Tỉ phú George Soros: Thị trường toàn cầu đang bước vào khủng hoảng
Số căn hộ tiêu thụ tại Hà Nội tăng gần gấp đôi
Sàn chứng khoán TP.HCM 'bốc hơi' hơn 180 tỉ đồng
Tăng trưởng VN dự báo thấp hơn Myanmar, Lào, Campuchia
USD mạnh tác động đến kinh tế Nga như thế nào?
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 07-01-2016
- Cập nhật : 07/01/2016
HSBC dự báo tiền đồng tiếp tục mất giá
Theo báo cáo triển vọng kinh tế mới được công bố, ngân hàng HSBC nhận định cùng với việc thâm hụt thương mại mở rộng, tiền đồng và dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang chịu áp lực ngày càng lớn. Cặp tỷ giá VND/USD đang được giao dịch ở ngưỡng cao của biên độ cho phép. Đồng nhân dân tệ ngày càng yếu đi đã làm tăng áp lực lên tiền đồng. "Khi nguồn dự trữ ngày càng mỏng, tính theo giá trị nhập khẩu đã giảm còn 2,1 tháng vào quý III/2015, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ giảm dần can thiệp và cho phép tiền đồng giảm giá thêm nữa trong những tháng tới", HSBC nhận định. Trên thực tế, chỉ trong ngày 4/1/2016, một cơ chế điều chỉnh tỷ giá mới đã được thiết lập cho phép tỷ giá được biến động linh hoạt theo thị trường.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố cơ chế điều chỉnh mới đối với tiền đồng, căn cứ theo tỷ giá trung tâm được thông báo hằng ngày.
Nhận xét chung về tiềm năng tăng trưởng, nhà băng ngoại cho biết Việt Nam còn rất lớn và hãng lạc quan về triển vọng ngắn hạn cho nền kinh tế. "Chúng tôi giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7% so với cùng kỳ, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ. Chúng tôi nâng mức dự báo năm 2017 lên thêm 0,1 điểm phần trăm thành 6,8% so với cùng kỳ", báo cáo nêu.
Với mức tăng trưởng đã chuyển hẳn sang 6-7%, HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng trở lại trong nửa sau của năm 2016 và dự kiến vượt qua mức mục tiêu đề ra 5%. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải thực hiện chính sách thắt chặt, song về phần mình, Ngân hàng Nhà nước có vẻ khá thư giãn về vấn đề giá cả trong tương lai.
Trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay Ngân hàng Nhà nước dự định giữ lãi suất ổn định ở mức hiện tại nếu lạm phát được giữ ở khung 3-5%. Tăng trưởng tín dụng được đặt mục tiêu 18%, dù rằng con số này có thể đạt cao nhất 20%.
Tuy nhiên, ngay cả khi tăng trưởng tín dụng được giám sát ở mức thấp hơn mục tiêu đề ra và lạm phát cơ bản được kiềm chế, HSBC cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể thắt chặt dần dần trong nửa cuối năm nay, bằng việc tăng lãi suất thêm 0,05% trong quý III để giảm thiểu rủi ro. Trong quá khứ, Việt Nam đã chủ trương áp dụng chính sách ủng hộ tăng trưởng mà kết quả là bùng nổ tín dụng, khiến nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, bất ổn tiền tệ xảy ra.
Song, báo cáo cũng nhấn mạnh tăng trưởng Việt Nam sẽ gặp nhiều trở ngại nếu không thực hiện thành công cải cách. Tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước là cần thiết để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Cải cách khu vực tài chính phải được đào sâu thêm nữa và việc quản trị cần được củng cố để cải thiện việc phân bổ tín dụng, nếu không sẽ dẫn đến kích hoạt một chu kỳ bùng nổ và phá sản trong tương lai.
8 doanh nghiệp sữa thoát truy thu thuế hàng trăm tỷ đồng
Văn bản trình Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo về việc xử lý quyết định truy thu thuế với Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) và 7 doanh nghiêp nhập khẩu sữa được lãnh đạo Bộ Tài chính gửi đi mới đây. Trước đó, 8 doanh nghiệp sữa đã gửi đến công văn kiến nghị đến Thủ tướng và Bộ Tài chính khi cho rằng có sự bất nhất trong việc xác định biểu thuế của cơ quan hải quan với mặt hàng Anhydrous Milkfat nhập khẩu.
8 doanh nghiệp sữa vẫn được công nhận cách kê khai mã số mặt hàng chất béo khan từ sữa / bơ mà không bị truy thu thuế. Ảnh: H.H.
Theo các doanh nghiệp, mặt hàng này là dầu bơ khan hay gọi cách khác là chất béo khan từ sữa. Trước đây, họ đều khai báo mã số thuế là 0405.90.10, với mức thuế suất nhập khẩu là 5%. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan gần đây lại có công văn cho rằng đây là hai mặt hàng khác nhau và thay đổi mã số thuế của mặt hàng này, yêu cầu truy thu thuế các doanh nghiệp ngược trở lại từ năm 2010. Nguyên nhân là mặt hàng nhập về được xác định là chất béo khan của sữa (thuế suất nhập khẩu là 15%) chứ không phải chất béo khan từ bơ (thuế suất nhập khẩu là 5%).
Trước những phản ứng từ doanh nghiệp và một số đại diện ngoại giao, Bộ Tài chính vẫn cho rằng việc tách biểu thuế với hai mã số cho hai mặt hàng trên là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn kiến nghị Thủ tướng chấp nhận mã số và mức thuế suất theo khai báo của các doanh nghiệp đã được cơ quan hải quan thông qua trước đây.
Như vậy, với đề xuất này, Bộ Tài chính đã bác quyết định truy thu thuế đối với 8 doanh nghiệp sữa. Theo nguồn tin của VnExpress, nếu phải truy thu, số thuế các doanh nghiệp phải nộp có thể từ 700 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng thừa nhận mức thuế nhập khẩu 15% với mặt hàng chất béo khan của sữa - nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm sữa chua, sữa hoàn nguyên trong nước là quá cao. Do đó, cơ quan này đã sửa đổi mức thuế suất nhập khẩu xuống 5% (bằng với mặt hàng chất béo khan từ bơ).
Bộ Tài chính cũng dẫn kinh nghiệm quốc tế cho thấy có sự khác nhau trong phân định hai mặt hàng này. Mỹ và New Zealand tách riêng dòng hàng cho chất béo khan từ sữa mà không định danh riêng dòng hàng chất béo khan từ bơ. Còn Thái Lan, nước này cũng phân biệt rõ hai mặt hàng này là khác nhau.
Căn hộ dịch vụ cho thuê có thể tăng giá 10% trong năm 2016
Năm 2016, thị trường TP HCM dự kiến sẽ đón thêm 5 dự án căn hộ dịch vụ mới. Ở nhóm hạng A, Tập đoàn Ascott Limited lên kế hoạch giới thiệu dự án Waterfront Saigon. Trong khi 4 dự án còn lại thuộc hạng B gồm: Saigon Plaza do Quốc Cường Gia Lai đầu tư, C.T Plaza của Tập đoàn C.T, Viettel Tower của Tập đoàn Viettel và New Pearl của Tập đoàn Sunny Worl Property Development.
Trước đó, thị trường bất động sản tiêu dùng cao cấp tại TP HCM cũng ghi nhận sự xuất hiện của 2 nhà quản lý căn hộ dịch vụ tên tuổi là Tập đoàn Windsor Management và Ascott.
Theo đánh giá của CBRE, ngành căn hộ dịch vụ vẫn còn sức hút lớn thông qua việc ngày càng có nhiều dự án hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà quản lý quốc tế hoặc các công ty địa phương nhiều kinh nghiệm.Ngoài ra, các hiệp ước lao động mới được ký kết trong năm 2015 sẽ tạo điều kiện để nguồn cầu tiếp tục tăng trưởng tại khu vực trung tâm thành phố từ các khách hàng doanh nhân của các tập đoàn đa quốc gia, chủ yếu là Nhật và các nước thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, dự báo lạc quan về triển vọng thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê năm 2016 đang vấp phải hoài nghi. Bởi lẽ, ngay trong báo cáo quý IV/2015 của đơn vị này cho thấy giá thuê căn hộ dịch vụ tại TP HCM giảm 1,2-3,8%.
Tổng giám đốc Công ty tư vấn đầu tư Phú Vinh, Phan Công Chánh cho rằng thị trường bất động sản cho thuê sắp bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trong 7-12 tháng tới. Theo đó, nguồn cung căn hộ cao cấp đứng trước nguy cơ sẽ trở nên dư thừa ngắn hạn từ nửa cuối năm 2016, dẫn đến nhiều khả năng sụt giảm giá thuê cục bộ ở một số khu vực.
Các loại hình bất động sản cho thuê tự phát quy mô nhỏ: căn hộ dịch vụ mini, phòng trọ cao cấp cho thuê, khách sạn chuyển sang nhà cho thuê trung hạn cũng đang đón nhận khá nhiều nhà đầu tư tham gia. Căn hộ dịch vụ cho thuê được xếp hạng theo các chuẩn A, B, C mặc dù ở một phân khúc cao hơn phần còn lại nhưng vẫn không tránh khỏi xu hướng gia tăng nguồn cung đáng kể trong thời gian tới.
"Điều này cho thấy cơ hội tăng giá căn hộ dịch vụ cho thuê có thể vấp phải một số chướng ngại vật nhất định do nguồn cầu tăng quá nhanh.Vì vậy, cần thận trọng khi đưa ra kỳ vọng tăng giá. Cuộc chơi chỉ phù hợp cho những chủ đầu tư biết hoạch định kế hoạch lâu dài và bài bản", ông nói.
2 đại gia tranh mua Vinamotor trong thương vụ 1.250 tỷ đồng
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố các nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia phiên đấu giá 85,6 triệu cổ phần (97,7% vốn) của Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamotor) sẽ diễn ra ngày 11/1 tới. Đây là số cổ phần mà Bộ Giao thông vận tải mong muốn thoái theo chủ trương cổ phần hóa Vinamotor.
Theo HNX, chỉ có 2 nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam và Công ty cổ phần Phát triển TN.
Motor N.A được thành lập năm 2005, địa chỉ tại quận Tây Hồ, Hà Nội và ngành nghề kinh doanh chính là đại lý ôtô, xe máy, bất động sản. Hiện công ty đang quản lý trực tiếp đại lý ôtô Tây Hồ rộng gần 6.000 m2. Với tiềm lực tài chính và kinh nghiệm 10 năm phân phối cho các hãng xe lớn trên thế giới, Motor N.A cam kết đưa Vinamotor thành nhà sản xuất, phân phối ôtô hàng đầu Việt Nam.
Theo thông tin công bố, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2015 khá khiêm tốn (8,4 tỷ đồng), trong khi cả năm 2014 cũng chỉ đạt 1,2 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Phát triển TN được thành lập năm 2002, cũng có địa chỉ tại quận Tây Hồ. Doanh nghiệp này hoạt động đa ngành nghề nhưng lĩnh vực cốt lõi vẫn là bán buôn các loại ôtô, xe máy, hàng tiêu dùng, vận tải hành khách đường bộ. Ngoài ra, công ty cũng kinh doanh bất động sản, nhà hàng và dịch vụ lưu trú…
TN cho biết mục đích của việc mua Vinamotor là đầu tư tài chính và phát triển kinh doanh. Nguồn tiền dùng để mua là vốn tự có của doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 6, công ty có vốn điều lệ 1.223 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 230 triệu đồng. Lợi nhuận năm 2014 cũng chỉ đạt 783 triệu đồng.
Với giá khởi điểm là 14.612 đồng một cổ phần, hai công ty này phải chi tối thiểu 1.250 tỷ đồng để sở hữu Vinamotor. Trước đó, từng có nhiều đại gia đánh tiếng mua lại Vinamotor như Công ty Ôtô TMT, Công ty Đầu tư và phát triển Sacom... song đều bỏ cuộc vì quy định đấu giá cổ phần của Vinamotor khá khắt khe. Theo đó, điều kiện mà phía Bộ Giao thông đưa ra là đơn vị tham gia đấu giá phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 926 tỷ đồng, không có lỗ lũy kế và cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm.
Vinamotor được cổ phần hóa từ năm 2014, với vốn điều lệ 876 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp ôtô: Sản xuất xe động cơ, thân xe, rơ-moóc và bán rơ-moóc, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe, môtô, xe máy...
Cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô trong nước, kết quả kinh doanh của Vinamotor có sự tăng trưởng nhất định. Năm 2014, tổng doanh thu của công ty đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 32% so với 2013. Lợi nhuận sau thuế đạt 165 tỷ đồng, tăng 11 lần cùng kỳ.
Tổng tài sản của doanh nghiệp khi đó đạt 1.854 tỷ đồng, giảm 15,5% so với đầu năm, trong khi nợ phải trả đạt 768 tỷ đồng (nợ ngắn hạn 644 tỷ). Hiện Vinamotor cũng đang sở hữu 6,5 triệu cổ phần, tương ứng 21,8% vốn điều lệ của Công ty ôtô TMT.
VietinBank báo lãi 7.360 tỷ đồng năm 2015
Thông tin trên được lãnh đạo Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết tại hội nghị tổng kết năm 2015 ngày 6/1. Đến hết 31/12/2015, tổng tài sản của nhà băng tăng 17,8% khi đạt 779.000 tỷ đồng, tín dụng tăng 24,2% so với năm 2014. Trong đó, dư nợ bán lẻ tăng mạnh 51%. Tổng nguồn vốn huy động cũng tăng 18% so với năm 2014.
Năm 2015, VietinBank cũng đã phát hành thành công hơn 8.000 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp, bổ sung lượng vốn tự có. Hết năm 2015, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của nhà băng này đạt 7.360 tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch được Đại hội cổ đông đặt ra. Tỷ suất sinh lời ROE và ROA lần lượt là 10,2% và 1,0%.
Theo báo cáo của ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu năm 2015 là 0,85%.
Năm 2016, ngân hàng này dự kiến tiếp tục tăng trưởng 15-17% tổng tài sản, huy động vốn và tín dụng tăng 18-20%, tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 3%.
Dự kiến trong quý I năm nay, VietinBank sẽ hoàn tất sáp nhập với Ngân hàng Xăng dầu (PGBank).