IMF: Anh rời châu Âu khiến cả thế giới lo ngại
Hơn 1 triệu USD xây dựng chiến lược ngành công nghiệp Việt Nam
Brazil chuộng cá tra Việt Nam
Hàng chục doanh nghiệp bị xử phạt do kinh doanh vàng 'non'
Người Mỹ chi 14,3 tỷ USD sắm quà Ngày của Cha
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-06-2016
- Cập nhật : 18/06/2016
Dự trữ ngoại hối ước 38 tỉ đô la Mỹ
Quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay, ước khoảng 38 tỉ đô la Mỹ, không kể dự trữ bằng vàng, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết.
Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN, nói với TBKTSG Online rằng từ đầu năm đến nay việc mua vào ngoại tệ của cơ quan quản lý diễn ra khá thuận lợi do nguồn cung dồi dào. Trong 5 tháng rưỡi đầu năm, cơ quan này đã mua vào gần 8 tỉ đô la Mỹ, nâng số dư quỹ dự trữ ngoại hối lên khoảng 38 tỉ đô la Mỹ. Hiện Việt Nam cũng có dự trữ ngoại hối bằng vàng, nhưng số lượng nhìn chung còn thấp.
“Thị trường vàng và ngoại tệ đang trong tầm kiểm soát tốt của NHNN. Cách đây khoảng 2 tuần tỉ giá có nhích lên, nhưng vẫn nằm trong giới hạn biên độ cho phép. Những ngày đó, việc mua vào ngoại tệ của NHNN có giảm, tuy nhiên tốc độ mua sau đấy đã trở lại bình thường”, ông Hưng nói. Theo ông, quỹ dự trữ ngoại hối sẽ còn tăng và việc áp dụng tỉ giá trung tâm là đúng hướng, trong đó đã tính đến dư địa cho các yếu tố như biến động của đồng nhân dân tệ và các đồng tiền mạnh trên thế giới.
Trả lời câu hỏi về việc một số doanh nghiệp FDI có nguồn thu chi ngoại tệ tương đối lớn từ hoạt động xuất nhập khẩu và họ thường để ngoại tệ trên tài khoản ở ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, ông Hưng cho biết NHNN kiểm soát chặt chẽ các luồng vốn vào và ra và nắm rõ giá trị ngoại tệ của các dịch vụ thanh toán xuất nhập khẩu dạng này.
Đề cập đến lãi suất, ông Hưng nói mục tiêu hướng đến vẫn là giảm thêm lãi suất cho vay. Tín dụng cho bất động sản và các dự án BOT sẽ được hạn chế, thay vào đó là ưu tiên vốn cho các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, thuỷ hải sản, công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ....
“NHNN sẵn sàng xem xét nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng rót vốn vào sản xuất, kinh doanh. Còn nếu vốn chỉ tập trung cho bất động sản và BOT thì sẽ kiên quyết không mở rộng hạn mức tín dụng”, Thống đốc nhấn mạnh.
Đối với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tới đây NHNN sẽ xử lý từng điểm “nóng” một trên cơ sở đề án tái cấu trúc trình Chính phủ. NHNN đứng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không vì bất cứ nhóm lợi ích nào, ông chủ ngân hàng nào và nguyên tắc xử lý là công khai, minh bạch, công bằng. “Quá trình tái cấu trúc hệ thống đòi hỏi thời gian, không thể nóng vội, nhưng nhất định phải công khai và công bằng”, ông Hưng khẳng định.(HQ)
Việt Nam điểm đến đầu tư lý tưởng của Nhật Bản
Theo công bố trong cuộc khảo sát mới đây được tiến hành bởi Viện nghiên cứu Mizuho (Nhật Bản), khoảng 1.100 công ty Nhật Bản khẳng định họ muốn dành sự “ưu tiên” trong chiến lược đầu tư tới thị trường Việt Nam.
Theo đó, hơn 53% các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia vào cuộc khảo sát này cho rằng, Việt Nam là điểm đến đầu tư lý tưởng của “đất nước mặt trời mọc”, song Thái Lan vẫn là quốc gia nhỉnh hơn, khi xếp thứ nhất với 59,7%.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ “kỳ vọng” của các doanh nghiệp Nhật Bản vào thị trường Việt Nam đã tăng khoảng 4,9%. Trong khi đó, đối với thị trường Thái Lan, con số này đã sụt giảm khoảng 2,2%.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy một con số khá ấn tượng, khi có tới 49% của công ty Nhật Bản, với vốn đăng ký hơn 10 triệu yên (khoảng 94.400 USD) đã chọn ASEAN là địa điểm để ưu tiên đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Lý giải về điều này, các nhà đầu tư Nhật Bản cho biết, Việt Nam hiện đã trở thành thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây là động lực để họ đầu tư vào Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, gần 13% số người được hỏi trong cuộc khảo sát cho biết họ sẽ chọn Việt Nam là điểm đầu tư số 1 trong số 12 nước thành viên của ASEAN.
Trong số 12 quốc gia đã ký các đối tác xuyên Thái Bình Dương, chỉ có hơn 10 % số doanh nghiệp cho rằng, họ sẽ đầu tư vào Nhật Bản, trong khi đó, con số của Mỹ cũng chỉ là 4,9%.
Theo một cuộc khảo sát bao gồm 1.027 doanh nghiệp Nhật Bản được tiến hành vào đầu năm nay bởi Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), có khoảng hơn 60% các doanh nghiệp Nhật Bản hiện đang đầu tư tại Việt Nam cho biết, họ sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh tại đây.
Một tín hiệu lạc quan khác, trong số đó, có khoảng 85% các doanh nghiệp Nhật Bản nói rằng họ sẽ mở rộng sản xuất để tăng doanh thu, trong khi đó, 65% số doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, họ thậm chí còn nhìn thấy tiềm năng rất lớn về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) khẳng định, các doanh nghiệp Nhật Bản rất coi trọng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, trong đó vấn đề đơn giản hóa thủ tục hải quan, giảm thuế quan giữa các nước thành viên và thị trường lao động linh hoạt chính là động lực để Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào thị trường này.
Cụ thể, có khoảng 60% số doanh nghiệp được hỏi cho biết, họ đã có lợi nhuận khi đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong muốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam khi Việt Nam đang có những bước tăng trưởng “thần kỳ”, đặc biệt là khi Việt Nam đang ký kết ngày càng nhiều các hiệp định thương mại trong khu vực và trên thế giới.(HQ)
5 tháng: Kim ngạch hàng hóa XNK đạt hơn 133,25 tỷ USD
Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước từ đầu năm đến hết tháng 5-2016 đạt hơn 133,25 tỷ USD, tăng 2,2%, tương ứng tăng hơn 2,81 tỷ USD so với 5 tháng năm 2015.
Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5 năm 2016 (từ 16-5-2016 đến 31-5-2016) đạt hơn 16,29 tỷ USD, tăng 29,3%, tương ứng tăng gần 3,69 tỷ USD so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 5-2016. Trong đó, xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kim ngạch hơn 10,27 tỷ USD, tăng 28,6% tương ứng tăng gần 2,29 tỷ USD so với nửa đầu tháng 5-2016.
Trong kỳ 2 tháng 5-2016 cán cân thương mại hàng hóa cả nước thặng dư hơn 328 triệu USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa cả nước từ đầu năm đến hết tháng 5-2016 thặng dư gần 1,64 tỷ USD. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI đạt mức thặng dư trong kỳ 2 tháng 5-2016 đạt gần 1,23 tỷ USD, đưa mức thặng dư thương mại hàng hóa của khối này từ đầu năm đến hết tháng 5-2016 đạt mức thặng dư gần 8,34 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tính đến hết tháng 5-2016 đạt hơn 85,93 tỷ USD, tăng 3,5% tương ứng tăng gần 2,94 tỷ USD so với 5 tháng năm 2015 và chiếm 64,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Về xuất khẩu, tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5-2016 đạt gần 8,31 tỷ USD, tăng 38,1% (tương ứng tăng hơn 2,29 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 5-2016.
Kim ngạch xuất khẩu kỳ 2 tháng 5 tăng mạnh so với kỳ 1 tháng 5-2016 chủ yếu do tăng/giảm ở một số nhóm hàng sau: hàng dệt may tăng 53,3% tương ứng tăng 376 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 41,4% tương ứng tăng 231 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 13% tương ứng tăng 181 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 54,8%, tương ứng tăng 162 triệu USD; giầy dép các loại tăng 27,2%, tương tứng tăng 150 triệu USD; phương tượng vận tải và phụ tùng tăng 61,7% tương ứng tăng 120 triệu USD; ...
Ở chiều ngược lại chỉ có một số ít nhóm hàng có kim ngạch giảm như gạo giảm 10,1% tương ứng giảm 8 triệu USD; Quặng và khoáng sản khác giảm 33,7% tương ứng giảm 3 triệu USD.
Như vậy, tính đến hết tháng 5-2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 67,44 tỷ USD, tăng 6,2% tương ứng tăng gần 3,93 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015.
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 5-2016 đạt gần 5,75 tỷ USD, tăng 35,7% tương ứng tăng hơn 1,51 tỷ USD so với kỳ 1 tháng 5-2016, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng năm 2016 của nhóm các doanh nghiệp này lên hơn 47,13 tỷ USD, tăng 9,4% tương ứng tăng gần gần 4,07 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước và chiếm 69,9% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 5-2016 đạt hơn 7,98 tỷ USD, tăng 21,2% (tương ứng tăng hơn 1,39 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong kỳ 1 tháng 5-2016.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 5-2016 tăng so với kỳ 1 tháng 5-2016 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 18,5% tương tứng tăng 211 triệu USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 20,2% tương ứng tăng 191 triệu USD; xăng dầu các loại tăng 78,7% tương ứng tăng 148 triệu USD; sắt thép các loại tăng 22,4% tương ứng tăng 71 triệu USD; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 59,5% tương ứng tăng 56 triệu USD; ...
Ở chiều ngược loại nhóm hàng dầu mỡ động thực vật giảm 22,4% tương ứng giảm 8 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 17,8%, tương ứng giảm 6 triệu USD; ....
Như vậy, tính đến hết tháng 5-2016, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt gần 65,81 tỷ USD, giảm 1,7% (tương ứng giảm hơn 1,11 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt hơn 4,52 tỷ USD, tăng 20,6% tương ứng tăng 733 triệu USD so với kỳ 1 tháng 5-2016, qua đó nâng tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đến hết tháng 5-2016 đạt gần 38,8 tỷ USD, giảm 2,8% tương ứng giảm gần 1,13 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 59% tổng trị giá nhập khẩu của Việt Nam.(HQ)
Đạm Ninh Bình chết chìm vì công nghệ cũ
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư tới 667 triệu USD, từ khi hoạt động đến nay liên tục báo lỗ và sẽ bị thanh tra trong tháng 6 này.
Lỗ khủng 1.600 tỷ đồng chỉ sau 4 năm hoạt động
Bộ Công thương vừa công bố quyết định thanh tra Nhà máy Đạm Ninh Bình trong tháng 6-2016. Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã hoàn thành đầu tư xây dựng, nhưng chưa quyết toán đầu tư. Thanh tra Bộ sẽ cùng với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (chủ đầu tư Dự án), kiểm tra Nhà máy để sớm có kết luận và đưa ra định hướng. Qua đó, Bộ sẽ chỉ đạo phương hướng giải cứu dự án.
Đạm Ninh Bình thua lỗ bởi nguyên nhân muôn thuở: chi phí đầu tư lớn, công nghệ lạc hậu nên chi phí sản xuất cao, sản phẩm chất lượng kém nên không tiêu thụ được, tồn kho, thành thử càng hoạt động, khoản lỗ càng gia tăng.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Vinachem đầu tư, với tổng vốn lên đến 667 triệu USD (tương đương 12.000 tỷ đồng), có quy mô công suất 560.000 tấn/năm, đặt tại Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình).
Được khởi công xây dựng từ năm 2008, năm 2012 đi vào hoạt động, nhưng liên tiếp từ đó đến nay, Nhà máy liên tục báo lỗ và số lỗ ngày càng gia tăng. Cụ thể, năm 2012, Nhà máy lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ trên 759 tỷ đồng, năm 2014 lỗ trên 500 tỷ đồng, năm 2015 lỗ trên 370 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới nay lên tới hơn 1.600 tỷ đồng.
Do gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và gặp sự cố, từ cuối tháng 3-2016, Nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất. Từ quy mô 1.000 công nhân, hiện đã có gần nửa số công nhân phải nghỉ việc.
Trong văn bản giải trình gửi các bộ, ngành về thực trạng Nhà máy, ông Nguyễn Gia Tường, Tổng giám đốc Vinachem cho rằng, do chi phí sản xuất quá cao, giá urê trên thị trường liên tục giảm, nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Đạm Ninh Bình càng khó khăn.
Bên cạnh đó, chi phí khấu hao, chi phí lãi vay đầu tư cao, giá than cám 4a cao hơn 2,29 lần; than cám 5 cao hơn 2,19 lần so với giá than thời điểm phê duyệt dự án… là những yếu tố đẩy giá thành sản xuất u rê tăng cao.
Cần phải nói thêm, do thời điểm đầu tư, vốn tự có của Vinachem cho dự án này chỉ có 100 triệu USD, mỗi năm Đạm Ninh Bình đang phải trả lãi vay tới khoảng 800 tỷ đồng, khấu hao khoảng 680 tỷ đồng. Hàng tồn kho của Nhà máy hiện lên tới 50.000 tấn phân urê.
Lỗ bởi dùng công nghệ lạc hậu
Mặc dù thông tin về việc Bộ Công thương tiến hành thanh tra Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình trong tháng 6 này, nhằm tìm phương hướng giải quyết dứt điểm khâu đầu tư vào dự án, cũng như phát triển các nhà máy đạm, tuy nhiên, câu chuyện xử lý để Đạm Ninh Bình hoạt động hiệu quả không hề đơn giản, khi khoản nợ ngày một phình to, trong khi giá sản phẩm xuống thấp, tồn kho lớn.
Theo các chuyên gia tài chính, ngay cả khi được hỗ trợ về đầu ra, giải quyết hàng tồn kho, thì mấu chốt để cạnh tranh là sản phẩm phải có chất lượng tốt, chi phí sản xuất hợp lý để hạ giá thành… nhưng Nhà máy Đạm Ninh Bình lại thiếu những yếu tố này.
Được biết, dây chuyền, máy móc thiết bị của Đạm Ninh Bình chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình. Kể từ khi khởi động nhà máy tới nay, liên tục hỏng hóc và thường xuyên phải sửa chữa. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng cũng phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc, nên dây chuyền sản xuất tiêu hao nguyên vật liệu cũng cao.
Theo lãnh đạo Nhà máy Đạm Ninh Bình, để nhà máy hoạt động hiệu quả là vấn đề quá nan giải, khi mà giá bán của phân đạm thế giới cũng như trong nước đã xuống thấp kỷ lục trong những năm gần đây.
Theo số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá phân đạm thế giới quý I/2016 ở mức 194 - 255 USD/tấn, giảm 69 USD/tấn so với quý I/2015. Còn chiếu theo giá từ thời điểm Nhà máy được đưa vào hoạt động, còn thê thảm hơn. Nếu trước năm 2012 là 430 USD/tấn, nay chỉ còn 230 USD/tấn.
Không chỉ cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy trong nước, thị trường đạm còn phải chia sẻ thị phần cho hàng nhập khẩu, nên khó khăn càng chồng chất cho sản phẩm của Đạm Ninh Bình.
Tính từ đầu năm đến giữa tháng 5-2016, đã có 165.875 tấn ure được nhập khẩu, so với 59.845 tấn cùng kỳ năm 2015. Một yếu tố khách quan khác cũng bồi thêm khó cho Nhà máy là năm nay, do hạn mặn và khô hạn, diện tích nông nghiệp giảm, dẫn tới nhu cầu phân đạm cũng bị ảnh hưởng giảm theo.
Với mong muốn giảm bớt khó khăn, Vinachem đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương, kiến nghị một số giải pháp điều hành theo hướng tháo gỡ khó khăn. Thế nhưng, về lâu dài, sản phẩm của nhà máy muốn cạnh tranh và tồn tại được trên thị trường, phải xuất phát từ chính nội lực của nhà máy, và mọi sự hỗ trợ, nếu có chỉ là ngắn hạn.
Nhưng, điều mấu chốt, quyết định lớn đến tương lai Nhà máy là trong khi nhiều nhà máy sản xuất lớn như đạm Cà Mau, đạm Phú Mỹ đều có khả năng giảm giá khi giá nguyên liệu đầu vào xuống thấp, thì với Đạm Ninh Bình, vì sản xuất từ than nên chi phí đầu vào luôn cao, không có giá bán cạnh tranh. Điều này cũng được các chuyên gia kinh tế khẳng định, vấn đề chính của của Đạm Ninh Bình là sử dụng công nghệ quá cũ (khí hóa than), công nghệ Trung Quốc lạc hậu khiến giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp.
Như vậy, số phận của Nhà máy Đạm Ninh Bình vẫn còn là một câu chuyện dài. Trước mắt, sẽ phải chờ kết quả thanh tra của Bộ Công thương và phương án xử lý, tái cơ cấu cho Nhà máy.(BĐT)