Đã xử lý được 138.290 tỉ đồng nợ xấu; Phê duyệt Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Macao, Trung Quốc; Trung Quốc, Nhật bất ngờ giảm nhập khẩu rau quả Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-08-2018
- Cập nhật : 28/08/2018
Các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn gặp khó
Mặc dù nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đã được triển khai nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã và đang được triển khai, tuy nhiên các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đây là nội dung được các doanh nghiệp phản ánh tại Hội nghị khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 27/8.
Nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai
Tính tới thời điểm hiện nay, nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành và triển khai. Ở cấp Trung ương có thể kể đến chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản theo quyết định số 01/2012/QĐ-TTg; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015 NĐ-CP; chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng và khai thác dược liệu theo Nghị định 65/2017/NĐ-CP…
Mới đây nhất Nghị định Chính phủ đã ban hành Nghị định 57/2018/NĐ-CP thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn với nhiều ưu đãi như miễn, giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước, hỗ trợ tập trung đất đai, tiếp cận hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài những chính sách của Trung ương Tp. Hồ Chí Minh còn ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ riêng. Ông Trần Tấn Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Tp. Hồ Chí Minh định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, mục tiêu là trở thành trung tâm sản xuất giống cây trồng chất lượng cao cung cấp cho khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, phấn đấu đến năm 2020 có 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp điển hình như chính sách khuyến khích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp thủy sản, chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các hợp tác xã nông nghiệp – dịch vụ thành lập mới trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 655/QĐ-UBND được doanh nghiệp phản hồi tích cực. Cụ thể, thành phố hỗ trợ lãi suất vay từ 60% -100% tùy theo ngành nghề cho các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ gia đình, chủ trang trại đầu tư mua giống, vật tư, thức ăn, nhiên liệu và trả công lao động sản xuất nông nghiệp; đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản…
Bà Lê Hà Mộng Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Nấm Việt chia sẻ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp theo Quyết định 655/QĐ-UBND Tp. Hồ Chí Minh là rất tốt và sát thực với nhu cầu của doanh nghiệp. Công ty Nấm Việt hiện đăng ký sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và được hỗ trợ 100% lãi vay đầu tư cơ sở hạ tầng. Thủ tục vay cũng khá đơn giản và được ngân hàng hỗ trợ nhiệt tình.
Doanh nghiệp vẫn gặp khó
Mặc dù nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đã được triển khai nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn.
Ông Lê Nguyễn Cẩm Tú, chủ trang trại dưa lưới Lê Hoàn Vũ, huyện Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh nêu vấn đề, điều kiện đầu tiên để doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp có thể hoạt động là phải có đất sản xuất. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng nêu doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước nhưng hiện nay doanh nghiệp không thể thuê được đất của Nhà nước.
Theo ông Lê Nguyễn Cẩm Tú, một số huyện ngoại thành Tp. Hồ Chí Minh như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn có rất nhiều diện tích đất công bỏ trống nhưng doanh nghiệp làm hồ sơ xin thuê đất sản xuất hơn 1 năm vẫn chưa được trả lời. Trong khi đó, doanh nghiệp thuê đất tư nhân gặp rất nhiều rủi ro. Khi đất có giá trị thấp, người dân cho doanh nghiệp thuê nhưng chỉ vài năm sau khi giá đất lên cao người dân sẵn sàng phá vỡ hợp đồng, lấy lại đất để bán. Với những doanh nghiệp đầu tư nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới hiện đại mà chỉ sản xuất trong thời gian ngắn thì chưa thể thu hồi vốn chứ không nói tới lợi nhuận. Do đó, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao các địa phương cần tạo điều kiện để doanh nghiệp được thuê đất công với thời hạn phù hợp.
Bà Lê Hà Mộng Ngọc phản ánh, hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn với việc xin giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm nấm linh chi. Theo quy định hiện nay, nấm linh chi được xếp vào nhóm thực phẩm chức năng và phải có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm do Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp hoặc doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp đã nộp hồ sơ xin giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm mấy năm vẫn được trả lời “không đủ điều kiện”, làm hồ sơ công bố sản phẩm thì không có đơn vị nào nhận. Do đó, mặc dù sản phẩm được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt, đủ tiêu chuẩn organic nhưng chưa có giấy chứng nhận nên không thể bán ra thị trường. Hàng trăm hộ nông dân liên kết sản xuất cho doanh nghiệp cũng buộc phải tạm dừng sản xuất.
Thêm vào đó, các sản phẩm khác của công ty được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao nhưng khi ra thị trường vẫn bị đánh đồng với các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc khác. Doanh nghiệp kiến nghị cơ quản quản lý thắt chặt việc kiểm soát nguồn gốc các sản phẩm bán trên thị trường, có chế tài xử lý mạnh các trường hợp gian lận, bán hàng kém chất lượng để bảo vệ uy tín của doanh nghiệp cũng như sức khỏe người tiêu dùng.
Các doanh nghiệp cũng mong muốn Nghị định 57/2018/NĐ-CP sớm được triển khai nhằm hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị chế biến nông sản, từ đó nâng cao giá trị cho nông sản Việt và hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp nông nghiệp.(Bnews)
-------------------------
Số lượng máy điều hòa Nhật Bản xuất xưởng tăng cao kỷ lục
Theo Hiệp hội sản xuất đồ điện tử Nhật Bản (JEMA), số lượng máy điều hòa xuất xưởng trong tháng 7/2018 tăng cao kỷ lục do nhu cầu cao “đột biến” bởi thời tiết nắng nóng bất thường.
Cụ thể, số lượng điều hòa tiêu thụ trong tháng Bảy vừa qua tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 1.763.000 chiếc, mức cao kỷ lục kể từ năm 1972.
Theo JEMA, giá trị các lô hàng điều hòa trong tháng Bảy vừa qua đã tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 137,9 tỷ yen (1,2 tỷ USD) tổng cộng, mức cao nhất trong 10 năm qua.
Trong khi đó, giá trị các sản phẩm gia dụng giao trong tháng vừa qua cũng tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 281,1 tỷ yen tổng cộng, trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng cao đối với các mặt hàng tủ lạnh, máy giặt và máy hút bụi.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đánh giá đợt nắng nóng tháng Bảy vừa qua là “một thảm họa tự nhiên” và cảnh báo người dân cần có các biện pháp để tránh đột quỵ và kiệt sức do thời tiết nắng nóng bất thường gây ra.
Mức nhiệt độ cao nhất ở Nhật Bản được ghi nhận tại tỉnh Kumagaya và Saitama vào ngày 23/7 với nhiệt độ lên đến 41,1 độ C.(TTXVN)
----------------------------
Tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc nguội lạnh tháng thứ 3 liên tiếp
Tăng trưởng lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc chậm lại tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 7/2018, trong một dấu hiệu nữa cho thấy nhu cầu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nguội lạnh.
Nhu cầu đang suy yếu, vỡ nợ tín dụng ngày càng tăng, chi phí tài chính cao và căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang dự kiến tiếp tục áp lực lên lợi nhuận đối với Trung Quốc trong những tháng tới.
Theo số liệu từ Cục thống kê quốc gia, lợi nhuận công nghiệp trong tháng 7/2018 tăng 16,2% so với năm trước lên 515,12 tỷ CNY (74,94 tỷ USD), giảm từ 20% trong tháng trước và tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 3/2018.
Để thúc đẩy nền kinh tế và hồi sinh đầu tư, Trung Quốc đang tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Đồng thời giữ thanh khoản trong hệ thống tài chính dồi dào và đang đưa thêm trợ giúp cho các công ty khó khăn với chi phí cao hay đang khó khăn với tài chính.
Nhưng các nhà phân tích thuộc Nomura cho biết sẽ mất một thời gian để những kích thích gần đây của chính phủ và các biện pháp nới lỏng chính sách có tác dụng. Họ nói “chúng tôi dự kiến nền kinh tế này sẽ tồi tệ trước khi trở nên tốt hơn”.
Ông Ping, quan chức tại Cục thống kê cho biết tăng trưởng lợi nhuận chậm lại trong tháng 7/2018 do lạm phát giá sản xuất vừa phải. Trong 7 tháng đầu năm nay, các công ty công nghiệp đã báo cáo lợi nhuận 3,9 tỷ CNY, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong khi tăng trưởng chính vẫn mạnh, thực tế diễn biến lợi nhuận của Trung Quốc đã giảm đáng kể khắp các lĩnh vực kinh doanh một thời gian.
Các nhà sản xuất và tinh chế nguyên liệu thô như các công ty dầu và các nhà máy thép chiếm khoảng 2/3 sự gia tăng này. Các công ty nhỏ hơn đang đối mặt với các điều kiện kinh doanh khó khăn hơn nhiều khiến lợi nhuận của họ đang siết chặt.
Dầu, thép, nguyên liệu xây dựng và lĩnh vực hóa học là những động lực quan trọng đằng sau tăng trưởng lợi nhuận trong 7 tháng dầu năm nay. Nhưng tăng trưởng lợi nhuận tại ngành luyện kim và chế biến kim loại màu, sản xuất nội thất, đường sắt và máy bay giảm trong cùng kỳ so với một năm trước.
Tập đoàn Dầu mỏ và Hóa chất Trung Quốc, nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này đã báo cáo lợi nhận hàng quý vừa qua tốt nhất trong nhiêu năm.
Số liệu yếu hơn trong vài tháng qua cho thấy tăng trưởng đầu tư chậm lại xuống mức thấp kỷ lục. Tăng trưởng sản lượng công nghiệp cũng vẫn yếu.
Mặc dù lạm phát giá sản xuất nguội lạnh trong tháng 7/2018, các nhà kinh tế dự kiến việc trả đũa thuế quan Trung - Mỹ và việc Bắc Kinh tiếp tục thực hiện chống ô nhiễm công nghiệp đã bổ sung áp lực giá trong những tháng tới. Ví dụ các nhà máy thép Trung Quốc đang hưởng thụ sự bùng nổ ổn định, do việc hạn chế sản xuất của chính phủ tại một số nơi để hạn chế ô nhiễm môi trường, hỗ trợ giá tăng bất chấp những dấu hiệu nhu cầu suy yếu. Thép cây giao sau tại Thượng Hải đã tăng lên mức cao nhất 7 năm trong tuần trước. Jiangsu Shagang, một nhà máy thép tư nhân lớn nhất Trung Quốc đã báo cáo lợi nhuận ròng tăng 242,3% trong nửa đầu năm nay, trong khi Shougang tại Bắc Kinh có lợi nhuận ròng tăng 50,1%.
Lợi nhuận trong công nghiệp của Trung Quốc chậm lại có thể khiến đầu tư trong lĩnh vực sản xuất suy yếu, theo Betty Wang, chuyên gia kinh tế cao cấp Trung Quốc tại ANZ.
Tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc có thể chậm lại thậm chí chậm hơn nữa trong tương lai và chính quyền nên tiếp tục sử dụng tốt tài chính và chính sách tài chính. Tuy nhiên tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp khó có sự đảo chiều mạnh, lưu ý giá hàng hóa vẫn có thể phục hồi.(VITIC)