tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 29-08-2018

  • Cập nhật : 29/08/2018

Đại diện WEF: Việt Nam cần tìm kiếm lợi thế cạnh tranh mới

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam và các nước khác ở cùng trình độ phát triển không thể tiếp tục coi lao động giá rẻ là chiến lược khả khi để giữ vững tính cạnh tranh nữa.

Tìm kiếm lợi thế cạnh tranh mới trong kỷ nguyên công nghệ hiện đại là vấn đề lớn về mặt chính sách đối với Việt Nam nói riêng và các thành viên thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nói chung.

Đây là khẳng định của ông Justin Wood, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thành viên Ban điều hành Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trước thềm Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN), diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến ngày 13/9.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva (Thụy Sĩ) hai tuần trước thời điểm khai mạc WEF ASEAN, ông Justin Wood đã đánh giá về công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, trả lời về mục đích, chương trình nghị sự của hội nghị, đồng thời phân tích những cơ hội và thách thức của các nước ASEAN trong đó có Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo ông Justin Wood, WEF đã ký kết với Chính phủ Việt Nam về việc tổ chức WEF ASEAN từ tháng 1/2017. Các công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ 18 tháng nay. Ông nhấn mạnh với một sự kiện quan trọng như thế này, cần rất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị.

Thời gian qua, các nhà tổ chức đã tiến hành rất nhiều công việc, trong đó phải kể đến việc xác định chủ đề hội nghị và chủ đề của năm nay là “ASEAN 4.0, tinh thần doanh nghiệp và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Tiếp đó, nhiều việc phải chuẩn bị xung quanh chủ đề này như thiết kế chương trình, chuẩn bị nội dung hội nghị. Năm nay, hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày rưỡi với 53 phiên họp khác nhau.

Ông Justin Wood cho biết mỗi một phiên họp đòi hỏi có sự chuẩn bị cẩn thận, phát triển nội dung để làm sao cho phiên họp đạt thành công.

Bên cạnh việc chuẩn bị chương trình, nội dung hội nghị, các nhà tổ chức còn tập hợp các thành phần, nhân vật tham gia sự kiện.

Năm nay hội nghị có khoảng 900 người tham dự, đó là các đại biểu của khu vực công, chính phủ, khu vực tư, doanh nghiệp, học giả, các nhà hoạch định chính sách và đại diện các tổ chức dân sự, đến từ hơn 40 quốc gia khác nhau.

Hội nghị dự kiến đón hơn 90 đại diện các chính phủ, chủ yếu từ các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-ASEAN, và cả nhiều nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Sri Lanka, thậm chí xa hơn như Chile. Hội nghị cũng sẽ đón 9 vị nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng Chính phủ. Ngoài những công tác chuẩn bị nội dung chương trình, thành phần tham dự, còn rất nhiều công việc hậu cần như lễ tân, an ninh...

Với chủ đề “ASEAN 4.0, tinh thần doanh nhân và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”, WEF ASEAN năm nay sẽ tập trung vào việc tìm hiểu ý nghĩa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với 10 nước ASEAN.

Ông Justin Wood cho rằng đa số mọi người hiện nay đều hiểu khái niệm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đó là thế hệ công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, robot, thiết bị bay không người lái, xe ô tô tự lái, chuỗi khối và mạng lưới Internet Vạn vật (Internet of Things).

Tất cả những công nghệ này đang biến đổi nền kinh tế, xã hội và hệ thống chính trị với một tốc độ đáng kinh ngạc, và tốc độ này đang ngày một gia tăng.

Trong bối cảnh này, các nhà tổ chức WEF ASEAN cho rằng cần tập hợp các doanh nghiệp, các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và các nhà tư tưởng để tìm hiểu xem những thay đổi này có ý nghĩa như thế nào và các tác động của chúng tới khu vực, đặc biệt là cần phản ứng như thế nào trước các thay đổi này.

Ông Justin Wood nhấn mạnh lý do tổ chức hội nghị, tập hợp hơn 900 đại diện từ các khu vực khác nhau, để cùng bàn luận sâu hơn về vấn đề, tìm ra câu trả lời hữu ích về việc các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cần hiểu như thế nào về những thay đổi này và cần hành động ra sao.

Về những cơ hội và thách thức của các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Justin Wood cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động đến tất cả các nước trên thế giới, cho dù là những nước giàu có nhất, hiện đại nhất hay những nước nghèo nhất và kém phát triển nhất.

Nhìn vào khu vực ASEAN, chúng ta có cả những nước kém phát triển và các nước phát triển ở trình độ cao.

Và những thay đổi mà chúng ta thấy, những công nghệ mới sẽ có tác động khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Do đó, chúng ta không nên khái quát hóa về các tác động, song có thể đưa ra một số nhận xét chung.

Ông Justin Wood khẳng định sẽ không có khía cạnh kinh tế, xã hội hay chính trị nào không bị tác động, tất cả sẽ bị tác động.

Vấn đề là tìm hiểu xem các tác động này sẽ thế nào. Nhìn vào khu vực ASEAN, chúng ta có thể rút ra một vài điều. 

Ông Justin Wood nhấn mạnh nếu nói về tương lai việc làm, thị trường lao động, vốn là vấn đề quan trọng đối với sự thịnh vượng của người dân.

Dân số trong độ tuổi lao động của ASEAN tăng 11.000 người mỗi ngày và tốc độ này sẽ tiếp diễn trong 15 năm tới, một sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lực lượng lao động. Thực tế này diễn ra cùng lúc với thời điểm công nghệ mới làm thay đổi môi trường làm việc. Robot thay thế nhân lực trong các nhà máy, trí tuệ nhân tạo thay thế con người trong các văn phòng. Thay đổi lớn lao này đang diễn ra.

Vì vậy, quan trọng là các nhà lãnh đạo ASEAN hiểu công nghệ sẽ ảnh hưởng ra sao đến tương lai việc làm và người lao động cần phải được đào tạo lại ra sao, hệ thống giáo dục phải phát triển thế nào để đảm bảo người lao động vẫn có thể giữ lợi thế cạnh tranh.

Cũng theo ông Justin Wood, một khía cạnh khác là vấn đề cạnh tranh và cách thức các doanh nghiệp, các quốc gia hay nền kinh tế giữ vững tính cạnh tranh trong bối cảnh tất cả những thay đổi về công nghệ đang diễn ra nhanh chóng.

Khi xem xét một quốc gia như Việt Nam và các nước khác ở cùng trình độ phát triển, một trong những chiến lược chính của các nước này là cạnh tranh về chi phí, đặc biệt là lao động giá rẻ.

Trong tương lai, đây sẽ không còn là chiến lược khả thi để giữ vững tính cạnh tranh nữa. Ông Justin Wood nhấn mạnh: “Các nước như Việt Nam sẽ phải thể hiện tính cạnh tranh ở các khía cạnh khác, chứ không phải ở khía cạnh nhà sản xuất có chi phí thấp nữa”.

Cuối cùng, đại diện WEF cho rằng: “Kỷ nguyên của các công nghệ mới đang tiếp tục đặt ra các câu hỏi lớn về mặt chính sách và chúng tôi mong rằng WEF ASEAN lần này sẽ là cơ hội để thảo luận và hiểu rõ hơn về các bước đi tiếp theo”.(TTXVN)
--------------------------

Nhật Bản vững "ngôi vương" về FDI ở Việt Nam

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Nhật Bản là quốc gia đầu tư trực tiếp (FDI) lớn nhất vào Việt Nam trong 8 tháng qua với tổng số vốn khoảng 7 tỉ USD, Hàn Quốc 5,16 tỉ USD và Singapore đứng ở vị trí thứ 3 với 3,47 tỉ USD.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 8 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là 24,35 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 11,25 tỉ USD tính đến ngày 20-8. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nhà ĐTNN đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm với tổng số vốn đạt 10,72 tỉ USD, chiếm 44% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 5,9 tỉ USD, tiếp đến là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỉ USD.

Nhật Bản vững ngôi vương về FDI ở Việt Nam - Ảnh 1.

Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy Canon vốn đầu tư của Nhật Bản tại Khu Công nghiệp Phố Nối A - Ảnh: TTXVN

Cục ĐTNN cho biết thêm, Hà Nội dẫn đầu cả nước về thu hút vốn ĐTNN trong vòng 8 tháng qua với tổng số vốn đăng ký 5,93 tỉ USD, chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư. Đứng ở vị trí thứ 2 là TP HCM với tổng vốn đăng ký 4,42 tỉ USD, kế tiếp là Bà Rịa - Vũng Tàu với hơn 2,17 tỉ USD.

Nhà ĐTNN đã rót vốn vào 59 tỉnh, TP tại Việt Nam trong 8 tháng. Các nhà đầu tư đến từ 97 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo Cục ĐTNN, Nhật Bản là quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 8 tháng qua với với tổng số vốn khoảng 7 tỉ USD, Hàn Quốc 5,16 tỉ USD và Singapore đứng ở vị trí thứ 3 với 3,47 tỉ USD.

Trong 8 tháng năm 2018, xuất khẩu của khu vực ĐTNN kể cả dầu thô đạt 110,3 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 70,9% kim ngạch xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt 90,8 tỉ USD.

Đến cuối tháng 8-2018, cả nước có 1.918 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 13,48 tỉ USD và có 736 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,58 tỉ USD.(NLĐ)
------------------------

Grab nộp thuế vào ngân sách bao nhiêu?

Grab cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, tiền thuế nộp vào ngân sách Nhà nước đạt hơn 198 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Còn cả năm 2018, Grab ước tính nộp gần 500 tỉ đồng.

Công ty TNHH Grab vừa có văn bản gửi Bộ trưởng, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cung cấp thông tin về nghĩa vụ thuế.

Theo đó, Công ty TNHH Grab cho biết, năm 2017 đã đóng thuế hơn 189 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm nay, tiền thuế nộp vào ngân sách Nhà nước đạt hơn 198 tỉ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Còn cả năm 2018, Grab ước tính nộp gần 500 tỉ đồng.

Grab nộp thuế vào ngân sách bao nhiêu? - ảnh 1
Công ty TNHH Grab được hưởng mức thuế suất áp dụng đối với dịch vụ khoa học và công nghệ là 5% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu. Ảnh: VIẾT LONG

Đơn vị này cũng gửi kèm văn bản của Chi cục Thuế quận 10 (TP HCM), xác nhận Grab nộp ngân sách tổng cộng 223,5 tỉ đồng cho kỳ thuế 7 tháng đầu năm 2018. Ngoài ra, các số liệu đơn vị gửi đến đều cho thấy, khoản thuế doanh nghiệp nộp vào ngân sách có sự tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước.

Công ty TNHH Grab cho biết doanh nghiệp đang trực tiếp thực hiện kê khai, nộp thay cá nhân kinh doanh và nộp thuế thông qua mã số thuế nộp thay, tính trên tổng doanh thu theo phương pháp thuế giá trị gia tăng trực tiếp.

Tuy nhiên, trong những năm qua, một số ý kiến tập trung vào các vấn đề về cạnh tranh, nghĩa vụ thuế, chuyển tiền ra nước ngoài. Ngoài ra, còn có những cáo buộc gian lận thuế mà không có căn cứ xác đáng.

Công ty này cho rằng nghĩa vụ thuế trong mô hình hợp tác sử dụng ứng dụng điện tử nên được xem xét một cách tổng thể, bao gồm nghĩa vụ thuế của Grab và nghĩa vụ thuế của các đối tác của Grab (từ hợp tác xã, các công ty sở hữu xe đến các đối tác tài xế xe 2 bánh) thì mới đảm bảo tính toàn diện.

Nếu chỉ chọn riêng Grab để so sánh giá trị nộp thuế với các hãng dịch vụ vận tải khác thì sẽ có sự khác biệt rất lớn về con số. Do Grab hoàn toàn không sở hữu xe, không khấu trừ khấu hao tài sản, không có hoạt động thanh lý, mua bán xe... Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải được kê khai 100% chi phí mua xe, vận hành, bảo dưỡng và được khấu trừ rất nhiều chi phí đi kèm.

Theo đó, đơn vị này thực sự quan ngại về vấn đề trên, bởi những nhận định sai lầm và cáo buộc vô căn cứ này có thể ảnh hưởng tới uy tín của Chính Phủ, Bộ Tài Chính và các cơ quan ban nghành liên quan. Đồng thời làm dư luận hiểu lầm hoặc bị lôi kéo hiểu lầm về việc tuân thủ chính sách thuế và tính hợp pháp trong hoạt động kinh doanh của Grab.

“Chúng tôi mong rằng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có những phản hồi kịp thời với thông điệp rõ ràng và khách quan với truyền thông, qua đó người tiêu dùng có quan điểm đúng đắn về hoạt động kinh doanh của Grab”, đơn vị này nhấn mạnh.(PLO)

Trở về

Bài cùng chuyên mục