Tỷ phú Thái đua nhau rót vốn vào Việt Nam
Thoái vốn tại Sabeco nghiêng về phương án bán theo lô
Bí thư Hoàng Trung Hải: Hà Nội cần huy động 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng vốn đầu tư trong 5 năm tới
HSBC quan ngại Việt Nam ‘thúc’ tăng trưởng kinh tế
Ụ nổi hơn 500 tỷ của Vinalines, nay bán được 38,5 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-06-2016
- Cập nhật : 04/06/2016
Forbes lý giải nguyên nhân các hãng bán lẻ Thái Lan thích vào Việt Nam
Trong mấy năm trở lại đây, thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam đã thu hút được nhiều sự chú ý từ các tập đoàn nước ngoài. Đặc biệt, một loạt thương vụ vừa qua của ngành bán lẻ mang đậm dấu ấn của người Thái.
Ngành bán lẻ Thái Lan tăng trưởng trung bình 8% trong 10 năm tính đến năm 2012 nhưng đã sụt giảm 3% trong 2 năm 2013 và 2014. Năm ngoái mức sụt giảm là 1%.
Nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường này suy giảm là do quy mô của hộ gia đình ở các đô thị Thái ngày càng thu nhỏ. Người tiêu dùng cũng có xu hướng bảo thủ về nhận dạng thương hiệu và vẫn phụ thuộc vào thu nhập từ hoạt động nông nghiệp, do đó họ không thể trở thành lực đẩy cho ngành bán lẻ.
Trong bối cảnh ấy, ngoài các giải pháp khai thác tối đa lượng khách hàng nội địa sẵn có, mở rộng ra nước ngoài là con đường sáng sủa hơn.
Ngược lại, ở Việt Nam, các hãng bán lẻ Việt vẫn chưa thể thích ứng kịp và đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng tăng cả về chất lượng và số lượng. Thế hệ người tiêu dùng trẻ ở các thành phố lớn cũng cởi mở và sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm ngoại. Đặc biệt, hàng Thái rất được chào đón vì chất lượng cao và bao bì hấp dẫn.
Bên cạnh đó Việt Nam cũng có cơ cấu dân số lý tưởng để ngành bán lẻ phát triển, với nhóm từ 15 đến 64 tuổi chiếm tỷ trọng hơn 70% trong 2 năm gần đây. Điều này giúp ngành bán lẻ có tốc độ tăng trưởng trung bình lên tới 8% trong 2 năm qua.
Thu nhập khả dụng trung bình của Việt Nam cũng tăng trưởng tốt, tạo điều kiện lý tưởng cho tiêu dùng bùng nổ và đem đến cơ hội lớn cho những công ty có thể cung cấp những gì người tiêu dùng mong muốn.
Các công ty Thái đã để mắt đến thị trường sinh lợi này. Ngày càng nhiều sản phẩm xuất xứ Thái Lan xuất hiện trên kệ bán hàng và Forbes dự đoán xu hướng sẽ tiếp tục tiếp diễn cho đến ít nhất là năm 2030.
Bộ trưởng OPEC: Thị trường dầu mỏ đang đi đúng hướng
Trong khi “kiến trúc sư” cho các chính sách hiện nay của OPEC - Ảrập Xêút – vẫn chưa lên tiếng, bộ trưởng của các quốc gia khác như Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Nigeria đã ra những tín hiệu cho rằng chiến lược ép giá thấp để triệt tiêu thặng dư sản lượng đã có tác dụng. Một số nhà kinh doanh dầu mỏ lớn nhất thế giới nhận định rằng nhu cầu sử dụng ngày càng tăng lên cũng là yếu tố giúp tái cân bằng thị trường dầu mỏ.
Ngày 31/5, Bộ trưởng Dầu mỏ UAE – ông Suhail Al Mazrouei – cho rằng thị trường dầu mỏ đã tự cải thiện theo hướng đi lên kể từ đầu năm cho tới nay. Thị trường này sẽ tự đưa ra một mức giá dầu mỏ cân bằng cho cả người sử dụng lẫn người sản xuất.
Người đồng cấp bên phái Nigeria cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của ông Al Mazrouei. Ông này nhận định rằng sự lạc quan đã trở lại giữa các nhà sản xuất sau khi giá dầu tăng 85% kể từ lúc bắt đáy vào giữa tháng 2.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến có phần bi quan hơn. Bộ trưởng Năng lượng Venezuelan – ông Eulogio Del Pino – cho rằng vẫn còn nhiều việc để làm bởi sự phục hồi của giá dầu hiện nay là do nguồn cung bị gián đoạn bất ngờ chứ không phải là do chiến lược của OPEC thành công.
Xu hướng thị trường
Các nhà dự báo như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hay Goldman Sachs Group Inc. nhận định rằng vấn đề dư cung dầu thô cuối cùng cũng đã được giải quyết khi chính sách bóp nghẹt các nhà sản xuất chi phí cao của Ảrập Xêút ban hành từ năm 2014 đã cho thấy hiệu quả. Theo kết quả khảo sát của Bloomberg, các thành viên của OPEC sẽ không thay đổi hướng đi và chính sách trong cuộc họp trong tuần này.
Bộ trưởng Emmanuel Ibe Kachikwu của Nigeria cho rằng xu hướng thị trường hiện nay đang dần tốt lên và áp lực khiến các nhà sản xuất phải suy tính tới thỏa thuận đóng băng sản lượng đã không còn. Giá dầu đang đi đúng hướng nhưng có lẽ nó cần được đẩy nhanh tốc độ hơn nữa.
Trong khi đó, ông Del Pino lại tỏ ra tiếc nuối cho thỏa thuận đóng băng sản lượng thất bại vào tháng 4 vừa qua. Nguyên nhân của “thất bại Doha” là bởi Iran – quốc gia vừa mới được gỡ bỏ lệnh trừng phạt từ phương Tây – không tham gia, dẫn tới việc Ảrập Xêút quyết định dừng đám phán thỏa thuận này. Theo ông Del Pino, khoảng cách cung-cầu dầu thô được thu hẹp hiện nay là nhờ những sự kiện bất ngờ xảy ra tại Canada, Nigeria và Kuwait, khiến các nhà sản xuất này không đạt được sản lượng như mong đợi.
Ông Del Pino cho rằng nếu nhìn vào thực tế trong 3-4 tháng qua, thỏa thuận đóng băng sản lượng sẽ thực sự hữu ích bởi nó sẽ khiến sản lượng dầu mỏ giảm đi khoảng 3 triệu thùng/ngày.
Góc nhìn của nhà kinh doanh
Các nhà đầu tư cho rằng thị trường hiện nay đang có những dấu hiệu lấy lại sự cân bằng sau khoảng 2 năm rưỡi rơi vào tình trang dư cung.
Trong một cuộc phỏng vấn, giám đốc Marco Dunand của Mercuria Energy Group Ltd. cho rằng sự tái cân bằng thị trường đang diễn ra nhanh hơn dự báo bởi nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu cao bất ngờ tại Mỹ và Ấn Độ.
IEA dự báo rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm nay trong khi ông Dunand cho rằng con số này có thể lên tới 1,5 triệu thùng/ngày hoặc thậm chí 1,8 triệu thùng/ngày.
Giá dầu Brent và WTI đã tăng lên mức 50 USD/thùng trong tuần trước. Đây là lần đầu tiên giá dầu có thể chạm mốc này kể từ tháng 10/2015. Các ngân hàng của Mỹ đã nâng dự báo giá dầu của họ. Ví dụ như Goldman Sachs đưa ra dự báo rằng giá dầu có thể đạt mức 50-60 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.
Theo giám đốc phân tích David Fyfe của Gunvor Group Ltd, các nhà sản xuất hiện nay vẫn còn dư thừa 360 triệu thùng trong kho và số dầu này cần được giao dịch hết trước khi giá dầu vượt mức 50 USD/thùng.
FED với khả năng tăng lãi suất 3 lần trong năm nay
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Kovacevich cho rằng FED nên tăng lãi suất trong cuộc họp giữa tháng 6 tới để xác định xem liệu thị trường có thể chịu được thêm những đợt tăng lãi suất tiếp theo vào cuối năm hay không.
Nếu tăng lãi suất trong tháng 6, FED sẽ có thêm lựa chọn để có thể tăng lãi suất vào tháng 9 và thậm chí thêm 1 lần nữa vào tháng 12 nếu các số liệu kinh tế ủng hộ và họ muốn như vậy.
Vị cựu lãnh đạo của Wells Fargo cho rằng bà Janet Yellen và các cộng sự nên thực hiện điều này càng sớm càng tốt bởi họ sẽ có thêm thời gian để chờ đợi và quan sát phản ứng trước khi đưa ra quyết định có vào cuộc họp tháng 9 và/hoặc tháng 12.
Không hề có dự báo nào của thị trường về việc FED có thể tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 14-15/6 tới đây cho đến khi biên bản cuộc họp tháng 4 của FED được công bố. Theo biên bản này, các nhà hoạch định chính sách sẽ có thể tăng lãi suất nếu các số liệu kinh tế cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II/2016, thị trường lao động sẽ được cải thiện và lạm phát tiến gần hơn tới mục tiêu 2%.
Ông Kovacevich cho rằng việc FED giữ lãi suất gần bằng không trong suốt thời gian dài là bởi họ cho rằng nền kinh tế số 1 thế giới chưa đủ mạnh để hỗ trợ cho việc tăng lãi suất.
Cá tra liên tục rớt giá: Doanh nghiệp tranh giành khách, tự triệt tiêu nhau
Tự triệt tiêu
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có trên 6.000 ha nuôi cá tra, sản lượng hơn 1 triệu tấn, xuất khẩu có lúc đạt gần 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nhìn lại hơn chục năm qua, giá cá tra cứ theo đà tụt dần, từ hơn 4 USD/kg năm 2003, nay chỉ còn khoảng 2,5 USD/kg; kim ngạch xuất khẩu năm 2015 cũng chỉ còn 1,56 tỷ USD.
Theo ông Thắng, tính liên kết của các DN chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam rất kém: “Ông cha bảo buôn có bạn, bán có phường; chúng ta cũng nói thế, nhưng không làm”. Ông này cho rằng, giá cá tra giảm là quá trình các DN tự phá giá, tự triệt tiêu lẫn nhau. “Mỗi hội chợ, các DN đều cam kết không phá giá, thế này thế kia, nhưng cuối cùng thì mạnh ai nấy làm”- ông Thắng nói.
“Vua tôm” Lê Văn Quang - Chủ tịch Cty CP Tập đoàn Minh Phú, có lần chia sẻ: “Khi tôi đi bán tôm, làm việc với khách hàng nước ngoài, họ nói rằng: Người Việt Nam bán cá tra, basa như gánh vàng đổ ra biển. Cá tra, basa của Việt Nam ăn rất ngon, người Mỹ, châu Âu rất thích, nói là trên 10 USD/kg cũng mua, chứ không chỉ giá chưa đến 3 USD/kg như hiện nay”.
Theo ông Quang, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) từng đưa ra giá sàn xuất khẩu, các DN cũng chấp nhận, nhưng sau đó DN lại “thối lại” cho lại khách tới mấy chục cent. “Có khách hàng bảo, họ vừa mua được của DN Việt Nam giá 4 USD/kg, tưởng thế là rẻ; nhưng khi tàu của họ về được nửa đường, DN Việt lại chỉ bán giá 3,8 USD/kg cho khách khác; khi tàu về đến nơi, lại có người bán chỉ 3,5 USD/kg…” - ông Quang nói.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó Chủ tịch VASEP, mấu chốt vấn đề giá cá tra là dùng chất tăng trọng (được phép), làm cho miếng phile cá tra hút nhiều nước thêm. “Cá tra thì rất tốt, nhưng phile cá tra có vấn đề, phile chất lượng thấp, thì bán giá thấp thôi”- ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết, phần lớn cá tra xuất khẩu dưới dạng phile đông lạnh, phần chế biến giá trị gia tăng rất ít, muốn cá tra phile giá cao, phải bớt nước đi. Hiện có DN làm tốt, họ không đưa nước vào phile, nên có thể xuất được với giá tới 5 USD/kg ở thị trường Anh. “Hay như phile cá tra hun khói, chắc chắn giá sẽ khác với phile đông lạnh, nó có thể đi được nhiều thị trường. Như thị trường Nhật, vốn lâu nay không nhập lô cá tra phile động lạnh nào, nhưng hun khói họ lại mua”- ông Dũng nói.
Là người theo dõi sát ngành cá tra thời gian qua, ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho rằng, thực ra, giá cá giảm nhanh. Trong một thời điểm, sản lượng tăng quá nhanh, từ vài trăm nghìn tấn lên cả triệu tấn, phát triển thị trường không kịp. Sau đó, đến giai đoạn ngành cá tra “đau đầu” vì hàng kém chất lượng.
Đề xuất phạt DN không theo “phường”
Theo Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thời gian qua, dù có nhiều cam kết, thỏa thuận thống nhất về giá cho từng sản phẩm cá tra xuất khẩu, nhưng khi thực hiện, nhiều DN không tuân thủ. “Sau khi cam kết, DN vẫn hạ giá với nhiều lý do, Hiệp hội cũng không làm gì được” - ông Thắng nói.
Để ngành cá tra “buôn có bạn, bán có phường”, lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, mỗi khu vực, thị trường, cần tập hợp nhóm DN xuất vào thị trường đó. Nhóm DN này cần thống nhất về khung giá cả, chất lượng sản phẩm…để làm, nếu ai làm khác là vi phạm. Chẳng hạn, thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh (hiện chiếm trên 10% thị phần) nếu không thống nhất được, sẽ rất ảnh hưởng đến ngành cá tra Việt Nam.
“Nếu bán rẻ mà có lãi, đó cũng là cách để chiếm lĩnh thị trường. Còn mình bán rẻ mà lỗ, đi nợ ngân hàng, phá sản, gây thiệt hại cho xã hội, thì đâu có được”.
Bà Trương Thị Lệ Khanh
Ông Thắng đề nghị, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương cho phép Hiệp hội Cá tra có quyền công bố danh sách các thành viên trong hiệp hội không tuân thủ các cam kết, quy chế, điều lệ trong phát triển ngành hàng bền vững; đồng thời ban hành các chế tài phạt các thành viên này khi Hiệp hội công bố danh sách.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vĩnh Hoàn- DN xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước nhiều năm qua cho rằng: DN không muốn bán rẻ, nhưng do thị trường quyết định. “Bán đắt hay rẻ cũng khó nói. Vấn đề là mình đừng để lỗ, phá sản. Còn nếu bán rẻ mà có lãi, đó cũng cách để chiếm lĩnh thị trường. Còn mình bán rẻ mà lỗ, nợ ngân hàng, phá sản, gây thiệt hại cho xã hội, thì đâu có được”- bà Khanh nói.
Theo bà Khanh, cá tra Việt Nam đang phải cạnh tranh với các loại cá thịt trắng ở nhiều nước, bị tác động bởi truyền thông quốc tế; phụ thuộc vào sản lượng, chất lượng… “Cá tra là một câu chuyện dài. Có thời, thấy có lãi, ai cũng nhảy vào làm, kể cả người ở lĩnh vực khác, nên mới phát triển nóng. Đến khi sản lượng nhiều quá, quản trị rủi ro không chuyên nghiệp, không phân tích thị trường…dẫn đến hậu quả”- bà Khanh nói. Chủ tịch Công ty CP Vĩnh Hoàn cũng cho rằng: “Hãy để cho thị trường điều tiết, ắt ngành cá tra sẽ tự sắp xếp lại. DN làm ăn không hiệu quả, ngân hàng không cho vay, thì phải bán cho người làm hiệu quả hơn”.
22 tỷ USD vốn ODA “tắc” thực chất chỉ là vốn cam kết
Trước những lo lắng về việc 22 tỷ USD vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đang bị đọng lại, lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, đây chỉ là vốn cam kết và chưa ký chính thức với các nhà tài trợ.
Tại cuộc hội thảo diễn ra sáng nay (3/6) tại Hà Nội, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, khoản 22 tỷ USD không phải là vốn thực tế các nhà tài trợ ký với Chính phủ Việt Nam mà chỉ là cam kết.
Theo ông Hải, luôn có sự chênh lệch đáng kể giữa con số cam kết của các nhà tài trợ và khoản giải ngân thực tế. Trung bình một vài năm trở lại, mỗi năm Việt Nam giải ngân được khoảng 5 tỷ USD vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi.
Trước câu hỏi, liệu thiếu vốn đối ứng có phải là nguyên nhân khiến 22 tỷ USD khó giải ngân, ông Hải phản hồi rằng, đây chỉ là một trong số các vấn đề hiện tại.
Ông Hải nhấn mạnh, vốn đối ứng chỉ là vấn đề với những dự án đã và đang triển khai còn thực tế khoản 22 tỷ USD đang nhắc tới chỉ là vốn cam kết.
Điều này theo ông đồng nghĩa khoản vốn trên chưa chính thức được ký kết. “Quá trình này phải trải qua các bước như đàm phán với nhà tài trợ để xem các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nào, ở đâu, cam kết căn cứ vào điều kiện thực tế ra sao rồi mới tiến hành ký kết”, ông Hải nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hải, Bộ luôn phối hợp chặt với Bộ Kế hoạch đầu tư chuẩn bị các bước triển khai giải ngân dự án làm sao nhanh nhất có thể. “Chẳng hạn như sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 16 thì Bộ Tài chính đã giới thiệu Thông tư hướng dẫn triển khai. Bộ Kế hoạch đầu tư hiện cũng dự thảo nghị định này phần trách nhiệm của bộ Kế hoạch đầu tư”, ông Hải nói.
Ngoài ra, ông Hải cũng thông tin, hiện ODA tập trung nhiều vào giao thông, sau đó tới y tế giáo dục.
Trước đó, ngày 2/6 trong phiên họp báo Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng khẳng định, tổng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã được giải ngân lũy kế đến tháng 5/2016 đạt khoảng 71% tổng vốn ODA ký kết.
Về con số 22 tỷ USD vốn cam kết, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, có 2,15 tỷ USD phải sẽ phải giải ngân trước năm 2016, còn lại là những dự án đã có kế hoạch giải ngân theo lộ trình đến năm 2020 và nhiều dự án sau năm 2020.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh việc Chính phủ sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA phải thực hiện giải ngân theo đúng tiến độ đã cam kết trong hiệp định, bảo đảm sử dụng vốn hiệu quả.