Người Anh sẽ mất hơn 1.000 USD/năm nếu rời EU
Nước Anh đang chia rẽ trong ý kiến về chuyện đi hay ở lại EU - Ảnh: Shutterstock
Rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay “Brexit” đồng nghĩa với việc mức sống của người dân Anh đi xuống.
Theo CNN, thu nhập từ thương mại giảm sẽ kéo thu nhập hộ gia đình đi xuống ít nhất là 850 bảng Anh, tương đương 1.232 USD/năm, London School of Economics (LSE) cho biết. Theo kịch bản bi quan hơn được Trung tâm Hiệu suất Kinh tế (CEP) của LSE đưa ra, thu nhập hộ gia đình sẽ giảm gấp đôi con số trên.
“Phân tích của chúng tôi cho thấy không có nhiều nghi ngờ về chuyện tiền lương thực tế và lương hưu bị ảnh hưởng lớn từ việc nước Anh rời châu Âu. Các tổn thất trong thu nhập từ thương mại giảm đi là rõ ràng”, giám đốc CEP John Van Reenen nói.
Nước Anh sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU vào ngày 23.6 sắp tới. Thủ tướng Anh David Cameron, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Anh và nhiều doanh nghiệp, nhà băng lớn khác đã và đang cảnh báo về nguy cơ đến với kinh tế Anh nếu đất nước tách khỏi đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Những người vận động cho việc “Brexit” thì cho rằng Anh quốc sẽ tốt hơn khi rời EU, vì nước này không còn phải nộp tiền vào ngân sách của khối, có thể từ bỏ nhiều quy định tốn kém của EU, đàm phán thỏa thuận tự do thương mại riêng với Mỹ, Nhật và các nền kinh tế khác.
Các nhà nghiên cứu thuộc LSE cho rằng chi phí kinh doanh cao hơn với châu Âu - điểm đến của 45% hàng xuất khẩu của Anh - chắc chắn sẽ tác động vào ngân sách đất nước - yếu tố chính mà những người ủng hộ cảnh “Brexit” nhắm đến.
Trái lại, những người ủng hộ “Brexit” thường dẫn ví dụ Na Uy và Thụy Sĩ khi nhắc đến các nước có thương mại tự do với EU mà không thuộc về cộng đồng chung 28 nước. Kịch bản người Anh mất 850 bảng Anh mỗi năm mà LSE tính toán dựa trên giả định kinh tế Anh sẽ có tình trạng tương tự như Na Uy.
Na Uy hiện có thỏa thuận thương mại tự do với EU, song vẫn phải đối mặt với một số rào cản thương mại vì quốc gia Bắc Âu không phải là một phần của liên minh thuế quan EU. Na Uy cũng phải đóng góp vào ngân sách của EU, chấp nhận các quy định của EU và việc di dân lao động tự do.
Hiện chưa có nhóm nào vận động cho cảnh “Brexit” đưa ra nhận định về nghiên cứu của LSE.
Moody’s rút khỏi thị trường Nga
Moody’s rút khỏi thị trường Nga - Ảnh: Reuters
Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa cho biết họ chính thức ngừng xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp Nga. Moody’s thay đổi trước khi luật mới của Nga về hoạt động xếp hạng tín nhiệm có hiệu lực từ năm 2017.
Các quy định mới điều tiết hoạt động của các hãng xếp hạng tín nhiệm của Nga sẽ có hiệu lực từ năm 2017. Luật mới sẽ buộc các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế có hoạt động tại Nga phải công bố dữ liệu địa phương thông qua một công ty Nga được quy định và đảm bảo rằng họ không đánh giá xếp hạng tín dụng trong nước Nga với áp lực chính trị từ bên ngoài.
Áp lực trong hoạt động xếp hạng tín nhiệm Nga tăng lên từ năm ngoái, sau khi hãng Standard & Poor’s và Moody’s hạ Nga xuống dưới mức đầu tư do giá dầu sụt giảm và việc áp đặt các lệnh trừng phạt lên nước này vì căng thẳng ở Ukraine.
Moscow cho rằng chuyện hạ xếp hạng tín nhiệm nói trên bắt nguồn từ áp lực chính trị ở Washington, vì ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn thế giới là Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch đều là công ty Mỹ.
Moody’s cũng kết thúc liên doanh với hãng truyền thông Nga Interfax, cho hay luật mới sẽ hạn chế các hoạt động của hãng. Công ty Mỹ thông báo họ vẫn duy trì sự hiện diện đáng kể ở Nga và tiếp tục cung cấp bảng xếp hạng toàn cầu Global Scale Ratings.
Đầu năm nay, Fitch cũng công bố ngừng kế hoạch xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp Nga. Năm ngoái, Nga đã khởi động cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc gia mới Analytical Credit Rating Agency, được xem là đối thủ cạnh tranh trong nước đối với các hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu. Hãng này có kế hoạch công bố xếp hạng đầu tiên trong năm nay, theo CEO hãng Ekaterina Trofimova.
Mỹ đang vẽ lại bản đồ năng lượng thế giới
Dầu thô Mỹ đang tái định hình bản đồ năng lượng thế giới - Ảnh: Reuters
Ba tháng kể từ khi được dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu tồn tại 40 năm qua, dầu thô Mỹ đang chảy đến hầu như mọi ngóc ngách của thị trường, tái định hình bản đồ năng lượng thế giới.
Theo Bloomberg, doanh số dầu thô Mỹ ở nước ngoài, số liệu bắt đầu tính từ ngày 31.12 với việc một con tàu chở dầu nhỏ rời cảng nước Mỹ, đã và đang đi lên.
Các hãng dầu khí bao gồm Exxon Mobil, China Petroleum và Chemical Corp cùng với các nhà buôn độc lập như Vitol Group và Trafigura đang xuất khẩu dầu thô Mỹ. Đầu tháng 3, Exxon là hãng dầu khí lớn đầu tiên vận chuyển dầu Mỹ đến những nơi khác. Các chuyến tàu từ Beaumont, bang Texas đi đến nhà máy lọc dầu ở Sicily (Ý).
Lượng dầu xuất khẩu ngày càng tăng của Mỹ đang “khiến thị trường hoảng sợ”, chuyên gia phân tích dầu thô Amrita Sen tại hãng tư vấn Energy Aspects (Anh) nói. Khi các kho dự trữ ở nền kinh tế số một thế giới đã ngập dầu thô, tàu chở dầu rời cảng nước này để đến các quốc gia như Đức, Pháp, Hà Lan, Israel, Trung Quốc và Panama. Những nhà buôn cho hay dầu Mỹ sẽ còn đến nhiều điểm khác nữa.
Trong tương lai gần, Mỹ vẫn sẽ là nước xuất khẩu dầu nhỏ nếu so với các “đại gia” là thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) như Ả Rập Xê Út, Iran, Iraq và các nước không thuộc OPEC như Nga, Mexico.
Ian Taylor, CEO Vitol, hãng xuất khẩu lô dầu đầu tiên của Mỹ, cho rằng xuất khẩu dầu thô vẫn sẽ tiếp tục là một hoạt động kinh doanh nhỏ. Dù vậy, hiện các tàu lớn vẫn nối đuôi nhau rời cảng Mỹ và doanh số "vàng đen" cũng đang đi lên.
Một trong những lý do khiến xuất khẩu dầu Mỹ tăng cao là chi phí vận chuyển dầu từ mỏ ở Texas, Oklahoma và North Dakota đến các cảng của Mỹ thông qua đường ống và đường sắt rẻ. Ngoài ra, giá dầu WTI được giao dịch ở mức thấp hơn so với dầu Brent cũng là một yếu tố cho phép các thương nhân vận chuyển dầu từ bờ này sang bờ kia của Đại Tây Dương mà vẫn có lời.
Chuyện xuất khẩu dầu có thể làm giảm áp lực lên khả năng lưu trữ của Mỹ sau khi các kho dầu ở nước này chạm ngưỡng cao nhất kể từ năm 1930. Nhiều thương nhân đang chuyển dầu thô Mỹ ra nước ngoài nhằm lưu trữ, hưởng lợi từ thị trường gọi là “contango” - nơi mà giá dầu hiện tại là thấp hơn so với giá dầu trong những tháng tới.
'Miếng bánh' Big C hấp dẫn ra sao?
'Miếng bánh' Big C hấp dẫn ra sao?
Hiện tại có đến 5 “đại gia” muốn mua lại Big C VN. Như vậy rõ ràng Big C là “miếng bánh ngon”. Vậy tại sao Tập đoàn Casino lại muốn từ bỏ?
Mới đây Massan và Saigon Co.op tham gia vào cuộc đua mua lại Big C VN bên cạnh các tập đoàn lớn của nước ngoài là Lotte Group (Hàn Quốc), Central Group, TCC Holding (cùng của Thái Lan).
Đóng thuế nhiều
Ngày 17.3, Hệ thống siêu thị Big C tổ chức lễ ra mắt Trung tâm thương mại Big C Thăng Long. Big C Thăng Long ra mắt trở lại với một diện mạo hoàn toàn mới sau một thời gian đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng. Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ Công chúng Big C VN cho biết: Tổng diện tích Big C Thăng Long gần 30.000 m2, trong đó hơn 9.000 m2 để kinh doanh siêu thị, phần còn lại cho các dịch vụ tiện ích, vui chơi giải trí khác. “Đây là một siêu thị hiện đại kiểu mẫu của hệ thống Big C hiện nay”, ông Nguyên nói.
Ngoài Big C Thăng Long mới được đưa vào khai thác trở lại, Big C VN đang làm việc với các cơ quan quản lý thành phố Đà Nẵng, để chuẩn bị ra mắt Trung tâm thương mại và Đại siêu thị Big C thứ hai tại đây vào năm 2017.
Big C hiện là một trong số các hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam với tổng cộng 32 siêu thị, trong đó có đến 8 siêu thị tại TP.HCM.
Hệ thống siêu thị Big C tại VN thật sự làm ăn hiệu quả khi nhiều đơn vị thành viên của hệ thống này nhiều năm liền lọt vào danh sách V1000 - Top 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất VN do Tổng cục Thuế công bố như: Big C Thăng Long (EBT) và Big C An Lạc (EBA). Năm 2015, 2 siêu thị trên cùng với Big C Đồng Nai lần lượt đứng ở các vị trí 5, 7 và 8 trên bảng xếp hạng V1000.
Năm 2015, Big C An Lạc được UBND TP.HCM vinh danh trong Top 100 doanh nghiệp tiêu biểu của thành phố; có thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, nghĩa vụ xã hội của doanh nghiệp cũng như có những đóng góp tích cực cho cộng đồng thông qua các chương trình thiện nguyện xã hội.
Cắt cành, cứu cây
Những dẫn chứng trên cho thấy hệ thống siêu thị Big C tại VN đang “ăn nên làm ra”. Thị trường bán lẻ VN được đánh giá là rất tiềm năng với tổng doanh số khoảng 110 tỉ USD và nhiều đại gia hàng đầu thế giới muốn vào VN chia phần. Vậy tại sao Casino lại muốn bán đi “con gà đẻ trứng vàng”?
Trong thông cáo của mình, Casino cho biết muốn bán một phần tài sản để trả nợ. Một số chuyên gia phân tích: Thông thường rơi vào hoàn cảnh như Casino người ta sẽ bán những “nhánh” làm ăn không hiệu quả hoặc đóng góp ít vào tổng doanh thu của công ty mẹ. Trường hợp của Big C VN nhiều khả năng rơi vào giả thuyết thứ hai.
Thực tế dù đang phát triển tốt nhưng doanh thu mà Big C VN mang về cho Casino chỉ trong khoảng 2% tổng doanh thu của tập đoàn này. Chính vì vậy Big C VN là một “cành cây” mà Casino buộc phải “cắt tỉa”. Bán Big C VN vào lúc này cũng là lựa chọn khôn ngoan vì thị trường bán lẻ hiện đại VN đang phát triển tốt và giá trị vô hình, giá trị thương hiệu của Big C là rất lớn. (TN)
Sở Công thương TP.HCM cho biết: Trong 5 năm qua hệ thống bán lẻ hiện đại trên địa bàn thành phố đã phát triển nhanh cả về sồ lượng, qui mô. Tính đến nay thành phố có 35 trung tâm thương mại, 176 siêu thị, trên 800 cửa hàng tiện lợi. Năm 2015, Big C đã thực hiện xuất khẩu 1.100 container với 900 loại sản phẩm trị giá hơn 25 triệu USD thông qua hệ thống phân phối của Tập đoàn Casino tại Pháp, châu Mỹ La tinh, Ấn Độ Dương, châu Á và các nước châu Phi.
Nhà ở xã hội Đà Nẵng rẻ hơn 30% giá thị trường
Đó là nhận định của ông Lê Doãn Lâm, Phó giám đốc phụ trách Công ty Quản lý Nhà TP.Đà Nẵng khi nói về việc mở bán hàng loạt nhà ở xã hội trên địa bàn.
Ông Lê Doãn Lâm cho biết: Hiện TP đang mở bán 286 căn hộ T1, T2 (trong tổng số 330 căn/3 block); 230 căn tại block A Khu chung cư Blue House (cùng tại P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) do TP mua lại dự án nhà ở xã hội của một doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Với mức giá khoảng 7 triệu đồng/m2 sàn Khu chung cư T1, T2 và mức giá bình quân hơn 6,2 triệu đồng/m2 sàn tại Khu chung cư Blue House thì vẫn rẻ hơn khoảng 30% so với giá bán hiện tại trên thị trường.
Bởi khi tiến hành xây dựng các khu chung cư, UBND TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ không thu tiền sử dụng đất nên doanh nghiệp chỉ tốn kinh phí xây dựng cơ bản. Trong khi đó, các căn hộ do các doanh nghiệp bán ra mang tính chất kinh doanh thì đã bao gồm tiền sử dụng đất nên đắt hơn.
Thời điểm mở bán khu T1, T2 vào giữa năm 2015, người dân vẫn còn tâm lý e ngại ở chung cư nên chưa tiếp cận để mua. Thêm vào đó, công tác quảng bá chủ trương bán nhà xã hội T1, T2 chưa tốt nên người dân ít quan tâm. Tuy nhiên đến nay tại các block này đã bán được khoảng 20% số căn hộ. Còn Blue House đã có ít nhất 50 căn hộ được bán vì người đủ điều kiện mua đã đặt cọc (10% giá trị nhà). Hiện hồ sơ đăng ký mua cũng khá đông. Về giá cả, căn hộ khu T1 và T2 có phần đắt hơn so Blue House vì gần trung tâm hơn và địa thế cũng đẹp hơn.
Ông Lê Doãn Lâm cho biết thêm: “Tất nhiên không phải ai cũng có thể được mua nhà ở xã hội mà phải được ngành chức năng xem xét, kiểm tra thực tế từng trường hợp và phải được UBND TP ra quyết định bán”.
Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội được quy định tại Điều 49 luật Nhà ở và công văn 4894/UBND-QLĐTh ngày 26.6.2015 do UBND TP.Đà Nẵng ban hành về việc mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước.
Điều kiện được hưởng chính sách được quy định tại Điều 51 luật Nhà ở, cụ thể: chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình; chưa được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội của Nhà nước hoặc các dự án khác; chưa được Nhà nước hỗ trợ đất ở; có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 8 m2 sàn/người…
Người mua cần có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú và có hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên, có đóng BHXH tại TP.Đà Nẵng…
(
Tinkinhte
tổng hợp)