tôi mang về là giả và không đảm bảo chất lượng trong khi đó là sữa đang được bán tại Nhật trong khi quy chuẩn về an toàn chất lượng của thị trường này vốn rất cao và nghiêm ngặt".
Trao đổi với PV, Cục Giám sát và Quản lý Hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết chưa nhận được công văn này của Meiji. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ xem xét việc đăng ký sở hữu trí tuệ với sản phẩm sữa của Meiji cũng như trao đổi lại với hãng này để làm rõ đề xuất trên có dấu hiệu "độc quyền" phân phối và gây cản trở cạnh tranh trong hoạt động xuất nhập khẩu hay không. Bên cạnh đó, việc này liên quan tới nhiều cơ quan chức năng khác như Bộ Y tế, Bộ Công An... nên cơ quan này chưa thể kết luận có thực hiện theo yêu cầu của hãng sữa Nhật Bản hay không.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục