Trái cây Việt chinh phục các thị trường khó tính trong năm 2015
Xuất khẩu gạo năm 2015 đạt hơn 6,5 triệu tấn
Hàng Việt chịu sức ép tại Lào
Thực phẩm chức năng Trung Quốc giả thương hiệu Việt Nam
Singapore bác thông tin khoai lang Việt Nam có độc tố
Tin kinh tế đọc nhanh tối 12-01-2016
- Cập nhật : 12/01/2016
20 ha đất cho Tân Sơn Nhất với sức nóng hạ tầng hàng không
Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được bàn giao 20 ha đất để mở rộng đường băng và chỗ đỗ máy bay. Ảnh minh họa Hạ tầng đang không bắt kịp nhu cầu
Việc Bộ Quốc phòng đồng ý bàn giao 20 ha đất quân sự để mở rộng Tân Sơn Nhất (TPHCM) được xem là “cứu cánh” kịp thời để sân bay này thoát khỏi tình trạng quá tải trầm trọng. Tuy nhiên, câu chuyện hạ tầng hàng không đang ngày càng nóng đòi hỏi kế hoạch, giải pháp căn cơ, đồng bộ.
Tính đến tháng 12/2015 ngành hàng không dân dụng Việt Nam quản lý 22 cảng hàng không. Trong 21 cảng hàng không hiện đang khai thác, có 9 cảng hàng không quốc tế gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Phú Bài, Cát Bi, Vinh.
Hệ thống cảng hàng không, sân bay hiện nay có tổng công suất thiết kế là 68 triệu lượt hành khách/năm, 1,4 triệu tấn hàng hóa/năm. Năm 2015, hành khách qua cảng hàng không đạt 62,2 triệu lượt, tăng bình quân giai đoạn 2010-2015 là 14,5%/năm; hàng hoá đạt 940.000 tấn, tăng bình quân 10%/năm; cất hạ cánh đạt 440.000 lần chuyến, tăng bình quân 12,5%/năm.
Tuy nhiên, theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), hiện nay hạ tầng đang không bắt kịp với nhu cầu tăng trưởng nóng của hàng không Việt Nam. Một số cảng hàng không đang chạm ngưỡng quá tải như sân bay Đà Nẵng, Phù Cát, Cam Ranh… đặc biệt là tình trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất đang khiến cơ quan quản lý đau đầu.
Bấy lâu nay, việc sân bay Tân Sơn Nhất rơi vào tình trạng quá tải, tắc nghẽn từ mặt đất tới trên trời, không những khiến các hãng hàng không vất vả trong khai thác mà việc điều hành không lưu cũng khó khăn là điều mà ai cũng biết.
Hiện nay nhiều máy bay không thể hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất do thiếu điểm đỗ. Sân bay Tân Sơn Nhất theo quy hoạch lượng khách khai thác tối đa là 25 triệu lượt/năm nhưng trong năm 2015 lượng khách đã đạt tới 26 triệu lượt.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng nêu thực tế, nếu các sân bay có chỗ đỗ rộng rãi thì các hãng hàng không có nhu cầu, cứ đăng ký là được duyệt nhưng hiện cơ quan quản lý phải tham gia vào quá trình điều tiết sân đỗ tàu bay của 3 hãng hàng không nội địa, đồng thời cho phép 3 hãng “biến” 4 sân bay thành sân bay “căn cứ” gồm Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh.
20 ha đất và tầm nhìn dài hạn
Trước tình hình này của Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT đã đề nghị Bộ Quốc phòng bàn giao 9 ha đất quân sự để mở rộng đường lăn, sân đỗ cho máy bay, và đã nhận được 20 ha
Ông Lại Xuân Thanh nhìn nhận, việc Bộ Quốc phòng quyết định bàn giao 20 ha đất cho hàng không dân dụng sẽ cơ bản giải quyết được nhiều vấn đề trước mắt của sân bay Tân Sơn Nhất.
Cụ thể như, tạo thêm sân đỗ cho tàu bay, nhất là tàu bay qua đêm và đặc biệt, tăng năng lực khai thác hàng ngày của sân bay Tân Sơn Nhất; mở rộng thêm đường lăn hiện đang bị thắt nút, tăng năng lực điều hành bay. Song đây chỉ là những giải pháp tình thế trước khi đưa sân bay Long Thành vào khai thác.
Hiện, Cục Hàng không Việt Nam đang trình Bộ GTVT kiến nghị quy hoạch cụ thể việc sử dụng 20 ha đất mà Bộ Quốc phòng vừa đồng ý bàn giao, trong đó có hình thức đầu tư xây dựng hạ tầng, nguồn vốn....
Trước đó, tại buổi họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương diễn ra vào ngày 28/12/2015 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho biết: “Kinh tế là trung tâm của đất nước, các bộ ngành phải xoay quanh mục tiêu đó mà tự chủ động để sắp xếp, phát triển. Bộ Quốc phòng cũng thống nhất quan điểm là phải vì sự phát triển chung của đất nước để hỗ trợ nhường đất quân sự cho Tân Sơn Nhất”.
Cùng với sân bay Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không Việt Nam đang khẩn trương thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông ngành hàng không giai đoạn đến 2020 và định hướng 2030 để tăng cường năng lực hệ thống sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu hạ tầng hàng không tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Tín dụng BĐS được Chính phủ xếp vào loại tiềm ẩn rủi ro
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và các công cụ, biện pháp khác để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỉ giá hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước; điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ.
Đặc biệt, chính phủ lưu ý Ngân hàng nhà nước cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài...
Trong năm 2015, tín dụng trong lĩnh vực bất động sản được xem là tăng trưởng cao so với những năm trước. Theo Vụ Tín dụng, tín dụng bất động sản trong năm qua liên tục tăng, hiện dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản vào khoảng 360.000 tỷ đồng. Như vậy, so với con số cách đây 3 năm (2012) khoảng 197.000 tỷ đồng thì các ngân hàng đã “bơm” vào lĩnh vực địa ốc khoảng 163.000 tỷ đồng (khoảng 7,4 tỷ USD) tương đương tăng khoảng 80%.
Tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng bong bóng BĐS. Báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, sự phục hồi của thị trường bất động sản là tín hiệu tích cực với nền kinh tế, tuy nhiên, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ.
"Tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. Khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay bất động sản," VEPR cho hay.
Bộ trưởng Bộ Xây Dựng TrỊnh Đình Dũng trong một phiên chất vấn trước quốc hội hồi tháng 11 cũng cho biết: "Thị trường bất động sản ấm lên như hiện nay thì đã xuất hiện đầu cơ ở một số dự án khi giá mua nhà đã cao hơn nhiều so với mức giá mà chủ đầu tư đưa ra. Bên cạnh đó, một số dự án có vị trí tốt, hạ tầng dịch vụ đầy đủ, tiến độ thi công nhanh, giá cao lên và chủ đầu tư cũng chủ động tăng giá. Hiện nay còn có xu hướng nhiều dự án bất động sản được khởi công, từ đó dẫn đến lo ngại bong bóng bất động sản có thể diễn ra trong thời gian tới”.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, dù đã có những dấu hiệu lo ngại nhưng thị trường BĐS vẫn chưa thể xảy ra bong bóng trong năm 2016. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng thì diễn biến của thị trường bất động sản là rất phức tạp nên không thể chủ quan, cần phải chủ động để thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Thủ tướng đồng ý để VRG thoái vốn tại 5 công ty thủy điện
Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) được thoái vốn của Tập đoàn cả lô 5 Công ty thủy điện theo phương thức thỏa thuận trực tiếp như quy định tại Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc bán cổ phần theo lô.
Năm Công ty thủy điện gồm Công ty cổ phần Thủy điện Geruco Sông Côn, Công ty cổ phần VRG Bảo Lộc, Công ty cổ phầnVRGĐắk Nông, Công ty cổ phần VRG Phú Yên và Công ty cổ phần VGR Ngọc Linh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc thoái vốn theo lô nêu trên phải gắn với điều kiện giải tỏa nghĩa vụ bảo lãnh của Tập đoàn, chuyển nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn cho các công ty thủy điện.
Điều 9 Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc bán cổ phần theo lô quy định: Việc bán cổ phần theo lô phải được thực hiện theo phương thức đấu giá.
Trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công hoặc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản thì thực hiện bán cổ phần theo thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư.
Việc bán cả lô 5 công ty thủy điện sau khi thương thảo trực tiếp với nhà đầu tư như trên là phù hợp với tình hình thực tế, đem lại hiệu quả cho việc thoái vốn ngoài ngành, đồng thời giải quyết được khoản bảo lãnh các khoản vay ngân hàng.
Nợ quá hạn dưới 3% mới được lập công ty kiều hối
Ngân hàng phải có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động kinh doanh trong hai năm gần nhất có lãi, tỉ lệ nợ quá hạn dưới 3%. Ngoài ra ngân hàng không được vi phạm các quy định về an toàn trong hoạt động và các quy định khác.
Đó là một trong những điều kiện mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong văn bản hợp nhất quy định về thành lập và hoạt động công tykiều hối trực thuộc ngân hàng mới được ban hành.
Theo quy định này, ngân hàng kiểm soát rất chặt việc thành lập công ty kiều hối trực thuộc nhằm đảm bảo các đơn vị hoạt động an toàn, hiệu quả.
Ngoài các điều kiện trên, để xin thành lập công ty kiều hối trực thuộc, các ngân hàng cũng phải thỏa điều kiện là không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian ít nhất một năm tính đến thời điểm xin thành lập công ty kiều hối trực thuộc.
Ngoài ra ngân hàng xin thành lập công ty kiều hối trực thuộc phải là ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện nghiệp vụ kinh doanh ngoại tệ, có bộ máy quản trị điều hành và hệ thống kiểm tra nội bộ hoạt động có hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước cũng quy định ngân hàng muốn xin thành lập phải có đề án thành lập khả thi, trong đó phải nêu rõ phương án tổ chức nhân sự, phương án hoạt động trong ba năm đầu. Ngân hàng sẽ cấp vốn thành lập và cấp vốn bổ sung cho công ty kiểu hối trực thuộc.
Ngân hàng cũng phải đảm bảo số vốn điều lệ thực có sau khi trừ đi số vốn đã cấp cho công ty trực thuộc. Khi tính toán tỉ lệ an toàn ngân hàng phải trừ khỏi vốn tự có số vốn đã cấp cho công ty trực thuộc.
Chính phủ giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước 2016
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định giao kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và tín dụng chính sách xã hội năm 2016 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cụ thể, với Ngân hàng Phát triển Việt Nam, về chỉ tiêu cho vay, kế hoạch tín dụng vốn nước ngoài (ODA cho vay lại) năm 2016 là 12.000 tỷ đồng. Đối với tín dụng vốn trong nước, tăng trưởng tín dụng cho vay đầu tư so với năm 2015 là 4,5%; dư nợ bình quân tín dụng xuất khẩu 10.000 tỷ đồng.
Về chỉ tiêu nguồn vốn huy động trong nước, kế hoạch năm 2016 phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh 25.000 tỷ đồng.
Còn với Ngân hàng Chính sách xã hội, kế hoạch 2016 tăng trưởng dư nợ tín dụng so với năm 2015 là 8%; phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh 16.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và tín dụng chính sách xã hội năm 2016 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bên cạnh đó, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá tình hình thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn đến năm 2015 và đề xuất nhu cầu vay vốn của chương trình kế hoạch năm 2016 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 31/1/2016.
Đồng thời, rà soát đề xuất nhu cầu và dự kiến kế hoạch vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2016 thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn của từng địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2016; chủ trì kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2016; định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước năm 2016.
Ngân hàng Phát triển Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo đúng mức vốn được giao; trước ngày 31/1/2016 báo cáo tổng dư nợ Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn đến hết ngày 31/12/2015; tình hình thu hồi các khoản vốn vay của từng địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; định kỳ hàng tháng, hàng quý báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước năm 2016 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch vốn tín dụng chính sách xã hội theo đúng mức vốn được giao; định kỳ hàng tháng, hàng quý báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn tín dụng chính sách xã hội năm 2016 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá tình hình thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn đến hết năm 2015 và đề xuất nhu cầu vay vốn của chương trình kế hoạch năm 2016 của địa phương gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 15/1/2016; tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn năm 2016 theo danh mục và mức vốn được giao; cân đối kế hoạch đầu tư phát triển nguồn ngân sách địa phương hàng năm để hoàn trả các khoản vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn đến hạn hoàn trả.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính trước ngày 31/1/2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tình hình chuyển vốn ngân sách nhà nước cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam để thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn và dư nợ của Chương trình đến hết ngày 31/12/2015; hướng dẫn đôn đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam và địa phương hoàn trả các khoản vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn đến hết năm 2015.
Bên cạnh đó, trước ngày 31/1/2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư số dư nợ huy động của chính quyền cấp tỉnh (bao gồm các khoản huy động vốn trong nước của chính quyền cấp tỉnh theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vay từ nguồn vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước và huy động từ các nguồn vốn vay trong nước khác để đầu tư kết cấu hạ tầng,…) của từng địa phương đến hết ngày 31/12/2015 và số vốn kế hoạch đầu tư phát triển nguồn cân đối ngân sách địa phương năm 2016 hoàn trả các khoản vốn vay này.