Bán tháo cổ phiếu trên khắp thế giới
Mỗi năm nửa triệu tấn đường Thái nhập lậu vào Việt Nam
Mỗi ngày taxi Uber chuyển lợi nhuận 1 tỉ đồng về Hà Lan
Xuất khẩu gạo khởi sắc đầu năm 2016
Hợp tác đưa hàng VN vào Walmart
Tin kinh tế đọc nhanh 08-01-2016
- Cập nhật : 08/01/2016
HSBC: Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh trong năm 2016
Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016, HSBC nhận định, tăng trưởng mạnh sẽ còn tiếp tục nhưng quản lý chính sách vĩ mô cần phải khéo léo hơn nữa.
Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC vừa công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 1/2016 với chủ đề "Những kỳ vọng lớn".
Theo đó, báo cáo nhận định, nền kinh tế đã đạt được thành quả tốt trong năm 2015 với mức tăng trưởng GDP đạt gần 6,7% - mức tăng nhanh nhất trong vòng tám năm qua, trong khi lạm phát tăng chậm lại chỉ còn 0,6%.
Cụ thể, HSBC cho rằng, GDP quý IV năm 2015 đã tăng 7,1% đưa mức tăng trưởng cả năm đạt 6,7%. Đây là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2007, vượt qua mục tiêu do Chính phủ đề ra là 6,2%.
Nhu cầu nội địa là nguyên nhân quan trọng cho sự tăng trưởng này, hỗ trợ cho tăng trưởng sản lượng của ngành dịch vụ. Về mặt tiêu dùng, mức tiêu thụ cả năm đã tăng 9,1% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với mức tăng 6,5% trong năm 2014.
Theo các chuyên gia kinh tế HSBC, trái ngược với đà tăng trưởng của GDP, lạm phát của Việt Nam đã tăng chậm lại ở mức 0,6% trong năm 2015. Nguyên nhân chính là do giá năng lượng giảm, giá lương thực và giá mặt hàng cơ bản cũng duy trì mức giảm đáng chú ý.
“Chúng tôi duy trì mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2016 đạt 6,7% khi nhu cầu trong nước và xuất khẩu đều tăng mạnh” – HSBC nhận định.
Với mức tăng trưởng ở mức 6-7% một cách vững chắc, HSBC kỳ vọng lạm phát của Việt Nam sẽ tăng trở lại trong nửa sau của năm 2016, mặc dù tình trạng không chắc chắn xung quanh triển vọng này còn khá cao do khó khăn trong việc dự báo "đường đi" của giá dầu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia HSBC, một vài mức giá cả đã được giám sát như tiền học phí sẽ tăng trong năm nay. Cùng với những hiệu ứng cơ bản từ việc ổn định giá dầu và lạm phát giá thực phẩm có thể quay lại, tổ chức này đưa ra dự đoán lạm phát toàn phần sẽ tăng 3% vào nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ và tăng 5,1% vào nửa cuối năm 2016, vượt mức mục tiêu đề ra.
Dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016, HSBC nhận định, tăng trưởng mạnh sẽ còn tiếp tục nhưng quản lý chính sách vĩ mô cần phải khéo léo hơn nữa.
Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016 là 6,7%. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu đang phục hồi mức hai con số phản ảnh ở các khoản đầu tư mới. Nhu cầu nội địa sẽ vẫn mạnh nhờ vào chi tiêu cá nhân dồi dào do lãi suất thấp hỗ trợ.
“Tăng trưởng đã dịch chuyển vững chắc sang mức 6-7% nên chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trở lại một cách rõ ràng trong nửa cuối năm 2016 buộc NHNN chuyển sang chính sách thắt chặt” – HSBC nhận định.
Nỗi lo đến từ Trung Quốc
Trước rủi ro lớn nhất của thị trường chứng khoán là chính sách tiền tệ (sẽ dẫn đến tâm lý đầu tư yếu), duy trì một tỷ trọng đầu tư thấp vào lớp tài sản là cổ phiếu thời điểm này là việc cần làm.
Chỉ số mua hàng PMI tháng 12 của Trung Quốc đạt 49,7 thấp hơn dự báo của thị trường trước đó là 49,8 cho thấy nền kinh tế sản xuất tiếp tục tăng trưởng chậm. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này dưới 50 điểm. Các nhà phân tích tại ANZ cũng đưa ý kiến hạ tăng trưởng của Trung Quốc trong 2016 còn 6,4% so với 6,8% trong năm 2015.
Các số liệu kinh tế này đã làm cho thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, chạm các mức dừng giao dịch theo luật của nước này: nếu như chỉ số CSI 300 giảm hơn 5%, thị trường cổ phiếu, quyền chọn và chỉ số tương lai sẽ tạm ngừng giao dịch trong 15 phút. Với mức giảm hơn 7%, thị trường sẽ đóng cửa sớm trong phiên hôm đó.
Các thị trường thế giới trong mở cửa sau đó cũng chứng kiến phiên giảm điểm mạnh mẽ trên 2% do lo sợ sự trì trệ của Trung Quốc sẽ kéo theo suy thoái kinh tế đồng thời sự xung đột của Iran và Saudi Arabia cũng là nguyên nhân chính của sự sụt giảm này.
Theo trao đổi với các phân tích trong khu vực châu Á, họ vẫn lo sợ sự phá giá đồng Nhân Dân Tê (CNY) của Chính phủ Trung Quốc trong thời gian ngắn sắp tới. Điều này nếu xảy ra cũng sẽ là rủi ro lớn nhất cho thị trường chứng khoán. Điều cần lưu lý thêm, ngày hôm nay 4/1, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã công bố chính sách điều hành mới bằng lãi suất trung tâm được công bố hằng ngày, giúp chủ động ứng phó linh hoạt hơn với biến động tỷ giá trong thời gian tới.
Trước rủi ro lớn nhất của thị trường chứng khoán là chính sách tiền tệ (sẽ dẫn đến tâm lý đầu tư yếu), duy trì một tỷ trọng đầu tư thấp vào lớp tài sản là cổ phiếu thời điểm này là việc cần làm.
3 điều kiện để doanh nghiệp chứng khoán được phép tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Tổ chức tự doanh là quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán muốn tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thì phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Theo Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài vừa được Chính phủ ban hành thì có 6 tổ chức được phép tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
6 tổ chức gồm: 1- Công ty chứng khoán , công ty quản lý quỹ ; 2- Quỹ đầu tư chứng khoán thông qua công ty quản lý quỹ (quỹ đầu tư chứng khoán), công ty đầu tư chứng khoán; 3- Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; 4- Ngân hàng thương mại ; 5- Công ty tài chính tổng hợp; 6- Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước.
Theo quy định để được tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, tổ chức tự doanh phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài (không áp dụng đối với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán).
Tổ chức tự doanh là quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán muốn tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thì phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.
Riêng điều kiện đối với doanh nghiệp chứng khoán
Để được chấp thuận cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện sau:
1- Điều lệ của quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán có quy định cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài;
2- Công ty quản lý quỹ thực hiện việc quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán đầu tư gián tiếp ra nước ngoài có quy trình nội bộ, cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nhận dạng và quản trị rủi ro liên quan đến hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính theo quy định của Bộ Tài chính; có cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân sự đảm bảo thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Trường hợp công ty đầu tư chứng khoán tự quản lý vốn thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thì phải có quy trình nội bộ, cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nhận dạng và quản trị rủi ro liên quan đến hoạt động tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; có cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự để đảm bảo thực hiện tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3- Tài sản đầu tư ở nước ngoài của quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán phải được lưu ký tại một tổ chức được cấp phép hoạt động lưu ký theo quy định pháp luật nước ngoài và đã ký hợp đồng lưu ký với ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát tại Việt Nam của quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán.
Khu Đông và Nam TP.HCM tiếp tục là điểm đến của dự án nhà phố và biệt thự
Theo CBRE, quỹ đất ở khu Đông và Nam TP.HCM còn rất dồi dào, cơ sở hạ tầng ngày được cải thiện, và nguồn cầu cho cả mục đích mua-để-ở và mục đích kinh doanh đang có xu hướng tăng.
Theo báo cáo thị trường BĐS quý 4/2015, nhà phố và biệt thự tại TPHCM hoạt động khá tốt trong thời gian qua. Có hai dự án được chào bán trong quý 4/2015 là Citibella ở Quận 2 và Melosa Garden ở Quận 9, đóng góp thêm 221 căn, nâng tổng nguồn cung của TP.HCM lên 8.283 căn. Quận 9 chiếm phần lớn nguồn cung với 35%, theo sau là Quận 7 với 23% và Quận 2 với 14%.
Cũng trong Quý 4/2015, giá bán ở Quận 2 tăng nhiều nhất so với quý trước do nguồn chào bán mới hạn chế. Ngược lại, giá bán tại thị trường thứ cấp Quận 7 giảm nhẹ. Giá bán tại thị trường Quận 9, cũng giảm nhẹ do nhiều nguồn cung mới, khiến giá bán trên thị trường cạnh tranh hơn.
Trong báo cáo của mình, CBRE cho biết thị trường biệt thự và nhà phố xây sẵn dự đoán sẽ tiếp tục mở rộng mạnh về phía Đông và phía Nam TP.HCM. Lý do chính là quỹ đất ở những khu vực này còn rất dồi dào, cơ sở hạ tầng ngày được cải thiện, và nguồn cầu cho cả mục đích mua-để-ở và mục đích kinh doanh đang có xu hướng tăng.
Siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi sẽ soán ngôi thị trường bán lẻ
CBRE dự báo, theo xu hướng của các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, của hàng tiện lợi sẽ xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam trong tương lai.
Công ty tư vấn BĐS CBRE vừa công bố báo cáo thị trường BĐS TPHCM quý 4/2015. Theo đó, phân khúc bán lẻ tại TPHCM hoạt động khá tốt trong quý cuối năm.
Cụ thể, khu vực ngoài trung tâm chào đón thêm ba TTTM vào Quý 4/2015, Pearl Plaza ở Quận Bình Thạnh, Vincom Megamall ở Quận 2 và Emart ở Quận Gò Vấp, đóng góp thêm 105.000 m2 diện tích sàn vào tổng nguồn cung của TP.HCM.
Ngoại trừ Emart là chuỗi thương hiệu bán lẻ của Hàn Quốc lần đầu tiên được phát triển tại TP.HCM, thị trường bán lẻ quý này không có thương hiệu mới nào nổi bật. Tiếp tục xu hướng gần đây, ngành hàng ăn uống và thời trang trung cấp giữ vai trò chính trong việc thu hút người mua đến các TTTM, đặc biệt là khu vực ngoài trung tâm. Chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh nổi tiếng McDonald’s mở rộng ra cửa hàng đầu tiên ở Quận 2 tại Vincom Megamall và Starbucks mở thêm một cửa hàng ở Quận Gò Vấp tại Emart.
Giá thuê ở khu vực trung tâm và ngoài trung tâm ổn định và gần như không thay đổi trong Quý 4/2015, ở tất cả các hạng mục bao gồm TTTM, TTTM tổng hợp và khối đế bán lẻ. Tỷ lệ trống đã được cải thiện và giảm xuống 8% so với mức 10% trong quý trước, do ba TTTM mới kể trên có tỷ lệ lấp đầy khả quan.
Quận 1 chào đón một mô hình bán lẻ mới trên đường Nguyễn Huệ là Saigon Garden. Mặc dù diện tích đất nhỏ, Saigon Garden mang lại cho khách, chủ yếu là giới trẻ và người nước ngoài, một trải nghiệm mua sắm mới với rất nhiều không gian xanh và mở bên trong. Khách có thể tìm thấy quán bar, cửa hàng liên kế, nhà hàng, quầy triển lãm ngay bên trong Saigon Garden, rất khác biệt với không khí nhộn nhịp, đông đúc bên ngoài.
Năm 2016, thị trường TP.HCM dự đoán sẽ chào đón thêm 15 cửa hàng thuộc AuchamSuper, một thương hiệu bán lẻ của Pháp. Việc này sẽ củng cố sự hiện diện của các thương hiệu nước ngoài tại TP.HCM. Tính đến năm 2015, chỉ có một thương hiệu nước ngoài là Big C lọt vào danh sách năm thương hiệu bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam bên cạnh những thương hiệu trong nước như Saigon Co.op, Mobile World, Nguyen Kim Trading và Saigon Jewelry.
CBRE dự báo, theo xu hướng của các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, của hàng tiện lợi sẽ xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam trong tương lai.
Trước đó, một báo cáo của Công ty Nielsen cũng khẳng định thời gian tới, mức độ phủ sóng của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini sẽ bùng nổ tại Việt Nam dù cách đây 10 năm, nó đã từng xuất hiện và không thành công như mong đợi. Nielsen cũng cho cho rằng, sự phát triển của chuỗi cửa hàng tiện ích nó sẽ không phải là cuộc cách mạng trong kênh bán lẻ hiện đại mà là một sự nhảy vọt của kênh bán lẻ hiện đại ở thị trường Việt Nam
Được biết, năm 2014, số lượng cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM là 326 cửa hàng, tăng gần 200 cửa hàng so với năm 2012. Tại Hà Nội, số lượng cửa hàng tiện lợi chiếm số lượng còn ít nhưng siêu thị mini lại tăng nhanh chóng. Cụ thể năm 2012, Hà Nội chỉ có 321siêu thị mini nhưng năm 2014 tăng lên 602 siêu thị.