Ford Việt Nam dự kiến nộp ngân sách 2.000 tỷ đồng
Cung tăng làm giá căn hộ ở Đà Nẵng giảm
Cưỡng chế doanh nghiệp FDI nợ thuế
Thêm nguồn vốn vay ODA cho lĩnh vực truyền tải điện
Xuất khẩu dệt may tăng trưởng ổn định
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-06-2016
- Cập nhật : 18/06/2016
Khối nợ của Trung Quốc đang đe dọa cả thế giới
Tổng nợ của Trung Quốc đã lên kỷ lục 237% GDP quý đầu năm, tăng từ 148% cuối năm 2007, theo tính toán của Financial Times. "Khối nợ của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng liên hoàn nghiêm trọng, không chỉ với các nền kinh tế châu Á, mà còn cả châu Âu. Nó có thể châm ngòi cho một xu hướng tiêu cực mới", Pavel Teplukhin - Giám đốc Deutsche Bank Nga cho biết trong sự kiện hôm qua.Thứ trưởng Tài chính Nga - Maksim Oreshkin cũng nhấn mạnh tích lũy nợ tốt cho các nền kinh tế châu Âu đang đi xuống, nhưng không tốt với các nền kinh tế mới nổi lớn như Trung Quốc hay Nga.
Nợ là gốc rễ của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008. Kể từ đó, khối nợ toàn cầu đã tăng dần, xét theo tỷ lệ với GDP, Ngân hàng Thanh toán Toàn cầu (BIS) cảnh báo hồi tháng 3. Nợ toàn cầu đã chạm 135.000 tỷ USD cuối năm 2015, tăng từ gần 110.000 tỷ USD cuối năm 2007.
"Tại các nước phát triển, khi khủng hoảng lên đỉnh điểm, khối tư nhân đã dần giảm nợ, nhưng khối nhà nước lại tăng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả là nợ tư nhân tăng mạnh tại nhiều nước khác, đặc biệt là tại các nước mới nổi, trong đó có Trung Quốc - cỗ máy tăng trưởng toàn cầu hậu khủng hoảng", BIS cho biết.
Oreshkin nhận định khối nợ của Trung Quốc là rủi ro lớn nhất với thế giới. Trong khi đó, Andrei Klepach - kinh tế trưởng tại Vnesheconombank lại cho rằng đó là Mỹ.
Dù vậy, Oreshkin vẫn tỏ ra lạc quan. "Vỡ nợ và khủng hoảng chỉ là một phần cuộc sống mà thôi. Dĩ nhiên, thế giới sẽ còn nhiều cuộc khủng hoảng nữa. Và chúng tôi sẽ giải quyết chúng", ông kết luận.
Sabeco bán vốn tại cao ốc trên 'đất vàng' TP HCM
Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa cho biết sẽ bán 26% vốn góp tại một dự án trên nền "đất vàng" tại TP HCM.
Theo phương án phê duyệt, Sabeco sẽ bán đấu giá 14,7 triệu cổ phần, tương ứng 26% vốn tại Công ty Sabeco Pearl với giá khởi điểm là 13.247 đồng. Công ty sẽ bán đấu giá cho các cổ đông sáng lập.
Bốn cổ đông sáng lập ban đầu của Sabeco Pearl là Công ty Đầu tư thương mại dịch vụ Hà An và Công ty Đầu tư Mê Linh sở hữu 26% vốn, Sabeco sở hữu 25%, Attland sở hữu 23%.
Công ty Đầu tư Sabeco Pearl được thành lập năm 2015 nhằm thực hiện dự án tại khu đất vàng số 2-4-6 Hai Bà Trưng (Bến Nghé, quận 1, TP HCM). Khu đất này có tới 4 mặt tiền, vị trí đắc địa. Sabeco Pearl đã lên kế hoạch xây dựng khu phức hợp, 3 tầng hầm, khối đế 9 tầng và hai tháp cao 48 tầng và 36 tầng. Diện tích căn hộ đa dạng từ 68 đến 105m2.
Tính đến cuối năm 2015, chi phí xây dựng cơ bản của Sabeco Pearl đã vượt 1.000 tỷ đồng.
Xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khối ngoại
Cơ quan này cũng cho hay tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu năm tháng đầu năm đạt hơn 65,8 tỉ USD, giảm 1,7%. Như vậy, tính chung năm tháng đầu năm nước ta xuất siêu 1,6 tỉ USD.
Trong đó, xuất khẩu có 13 nhóm hàng đạt trị giá kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên. Dẫn đầu vẫn là điện thoại với giá trị đạt hơn 14 tỉ USD. Thứ hai là dệt may đạt 8,6 tỉ USD. Thứ ba là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,5 tỉ USD.
Đáng nói các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn chiếm ưu thế trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu với con số 47 tỉ USD, chiếm tỉ trọng gần 70%.
ADB lạc quan về kinh tế Việt Nam
Trong buổi họp báo chiều nay sau chuyến thăm Việt Nam, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - Takehiko Nakao nhận định nền kinh tế đang ổn định hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát đã giảm, tốc độ tăng trưởng tốt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào mạnh và tỷ giá cũng đã được bình ổn.
ADB dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% năm nay, tương đương năm ngoái. Tốc độ này khá cao trong khu vực và so với trung bình các nước đang phát triển tại châu Á (5,7%). Sang năm 2017, con số này còn 6,5%. Trong khi đó, lạm phát năm nay được dự báo 3%, cao hơn khá nhiều so với 0,6% năm ngoái.Ông Nakao cho biết ADB cam kết cho Chính phủ Việt Nam vay khoảng một tỷ USD một năm, đồng thời tăng cường cho vay lĩnh vực tư nhân. Bằng cách này, nợ công trên GDP sẽ không vượt 65%. ADB đã thực hiện cho vay tư nhân tại một số nước, như Trung Quốc hay Myanmar.
Tổ chức này sẽ hỗ trợ Việt Nam cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải quyết nợ xấu, cải tổ hệ thống tài chính. Vốn vay từ ADB cũng sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, khả năng truyền tải và phân phối điện, phát triển nông nghiệp, y tế, giáo dục, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại từ biến đổi khí hậu…
Dù vậy, ông Nakao cũng cảnh báo: "Vấn đề mấu chốt là Việt Nam cần theo đuổi chính sách kinh tế phù hợp và cải tổ cấu trúc sâu rộng hơn. Doanh nghiệp quốc doanh cần được cải tổ bằng cách giảm sở hữu Nhà nước, cải thiện khả năng quản trị và tăng cường tài chính. Chính phủ cũng cần giải quyết nợ xấu, tăng nguồn thu từ thuế và hiệu quả chi tiêu công".
Môi trường bên ngoài cũng còn nhiều thách thức, đe dọa đến kinh tế Việt Nam. Điển hình là Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và các điều kiện thời tiết cực đoan, như lũ lụt, sạt lở hạn hán hay xâm nhập mặn. Ông Nakao cho rằng Việt Nam cần phát triển tiêu dùng nội địa, để tránh lệ thuộc vào yếu tố bên ngoài. ADB cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thích ứng, giảm nhẹ và chống chịu các tác động từ biến đổi khí hậu.
Khi được hỏi về ảnh hưởng đến Việt Nam nếu người Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), ông Nakao cho biết rất nhiều tổ chức đã đánh giá về nguy cơ này, và ông không muốn nói chi tiết. Theo ông, Anh rời EU sẽ gây xáo trộn thị trường tài chính thế giới. Tuy nhiên, các tác động sẽ chủ yếu rơi vào Anh, EU và những nước có quan hệ mật thiết với họ.
Ông cũng đánh giá nợ công Việt Nam tuy tăng, phần nợ nước ngoài vẫn khá ổn định trong 5 năm qua, và phần tăng chủ yếu là do nợ trong nước. Để giải quyết việc này, họ có thể hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cải thiện chi tiêu ngân sách, cải cách thủ tục hành chính và công tác thuế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần tìm nguồn vốn vay chi phí thấp và đa dạng hóa nguồn vốn.
Ông cho biết năm 2016-2017, nợ đáo hạn của Việt Nam với ADB vào khoảng 400 triệu USD. Giải ngân năm nay là 0,8-1 tỷ USD. Như vậy, vay ròng sẽ vào khoảng 400-600 triệu USD.
Chủ tịch TP HCM: Sẽ có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho khởi nghiệp
Tại hội thảo khoa học về khởi nghiệp do Đại học Kinh tế TP HCM tổ chức sáng 17/6, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP HCM mở đầu câu chuyện bằng cuốn sách Quốc gia khởi nghiệp viết về sự phát triển thần kỳ của Israel từ lúc lập quốc cho đến khi trở thành quốc gia có nền công nghệ hàng đầu thế giới."Tại sao họ làm được như vậy? Câu trả lời là đất nước này luôn có những ý tưởng khởi nghiệp. Làm thế nào để chúng ta có nhiều doanh nghiệp với tư duy năng động, sáng tạo?", ông trăn trở.
Ông Phong tiếp lời: "Nền kinh tế hùng mạnh của Nhật Bản không phải đến từ các trụ cột như Toyota, Honda, Panasonic, Sony…, mà xương sống của họ gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính các doanh nghiệp này với những cải tiến hàng ngày, tiếp cận khách hàng linh hoạt, giúp hàng hóa của Nhật khác biệt trên thị trường thế giới".
Chủ tịch TP HCM cho biết, Đại hội XII của Đảng đã hoạch định những chủ trương lớn nhằm phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2016-2020, trong đó phải nhấn mạnh quá trình khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp Việt Nam cả về số lượng lẫn chất lượng.
Ông Phong nhận xét, trong thời gian qua, các hoạt động khởi nghiệp đã diễn ra sôi nổi, hòa vào sự phát triển năng động của kinh tế thành phố. Các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ diễn ra ngày càng phong phú dưới nhiều hình thức, trong đó tập trung chủ yếu ở một số lĩnh vực nhiều tiềm năng như bán lẻ, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, bất động sản, khoa học công nghệ…
Thông qua các chính sách khởi nghiệp, TP HCM đã tạo lập được môi trường ổn định, hiệu quả với 274.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn, chiếm 31,7% doanh nghiệp cả nước. Riêng trong năm 2015, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp 24,5% GDP thành phố và 15,7% thu ngân sách. "Đây là yếu tố rất quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế thành phố phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu", người đứng đầu chính quyền TP HCM đánh giá.
Sắp tới, TP HCM xác định khởi nghiệp là một trong những lĩnh vực đột phá quan trọng, làm giàu cho chính doanh nghiệp và đóng góp cho sự thịnh vượng của thành phố. Do đó, Chủ tịch TP HCM hứa sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, TP HCM sẽ bố trí gói tín dụng 1.000 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp trẻ.
"Thành phố cũng có chính sách giúp khởi nghiệp từ nội bộ doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới mô hình quản lý thông qua chương trình kích cầu đầu tư, chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp…", ông Phong cho biết.
Ngoài ra, Chủ tịch TP HCM cũng hứa sẽ cải cách thủ tục hành chính, hướng tới chính quyền điện tử để rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đồng thời bài trừ giấy phép con, hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại.
Đồng tình với ông Nguyễn Thành Phong, nhiều doanh nghiệp bổ sung, ở nhiều quốc gia giàu mạnh thì giáo dục tinh thần khởi nghiệp được chú trọng ngay trên ghế nhà trường. GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP HCM - chia sẻ, việc mở khóa đào tạo chuyên về khởi nghiệp được nhà trường ấp ủ từ nhiều năm nay. Sắp tới, trường này sẽ hoàn thiện và đưa khởi nghiệp thành một chuyên ngành đào tạo mang tên "Quản trị khởi nghiệp" để giảng dạy vào năm sau.
Bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp lại đặt ra vấn đề, rất nhiều ý tưởng khởi nghiệp từ sinh viên sáng tạo nhưng không nhiều trong đó có thể áp dụng vào thực tế. Từ đó, bà Phi mong muốn các chương trình đào tạo khởi nghiệp có thể giúp sinh viên thực tế hơn trong ý tưởng của mình.