tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 26-08-2018

  • Cập nhật : 26/08/2018

Chứng khoán Mỹ có sụp đổ nếu Trump bị luận tội?

Tổng thống Donald Trump cảnh báo thị trường chứng khoán Mỹ sẽ sụp đổ nếu ông bị phế truất. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng quan điểm này có phần cực đoan.

“Tôi nghĩ nếu tôi bị luận tội, thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn Fox News hôm 23/8. “Mọi người sẽ rất nghèo”.

Một quy trình luận tội sẽ khiến các nhà đầu tư hoang mang. Thị trường chứng khoán có thể mất các đỉnh kỷ lục nhưng việc sụp đổ là quan điểm thái quá.

Kinh tế Mỹ mạnh. Lợi nhuận các công ty đang bùng nổ, phần lớn nhờ chính sách giảm thuế của ông Trump. Ngay cả khi ông Trump bị phế truất, Phó tổng thống Mike Pence – người sẽ lên thay – vẫn ủng hộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Điều khác biệt là có thể không còn chiến tranh thương mại và bất ổn.

“Trump không phải người không thể thay thế được. Tôi không nghĩ thị trường sẽ sụp đổ”, Ed Yardeni, chủ tịch công ty tư vấn đầu tư Yardeni Research, nói.

Thị trường chứng khoán Mỹ hôm 22/8 không biến động đáng kể trước việc ông Trump lại gặp rắc rối pháp lý. Cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Trump, Paul Manafort, bị kết tội lừa đảo thuế và ngân hàng cuối ngày 21/8. Cựu luật sư cá nhân của Trump, Michael Cohen, thừa nhận nhiều cáo buộc và nói ông hành động theo sự chỉ đạo từ Trump.

Chính “ngày đen tối” này đã khiến giới phân tích và chiến lược gia chính trị đồn đoán về khả năng luận tội. Trong khi đó, giới đầu tư vẫn chưa hề hoang mang.

“Thị trường dường như không quan tâm”, Ivan Feinseth, chiến lược gia thị trường tại Tigress Financial Intelligence, viết gửi khách hàng hôm 23/8. “Thị trường dường như đã phớt lờ những tranh cãi bất tận cùng những khoảnh khắc điên rồ của Tổng thống Trump”.

Giảm thuế và chiến tranh thương mại

Phố Wall không quan tâm đến những diễn biến kịch tích trong chính trị, trừ khi nó thay đổi quỹ đạo nền kinh tế cùng lợi nhuận doanh nghiệp.

Trái ngược với suy nghĩ trước đó, việc Trump bất ngờ thắng cử lại mang đến “một bữa tiệc lớn” cho Phố Wall. Thị trường đi lên khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định. Đạo luật thuế mà ông Trump ký thông qua cuối năm 2017 càng đẩy chứng khoán Mỹ lên cao hơn.

“Tôi đã xóa bớt các quy định. Cắt giảm thuế là một điều lớn lao”, ông Trump nói với Fox News.

Chỉ số S&P 500 đã tăng 34% kể từ khi ông Trump đắc cử. Dow Jones tăng từ 18.333 lên gần 26.000 điểm, khoảng cách hơn 7.000 điểm – tương đương khoảng 40%.

Tuy nhiên, thị trường hiện không mong ông Trump có thêm chính sách thân doanh nghiệp. Kết quả các cuộc khảo sát cho thấy quyền kiểm soát Hạ viện có thể rơi vào phe Dân chủ sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11.

“Thực tế là ông ấy đã làm hết sức có thể để thúc đẩy thị trường”, Yardeni nói.

Chương trình nghị sự của Tổng thống Trump trong năm 2018 khá rối loạn. Việc cắt giảm các quy định vẫn tiếp diễn nhưng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc lại khiến giới đầu tư cùng các CEO lo ngại. Thuế quan có nguy cơ đẩy giá cả tăng, cản trở chuỗi cung ứng và làm chệch hướng đầu tư.

“Trump là tổng thống vừa thúc đẩy thị trường nhiều nhất, vừa cản trở thị trường nhiều nhất trong cùng lúc”, theo Yardeni. “Tôi chưa từng thấy điều gì tương tự”.

‘2018 không phải 1974’

Trump có thể dựa vào lịch sử để chứng minh tuyên bố việc luận tội ông sẽ khiến thị trường chứng khoán rung chuyển.

S&P 500 từng giảm 14% trong năm 1973, 26% trong năm 1974 khi tổng thống Mỹ Richard Nixon đối mặt nguy cơ bị luận tội.

Tuy nhiên, hỗn loạn lúc đó không phải chỉ riêng bê bối Watergate. Mỹ chìm vào khủng hoảng năm 1973, giá dầu tăng gấp 4 lần trong vụ cấm vận dầu mỏ OPEC và USD lao dốc.

Kinh tế Mỹ hiện nay vững chắc. USD vẫn mạnh, giá dầu còn cách xa đỉnh năm 2014.

“2018 không phải 1974”, Nicholas Colas, đồng sáng lập DataTrek Research, viết gửi khách hàng hôm 23/8. “Mọi thứ rất khác”.

Điểm chính là quá trình luận tội sẽ làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và làm chệch hướng đầu tư kinh doanh như thế nào.

Một trường hợp ngược lại đã xảy ra vào cuối những năm 1990. Thị trường chứng khoán vẫn đi lên dù tổng thống Bill Clinton bị luận tội. S&P 500 tăng 27% vào năm 1998, tăng 20% trong năm 1999.

“Kinh tế Mỹ khi đó thực sự mạnh. Chúng ta cũng đang trong tình trạng tương tự”, theo Erin Browne, đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản, UBS Asset Management.

Mark Luschini, chiến lược gia thị trường tại Janney Capital Markets, cho rằng “khó có thể thấy” việc ông Trump bị luận tội tạo ra “biến động kinh tế” làm đảo ngược thị trường.

Tổng thống Pence?

Việc bị luận tội và bị phế truất là khác nhau. Hiện chưa rõ ông Trump muốn nhắc đến trường hợp nào.

Hạ viện chỉ cần đa số ủng hộ là có thể luận tội tổng thống. Tuy nhiên, phế truất tổng thống cần phải được 2/3 thượng nghị sĩ ở Thượng viện ủng hộ - điều khó có thể xảy ra ngay cả khi phe Dân chủ chiếm thế đa số tại đây.

“Tỷ lệ luận tội tăng. Tỷ lệ phế truất thì không”, Ed Mills, nhà phân tích chính sách Mỹ tại Raymond James, nói.

Trong mọi trường hợp, ông Trump bị phế truất thì Phó tổng thống Pence sẽ lên thay – kết quả các nhà đầu tư có thể chấp nhận. “Đó sẽ vẫn là những chính sách của Trump”, theo Mills.(NDH)
-----------------------

Mỹ bổ nhiệm giám sát viên pháp lý đối với Tập đoàn ZTE (Trung Quốc)

Ngày 25/8, Bộ Thương mại Mỹ thông báo bổ nhiệm cựu công tố viên Roscoe Howard vào vị trí giám sát viên pháp lý đối với tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc.

Tòa nhà văn phòng của ZTE ở Thượng Hải, Trung Quốc. AFP/TTXVN

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố cựu Trưởng công tố liên bang dưới thời Tổng thống Geogre W Bush sẽ đảm nhận vị trí này vì ông đã có kinh nghiệm dày dặn trong nhiều năm xử lý hơn 100 vụ việc liên quan tới các tập đoàn và doanh nghiệp.

Quyết định bổ nhiệm này cũng là một trong những biện pháp chưa từng có tiền lệ mà Bộ Thương mại Mỹ thực hiện đối với tập đoàn ZTE của Trung Quốc.

Với 70.000 nhân viên trên toàn cầu, ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ZTE đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau khi Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng 4 cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng này trong 7 năm do nhiều lần tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.

Tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào tập đoàn này sau khi Washington và Bắc Kinh đạt thỏa thuận với 3 điều kiện gồm ZTE trả thêm 1 tỷ USD tiền phạt, sa thải toàn bộ ban giám đốc và cho phép Washington chỉ định một chuyên gia luật pháp giám sát hoạt động của ZTE.

Ngoài ra, hãng sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc còn phải đóng "khoản tiền cọc" 400 triệu USD để nộp phạt cho phía Mỹ nếu tái phạm trong tương lai.(Bnews)
--------------------

Chiến tranh thương mại quét qua những trang trại nuôi lợn của Trung Quốc

Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới - được sử dụng chủ yếu để làm dầu ăn và thức ăn chăn nuôi - đã mua khoảng 1/3 lượng hạt đậu của họ từ Mỹ trong năm ngoái.

Hai lần một ngày, nông dân chăn nuôi lợn của trang trại Jia Tiechui tại Trung Quốc thay máng thức ăn 1 lần. Trong đó là thứ thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc đậu tương cho 18.000 con lợn, mà việc cho chúng ăn trở nên đắt đỏ hơn khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung ngày càng leo thang.

Giá của hỗn hợp thức ăn bột, trong đó đậu nành chiếm 1/5, đã tăng lên kể từ khi Trung Quốc áp đặt 25% thuế nhập khẩu lên đậu tương của Mỹ trong tháng trước.

Với tình hình cả hai bên giằng co để tăng thêm mức thuế quan, những gì diễn ra ở trang trại này cho thấy Bắc Kinh đang phải rất khéo léo để vừa có thể trả đũa Washington vừa có thể tránh trường hợp tự bắn vào chân mình.

Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới - được sử dụng chủ yếu để làm dầu ăn và thức ăn chăn nuôi - đã mua khoảng 1/3 lượng hạt đậu của họ từ Mỹ trong năm ngoái.

Cho đến nay, tác động của chiến tranh thương mại "không quá quyết liệt" tại trang trại của ông Jia, ở ngoại ô thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, một nhà máy chăn nuôi lợn của Trung Quốc, ông nói.

Nhưng ông có thể phải chuyển sang một công thức thức ăn khác với ít đậu nành hơn nếu lợi nhuận của ông tiếp tục giảm. "Công thức của chúng tôi có thể được thay đổi, thay thế bột đậu tương bằng hạt bông hoặc bột hạt cải dầu", Jia cho biết.

"Nếu chi phí tiếp tục tăng lên và điều này không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của lợn, chúng tôi chắc chắn sẽ điều chỉnh nó."

Cung vượt cầu

Trước đây cả gia đình Jia sinh sống bằng nghề trồng ngô trước khi dành dụm và tiết kiệm trong nhiều năm để mua hai con lợn để nuôi ở nhà. Từ cuối những năm 90 ông bắt đầu kinh doanh trang trại lợn.

Giờ đây giá thịt lợn thấp là mối quan tâm lớn nhất của Jia, ông nói.

"Khi thị trường tốt, nó không ảnh hưởng đến thu nhập của chúng tôi nếu thức ăn đắt hơn một chút. Điều chúng tôi lo lắng là nếu thị trường xấu đi và giá thịt lợn không tăng lên", ông giải thích.

Là nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, hiện ngành công nghiệp thịt lợn của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thừa cung. Điều này có nghĩa là giá cả có khả năng ở mức thấp đủ để không ảnh hưởng đáng kể đến người tiêu dùng trong một cuộc chiến thương mại, các nhà phân tích nói.

"Có một số lượng thịt lợn đáng kinh ngạc ở Trung Quốc, không có cách nào chúng ta có thể ăn tất cả", Feng Yonghui, trưởng nhóm nghiên cứu cho cổng thương mại Soozhu.com cho biết.

Giá thịt lợn giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm qua vào đầu năm 2018 trước khi tăng trở lại từ tháng 6, Feng cho biết, nhưng hiện đang bị ảnh hưởng bởi một đợt bùng phát bệnh sốt lợn ở châu Phi bắt đầu từ tháng này.

Cơ hội cho Trung Quốc

Thuế đậu tương của Bắc Kinh nhắm vào những cử tri nông dân ở trung tâm trồng đậu tương lớn nhất nước Mỹ. Đây cũng là nhóm cử tri ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Giá bột đậu tương đã tăng 6,8% ở Trung Quốc kể từ khi thuế nhập khẩu tăng, từ 3.018 NDT (440 USD)/tấn vào cuối tháng 6 lên 3.223 NDT trong tháng 8, theo cơ sở dữ liệu trực tuyến Soybean Pulp Industry Net.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần thực hiện các bước như tăng nhanh lượng sản xuất đậu nành trong nước, tăng cường sản phẩm thay thế và tìm nguồn cung ứng từ các nước khác để giảm sự phụ thuộc lớn vào sản phẩm của Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc không thể bỏ Mỹ hoàn toàn vì nhu cầu đậu nành hàng năm của nước này vượt quá tổng sản lượng của thế giới nếu không có cây trồng của Mỹ trong bức tranh toàn cảnh.

Bắc Kinh sẽ mua thêm từ Brazil và Argentina, nhưng cũng có thể nhập khẩu đậu tương Hoa Kỳ thông qua các nước thứ ba như Việt Nam, Feng cho biết.

Sau khi cộng thêm cả chi phí vận chuyển tăng thêm thì giá vẫn sẽ vẫn thấp hơn là bị áp thêm thuế, ông nói, dự đoán rằng cuối cùng giá đậu tương sẽ không tăng quá 30%.

Trung Quốc nên xem chiến tranh thương mại là một "cơ hội" để trồng thêm đậu tương, theo lời Ma Wenfeng, nhà phân tích cao cấp tại Beijing Orient Agribusiness Consultancy.

Sản lượng ước tính sẽ tăng 2 triệu tấn trong năm nay, khi các nhà chức trách đang làm việc để giảm chi phí hậu cần cao.

Đối với Jia, những bất đồng của cuộc chiến thương mại "không phải là điều chúng tôi chú ý đến", anh ta cười.

"Nó tùy thuộc vào chính phủ và ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi." (CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục