Kiệt quệ vì hàng gian, hàng giả
Lệch số liệu GDP 300.000 tỉ: Tổng cụcThống kê nói tính đúng
Nhiều doanh nghiệp nợ thuế trốn khỏi địa chỉ kinh doanh
Chỉ mất 3 giờ để nhận giấy phép đầu tư ở Indonesia
Thái Lan dự kiến cho thuê đất tới 99 năm
Tin kinh tế đọc nhanh 13-01-2016
- Cập nhật : 13/01/2016
AEC, FTA Việt Nam – EU, TPP: Đừng tưởng… “ngon ăn”
Dù AEC hay FTA VN – EU, TPP… khi đi vào thực thi thì những người làm trong lĩnh vực dệt may đều nhìn thấy rất rõ những cơ hội từ việc thị trường mở rộng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ, AEC, FTA VN – EU yêu cầu sản phẩm có xuất xứ từ vải thì TPP lại yêu cầu xuất xứ từ sợi.
Trên thực tế, VN là nước nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu may mặc, đặc biệt là từ Trung Quốc. Hầu hết các nước châu Á cũng đều nhập nguyên liệu từ Trung Quốc. Và để chặn điều này, TPP yêu cầu nguyên tắc “từ sợi trở đi”.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Cty cổ phần May Hưng Yên (Hugaco), một DN sở hữu tới hơn 10 ngàn công nhân chuyên sản xuất các mặt hàng thời trang XK và XK tới gần 70% sang thị trường Hoa Kỳ. Vì vậy, với ông Dương, TPP là một cơ hội mới rất lớn nhưng phải chờ tới… sau năm 2017.
Tuy nhiên, hiểu rất rõ những quy định trong TPP nên Hugaco đã chủ động tăng cường liên kết chặt chẽ với các DN may mặc trong Tập đoàn Dệt May Việt Nam và một số DN may mặc khác để tạo thành một chuỗi cung ứng bên cạnh việc cung ứng nội bộ.
“Với Hugaco, chúng tôi luôn lượng sức mình và thực hiện phương châm nỗ lực ở mức cao nhất để gia tăng kim ngạch XK bằng việc dựa vào vai “những người khổng lồ” là những DN cung cấp nguyên phụ liệu lớn tại VN”, ông Dương nói.
Thực tế là trong mười năm qua, các DN ngành dệt may chủ yếu chú trọng đầu tư ngành may còn với ngành dệt nhuộm lại khá cầm chừng. Để tận dụng cơ hội ưu đãi xuất xứ từ TPP, các DN lớn của VN chẳng hạn như TCty Phong Phú đã đặt mục tiêu sẽ nâng cao tỷ lệ nội địa hóa với nhiều sản phẩm chủ chốt.
Cụ thể, với sản phẩm sợi, nâng từ 23.000 tấn/năm lên 35.000 tấn/năm; vải denim từ 14 triệu mét nâng lên 35 triệu mét; vải dệt kim hiện nay là 2.500 tấn nâng 12.000 tấn/năm trong năm 2020. Tuy nhiên, để thực hiện các dự án này cũng không hề đơn giản chút nào do vướng nhiều vấn đề như: nguồn nhân lực, công nghệ xử lý nước thải như thế nào…
Một câu chuyện khác cũng rất lo ngại là chuyện năng suất lao động. Theo thống kê của tổ chức lao động quốc tế ILO thì năng suất lao động bình quân chung tại VN rất thấp nếu so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 30% của Malaisia, 40% của Thái Lan.
Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, ở ngành dệt may VN, năng suất lao động bình quân (tính trên giá gia công) tuy có cao hơn so với bình quân chung của cả nước nhưng cũng mới chỉ đạt 1,5 USD/ giờ (bằng 50% năng suất bình quân ngành may Thái Lan và Indonesia) . Người lao động làm ra 312 USD/ tháng, nếu trừ các chi phí trong sản xuất, quản lý, bảo hiểm XH, kinh phí công đoàn, phí lưu thông…thì chỉ còn khoảng 52% để trả lương cho người lao động, tương đương khoảng 3,4 triệu đồng/ tháng
Chuyên gia Phạm Minh Đức thuộc Ngân hàng Thế giới cho rằng, cấu trúc ngành dệt may đang… có vấn đề, ví dụ năng suất lao động của ngành dệt may đang ở mức thấp sẽ đẩy giá thành lên cao, đơn cử như cùng sản phẩm áo Polo năng suất trung bình của công nhân VN là 12 áo /người/ngày, trong khi của Trung Quốc là 25 áo/người/ngày).
Nói như một chuyên gia của Vitas, bối cảnh trước mắt, có lẽ các DN VN buộc phải chấp nhận phương án chia sẻ lợi ích từ “miếng bánh” xuất xứ nguyên liệu của TPP với các DN FDI, còn về dài hạn, các DN VN không thể đứng nhìn.
“Các DN trong nước cần có chiến lược phát triển dài hạn để chủ động đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu. Cụ thể, với quy tắc xuất xứ từ TPP, các DN VN phải tính đến chiến lược dài hạn 30 năm tới để tập trung sản xuất nguyên liệu”, vị chuyên gia này nói.
Trung ương đánh giá tác động của việc tham gia TPP
Thảo luận, thông qua chủ trương ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một nội dung lớn được bàn tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI lần này.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện các điều ước quốc tế đã ký kết hoặc tham gia, nước ta đã chủ động, tích cực đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, huy động nguồn lực cho phát triển.
Sau hơn 5 năm đàm phán với 30 phiên làm việc cấp chuyên gia và hơn 10 cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng, ngày 5/10/2015, Việt Nam và 11 nước châu Á-Thái Bình Dương khác đã chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có yêu cầu cao hơn nhiều so với các hiệp định thương mại tự do đã ký kết trước đây, có phạm vi điều chỉnh rộng lớn, bao gồm không chỉ các vấn đề về thương mại và đầu tư mà còn nhiều vấn đề liên quan, như lao động-công đoàn; môi trường; doanh nghiệp Nhà nước; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ…
Đây được xem là một hiệp định mà các nước tham gia, nhất là cộng đồng các doanh nghiệp và người lao động đặc biệt quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng lớn.
Tại Hội nghị Trung ương 13 (tháng 12/2015), theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã có Báo cáo kết quả đàm phán Hiệp định TPP trình Trung ương nghiên cứu. Bộ Chính trị đã họp nghe Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo và tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương về việc chuẩn bị ký kết Hiệp định TPP để Trung ương xem xét, quyết định.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến về kết quả đàm phán; phân tích, đánh giá tác động khi tham gia TPP; nêu rõ những tác động tổng thể cũng như cụ thể về chính trị và an ninh quốc gia, những thuận lợi và thời cơ, các khó khăn và thách thức; những vấn đề đặt ra liên quan đến điều chỉnh pháp luật, chính sách, biện pháp như nêu trong Báo cáo và Tờ trình của Bộ Chính trị.
Đồng thời cho chủ trương về việc chính thức ký kết Hiệp định; chuẩn bị trình Quốc hội phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình hành động thực thi Hiệp định, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc./.
Hải quan Hải Phòng: Thu từ “hậu kiểm” 378 tỷ đồng
Số cuộc kiểm tra và số thu từ công tác kiểm tra sau thông quan tại Hải quan Hải Phòng năm 2015 tăng vượt bậc so với năm 2014.
Theo Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Cục Hải quan Hải Phòng) năm 2015 Chi cục thực hiện 1.031 cuộc kiểm tra sau thông quan.
Trong đó số cuộc kiểm tra tại trụ sở người khai Hải quan là 166 cuộc, tăng 267% so với năm 2014 đạt 118% so với kế hoạch được Tổng cục Hải quan giao ( 140 vụ); số đã thực thu vào ngân sách qua kiểm tra sau thông quan đạt 377,902 tỷ đồng tăng 188% so với năm 2014, vượt 99% so với chỉ tiêu được giao cho Chi cục trong năm 2015 (chỉ tiêu là 190 tỷ đồng).
Một số chuyên đề lớn Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã triển khai thành công, đạt số thu nộp ngân sách lơn như: Chuyên đề kiểm tra sau thông quan về mã số đối với mặt hàng phôi thép đến hết năm 2015 đã truy thu được 62 tỷ đồng; Chuyên đề kiểm tra C/O mặt hàngxăng dầu đã thu nộp ngân sách 46 tỷ đồng; Chuyên đề về khai báo mã ngụy trang đã truy thu trên 10 tỷ đồng, đồng thời hướng dẫn các Chi cục rà soát truy thu những lô hàng tương tự…
Được biết, với kết quả trên, Chi cục Kiểm tra sau thông quan Hải Phòng là đơn vị có số thu ngân sách đứng thức 3 toàn Ngành sau Cục Kiểm tra sau thông quan và Cục Hải quan TP.HCM.
Cần lường trước rủi ro khi mua bán điện với các nước láng giềng
Mua 14,7 tỷ kWh điện từ Trung Quốc song Việt Nam lại bán hơn 7,2 tỷ kWh điện cho Campuchia. Theo chuyên gia thì việc bán điện cần tính toán kỹ lưỡng các yếu tố phát sinh để tránh ảnh hưởng đến hệ thống điện quốc gia.
Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giai đoạn 2011 – 2015 Việt Nam đã duy trì liên kết lưới điện với các nước láng giềng.
Cụ thể, đã mua 14,7 tỷ kWh của Trung Quốc và bán hơn 7,2 tỷ kWh điện cho Campuchia và bán cho Lào là gần 190 triệu kWh điện.
Trả lời trên Báo Tuổi trẻ (Tuoitre.vn), ông Nguyễn Đức Cường, giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã cảnh báo hệ thống điện VN đã bị dao động về công suất do ảnh hưởng từ lưới điện Campuchia. Tình trạng này không những vẫn tiếp tục tiếp diễn trong năm 2015 mà số lần Việt Nam bị ảnh hưởng còn tăng lên, đạt 26 lần so với 14 lần năm 2014.
Ông Cường thông tin thêm rằng: Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia Việt Nam đã không được phía Campuchia thông tin đầy đủ thông tin từ phía họ, như tình hình huy động nguồn phát điện nên khi xuất hiện dao động công suất thì các giải pháp phía Việt Nam rất bị động.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, GS.VS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho rằng việc xảy ra những rủi ro trong quá trình mua bán điện là hoàn toàn có thể xảy ra. Cũng bởi, có những điều kiện kỹ thuật nếu chưa được xem xét đầy đủ trong quá trình xây dựng hợp đồng mua bán điện giữa hai bên, thì sẽ không thể kiểm soát được những vấn đề mới phát sinh.
“Sẽ có những điều kiện kỹ thuật chưa được xem xét đầy đủ và trong quá trình mua bán mới phát sinh. Ví dụ như chuyện dao động công suất giữa hệ thống nọ với hệ thống kia, đôi khi có vấn đề về chất lượng điện áp, tần số… nên khi ký những hợp đồng tiếp theo phải rút kinh nghiệm và nêu ra tiêu chuẩn kỹ thuật” – GS.VS. Trần Đình Long nói.
Hoặc đối với việc mua điện với Trung Quốc cũng có những vấn đề phát sinh. Dẫn chứng được GS.VS Long đưa ra là do Việt Nam chỉ mua một phía từ trung Quốc chứ không phải là trao đổi điện. Vì vậy, Trung Quốc yêu cầu tách phần lưới điện sử dụng từ nguồn điện của Trung Quốc ra khỏi hệ thống điện Việt Nam và nối vào đuôi hệ thống điện Trung Quốc.
Chuyên gia lâu năm trong ngành điện cho rằng: Những vấn đề trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng phải được thảo luận rất kỹ và quy định trong hợp đồng mua bán điện về các điều kiện kỹ thuật trong việc kết nối lưới điện, qua đó mua/bán điện cho phía bạn. Điều này mới giúp đảm bảo an toàn hệ thống điều độ điện của quốc gia.
Theo GS.VS. Long, việc bán điện cho Campuchia hay Lào là nhằm thực hiện theo chính sách đối ngoại về kinh tế với nước bạn. Do đó, ngành điện phải thực hiện theo chủ trương và chính sách đã cam kết về hợp tác kinh tế mà hai nước đã đưa ra.
Tuy nhiên, vấn đề được GS.VS Long đưa ra là Tổng công ty điện lực phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng về hợp đồng với các yếu tố kỹ thuật liên quan, đưa những điều kiện đó vào hợp đồng mua bán điện, để tránh rủi ro và rắc rối khi đi vào triển khai và đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia.
Iraq kéo dài lệnh cấm nhập gia cầm từ Việt Nam do cúm H5N1
Chính phủ Iraq ngày 10/1 cho biết nước này đã kéo dài lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm gia cầm tươi sống và đông lạnh đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tuyên bố của Chính phủ Iraq nêu rõ: "Việc nhập khẩu tất cả các loạigia cầm và chim chóc... cũng như các loại trứng, lông và tất cả các sản phẩm sử dụng gia cầm hoặc sản phẩm của chúng... đều bị cấm.
Theo lệnh cấm trên, các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng là Việt Nam, Bangladesh, Burkina Faso, Bhutan, Trung Quốc, Ai Cập, Ghana, Hong Kong, Ấn Độ, Israel, Côte d'Ivoire, Kazakhstan, Lào, Libya, Myanmar, Mexico, Nepal, Niger, Nigeria, Triều Tiên, Palestine, Nam Phi, Hàn Quốc và Pháp.
Dịch cúm gia cầm H5N1 lần đầu tiên lây nhiễm sang người vào năm 1997 trong một ổ dịch gia cầm ở Hong Kong. Kể từ khi tái xuất hiện vào năm 2003 và 2004, H5N1 đã lây lan từ châu Á tới châu Âu và châu Phi, gây ra hàng triệu ca nhiễm cúm ở gia cầm, hàng trăm trường hợp ở người và nhiều người đã tử vong./.