8.500 tỷ đồng làm đường trục Bắc - Nam ở TP HCM
Ngành Kế hoạch và Đầu tư lên kế hoạch thanh tra năm 2016
25 mặt hàng thủy sản sẽ được áp mức thuế xuất khẩu 0%
Giả bệnh, vỡ nợ để rao bán nhà
Masan muốn mua nước khoáng Quang Hanh
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-11-2015
- Cập nhật : 03/11/2015
Thận trọng với chiêu “lẩn tránh thuế”
Trong hơn 20 vụ kiện phòng vệ thương mại mà hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới liên tiếp khởi kiện VN từ đầu năm đến nay, có hơn 2/3 các vụ kiện đều luôn thấy Trung Quốc và Đài Loan bị kiện kèm.
Ngành sản xuất tôn các loại trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn do bị nhiều quốc gia trong khu vực liên tục áp dụng hình thức phòng vệ thương mại. Trong ảnh: sản xuất tôn tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: T.V.N.
Tốc độ các sản phẩm xuất khẩu của VN ngày càng bị kiện phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và lẩn tránh thuế) nhiều đến mức một cán bộ có thẩm quyền của Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) phải thừa nhận:
“Cứ nhận được thông báo khởi kiện của quốc gia, vùng lãnh thổ nào thì đều thấy có Trung Quốc hoặc Đài Loan. Đôi khi các nước cũng chẳng muốn kiện mình, nhưng mình bị vạ lây vì thời gian áp thuế đối với Trung Quốc, Đài Loan sắp hết hạn, hoặc họ thấy sản phẩm nào đó xuất đi từ VN có số lượng gia tăng đột biến trong thời gian ngắn là họ cứ kiện”.
Nhận xét này cũng sát với thực tế khi có những mặt hàng như máy ép đùn - phun nhựa mà VN vừa bị Ấn Độ kiện chống bán phá giá (AD) mới đây, trong khi sản phẩm này chưa thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sản xuất hoàn chỉnh tại VN để được hưởng tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O), nhưng vẫn có hàng hóa xuất đi.
Tìm hiểu thì mới “lòi” ra Ấn Độ đang áp thuế AD đối với Trung Quốc ở mức thuế 60 - 174%.
Hay với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia liên tục khởi kiện VN trong ba năm gần đây, khi kiện đã gọi đích danh vụ kiện là “chống lẩn tránh thuế” đối với sản phẩm gạch granite xuất khẩu từ VN.
Trước đó, sản phẩm đá granite của Trung Quốc đã bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế AD ở mức 174 USD/tấn từ năm 2006. Tới khi rà soát thuế vào tháng 7-2012, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục giữ nguyên mức thuế nói trên đối với Trung Quốc trong vòng năm năm nữa, tức đến năm 2017 sẽ hết hạn áp thuế.
Tuy nhiên, từ tháng 12-2014, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định kiện VN đối với mặt hàng này. “Với lý do chống lẩn tránh thuế, họ muốn ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc tìm đường chạy sang VN để lấy C/O xuất đi” - một chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại lý giải.
Bà Trần Thị Thu Hương - giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI) - cho hay nguy cơ về gian lận thương mại từ các thị trường Trung Quốc, Đài Loan sang VN rất cao.
Bởi phần lớn sản phẩm của các doanh nghiệp từ những thị trường này khi bị áp thuế ở nhiều nước khác thường chạy sang các quốc gia chưa bị “dòm ngó”, trong đó chủ yếu là VN, để thành lập doanh nghiệp mới, hoặc chuyển cả nhà máy sang “nhà mới” sản xuất.
Đến khi bị kiện thì các nhà đầu tư này lại “cao chạy xa bay”, hoặc chọn hình thức không hợp tác với quốc gia khởi kiện, dẫn đến các phán quyết cuối cùng luôn gây bất lợi cho cả ngành sản xuất còn rất non trẻ của VN, thậm chí chưa kịp hình thành thị trường xuất khẩu thì đã mất hẳn nơi tiêu thụ.
Điển hình nhất là sản phẩm bộ bàn ăn bằng nhựa melamine xuất khẩu từ VN vừa bị Ấn Độ áp biên độ phá giá lên tới 1.732,11 USD/tấn, vì trong quá trình điều tra không có công ty Trung Quốc nào đang sản xuất tại VN tham gia điều trần vụ kiện.
Đã đến lúc cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát về việc doanh nghiệp có sản xuất hay không, hoặc công đoạn nào là sản xuất thật sự, chứ không chỉ làm những phần việc hết sức đơn giản rồi dễ dàng được cấp C/O.
Còn bà Hương cho hay để giảm thiểu tối đa các rủi ro trên, VCCI đã từng đề xuất với Bộ Kế hoạch - đầu tư giai đoạn tiền cấp giấy phép đầu tư cần được quan tâm và siết chặt hơn nữa, thậm chí lập hẳn danh sách cho các địa phương làm “bửu bối” để cơ quan quản lý chủ động kiểm tra kỹ hơn hồ sơ cấp phép đối với các mặt hàng đang nằm trong diện “tình nghi”.
Có như vậy mới mong giữ được thị trường trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.(Tuổi Trẻ)
10 tháng: bội chi hơn 140 nghìn tỷ đồng
Ngày 2-11, trong thông cáo gửi báo chí, Bộ Tài chính cho biết 10 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước thu 777 nghìn tỷ đồng, chi 918,4 nghìn tỷ đồng, bội chi lên tới 141,4 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, về tổng thu cân đối ngân sách nhà nước lũy kế 10 tháng đạt 777 nghìn tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch được giao. Trong đó, thu nội địa 10 tháng đạt 578,2 nghìn tỷ đồng, bằng 90,5% dự toán.
Lý do tổng số thu 10 tháng đầu năm đạt mức cao là do nhiều khoản thu đã vượt kế hoạch được giao. Đơn cử thuế bảo vệ môi trường đạt 158,3%, thuế sử dụng đất nông nghiệp đạt 133,3%; các khoản thu về nhà, đất đạt 128,9%; lệ phí trước bạ đạt 115,6% dự toán...
Còn tổng số thu từ dầu thô thì lại giảm mạnh, tính 10 tháng chỉ đạt 55,5 nghìn tỷ đồng, chưa tới 60% kế hoạch năm, do giá dầu thô bình quân còn khoảng 58,4 USD/thùng, giảm 41,6 USD/thùng so với giá dự toán.
Về tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt khá với khoảng 209,3 nghìn tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 70 nghìn tỷ đồng, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 139,3 nghìn tỷ đồng.
Về chi ngân sách nhà nước, 10 tháng qua đã đạt 918,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,4% so cùng kỳ năm 2014, trong đó các khoản chi đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, chi đầu tư phát triển xấp xỉ đạt 137,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% cùng kỳ năm 2014. Đến hết tháng 10, vốn đầu tư xây dựng cơ bản giải ngân cho các dự án ước đạt 133,5 nghìn tỷ đồng. Vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt 54% kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước đạt 64,9% kế hoạch.
Chi trả nợ và viện trợ 10 tháng đạt 127,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so cùng kỳ năm 2014, đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết.
Chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 10 tháng đạt 645,1 nghìn tỷ đồng, bằng 84,1% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2014.
Bộ Tài chính cho hay bội chi ngân sách nhà nước 10 tháng ước 141,4 nghìn tỷ đồng, bằng 62,6% dự toán năm.
Sản xuất Việt Nam tăng trưởng trở lại
Chỉ số nhà quản trị mua hàng Việt Nam (PMI) do Nikkei và Markit Research công bố trong tháng 10 đã đạt mức 50,1 điểm, tăng trưởng trở lại sau khi giảm xuống dưới ngưỡng 50 hồi tháng 9. Điều này cho thấy điều kiện sản xuất kinh doanh của Việt Nam đã ổn định trở lại.
"Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã ổn định trong tháng 10, từ đó cho thấy sự suy giảm trong tháng 9 không phải là khởi đầu cho một xu hướng đi xuống kéo dài", Andrew Harker, chuyên gia của Markit Research nhận định.
Nhân tố giúp chỉ số tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm là sản lượng của các doanh nghiệp đã tăng nhẹ. Đây là mức tăng có được sau khi giảm trong tháng trước. Những người trả lời khảo sát báo cáo cho biết nguyên nhân là do số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Tuy nhiên, do sản lượng đã bị giảm nên lượng đơn đặt hàng mới tổng thể giảm nhẹ trong tháng 10, là tháng giảm thứ hai liên tiếp.
Lý do được đưa ra là nhu cầu khách hàng giảm, mà đây cũng là nhân tố dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tháng thứ năm liên tiếp. Số lượng đơn đặt hàng mới sụt dẫn đến tăng năng lực dự phòng của các nhà sản xuất Việt Nam, và từ đó giảm lượng công việc tồn đọng. Điều này cũng đã làm cho tốc độ tạo việc làm chậm lại lần thứ ba liên tiếp.
Ngoài ra, trong tháng 10, giá nguyên vật liệu giảm dẫn đến chi phí đầu vào và giá cả đầu ra cũng điều chỉnh đi xuống. Hoạt động mua hàng đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, khi các thành viên nhóm khảo sát cho biết lượng lưu trữ hàng hóa đầu vào đã đủ để đáp ứng yêu cầu đầu ra. Đây là tín hiệu phù hợp với việc tồn kho hàng mua đã tăng nhẹ, từ đó kết thúc thời kỳ giảm kéo dài ba tháng. Tồn kho hàng thành phầm cũng đã tăng giống như trong tháng 9. Theo những người trả lời khảo sát, sản lượng tăng, số lượng đơn đặt hàng mới giảm và sự chậm trễ trong khâu phân phối sản phẩm đến khách hàng, tất cả đã góp phần làm tăng tồn kho hàng hóa sau sản xuất.
Trong khi đó, thời gian giao hàng của nhà cung cấp đã được cải thiện tháng thứ ba liên tiếp khi các báo cáo cho biết khối lượng công việc giảm đã giúp họ giảm thời gian giao hàng.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm, có vẻ từ lâu đã không còn khi các thị trường nước ngoài trở thành nhân tố kìm hãm. Các công ty hy vọng các điều kiện kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện để hỗ trợ cho sự tăng trưởng trở lại.
Vietnam Motor Show 2015: 5 ngày bán được gần 2.500 ôtô
Ban tổ chức Triển lãm Ôtô Việt Nam (Vietnam Motor Show) 2015 cho biết sau 5 ngày mở cửa triển lãm (từ 28-10 đến 1-11) tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), 2.500 xe đã được bán.
Riêng Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) đã bán được gần 1.250 xe các loại với ba thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot.
Cũng tại sự kiện này năm ngoái, dù đã có sự tham gia của các hãng xe nhập khẩu (Audi, BMW, MINI, Porsche…) tất cả các hãng xe chỉ bán được hơn 560 xe.
Triển lãm Vietnam Motor Show năm nay đã giới thiệu đến công chúng hơn 150 mẫu xe từ 18 thương hiệu ôtô với tổng giá trị ước tính trên 250 tỷ đồng. Hơn 178.000 lượt khách tham quan triển lãm.
Được biết, nhóm các công ty nhập khẩu xe đã tổ chức một triển lãm riêng ở Hà Nội hồi tháng 10-2015 và đã bán được gần 200 xe.
Jetstar Pacific bắt đầu có lãi
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 2-11, một lãnh đạo hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific (JPA) cho biết lần đầu tiên hãng đã có lãi sau 3 năm hoạt động.
Theo tổng kết 9 tháng đầu năm 2015 hãng đã lãi, chủ yếu là do giá nhiên liệu giảm cộng thêm lượng khách đi lại trên các chuyến bay của hãng tăng.
Jetstar Pacific (JPA) có vốn góp của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), Tập đoàn hàng không Qantas Group (Úc) và Jetstar Group - Công ty con của Qantas Group.
Mới đây, VNA, Qantas Group và Jetstar Group thống nhất tiếp tục đầu tư phát triển hãng hàng không giá rẻ JPA với quy mô lớn hơn, đủ sức cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ khác.
Tổng giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh cho biết JPA đã vượt qua nhiều khó khăn, kinh doanh có lãi, đạt mục tiêu do Chính phủ VN và các cổ đông đề ra. Đây là thời điểm phù hợp để hai bên tăng cường đầu tư, mở rộng quy mô và thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn của JPA.
VNA, JPA sẽ lập mục tiêu duy trì thị phần của hai hãng trên thị trường nội địa ở mức 70% và phát triển đội bay của JPA lên 30 chiếc vào năm 2020.
Tổng giám đốc tập đoàn Qantas Alan Joyce sẽ tiếp tục hỗ trợ JPA trong các hoạt động bán, tiếp thị và hợp tác quốc tế với các hãng hàng không Jetstar khác. Đồng thời, JPA cũng sẽ cùng tham gia với Qantas trong gói đặt hàng mua máy bay với Airbus trong thời gian tới.(Tuổi Trẻ Online)