tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 03-06-2016

  • Cập nhật : 03/06/2016

Tín dụng 5 tháng tăng nhanh hơn cùng kỳ 2015, xuất siêu 1,36 tỷ USD

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 1,88% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 5 tăng 2,28%, bình quân 5 tháng tăng 1,59%. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm tăng 1,78% so với cùng kỳ năm trước.

Lãi suất huy động VND tương đối ổn định. Lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm.

Tính đến ngày 20/5/2016, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 5,88% so với tháng 12/2015 (cùng kỳ năm 2015 tăng 3,64%). Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 4,52% (cùng kỳ tăng 4,26%).

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,4% so với tháng trước; tính chung 5 tháng đầu năm tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,2%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2015; nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 7,8%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, duy trì được xuất siêu (5 tháng xuất siêu 1,36 tỷ USD, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội trong 5 tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Lạm phát 5 tháng đã tăng 1,88%, trong khi sức ép về tăng giá còn rất lớn.

Sản xuất nông nghiệp và thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể vẫn còn ở mức cao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số nhóm giải pháp như kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô (về kiểm soát tình hình giá cả thị trường, tiền tệ, tín dụng; cân đối thu chi NSNN); khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế đồng thời thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu.


Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Số liệu chính thức do Văn phòng Thống kê Trung ương Ấn Độ công bố ngày 31/5 cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đạt 7,6% trong năm tài khóa 2015-2016 kết thúc vào tháng Ba vừa qua, cao hơn mức 7,2% của năm trước đó. 
 

Như vậy, Ấn Độ đã trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Trong năm tài khóa 2015-2016, lĩnh vực chế tạo tăng 9,3%, so với mức 5,5% của năm trước đó. Lĩnh vực nông nghiệp tăng 1,4%, so với mức -0,2% trong năm tài khóa 2014-2015.

Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ nhanh hơn vào quý cuối cùng của năm tài khóa (từ tháng 1-tháng 3/2016), tăng 7,9%. Con số này vượt mức dự báo trung bình 7,5% do hãng Bloomberg tiến hành khảo sát 27 nhà kinh tế học trước đó.

Trong những quý gần đây, kinh tế Ấn Độ đã vượt Trung Quốc khi tỷ lệ tăng trưởng trong ba tháng đầu năm nay của Trung Quốc chỉ đạt 6,7%, mức tăng trưởng hằng quý thấp nhất trong 7 năm qua. 

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế Ấn Độ đang lo ngại đợt gió mùa sắp tới sẽ gây tác động không nhỏ tới tăng trưởng, do ảnh hưởng đến mùa màng cũng như hàng triệu nông dân. 

Các hộ gia đình ở nông thôn Ấn Độ – chiếm khoảng 2/3 trong tổng số 1,2 tỷ dân nước này – đang hứng chịu trận hạn hán trên diện rộng sau hai đợt gió mùa liên tiếp.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI- tức Ngân hàng Trung ương) đang chờ để đánh giá tác động của gió mùa bắt đầu từ tháng Sáu, trước khi quyết định liệu có giảm lãi suất và đưa ra các biện pháp mới thúc đẩy tiêu dùng hay không. 

Hồi tháng Tư vừa qua, RBI đã hạ lãi suất cho vay từ 6,75% xuống còn 6,5%, mức thấp nhất trong 5 năm, đồng thời báo hiệu có khả năng sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới. 

Ngân hàng này dự kiến tổ chức cuộc họp bàn về chính sách vào ngày 7/6 tới.


Trung Quốc cận kề khủng hoảng?

Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s vừa đưa ra báo cáo đánh giá triển vọng tài chính của các công ty Trung Quốc xấu đi với tốc độ kỷ lục trong bối cảnh nợ lớn tích lũy kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút.

Đây là một chỉ dấu về thời kỳ tăng trưởng kinh tế èo uột của Trung Quốc có thể sẽ kéo dài.

Theo Michael Taylor, Giám đốc Moody’s tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tỷ lệ các chủ nợ của Trung Quốc có suy nghĩ tiêu cực đã tăng lên mức cao kỷ lục 69%. Tỷ lệ này đã tăng 15,7% vào cuối năm ngoái và 33,3% vào cuối tháng 3-2016. Tỷ lệ cao nhất trước đó được ghi nhận 45,5% vào tháng 5- 2009 khi nền kinh tế Trung Quốc bị liên đới do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính. Trên thực tế, mối nghi ngại về sức khỏe của các công ty Trung Quốc đã được “đánh tiếng” từ tháng 3 sau khi cả Moody’s và S&P’s đã đánh tụt triển vọng xếp hạng tín dụng của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực. Động thái này đã phản ánh sự xói mòn sức mạnh tài chính, sự sụt giảm về dự trữ ngoại hối do dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc và sự quan ngại của các nhà đầu tư về khả năng thực hiện cải cách triệt để của Bắc Kinh. Sự èo uột của các công ty là một đòn mạnh giáng vào sự phát triển nền kinh tế Trung Quốc.

Vừa qua, bên lề hội nghị do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chủ trì tại Brussels (Bỉ), giới quan chức của hơn 30 quốc gia lên tiếng quan ngại trước nguy cơ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đang tiệm cận cuộc khủng hoảng tài chính. Tờ Financial Times cho biết các dấu hiệu và triệu chứng khá rõ ràng và liên tục. Trong hơn 1 thập niên qua, sự gia tăng đột biến của tỷ lệ nợ so với GDP (từ 150% lên gần 260%), lượng tiền mặt bơm vào lưu thông lên tới 800 tỷ USD trong vòng 2 năm thông qua các gói kích cầu đã khiến giới quan sát lo ngại sâu sắc về một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính đang cận kề mà phạm vi và mức độ thiệt hại sẽ gấp nhiều lần năm 2008. Đối với thị trường vốn, cú sốc năm 2015 đã khiến chính phủ nước này phải chi gần 400 tỷ USD để vực dậy thị trường chứng khoán. Nguyên nhân nằm ở sự tăng trưởng giá trị vốn hóa quá nóng của thị trường chứng khoán: tăng gần gấp đôi trong 2 năm trước. Điều đó được dẫn chứng qua việc dù đã áp dụng sáng kiến cơ chế tự ngắt để ngừng giao dịch nếu thị trường rớt giá hơn 7%, nhưng đã không thể ngăn đà lao dốc khiến 4.500 tỷ USD vốn hóa bị bốc hơi hồi giữa năm ngoái.

Bong bóng bất động sản tác động đến tăng trưởng Trung Quốc.

Để tránh cơn chao đảo và hiệu ứng domino đến từ sụt giảm giá trị các cổ phiếu niêm yết và bong bóng bất động sản xì hơi gây ảnh hưởng đến các tài sản thế chấp trong hệ thống ngân hàng, nhà điều hành Trung Quốc buộc phải can thiệp hành chính bằng việc bơm thêm tiền. Tính hết năm 2013, lượng cung tiền đã đạt tới 17.770 tỷ USD. Con số bơm tiền vào lưu thông này cao gấp 4 lần so với thời điểm 10 năm trước đó là dấu hiệu cho thấy chính phủ đang in tiền nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Trong khi đó, GDP Trung Quốc cả năm 2015 đạt hơn 10.000 tỷ USD, tăng 6,9% (tương đương tăng 439 tỷ USD), mức chậm nhất trong vòng 25 năm qua.

Mặc dù những lo ngại ngày càng tăng, Moody’s cho biết Trung Quốc vẫn có khả năng tránh cuộc khủng hoảng về tài chính bởi trên thực tế, với sự hỗ trợ tối đa của chính phủ Trung Quốc, hệ thống ngân hàng nước này đủ sức chống chọi được với cơn bão khủng hoảng tài chính.


Trump đối đầu FED

Những ý kiến về vấn đề quản lý tài chính của ứng viên Tổng thống Donald Trump đang gây nên rất nhiều tranh cãi, nhưng vị tỷ phú này quên chưa nhắc tới một vấn đề: Cái cách ông muốn điều hành kinh tế Mỹ đang xung đột với cách của một trong những tổ chức tài chính quyền lực nhất thế giới – Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Ông Trump đã đề xuất tăng mạnh chi tiêu và cắt giảm những loại thuế quá cao. Theo ước tính, đề xuất của ông Trump sẽ khiến tỷ lệ những khoảng nợ của chính phủ Mỹ so với GDP tăng từ 75% lên 129% trong vòng 10 năm tới. Ước tính này còn chưa tính tới đề xuất tăng chi tiêu dành cho cơ sở hạ tầng và quân sự mới được ông Trump đưa ra.

Vị tỷ phú người Mỹ đã phải đưa ra những kế hoạch tái thương lượng các khoản nợ của Mỹ sau những lo ngại về việc các chính sách của ông có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng nợ công. Mặc dù các chuyên gia đánh giá rằng những kế hoạch của ông Trump hoàn toàn không khả thi, nhưng có rất ít khả năng cuộc khủng hoảng này có thể xảy ra.

Điều quan trọng là vấn đề thâm hụt ngân sách. Mỹ cần phải kiểm soát được ngân sách của mình trong vòng 50 năm tới bằng cách tăng lãi suất hoặc cắt giảm phúc lợi của người già. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy chi tiêu ngay bây giờ có thể sẽ giúp tăng tiềm năng phát triển của nền kinh tế số 1 thế giới trong dài hạn.

Mỹ thường phát hành Trái phiếu Chính phủ để có thể giải quyết vấn đề thâm hụt chi tiêu và các nhà đầu tư ngày nay thì lại đang thèm khát những tài sản an toàn như vậy. Những chính sách tài chính của ông Trump có thể giúp các nhà đầu tư toàn cầu có được điều mình muốn.

Vấn đề là các đề xuất của ông Trump nhiều khả năng sẽ mâu thuẫn trực tiếp với chính sách tiền tệ của FED. Chính phủ chi tiêu nhiều hơn và mức thuế thấp hơn sẽ tạo ra thêm nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ. Điều này sẽ khiến vấn đề lạm phát chịu thêm nhiều áp lực, dấy lên câu hỏi: Liệu FED sẽ phản ứng thế nào?

Hiện nay, FED đang đưa ra những tín hiệu xung đột.

Một mặt, họ muốn tăng lãi suất một cách từ từ và nếu kết hợp với những đề xuất của ông Trump, việc làm và lạm phát sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, việc lạm phát có thể vượt quá mục tiêu 2% của FED sẽ dẫn tới những dự báo lạm phát cao hơn sau này. Để dập tắt tình trạng này, FED và các cơ quan chức năng khác sẽ phải áp dụng những biến phát không có lợi cho nền kinh tế số 1 thế giới.

Mặt khác, nhiều khả năng FED sẽ tăng tốc độ thắt chặt chính sách và loại bỏ các biện pháp kích thích kinh tế nếu không còn áp lực lạm pháp. Cách tiếp cận chủ động này bóp nghẹt nhu cầu của khu vực tư nhân, làm giảm những tác động tích cực tiềm năng của chính sách tài khóa do ông Trump đề xuất.

Trong kịch bản thứ 2, FED có thể sẽ sử dụng các chính sách tiền tệ để khiến ông Trump (nếu vị tỷ phú này đắc cử) không đạt được những mục tiêu của mình. Những hậu quả của việc này đối với FED, đối với việc thực hiện chính sách tiền tệ trên toàn thế giới có thể sẽ lớn hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng ra.


Mỹ: Tiêu dùng tăng cao gây sức ép tăng lãi suất lên FED

Chi tiêu tiêu dùng tháng 4 của nền kinh tế Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục trong vòng hơn 6 năm trở lại đây. Thông tin này có thể một lần nữa là cơ sở để Cục dự trữ liên bang Mỹ - FED tính đến khả năng tăng lãi suất tiếp ngay trong tháng 6.

Chi tiêu tiêu dùng tháng 4 của nền kinh tế Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục trong vòng hơn 6 năm qua là cơ sở để FED tính đến khả năng tăng lãi suất ngay trong tháng 6.

Sau mùa đông ảm đạm, chi tiêu tiêu dùng của tháng 4 đã nhảy vọt 1% so với tháng 3. Điều này cho thấy người Mỹ đang ngày càng tự tin vào khả năng tài chính của mình. Việc chi tiêu giờ không chỉ dành cho những thứ thiết yếu.

Nhiều người Mỹ bắt đầu mạnh tay mua những thứ tương đối đắt tiền như ô tô, tivi, tủ lạnh và các thiết bị nhà cửa… khiến chỉ số của những mặt hàng này cũng đã tăng tới 2,2%. Tuy nhiên, trong khi thị trường bán lẻ hân hoan, thị trường chứng khoán lại giảm điểm.

Ngay sau khi các dữ liệu tiêu dùng được đưa ra, hãng tin Reuters đã có cuộc khảo sát các chuyên gia kinh tế. Các chuyên gia này cho rằng, khả năng FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 là khoảng 60%. Đây cũng là con số dự đoán về khả năng tăng lãi suất cao nhất trong nhiều tuần qua.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục