Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2016
Vì sao XK tôm vào Úc giảm?
Euro Auto chào đón đối tác thành viên thứ 16 gia nhập Liên minh 5-sao
COMA tìm nhà đầu tư chiến lược cho Công ty mẹ
Việt Nam áp dụng biện pháp tự vệ với bột ngọt nhập khẩu
Tin kinh tế đọc nhanh 15-01-2016
- Cập nhật : 15/01/2016
Lạc quan với TPP, DN muốn đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính
Phần lớn trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam lạc quan với TPP và tỏ ra tự tin vào tiềm lực, khả năng của mình. Các doanh nghiệp này cho rằng đơn giản hóa thủ tục hành chính là giải pháp quan trọng mà Chính phủ cần ưu tiên để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN sau TPP.
DN Việt không “lép vế” sau TPP
Trong khuôn khổ Lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 2015 - Top 500 doanh nghiệp (DN) lớn nhất Việt Nam 2015, Vietnam Report đã giới thiệu cuốn Sách trắng “Kinh tế Việt Nam 2016: Trên đường hội nhập”.
Theo báo cáo này, mặc dù trong năm 2015, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi ấn tượng và toàn diện, thể hiện qua kết quả thực thi các chính sách và tái cơ cấu, kiện toàn nền kinh tế.
Các DN lớn hầu hết đều đưa ra đánh giá tích cực đối với những thành quả đã đạt được trong năm qua. Trong đó, về tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2015, hơn một nửa số DN (57,10%) cho biết “có chuyển biến tịch cực”, 30,10% DN cho rằng “vẫn giữ được mức ổn định” và số ít DN còn lại vẫn gặp đôi chút khó khăn.
Trong khi đó, các DN cũng tỏ ra tương đối lạc quan và tin tưởng vào tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I năm 2016 cũng như 5 năm tới. Cụ thể, 48,1% DN cho rằng “sẽ tăng lên” và chỉ có hơn 9% tỏ ra bi quan. Số còn lại tin rằng hoạt động của họ về cơ bản vẫn giữ mức ổn định so với cùng kỳ năm 2015. Về dài hạn, 44% DN nhận định rằng hoạt động kinh doanh sau 5 năm nữa “cơ bản sẽ tốt lên”.
Cũng theo báo cáo này, các DN lớn của Việt Nam tương đối lạc quan trước ảnh hưởng của hầu hết các cam kết của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các DN cho rằng cam kết về cạnh tranh bao gồm các nguyên tắc chống độc quyền, tăng cường cạnh tranh lành mạnh; cam kết về cạnh tranh bình đẳng giữa DN Nhà nước và tư nhân; mở cửa thị trường hàng hóa, cắt giảm thuế quan… sẽ mang lại những tác động tích cực.
Về thế mạnh và bất lợi khi cạnh tranh với các đối thủ trong TPP, các DN Việt Nam tỏ ra tương đối tự tin vào tiềm lực và khả năng của mình khi cho rằng năng lực của mình “tương đối mạnh” hay “rất mạnh”, hoặc ở mức “bình thường” chứ không hề lép vế.
Cũng theo khảo sát của báo cáo này, phần lớn DN (hơn 77%) cho rằng đơn giản hóa thủ tục hành chính là giải pháp quan trọng mà Chính phủ cần ưu tiên để nâng cao khả năng cạnh tranh của DN sau TPP. Hai giải pháp cần được ưu tiên tiếp theo là nâng cao tính hiệu lực và minh bạch chính sách và bảo đảm ổn định vĩ mô.
Việt Nam sẽ tăng trưởng hàng đầu thế giới
Theo một báo cáo mới công bố của EIU - một đơn vị nghiên cứu thuộc tạp chí The Economist, Việt Nam nằm trong top 10 nền kinh tế tăng trưởng lớn nhất thế giới trong năm 2016.
GDP Việt Nam được dự báo tăng xấp xỉ 7%, tương đương mục tiêu 6,7% mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2016. Với tốc độ này, Việt Nam đứng thứ 9 trong nhóm nước có tốc độ tăng GDP nhanh nhất thế giới.
Cũng theo báo cáo này, trong số 10 nền kinh tế tăng trưởng lớn nhất thế giới năm 2016, có tới 4 nền kinh tế thuộc khu vực Đông Nam Á. Góp mặt cùng với Việt Nam là ba quốc gia Lào, Campuchia và Myanmar. GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm 2016, cao hơn mức ước tính của năm 2015 là 2,4%.
Trước đó, theo báo cáo về triển vọng tăng trưởng của 93 nền kinh tế trên thế giới năm 2016 của hãng tin tài chính Bloomberg, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 6,6%, cao thứ hai thế giới chỉ sau Ấn Độ.
Cụ thể, theo dự báo này, Ấn Độ đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng GDP, đạt 7,4%. Theo sau đó là Việt Nam và Bangladesh cùng đạt 6,6%, Trung Quốc đạt 6,5%, Sri Lanka đạt 6,4%, Kenya đạt 6,1%...
Như vậy, theo Bloomberg, Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á năm nay, trên các mức tăng trưởng dự báo dành cho kinh tế Indonesia là 5,2%, Malaysia là 4,5%, Thái Lan là 3,2%, và Singapore là 2,3%.
TPP có thể chính thức ký kết vào ngày 4/2/2016
Đó là thông tin được bà Nguyễn Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2015: Cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập mới” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức sáng 13/1.
Cụ thể, bà Nga cho biết, theo kế hoạch, TPP sẽ được ký kết vào ngày 4/2/2016 tại New Zealand, đoàn đàm phán Chính phủ đang chuẩn bị các tài liệu để ký kết.
Nhận định về tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, bà Nga cho biết, các cam kết hội nhập góp phần giúp Việt Nam mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ; giảm thiểu các rào cản thương mại, chế độ bảo hộ đầu tư cũng như minh bạch hóa các chính sách.
Vị đại diện Bộ Công Thương cho rằng, việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, đều là các thị trường xuất khẩu lớn nhất nhì của Việt Nam, sẽ giúp Việt Nam mở rộng quan hệ kinh tế thương mại với các nước đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, tăng cường tham gia các chuỗi giá trị khu vực, phát triển dịch vụ, đổi mới cơ cấu nền kinh tế.
Ngoài ra, việc tham gia hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới cũng tạo điều kiện cho Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế, thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội sẽ là những thách thức không hề nhỏ đối với kinh tế Việt Nam như giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu, sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ trong nước, sức ép cải cách thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ chưa cao…
Trên cơ sở đó, Đại diện Bộ Công thương cũng đưa ra một số giải pháp đối với Việt Nam trước thềm hội nhập sâu rộng.
Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu những lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, tài chính ngân hàng, chi tiêu công và doanh nghiệp Nhà nước.
Thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành có lợi thế, định hướng điều chỉnh sản xuất cho các ngành không có khả năng cạnh tranh.
Thứ ba, phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Thái Lan lo ngại các nhà đầu tư rút vốn sang Việt Nam vì TPP
Các doanh nghiệp Thái Lan đang lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút vốn khỏi nước này sang Việt Nam, Singapore và Malaysia để tận dụng lợi thế các đặc quyền trong việc tiếp cận thị trường Mỹ.
Vallop Vitanakorn – Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) chỉ ra rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang cân nhắc về những điều mà họ được hưởng nếu đầu tư vào những nước thành viên ASEAN tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với Hoa Kỳ, trong đó cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng sản xuất tại các nước này nhập vào thị trường Mỹ.
Các thành viên FTI cảm thấy lo lắng khi nhiều doanh nghiệp chuyển đến ba quốc gia này do các động lực và đặc quyền từ TPP. “Điều này sẽ không chỉ cắt giảm đầu tư ở Thái Lan mà còn tăng cường sự cạnh tranh giữa hàng hóa Thái và những người từ TPP ký kết”, ông nói.
Xuất khẩu điện tử của Thái Lan xếp hạng thứ ba trong ASEAN với giá trị xuất khẩu hàng năm của 1,5 nghìn tỷ baht, trong khi Singapore là đứng đầu và thứ hai Malaysia, ông Vallop cho biết thêm.
FTI đang thúc giục các chính phủ Thái và các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Họ cũng cho rằng, các doanh nghiệp thành viên nên chuyển sang các sản phẩm công nghệ cao để giúp hàng Thái Lan có thể cạnh tranh tốt hơn. “Thái Lan phải nghiên cứu nhiều hơn nữa ngành công nghiệp tiên tiến hơn là chỉ theo đuổi việc gia công sản xuất”, ông Vallop nhấn mạnh.
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài Việt Nam, trong năm 2015, chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, coi Việt Nam là một địa bàn đầu tư chiến lược. Tất cả các công ty lớn của Hàn Quốc có trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn đều đã có các dự án đầu tư hoặc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như: Samsung, Canon, GS, POSCO, Hyundai, KEPCO, SK …
Mới nhất, nhà sản xuất tivi lớn thứ 2 thế giới – LG Electronics đã quyết định chuyển phần lớn hoạt động sản xuất từ Thái Lan sang Việt Nam nhằm tận dụng chi phí nhân công rẻ, dịch vụ vận tải thấp và để chào đón TPP.
Thực tế, không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài tại Thái Lan có xu hướng chuyển vào Việt Nam, Malaysia, Singapore, mà chính các ‘đại gia’ của nước này cũng chuyển hướng. Từ đầu năm 2015, nhiều ‘đại gia’ của Thái Lan đã tìm cách thâu tóm các doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Giữa tháng 1/2015, Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat đã hoàn tất mua lại 49% cổ phần công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) – đơn vị sở hữu công ty Thương mại Nguyễn Kim.
Trước đó, Tập đoàn đồ uống ThaiBev của Thái Lan đã ngỏ ý muốn chi khoảng 40% cổ phần của Sabeco với mức giá được đưa ra là 80.000 đồng/cổ phiếu. Được biết ThaiBev nằm dưới sự kiểm soát của tỷ phú Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi – người giàu thứ 3 Thái Lan với tài sản lên tới 11,3 tỷ USD. Chính tỷ phú này cũng đứng đằng sau thương vụ Tập đoàn Berli Jucker (BJC) đàm phán mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 875 triệu USD diễn ra cách đây vài ngày.
Tập đoàn dầu khí Thái Lan (PTT) đã chi mạnh tay để là nhà đầu tư chính vào Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định) với giá trị lên tới 22 tỷ USD. Dự án có công suất 400.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 20 triệu tấn/năm). Sau năm 2021 sẽ xem xét nâng công suất lên 30 triệu tấn/năm. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 22 ttỷ USD nhưng khi mở rộng công suất, tổng mức đầu tư có thể đạt mức 30 tỷ USD.
Bên cạnh đó, các đại gia của Thái Lan cũng tìm cách hàng loạt các thương vụ khác trong các lĩnh vực như sữa, bia, điện tử, ôtô, dệt may, xây dựng…
Giá thép xuống dưới ngưỡng 10 triệu đồng/tấn
Ngày 13-11, giá thép xây dựng bán lẻ trên thị trường giữ mức bình quân 9,79-9,9 triệu đồng/tấn đối với thép cuộn và thép cây, giảm thêm 400.000 đồng/tấn so với tuần trước.
Đây là mức giảm liên tiếp lần thứ hai kể từ đầu năm 2016 đến nay, đưa tổng mức giảm sau hai lần điều chỉnh lên đến gần 800.000 đồng/tấn so với tháng 12-2015.
Theo các đại lý, giá thép giảm do nhu cầu sử dụng trên thị trường có dấu hiệu chững lại vì gần rơi vào thời điểm cận tết. Các công trình xây dựng chủ yếu đang trong giai đoạn hoàn thiện, còn các dự án đầu tư mới lại không chọn thời điểm hiện tại để khởi công.
Trong khi đó, theo Hiệp hội thép VN (VSA), giá nguyên liệu thép như quặng sắt, thép phế và phôi thép vẫn đang trên đà lao dốc.
Phiên giao dịch thép phế cuối tháng 12-2015 được ghi nhận chỉ còn 175 USD/tấn, phôi thép là 275 USD/tấn và quặng sắt ở mức 55-56 USD/tấn, giảm lần lượt 45-39-45% so với thời điểm tháng 1-2015.
VSA cũng cho rằng thị trường thép thế giới năm 2016 tiếp tục xu thế trầm lắng, nhưng vẫn ẩn chứa nhiều biến động và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Điều này sẽ tác động không nhỏ đến thị trường thép VN, trong đó việc các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải có chính sách giá bán phù hợp với nhu cầu, diễn biến nguyên liệu thép thế giới là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp.
Thái Lan muốn bán hết 13 triệu tấn gạo dự trữ vào năm 2017
Chính phủ Thái Lan mới đây thông báo kế hoạch đến giữa năm 2017 sẽ "giải phóng" hoàn toàn khối lượng hơn 13 triệu tấn gạo hiện có trong các kho dự trữ quốc gia.
Nỗ lực đầu tiên để hiện thực hóa kế hoạch này là mục tiêu bán 2 triệu tấn gạo thông qua các thỏa thuận liên chính phủ (G2G) với Trung Quốc, Philippines và Indonesia.
Sau lần đấu thầu gạo chất lượng thấp gần đây nhất diễn ra vào đầu tháng 12/2015, số lượng gạo dự trữ hiện nay của Thái Lan hiện còn khoảng 13,7 triệu tấn. Do chương trình thu mua gạo của nông dân đã chấm dứt nên lượng gạo thu hoạch của vụ mùa mới sẽ không được dự trữ trong kho quốc gia.
Trong năm 2016, Chính phủ Thái Lan sẽ tập trung vào các chiến lược nhằm "giải phóng" lượng gạo dự trữ và thực hiện các chương trình sản xuất và tiếp thị gạo bền vững. Tổng khối lượng gạo dự kiến xuất khẩu trong cả năm 2016 sẽ ở mức 9 triệu tấn, so với 10 triệu tấn gạo xuất khẩu trong năm 2015.
Đón đầu xu hướng tăng lượng gạo nhập khẩu phục vụ Tết Nguyên đán 2016 của nhiều quốc gia châu Á, Chính phủ Thái Lan tiếp tục xúc tiến nhiều biện pháp giải phóng gạo tồn kho qua tất cả các kênh.
Về các thỏa thuận liên chính phủ, Chính phủ Thái Lan đã ký hợp đồng bán gạo trị giá 33,4 tỷ bath (khoảng 929 triệu USD) với Chính phủ Trung Quốc. Ngoài ra, Philippines cũng bày tỏ ý định nhập khẩu thêm từ 300.000-400.000 tấn gạo để để bù đắp nguồn cung thiếu hụt do hạn hán và thiên tai kéo dài.
Mặt khác, Chính phủ Thái Lan cũng sẽ xem xét cung cấp các khoản vay lãi suất thấp đối với các nhà xuất khẩu gạo có kế hoạch tập trung vào các thị trường mới, đặc biệt tại khu vực châu Phi do việc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường này còn gặp nhiều rủi ro.
Về đấu thầu trong nước, do số lượng gạo trong kho dự trữ quốc gia bao gồm cả gạo chất lượng cao và chất lượng thấp còn nhiều nên Chính phủ Thái Lan sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đợt đấu thầu xuyên suốt năm 2016 nhằm giải phóng bớt lượng gạo tồn kho./.