Các nhà xuất khẩu châu Á đối phó với sự giảm tốc của Trung Quốc ra sao?
Doanh nghiệp trong nước chủ động đón đầu xu hướng năng lượng xanh
Ngày 5/4: Giá vàng theo đà giảm mạnh
Tập đoàn Chubb chính thức ra mắt thương hiệu Chubb Life tại Việt Nam
Nhà đất Trung Quốc đang bùng nổ?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-04-2016
- Cập nhật : 04/04/2016
Thế giới vẫn ưa chuộng USD
USD tiếp tục là đồng tiền dự trữ được ưa chuộng trong năm 2015, trong khi vị thế của euro giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2002.
Vị thế của USD như đồng tiền dự trữ luôn là chủ đề được đàm luận nhiều. Khi euro ra đời và được lưu thông, một số nhà phân tích dự đoán một ngày nào đó đồng tiền chung sẽ cạnh tranh với vị thế của đồng bạc xanh như đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới. Sau khi tỷ trọng của euro lên mức đỉnh 28% năm 2009, vị thế đồng tiền dự trữ của euro đã liên tục giảm trong những năm gần đây.
Trong quý IV/2015, euro chiếm 19,9% tổng lượng dự trữ ngoại hối toàn cầu, theo báo cáo của IMF, mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Thậm chí khi tính đến đà giảm giá của euro so với USD trong quý IV/2015, các nhà phân tích Scotiabank cho rằng số liệu cho thấy giới đầu tư đã bán tháo dự trữ ngoại hối bằng euro trong quý này. Các ngân hàng trung ương đang giảm tỷ trọng euro trong dự trữ ngoại hối trong những năm gần đây khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) áp dụng lãi suất âm.
Trong khi đó, tỷ trọng của bảng Anh đạt 4,9% trong tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu, tính đến cuối năm 2015, tăng so với 4,7% trong quý III/2015.
12 tỷ USD cho chuỗi dự án điện khí ở Kiên Giang và Cần Thơ
Sáng 3/4, tại thị trấn An Biên, huyện An Biên ( Kiên Giang), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến dự Lễ khởi động chuỗi dự án khí Lô B-Ô Môn trị giá 12 tỷ USD với các dự án thành phần: Dự án phát triển mỏ Lô B và dự án đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.
Tổng giám đốc PVN, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết, chuỗi dự án có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỉ USD (bao gồm đầu tư mỏ, đường ống dẫn và 4 nhà máy điện khí) do PVN và PVEP (Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam) cùng các đối tác nước ngoài đầu tư. Trong đó, dự án phát triển mỏ Lô B (cách bờ biển Phú Quốc khoảng 300km) đầu tư 6,8 tỉ USD, dự án đường ống dẫn khí từ mỏ Lô B về Ô Môn dài 431 km đầu tư 1,2 tỉ USD. Nhà điều hành của dự án này là Công ty điều hành Dầu khí Phú Quốc (Phú Quốc POC) trực thuộc PVN
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện chuỗi dự án Lô B – Ô Môn này, theo Quyết định phê duyệt của Chính phủ về “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 của Tổng sơ đồ điện lực VII” thì PVN và EVN sẽ đầu tư 2 nhà máy điện khí (tổng công suất mỗi nhà máy 1.500 MW) tại Trung tâm điện lực Kiên Giang và Điện lực Ô Môn với mỗi nhà máy có vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.
"Mục tiêu của chuỗi dự án này nhằm khai thác và thu gom nguồn khí từ mỏ Lô B ngoài khơi mũi Cà Mau với tổng trữ lượng khí thu hồi dự kiến khoảng 107 tỉ m3 và 12,65 triệu thùng condensate (hỗn hợp hidrocarbon lỏng). Theo đó, sản lượng khí đưa về bờ khoảng 5,06 tỉ m3/năm và kéo dài 20 năm từ năm 2020-2040 để cấp khí cho các nhà máy điện tại khu vực Kiên Giang và Ô Môn (TP Cần Thơ), nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng điện cho khu vực Nam bộ nói chung, Tây Nam bộ nói riêng", ông Sơn nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự và biểu dương nỗ lực của PVN và các bộ, ngành trong việc xúc tiến đầu tư để có thể chính thức khởi động chuỗi dự án. Thủ tướng nhấn mạnh, đây là dự án quy mô rất lớn và hết sức quan trọng. Bởi dự án sẽ đảm bảo cung cấp năng lượng điện rất cần thiết cho khu vực phía Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng từ giai đoạn 2020 trở đi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý việc đầu tư các nhà máy điện khí phải kịp thời với đường ống dẫn để dự án này được triển khai và đi vào hoạt động đúng kế hoạch dự kiến kể từ quý II năm 2020. Vì vậy Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư trong quá trình thực hiện.
Arab Saudi chỉ đóng băng sản lượng nếu Iran tham gia
Arab Saudi sẽ nhất trí đóng băng sản lượng nếu Iran và các nước khác cũng có hành động tương tự, Phó hoàng thái tử Arab Saudi tuyên bố.
Iran từng tuyên bố sẽ không tham gia kế hoạch đóng băng sản lượng mà một số nước thành viên OPEC và ngoại khối sẽ thảo thuận trong phiên họp ngày 17/4 tới đây tại Doha nhằm hỗ trợ giá dầu. Iran muốn khôi phục lại ngành dầu mỏ nước này sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hồi tháng 1 vừa qua.
Phó hoàng thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman cho biết "nếu tất các nước, kể cả Iran, Nga Venezuela, các nước OPEC và tất cả các nước sản xuất chủ chốt quyết định đóng băng sản lượng, Arab Saudi sẽ làm như vậy".
Bình luận của Phó hoàng thái tử Arab Saudi có thể khiến giới đầu tư vỡ mộng về một thỏa thuận đóng băng sản lượng. Giá dầu Brent phiên cuối tuần 1/4 đã rơi xuống dưới 40 USD/thùng khi thị trường hoài nghi nhiều hơn về khả năng thành công của thỏa thuận.
Hồi tháng 2 vừa qua, Arab Saudi, thành viên lớn nhất OPEC, và Nga đã đồng ý đóng băng sản lượng dầu thô nhưng chỉ khi có sự tham gia của các nước sản xuất khác.
Trong khi đó, Qatar từng cho biết, 15 nước thành viên OPEC và ngoài OPEC - cung cấp khoảng 73% tổng sản lượng dầu thô toàn cầu - ủng hộ sáng kiến đóng băng sản lượng.
Tuy nhiên, Phó hoàng thái tử bin Salman cho biết, Arab Saudi sẵn sàng đối mặt với thời kỳ giá dầu ở mức thấp kéo dài - giá dầu đã lao dốc từ giữa năm 2014 do tình trạng thừa cung toàn cầu. "Tôi không tin đà sụt giảm của giá dầu có thể gây mối nguy cho Arab Saudi".
Iran được dự đoán sẽ tăng nguồn cung thêm 500.000 thùng dầu/ngày trong vòng một năm với số giếng dầu hiện có sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, nhưng việc phát triển các giếng dầu mới cần thời gian, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết hôm thứ Tư 30/3.
Phó hoàng thái tử bin Salman cũng đã đưa ra kế hoạch thành lập quỹ đầu tư quốc gia Public Investment Fund (PIF) quản lý hơn 2.000 tỷ USD và giúp Arab Saudi giảm sự lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ.
Phần quan trọng nhất của chiến lược này là Saudi sẽ bán cổ phần công ty mẹ của Aramco và chuyển đổi gã khổng lồ dầu mỏ này thành một tập đoàn công nghiệp đa quốc gia. Saudi Aramco sẽ lên sàn sớm nhất vào năm 2017, bán ra gần 5% tổng số cổ phần.
Trung Quốc đẩy mạnh mua gạo Việt
Hiện thị trường lúa gạo tại các tỉnh trong khu vực đang sôi động, giá lúa vụ đông xuân tăng 500-600 đồng/kg một phần do Trung Quốc đang đẩy mạnh mua gạo từ Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu gạo ba tháng đầu năm nay đạt gần 1,6 triệu tấn với giá trị 692 triệu USD, tăng 42% về khối lượng và tăng 41% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù tiêu thụ mạnh nhưng Trung Quốc vẫn chỉ đứng vị trí thứ hai về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 17% thị phần. Trong khi đó, Indonesia bất ngờ vươn lên là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong hai tháng đầu năm nay với thị phần đạt hơn 31%. Thị trường Philippines cũng tăng hơn 11 lần về khối lượng và giá trị, đứng thứ ba về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Sầu riêng, thanh long tăng giá nhờ Trung Quốc 'ăn' nhiều
Nguyên do sản lượng sầu riêng trên thị trường giảm trong khi thị trường xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sau tết tăng mạnh trở lại, cộng với nhu cầu sầu riêng trên thị trường nội địa tăng khiến cung không đáp ứng đủ cầu.
Những ngày gần đây, giá thanh long ở Tiền Giang cũng đang tăng mạnh, nhà vườn vùng chuyên canh hứa hẹn bội thu do nhu cầu tiêu thụ Trung Quốc tăng. Thương lái hiện đang thu mua thanh long ruột đỏ với giá khoảng 40.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với tháng trước, còn thanh long ruột trắng có giá khoảng 20.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg so tháng 2-2016.
Bên cạnh đó, nhà vườn trồng chuối tại Đồng Nai đang bước vào vụ thu hoạch với mức giá bán từ 7.000-8.000 đồng/kg, cao hơn khoảng 50% so với mức giá năm 2015. Nguyên nhân là do trước đây nhiều hộ chuyển sang trồng cây khác nên sản lượng giảm. Hơn nữa do ảnh hưởng thời tiết thất thường nên nguồn cung từ các nước như Myanmar, Lào, Trung Quốc giảm.
Theo báo cáo đánh giá của Bộ NN&PTNT , trong quý I-2016, những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4-2016, thị trường trái cây “nóng” trở lại với nhiều chủng loại trái cây tăng giá như dưa hấu, sầu riêng, thanh long, bơ... do nhu cầu tăng mạnh từ phía Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực.