Tokyo LLC đầu tư 41 triệu USD xây sân golf tại Hải Phòng
Tổng tài sản các ngân hàng đã tăng hàng chục nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng 1 tháng
Úc tạm ngưng xuất trâu, bò sang Việt Nam
Vietcombank bổ nhiệm một loạt nhân sự mới
Giá nhà tại Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-06-2016
- Cập nhật : 17/06/2016
Thép Việt sẽ xuất khẩu mạnh sang thị trường Mỹ, Canada
Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi bên lề hội nghị Việt Nam- Nắm bắt cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thưa ông, VCCI có nói doanh nghiệp Việt còn chưa sẵn sàng với TPP và EVFTA, đối với doanh nghiệp thép thì sao? Thị trường nào là thế mạnh cho doanh nghiệp thép trong xuất khẩu?
Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng nhưng sẵn sàng chưa đủ. Doanh nghiệp thép cũng ở tình trạng chung như thế. Để chuẩn bị cho hội nhập, các doanh nghiệp thép phải đổi mới công nghệ, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao chất lượng.
Về thế mạnh thị trường, tôi chưa nói trước được điều gì nhưng theo phân tích của cá nhân tôi thấy chúng ta sẽ có thế mạnh tại thị trường Mỹ, Canada. Hàng năm Mỹ nhập khẩu 40 triệu tấn thép trên toàn thế giới. Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang thị trường này. Hiện nay Hoa Sen, Tôn Phương Nam đã có những lô hàng tôn mạ đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ.
Có thông tin có thể cuối tháng 6 này Bộ Công Thương sẽ ra quyết định áp thuế tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài, liệu thị trường sẽ bị tác động thế nào thưa ông? Tình trạng đầu cơ có tiếp tục xuất hiện?
Bộ Công Thương có thể sẽ ra quyết định áp thuế tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài. Điều này có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh với các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đặc biệt là thép Trung Quốc. Đây cũng là công cụ cuối cùng WTO cho phép các nước sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước.
Hiện nay đối thủ mạnh nhất đối với các doanh nghiệp thép trong nước chính là thép Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ tác động đến thị trường Việt Nam mà còn làm chao đảo cả thị trường thép thế giới.
Hy vọng khi có quyết định áp thuế tự vệ chính thức, doanh nghiệp Việt Nam sẽ dễ thở hơn.
Về tình trạng đầu cơ, tôi nghĩ là không có nữa. Đầu cơ biểu hiện rõ nhất vào tháng 3 khi có quyết định áp thuế tự vệ của Bộ Công Thương tiêu thụ thép xây dựng vọt lên 1.011 tấn, tháng tư tiêu thụ thép xây dựng đạt 737 nghìn tấn giảm 27% và đang đi vào đúng nhu cầu thực. Số liệu tiêu thụ thép xây dựng tháng 5 đạt 593 nghìn tấn, giảm 41% so với tháng 3.
Giá thép hạ nhiệt
Hồi tháng 3, trước thông tin Bộ Công Thương ra quyết định áp thuế tự vệ tạm thời, giá thép đã bị đẩy lên rất cao? Vậy hiện tại giá thép đã trở về mức trước khi có quyết định áp thuế tự vệ chưa, thưa ông?
Giá đã trở về mức trước áp thuế. Giá tăng lên có nhiều nguyên nhân không chỉ do áp thuế tự vệ, nguyên nhân quan trọng nhất là do giá nguyên liệu thế giới tăng lên. Các nguyên liệu và sản phẩm thép trên thế giới giảm mạnh từ năm 2014, 2015. Giảm sâu đến mức theo thống kê của Hiệp hội Thép Trung Quốc riêng năm 2015 ngành thép nước này lỗ 11 tỷ USD.
Sau khi giảm mạnh thị trường có sự điều chỉnh đưa giá thép về đúng với giá trị thực. Biểu hiện là từ tháng 1/2016 giá nguyên liệu thép của thế giới bắt đầu tăng. Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu thép của thế giới nên khi thế giới tăng thì giá thép tại Việt Nam cũng sẽ tăng lên.
Nguyên nhân thứ hai là do có tính chất đầu cơ. Trước thông tin có áp thuế tự vệ, có hiện tượng các đại lý đầu cơ, mua gom hàng kiếm lời khiến lượng tiêu thụ thép tháng 3 tăng vọt lên, sau đó quay đầu giảm dần trong tháng 4 và giảm mạnh trong tháng 5, đầu tháng 6 giá thép ở cả thị trường miền Bắc và miền Nam đồng loạt giảm 200 nghìn đồng/tấn. Thị trường thép hạ nhiệt.
Bắt 2 tàu chứa 100 tấn dầu lậu tại vịnh Cam Ranh
Công an Khánh Hòa vừa bắt được 2 tàu chở khoảng 100 tấn dầu không rõ nguồn gốc
Ngày 16-6 Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết đang tạm giữ tàu sắt Việt Hưng, đăng ký số hiệu BV 0379 (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và một tàu gỗ không số hiệu vì có dấu hiệu vận chuyển dầu trái phép.
Hiện Công an tỉnh tiếp tục phối hợp cùng Công an TP Cam Ranh kiểm kê, số lượng dầu ước tính trên 2 tàu khoảng 100 tấn.
Ông Trần Văn Thuấn (47 tuổi, trú tại xã Cam Lập, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) nhận là chủ 2 tàu này nhưng không xuất trình được các giấy tờ liên quan để chứng minh nguồn gốc số dầu.
Trước đó, ngày 14-6, 2 tàu này neo tại vịnh Cam Ranh, cách bờ thuộc khu vực thôn Bình Lập (Cam Lập, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa) khoảng 100 m. Khi kiểm tra, cơ quan công an đã lập biên bản tạm giữ số dầu tại 2 tàu này, tiếp tục điều tra, xử lý vụ việc.
Vượt qua 2 đối thủ ngoại, Coteccons trúng thầu dự án cao thứ 8 thế giới
Tổng giá trị gói thầu này là 2.000 tỷ đồng và Coteccons sẽ có 882 ngày để hoàn thành dự án. Trước đó, Coteccons cũng đã trúng gói thầu xây dựng 3 tầng hầm của tòa tháp này với giá trị 800 tỷ. Ngoài ra, nếu thực hiện luôn phần hoàn thiện hết tòa nhà thì giá trị gói thầu sẽ lên đến gần 6.000 tỷ đồng.
Dự án The Landmark 81 được mở thầu quốc tế và Coteccons đã phải vượt qua 2 tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng của thế giới là Lotte và SsangYong để được trúng thầu dự án này.
Với chiều cao 461m, sau khi hoàn thành, The Landmark 81 sẽ được ghi danh vào vị trí thứ 8 trong 10 tòa nhà cao nhất thế giới như Burj Khalifa (848m), Shanghai Tower (632m), One World Trade Center (546m), Petronas Towers (451m)...
Theo ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Coteccons, để trúng thầu dự án này, Coteccons đã liên kết với Tập đoàn Obayashi đến từ Nhật Bản - một trong những tập đoàn xây dựng lớn nhất của Nhật Bản với doanh số hàng năm lên đến 1.400 tỷ yên. Công ty này là tác giả xây dựng tòa tháp truyền hình Tokyo, hiện đang nắm kỷ lục tòa nhà cao nhất thế giới.
Hiện ở Việt Nam chỉ có 3 tòa nhà trên 60 tầng, đều do các nhà thầu quốc tế thực hiện.
Vinamilk lọt top 20 doanh nghiệp hoạt động tốt nhất châu Á
Nikkei vừa chọn ra top 30 công ty châu Á có hoạt động kinh doanh tốt nhất 5 năm tài chính gần đây, tính đến hết 2015. Top 30 có một đại diện của Việt Nam là Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), đạt 3,468 điểm.Các chuyên gia của Nikkei đánh giá Vinamilk là hãng chế biến thực phẩm lớn nhất nước, có nhiều sản phẩm từ sữa và kiểm soát 50% thị phần nội địa. ROE của hãng là 35%. Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ sữa trong nước đã giúp công ty tăng trưởng mạnh.
Top 30 được chọn từ danh sách Asia300 công bố năm ngoái, gồm 300 công ty phải theo dõi tại châu Á. Những doanh nghiệp này được lựa chọn trên nhiều yếu tố, như vốn hóa thị trường hay tiềm năng tăng trưởng. Việt Nam có 5 đại diện trong danh sách này, gồm Vingroup, Vietcombank, FPT, Petrovietnam GAS và Vinamilk.
Nikkei nhận xét trong tài khóa 2015, tổng lợi nhuận ròng của các công ty trong Asia300 giảm lần đầu kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Giới phân tích cho rằng tình trạng này sẽ còn trầm trọng hơn trong năm nay. Nguyên nhân là Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và giá tài nguyên thiên nhiên lao dốc.
Tuy nhiên, một số công ty vẫn có thành tích khá tốt. Khi xem xét báo cáo tài chính 5 năm gần nhất của các công ty trong danh sách, Nikkei nhận xét những công ty có hoạt động tốt nhất không chỉ có doanh thu và lợi nhuận tăng, mà hiệu suất và tính ổn định cũng vượt trội.
30 công ty đứng đầu được xếp hạng theo tăng trưởng, lợi nhuận, hiệu suất và tính ổn định. Xếp đầu là Starhub của Singapore với số điểm 9,675. Công ty này cung cấp dịch vụ thông tin, viễn thông cho các khách hàng cá nhân cũng như doanh nghiệp tại Singapore. Họ đứng đầu chủ yếu do tăng trưởng lợi nhuận ròng trung bình hơn 7% trong 5 năm qua. Thông số ấn tượng khác là ROE (lợi nhuận trên vốn cổ phần) rất cao - tới 221%.
Theo sau là đại gia tìm kiếm Baidu (Trung Quốc), hãng bất động sản Henderson Land Development (Hong Kong, Trung Quốc) và hãng sản xuất camera smartphone Largan Precision (Đài Loan, Trung Quốc)
Truyền thông xã hội vượt e-mail trong dịch vụ khách hàng
Theo nghiên cứu hành vi người tiêu dùng do hãng Eptica thực hiện khảo sát tại 100 công ty hàng đầu Vương quốc Anh, e-mail ngày càng tụt hậu so với các phương tiện truyền thông xã hội trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng.
Cụ thể, khoảng 38% câu hỏi gửi qua e-mail được doanh nghiệp trả lời. Trong khi đó, tỷ lệ phản hồi cho những thắc mắc gửi qua mạng xã hội Twitter là 48% và Facebook là 44%. Xét tổng thể trên tất cả các kênh, doanh nghiệp chỉ giải đáp 51% số câu hỏi họ nhận từ khách hàng.
Kênh e-mail đã trở nên chậm hơn và tính sẵn sàng kém đi. Chỉ 64% doanh nghiệp (ít hơn 10% so với năm 2015) có hệ thống e-mail chăm sóc khách hàng. Thời gian trung bình để trả lời một e-mail tăng gần 5 giờ, lên đến 34 giờ 15 phút. Tùy vào ngành nghề mà thời gian đáp ứng thông tin cho khách hàng qua e-mail dao động từ 3 phút đến hơn 4 ngày.
Phương tiện truyền thông xã hội nổi lên thành kênh giao tiếp khách hàng nhanh nhất. Thời gian phản hồi trung bình trên Twitter cải thiện từ 5 giờ 27 phút xuống còn 4 giờ 14 phút, so với 8 giờ 37 phút trong năm 2014. Đối với trang Facebook, các công ty mất trung bình khoảng 8 giờ 37 phút để trả lời.
Website vẫn là nơi tốt nhất cho người tiêu dùng tìm câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản, chiếm đến 66% các truy vấn thông tin trực tuyến, tăng 2% kể từ năm 2015.
Ông Derek Lewis - Giám đốc Kinh doanh Eptica ở Anh và Ireland cho rằng, các thương hiệu đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng, đảm bảo liên lạc thông suốt. Khối lượng yêu cầu và kỳ vọng từ khách hàng liên tục tăng, tác động đến hiệu suất đáp ứng của các công ty, nhất là kênh e-mail.
"Những doanh nghiệp nào giải tỏa được áp lực sẽ khiến người tiêu dùng hài lòng, cải thiện doanh thu và tăng lượng khách hàng trung thành. Chỉ cần trả lời thỏa đáng khoảng 51% tổng số câu hỏi là đạt mức lý tưởng", ông Derek Lewis chia sẻ.
Khoảng 18% công ty chỉ thiết lập liên hệ với khách hàng qua một kênh duy nhất bằng e-mail hoặc Twitter hay chat, Facebook. Ngành ngân hàng rất chú trọng ý kiến khách hàng với 84% câu hỏi trả lời qua e-mail. Các hãng bảo hiểm cũng đạt tỷ lệ 80% cho e-mail và 45% cho mạng xã hội.
Gần một phần tư (22%) không sử dụng bất kỳ kênh nào. Ngân hàng, trong đó trung bình 84% các câu hỏi đã trả lời trên trang web, chỉ trả lời một e-mail, trong khi ngành bảo hiểm đã trả lời 80% số email nhưng chỉ 45% các câu hỏi trực tuyến. Một nhà bán lẻ sản phẩm giải trí mất 6 phút trả lời một câu hỏi trên Facebook nhưng phải dành đến 152 giờ để trả lời cho câu hỏi tương tự trên e-mail. Điều này cho thấy tùy vào lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp chọn cách tiếp cận hiệu quả để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Ông Olivier Njamfa - Giám đốc Điều hành Eptica nhìn nhận, các công ty hiểu được tầm quan trọng của trải nghiệm khách hàng và tăng cường đầu tư, cải thiện dịch vụ. Không giao tiếp với khách hàng sẽ làm suy yếu mối quan hệ và đẩy họ sang phía đối thủ. Do vậy, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống truyền thông linh hoạt, tạo sự chia sẻ thông tin thông suốt, cập nhật liên tục.