Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trị giá hơn 58 tỷ USD; Mỹ bù đắp thiệt hại cho nông dân liên quan đến trả đũa thuế quan; Dệt may Việt và cuộc “rượt đuổi” vào thị trường Hàn Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-08-2018
- Cập nhật : 28/08/2018
Dầu thô tăng giá nhờ trợ lực từ thỏa thuận Mỹ - Mexico
Giá dầu ngày 27/8 tăng nhờ được hỗ trợ bởi thị trường chứng khoán Mỹ cùng thông tin Mỹ, Mexico đạt thỏa thuận để sửa đổi Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).
Giá dầu WTI giao tháng 10 tăng 15 cent lên 68,87 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,45% lên 76,47 USD/thùng.
Mỹ và Mexico ngày 27/8 đạt thỏa thuận sửa đổi NAFTA, gây áp lực lên Canada trong việc chấp thuận các quy định mới trong vấn đề xe hơi cùng nhiều vấn đề khác. Diễn biến này giúp xoa dịu lo ngại căng thẳng thương mại leo thang.
“Thỏa thuận với Mexico chắc chắn là diễn biến mang tính hỗ trợ”, Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, Chicago, nói. “Mở những rào cản thương mại đó giúp thúc đẩy tăng trưởng, tăng nhu cầu dầu”.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng diễn biến tích cực với S&P 500 và Nasdaq lập đỉnh mới, kéo giá dầu đi lên.
Thành viên ủy ban giám sát OPEC và phi OPEC cho biết các quốc gia sản xuất dầu đã bớt hạn chế nguồn cung trong tháng 7. Các quốc gia thành viên OPEC và phi OPEC trước đó nhất trí nới lỏng hạn chế sản lượng nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Venezuela và Iran.
Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran trong tháng 5, cho phép tái trừng phạt Tehran. Đợt trừng phạt đầu tiên có hiệu lực trong tháng 7. Đợt tiếp theo, nhằm vào xuất khẩu dầu của Iran, dự kiến bắt đầu từ đầu tháng 11.
Triển vọng về nhu cầu dầu vẫn bất ổn do nhà đầu tư lo ngại quan hệ Mỹ - Trung xấu đi có thể châm ngòi một cuộc chiến thương mại toàn diện. Điều này có thể khiến Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, giảm mua dầu.
Baker Hughes ngày 24/8 cho biết số giàn khoan dầu Mỹ hoạt động giảm 9 xuống còn 860, dấu hiệu cho thấy sản lượng sẽ giảm.
Giới phân tích tin giá dầu tiếp tục tăng với WTI có thể tiến sát 70 USD/thùng, Brent hướng đến vùng giá 80 USD/thùng.(NDH)
------------------------------
Trung Quốc khôi phục nhập khẩu dầu thô Mỹ sau khi thay đổi chính sách thuế quan
Công ty Unipec của Trung Quốc sẽ khôi phục nhập khẩu dầu thô từ Mỹ trong tháng 10/2018 sau 2 tháng dừng, do xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quyết định lại bắt đầu mua dầu thô từ Mỹ diễn ra sau khi trước đó hồi tháng 8/2018 Bắc Kinh đã loại trừ dầu thô khỏi danh sách áp thuế quan nhập khẩu của họ.
Một nguồn thạo tin cho biết Unipec sẽ mua dầu thô của Mỹ trong tháng 10/2018 sau khi có sự thay đổi chính chính sách của Bắc Kinh. Nguồn thứ hai cho biết “nhập khẩu của Unipec giảm khi Trung Quốc trả đũa bằng cách đưa dầu thô vào danh sách thuế quan nhưng hiện nay trở lại kinh doanh bình thường với nhập khẩu đang khôi phục”. Unipec không đáp trả yêu cầu bình luận.
Unipec, cánh tay kinh doanh của nhà máy lọc dầu Sinopec lớn nhất châu Á và cũng là một trong số khách hàng dầu lớn nhất từ Mỹ đã dừng nhập khẩu dầu Mỹ trong tháng 8/2018 và tháng 9/2018, sau khi hồi tháng 6/2018 Bắc Kinh thông báo có kế hoạch áp đặt 25% thuế đối với dầu nhập khẩu từ Mỹ.
Sau đợt vận động hành lang của Sinopec, dầu thô được rút khỏi danh sách thuế chính thức của Trung Quốc trong đầu tháng 8/2018, cho phép Unipec khôi phục nhập khẩu dầu thô từ Mỹ.
Không rõ Unipec sẽ mua bao nhiều dầu thô từ Mỹ. Dầu Mỹ phải mất 1,5 tháng để tới Trung Quốc nghĩa là các lô hàng được chất lên tầu trong tháng 10/2018 sẽ tới trong tháng 11 hay tháng 12/2018.
Trước khi tranh chấp thương mại nổ ra, Trung Quốc đã vượt Canada trở thành nhà nhập khẩu dầu thô Mỹ lớn nhất trong 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu trung bình gần 350.000 thùng/ngày, theo số liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Tuy nhiên, việc khôi phục nhập khẩu dầu từ Mỹ có thể không kéo dài.
Cuộc đàm phán của Mỹ và Trung Quốc nhằm giải quyết xung đột thương mại đã kết thúc vào ngày 23/8/2018 mà không có đột phá, cả hai nước thay vào đó đã áp thuế với 16 tỷ USD giá trị hàng hóa của nhau.
Nhiều nhà phân tích dự kiến dầu thô của Mỹ dần sẽ bị ảnh hưởng của thuế quan nên chưa tìm thấy giải pháp nào.(VITIC)
-----------------------------
Bỏ đề xuất trao quyền điều tra cho cơ quan thuế
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, về vấn đề điều tra thuế, cơ quan này đề nghị trước mắt chưa bổ sung chức năng trên cho các cơ quan thuế, chưa đưa nội dung này vào dự thảo luật.
Ngày 27.8, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã thảo luận về dự án luật Quản lý thuế (sửa đổi), dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng tới.
Trước đó, quá trình soạn thảo Bộ Tài chính muốn đề xuất trưởng đoàn kiểm tra, trưởng đoàn thanh tra, chi cục trưởng, cục trưởng các cơ quan thuế có thẩm quyền niêm phong hàng hóa, kho, hồ sơ, tài liệu, tạm giữ người, áp giải người vi phạm trong trường hợp có căn cứ cho rằng có hành vi vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế. Nếu vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan thuế, công chức thuế có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện các hoạt động điều tra.
Song, quá trình góp ý còn nhiều ý kiến băn khoăn nên tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, về vấn đề điều tra thuế, cơ quan này đề nghị trước mắt chưa bổ sung chức năng trên cho các cơ quan thuế, chưa đưa nội dung này vào dự thảo luật. Thời gian tới sẽ nghiên cứu kỹ hơn, lập kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo lộ trình.
Về việc quản lý doanh nghiệp có giao dịch liên kết, phòng chống chuyển giá, dự thảo luật đã bổ sung quy định nguyên tắc quản lý thuế với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; áp dụng cơ chế đơn giản hóa kê khai, xác định giá giao dịch liên kết với người nộp quy mô nhỏ, rủi ro thấp; nghĩa vụ cung cấp hồ sơ người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết; trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế VN và cơ quan thuế nước ngoài.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính cần xây dựng các biện pháp chống xói mòn lợi nhuận, quản lý chặt chẽ việc khấu trừ chi phí lãi vay quá mức để giải quyết tình trạng công ty con ở VN chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua các khoản vay của công ty mẹ, mà thực chất là các khoản góp vốn. Nghiên cứu kỹ hơn về quyền đánh thuế của VN với các giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp của các công ty nước ngoài sở hữu tài sản tại VN, bổ sung công cụ xử lý đối tượng nộp thuế thành lập công ty danh nghĩa mà không có hoạt động kinh doanh thực chất...(Thanhnien)