Châu Âu gia tăng chống phá giá đối phó với Trung Quốc; Samsung có thể 'lấn sân' đầu tư viễn thông tại Việt Nam; Tetra Pak xây nhà máy tại Việt Nam: Thị trường bao bì tăng nhiệt; Thị trường bất động sản quý III: Hàng loạt thương vụ M&A lớn
Tin kinh tế đọc nhanh 12-01-2016
- Cập nhật : 12/01/2016
Năm 2016: Tiếp tục kiểm soát chặt nợ công
Đó là một trong những nội dung chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Theo đó, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn theo Nghị quyết của Quốc hội.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ Quỹ tích lũy trả nợ; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ, nhất là các khoản vay mới, vay có bảo lãnh của Chính phủ; tập trung cấp bảo lãnh và quản lý bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại; tiếp tục cơ cấu lại các khoản vay theo hướng tăng tỷ trọng vay trung, dài hạn với lãi suất phù hợp; ban hành và triển khai thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương.
“Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thiết lập hệ thống các nhà tạo lập thị trường trái phiếu thông qua cơ chế cho vay trái phiếu Chính phủ” – Nghị quyết nêu rõ.
Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường và sử dụng một phần số tiền thu này cho đầu tư phát triển.
Bắt 2 cửu vạn vận chuyển hơn 5,4 tỷ đồng về Việt Nam
Cơ quan CSĐT Công an huyện Trảng Bàng đã tạm giữ hình sự đối với Hà Văn Bửu (25 tuổi, ngụ KP1, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu) và Đỗ Văn Tâm (24 tuổi, ngụ ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng) để mở rộng điều tra về hành vi vận chuyển tiền trái phép qua biên giới.
Ngày 5-1, Công an huyện Trảng Bàng phối hợp với Công an xã Bình Thạnh bắt quả tang Hà Văn Bửu và Đỗ Văn Tâm đang vận chuyển trái phép hơn 5,4 tỷ từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ. Lực lượng Công an, đã đưa 2 đối tượng cùng tang vật về làm việc.
Các đối tượng khai nhận, khi đang ở nhà thì có một phụ nữ người Campuchia gọi điện thuê Bửu và Tâm sang Campuchia khu vực gần Casino vận chuyển số tiền trên về TP.Hồ Chí Minh giao lại cho người khác với tiền công là 1 triệu đồng.
Sau đó, bọn chúng qua Campuchia nhận số tiền trên rồi cất giấu vào cốp xe máy chạy về TP.Hồ Chí Minh. Đến khu vực đường 786 thuộc ấp Bình Phú, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng thì bị lực lượng Công an bắt giữ.
Cả hai khai nhận đã thực hiện 3 vụ vận chuyển tiền từ Campuchia về Việt Nam, với số lượng thấp nhất là 150 triệu đồng và cao nhất là hơn 5,4 tỷ đồng.
Chính phủ chỉ đạo điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô
Chính phủ yêu cầu NHNN sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và các công cụ, biện pháp khác để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Trong đó yêu cầu NHNN điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương liên quan và các địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Bên cạnh đó, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và các công cụ, biện pháp khác để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng trưởng dư nợ tín dụng phù hợp gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; trong đó chú trọng kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài...);
Tiếp tục thực hiện quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; tăng cường việc kiểm soát ngoại tệ và vàng trong lãnh thổ; tiếp tục cải thiện quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt;
Theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế để chủ động có các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến thị trường ngoại hối, tiền tệ trong nước.
Về tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện đối với các tổ chức tín dụng (bao gồm cả các tổ chức tín dụng yếu kém), trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính; cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy kiểm soát, kiểm toán nội bộ; từng bước cơ cấu lại hoạt động theo hướng an toàn, hiệu quả, giảm thiểu các hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro; tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, cho phép áp dụng các biện pháp mạnh bao gồm cả biện pháp can thiệp của Nhà nước;
Tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất hoặc mua lại theo nguyên tắc tự nguyện giữa các tổ chức tín dụng; khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng nước ngoài có năng lực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng Việt Nam. Kiểm soát và xử lý hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, cổ đông lớn chi phối; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, kém hiệu quả, đặc biệt các ngành, lĩnh vực phi tài chính.
Bộ Tài chính đã thu được 40.000 tỉ đồng nợ thuế của năm 2014
Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 10/1.
Trong chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 10/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời những thắc mắc của người dân xung quanh vấn đề cân đối ngân sách năm 2016.
Cụ thể, có ý kiến cho rằng, mặc dù năm qua giá dầu thô thế giới có giảm sâu và được xem là "cú sốc" vào ngân sách của nước ta, nhưng đến những ngày cuối cùng của năm, Bộ Tài chính vẫn công bố ngân sách và bội chi đạt chỉ tiêu. Vậy Bộ Tài chính đã làm thế nào để giải quyết được bài toán khó là cân đối ngân sách này?
Trả lời thắc mắc này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, trước diễn biến giá dầu giảm, ngay từ năm 2014 Bộ Tài chính đã chủ động tính toán kịch bản về giá dầu thô 60 USD, 50 USD, và 40 USD/thùng cho năm 2015, đề ra các giải pháp kiến nghị Chính phủ đề điều hành trong năm 2015.
Ngay từ đầu năm Bộ đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu ban hành các chính sách triển khai khi được Quốc hội thông qua, có hiệu lực trong năm 2015, ví dụ như sửa đổi 5 luật thuế, sửa đổi thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt … qua đó điều chỉnh chính sách thu, tăng thu nội địa, giảm thu xuất, nhập khẩu từ dầu thô.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tập trung cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan qua đó tăng cường thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh trong nước. Trong điều hành, tăng cường phối hợp với các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương phấn đấu tăng thu nội địa, bù đắp hụt thu do giá dầu giảm.
“Bộ Tài chính đã tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế, nợ đọng, chống chuyển giá. Đến nay, kết thúc năm chúng tôi đã thu được 40.000 tỉ nợ thuế của năm 2014 chuyển qua” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Trong điều hành ngân sách thì triệt để tiết kiệm chi đặc biệt chi thường xuyên để đảm bảo cân đối ngân sách, và triển khai quyết liệt công tác quản lý giá theo nguyên tắc thị trường, cùng phối hợp với các địa phương quản lý đầu vào giảm chi phí thúc đẩy sản xuất kinh doanh tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Nhận định về tình hình cân đối ngân sách năm nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng các kịch bản về giá dầu thô trong năm 2016 là 55 USD, 50 USD, 40 USD, 35 USD, 30 USD/thùng để làm cơ sở điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục áp dụng những biện pháp đã làm rất thành công trong năm 2015 như cắt giảm chi, điều chỉnh chính sách thu, hay tăng cường công tác thanh, kiểm tra chống thất thu, nợ đọng thuế sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm nay.
"Đặc biệt là từ kinh nghiệm điều hành giá cả, nếu giá xăng dầu xuống chúng ta sẽ điều hành thật tốt đảm bảo chi phí đầu vào của nền kinh tế, doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây là tiền đề quan trọng nhất để tăng thu cho ngân sách nhà nước trong tương lai" - Tư lệnh ngành Tài chính khẳng định.
Thái Nguyên đứng thứ 4 cả nước về xuất khẩu
Với kim ngạch đạt hơn 15,1 tỷ USD (tính đến hết tháng 11-2015), Thái Nguyên nằm trong Top 5 cả nước về xuất khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của địa phương này đã có sự tăng trưởng "nhảy vọt" khi so với kết quả 5,678 tỷ USD của năm 2014. Hiện Thái Nguyên đã vượt Đồng Nai trở thành địa phương có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 4 cả nước, sau TP.HCM, Bắc Ninh và Bình Dương.
Ngày 8-1, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Hải quan, lãnh đạo Phòng Quản lý Thương mại và Hội nhập Kinh tế quốc tế (Sở Công Thương Thái Nguyên) cho biết: Trong số hơn 15 tỷ USD xuất khẩu của địa phương kể trên, kim ngạch của DN trong nước chỉ chiếm khoảng 250 triệu USD, còn hầu hết đến từ doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là Tổ hợp sản xuất điện thoại của Tập đoàn Samsung tại KCN Yên Bình (Thị xã Phổ Yên).
Trong tháng 11-2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu của địa phương này đạt khoảng 1,5 tỷ USD thì có tới hơn 1,49 tỷ USD đến từ doanh nghiệp FDI, trong đó 1,443 tỷ USD là kim ngạch mặt hàng điện thoại và linh kiện.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 11-2015, cả nước 5 địa phương xuất khẩu trên 10 tỷ USD gồm: TP.HCM, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Đồng Nai. Trong đó, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu về xuất khẩu với trị giá kim ngạch 27,455 tỷ USD, giảm 1,145 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ đạt 28,6 tỷ USD). Với tổng giá trị kim ngạch đạt 92,432 tỷ USD, 5 địa phương nêu trên chiếm tới hơn 62,3% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cả nước.