MoMo được cấp phép tiền ảo có giá trị như tiền thật
Thêm 532 triệu USD vốn FDI vào Bình Dương
Nhiều chính sách hỗ trợ thanh khoản cho chứng khoán
Microsoft sa thải thêm 1.000 nhân sự
Bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo bảng giá đất năm 2014
Tin kinh tế đọc nhanh 24-10-2015
- Cập nhật : 24/10/2015
Trung Quốc muốn tham gia vào dự án BOT điện của Việt Nam
Theo tin từ Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Công Thương), Công ty Công trình điện quốc tế Harbin (Trung Quốc) mong muốn được tham gia vào các gói thầu BOT trong dự án điện của Việt Nam.
Tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã có buổi tiếp và làm việc với ông Quách Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH công trình điện quốc tế Harbin, Trung Quốc.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao các hoạt động hợp tác của Công ty với các Doanh nghiệp Việt Nam, tham gia làm tổng thầu EPC vào một số dự án nhiệt điện của Công ty Công trình điện quốc tế Harbin tại Việt Nam như Dự án Nhiệt điện Hiệp Phước, Nhiệt điện Cao Ngạn, Nhiệt điện Cẩm Phả, Thủy điện Tuyên Quang, Thủy điện Sê San 3A.
Thứ trưởng cũng hoan nghênh việc Công ty mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, tìm kiếm cơ hội với vai trò là nhà đầu tư, tham gia vào các dự án điện BOT…. Các hoạt động hợp tác giữa các doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị láng giềng thân thiện giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Về phía Công ty Harbin, nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác với thị trường điện Việt Nam, Công ty Công trình điện quốc tế Harbin bày tỏ mong muốn được tham gia vào các gói thầu BOT trong dự án điện của Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng cũng chỉ đạo, yêu cầu Công ty cần tích cực, cố gắng hơn nữa trong việc giảm chi phí vốn cho các hoạt động thu xếp tài chính, đặc biệt với các dự án điện BOT. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án tại Việt Nam Công ty cần chú trọng đảm bảo chất lượng thiết bị cũng như tiến độ triển khai, thực hiện các dự án.
Công ty Công trình điện quốc tế Harbin được thành lập từ năm 1983, chuyên hoạt động trong lĩnh vực tổng thầu các dự án điện quy mô lớn ở nước ngoài, cung cấp thiết bị cơ điện đồng bộ hàng đầu của Trung Quốc. Hiện tại, Công ty Công trình điện quốc tế Harbin đang hoạt động tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tồn kho bất động giảm mạnh về mức 59.000 tỷ đồng
Báo cáo của Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho thấy lượng bất động sản tồn kho tiếp tục giảm ở mức khả quan. Thị trường bất động sản phục hồi tích cực là nguyên nhân kéo lượng tồn kho bất động sản giảm theo.
Cụ thể, tính đến cuối 9/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 59.395 tỷ đồng (giảm 69.153 tỷ đồng so với quý I/2013; giảm 904 tỷ đồng so với thời điểm 20/8/2015).
Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư là 11.380 căn (tương đương 17.459 tỷ đồng); tồn kho nhà thấp tầng là 8.542 căn (tương đương 14.678 tỷ đồng); tồn kho đất nền nhà ở là 7.043.893 m2 (tương đương 22.713 tỷ đồng); tồn kho đất nền thương mại là 1.637.782 m2 (tương đương 4.545 tỷ đồng).
Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là hai địa phương có lượng tồn kho bất động sản giảm sâu nhất: Hà Nội lượng tồn kho còn khoảng 7.550 tỷ đồng (giảm 218 tỷ đồng so với tháng 8/2015); Thành phố Hồ Chí Minh còn khoảng 11.368 tỷ đồng (giảm 290 tỷ đồng so với tháng 8/2015)
EU ra phán quyết về việc Starbucks và Fiat trốn thuế
Fiat và Starbucks là hai tập đoàn lớn đầu tiên vừa phải nhận phán quyết trong chuỗi các tập đoàn đa quốc gia bị Ủy ban châu Âu EC điều tra gian lận thuế.
Theo đó, hai tập đoàn trên đã lợi dụng những thoả thuận bất hợp pháp để trốn hàng triệu Euro tiền thuế doanh nghiệp.
Thông qua những thoả thuận ưu đãi thuế đặc biệt với Hà Lan vàLuxembourg, Starbucks và Fiat đã sử dụng các hợp đồng chuyển giá trong các công ty con để chuyển lợi nhuận về 2 thiên đường thuế này, giảm đáng kể số thuế phải nộp. Trong trường hợp của Fiat tại Luxembourg, nếu tuân thủ theo đúng các quy định của EU, hãng này sẽ phải trả khoản thuế cao gấp 20 lần.
Hiện, Ủy ban châu Âu đã yêu cầu Hà Lan và Luxembourg phải truy thu số thuế của Fiat và Starbucks với tổng số tiền có thể lên tới khoảng 60 triệu Euro.
Western Digital chuẩn bị mua lại SanDisk với giá trị 19 tỷ USD
Hãng sản xuất ổ đĩa cứng Western Digital (WD) của Mỹ cho biết họ có kế hoạch sẽ mua hãng SanDisk (Trung Quốc) với giá trị thương vụ ước tính 19 tỷ USD, qua đó giúp WD tiếp cận với lĩnh vực sản xuất chip bộ nhớ lưu trữ flash sử dụng trong điện thoại thông minh và các thiết bị di động.
Ngành công nghiệp bán dẫn đã tạo ra một con số kỷ lục với các chương trình giảm giá trong năm nay do nhu cầu về chip rẻ hơn và các sản phẩm để tăng sức tiện ích kết nối Internet đẩy các công ty công nghệ đến các nhà cung cấp.
Các nhà phân tích thị trường nhận định Western Digital là một "đại gia" trong ngành công nghiệp lưu trữ truyền thống, nhưng lĩnh vực này đang chững lại và họ cần phải tiếp cận với công nghệ NAND của SanDisk để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường ổ đĩa trạng thể rắn (SSD). SSD hiện được sử dụng trong điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu, điện thoại thông minh và máy tính xách tay.
Hiện nay SanDisk đang liên doanh với Toshiba trong sản xuất chip. Do đó, để hoàn thành thương vụ mua bán-sáp nhập với Western Digital, SanDisk có thể sẽ phải đàm phán với hãng điện tử công nghệ Nhật Bản.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố Sandisk và Western Digital cho biết liên doanh với Toshiba sẽ vẫn liên tục./.
Chính phủ Philippines họp khẩn về nhập khẩu gạo do mất mùa
Tờ The Bussiness World' ngày 22/10 đưa tin Chính phủ Philippines sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn cấp trong tuần này để xác định nhu cầu cấp thiết về nhập khẩu gạo bổ sung trong bối cảnh mùa màng thất bát nặng nề do bão Koppu gây ra.
Trước đó, Hội đồng Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) dự kiến sẽ họp vào ngày 29/10 tới để xem xét nguồn cung cấp gạo của nước này và thảo luận về việc nhập khẩu thêm 1 triệu tấn sau khi có dự báo rằng sẽ xuất hiện tình trạng thời tiết khô hạn khắc nghiệt do hiện tượng El Nino gây ra.
Tuy nhiên, Giám đốc NFA Renan B. Dalisay cho biết hội đồng NFA đã lên kế hoạch tổ chức họp vào tuần này.
Ông Dalisay cho biết bão Koppu tràn vào vùng Đông Bắc Philippines cuối tuần qua đã làm thiệt hại 400.000 tấn thóc, tương đương 5% sản lượng thóc gạo của đất nước trong mùa thu hoạch cao điểm hiện nay. Do đó, NFA đã yêu cầu các nhà chức trách thuộc Văn phòng tổng thống và Bộ Ngân sách mua thóc của khoảng 80.000 nông dân ở miền Bắc Philippines bị ảnh hưởng của bão.
Trong năm 2015, Chính phủ Philippines đã phê duyệt nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo, chủ yếu là từ Việt Nam và Thái Lan - hai nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới./.