tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 07-01-2016

  • Cập nhật : 07/01/2016

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 40 tỷ USD vào năm 2020

che bien tom xuat khau. (anh: le huy hai/ttxvn)

Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)


Năm 2016, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3-3,5%, giá trị sản xuất năm tăng 3,5-4%, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 31 tỷ USD và kỳ vọng sẽ đạt khoảng 39-40 tỷ USD vào năm 2020.

Thông tin này vừa được ông Trần Quốc Tuấn, Chánh văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố tại buổi Họp báo về kết quản công tác năm 2015 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2016 của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do Bộ này tổ chức chiều nay (5/1), tại Hà Nội.

Theo ông Tuấn, năm 2015 được xem là năm khó khăn của toàn ngành nông nghiệp với nhiều yếu tố bất lợi cả về thị trường và thời tiết, tuy nhiên với những nỗ lực vượt khó ngành nông nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng và có 10 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (gạo, càphê, cao su, cá tra, tôm, hạt điều, hạt tiêu, rau quả, sắn và đồ gỗ).

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016 vừa diễn ra sáng nay, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng chỉ ra rằng, nhờ việc triển khai tái cơ cấu kịp thời, đúng hướng nên toàn ngành đã duy trì đà tăng trưởng với chất lượng ngày càng được cải thiện.

“Tổng thể cả giai đoạn 2011-2015, trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt được mục tiêu duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững,” Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

Cụ thể, bình quân cả giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng GDP của ngành đạt 3,13%, vượt mục tiêu đề ra (từ 2,8 - 3%). Giá trị sản lượng tăng bình quân 3,68%/năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2015 ước đạt 30,14 tỷ USD.

Về Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2016 và 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, mục tiêu tổng quát được xác định là: “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhanh thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng”.

Để đạt được mục tiêu trên, trong năm 2016, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ rõ, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tập trung thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, tạo được chuyển biến rõ rệt hơn trên thực tiễn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2015.

Trong đó, Bộ sẽ tập trung triển khai quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như rà soát, điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế của từng địa phương, của cả nước và diễn biến của thời tiết, thị trường; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Mặt khác, Bộ cũng tập trung phát triển các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, các tổ chức tín dụng, lấy doanh nghiệp làm nòng cốt trong chuỗi giá trị đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá trong tái cơ cấu./.


Thụy Sĩ ủng hộ Việt Nam ký FTA với khối EFTA

chu tich uy ban trung uong mttq viet nam nguyen thien nhan tiep dai su thuy si tai viet nam beatrice maser mallor. anh: vgp/hoang long

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tiếp Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Beatrice Maser Mallor. Ảnh: VGP/Hoàng Long


Đề cập đến Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland, Liechtenstein (khối EFTA), Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam nêu rõ Thụy Sĩ tiếp tục ủng hộ Việt Nam để nhanh chóng đi đến ký kết Hiệp định trong thời gian ngắn nhất

Chiều 4/1 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp thân mật bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam đến chào nhân dịp nhận nhiệm vụ công tác tại nước ta.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhiệt liệt chào mừng bà Beatrice Maser Mallor nhận trọng trách mới tại Việt Nam, đồng thời bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước thời gian qua phát triển tích cực. Việc hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp góp phần tạo sự tin cậy và động lực trong nhiều lĩnh vực.

Cảm ơn Chính phủ Thụy Sĩ ưu tiên cung cấp và tăng ODA cho Việt Nam giai đoạn 2013-2016 lên 2 tỉ USD, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Thụy Sĩ được thực hiện hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập của Việt Nam.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về phát triển kinh tế-xã hội và trở thành nước có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Việt Nam cũng còn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, Việt Nam mong muốn Thụy Sĩ tiếp tục quan tâm hỗ trợ trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tăng trưởng xanh, kinh tế, ứng phó biến đổi khí hậu…

Tại buổi tiếp, ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng nhận thấy hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục có những bước phát triển tích cực. Hiện tại, Việt Nam có 1.150 sinh viên đang học tập tại Thụy Sĩ.

Ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn Thụy Sĩ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, nhất là gắn đào tạo nghề, phát triển khoa học-công nghệ với đào tạo tại các trường đại học, trung tâm nghiên cứu cũng như tạo điều kiện cho sinh viên sang học tập, nghiên cứu tại Thụy Sĩ.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao vai trò và tiếng nói tích cực của Thụy Sĩ trong 13 phiên đàm phán vừa qua về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với khối EFTA (Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland, Liechtenstein). Theo đó, việc ký kết hiệp định sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên EFTA với Việt Nam nói chung và giữa hai nước nói riêng.

Việt Nam mong muốn hai bên tiếp tục thể hiện linh hoạt, quan tâm thích đáng đến lợi ích cốt lõi của nhau, đồng thời tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển, thúc đẩy để đàm phán sớm kết thúc, hướng tới một hiệp định cân bằng, tiêu chuẩn cao.

Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Thụy Sĩ là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Tuy nhiên, kết quả hợp tác giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác thương mại-đầu tư giữa hai nước, tập trung vào các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, hóa chất…

Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Thụy Sĩ sang đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

Cảm ơn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã dành thời gian tiếp, Đại sứ Beatrice Maser Mallor khẳng định quan hệ hợp tác giữa Thụy Sĩ và Việt Nam đang ngày càng tốt đẹp.

Đề cập đến Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với khối EFTA, bà Beatrice Maser Mallor nêu rõ Thụy Sĩ tiếp tục ủng hộ Việt Nam để hai bên có thể nhanh chóng đi đến ký kết Hiệp định trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, Thụy Sĩ sẽ tiếp tục cung cấp vốn ODA cho Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực kinh tế cũng như bảo đảm để phát triển các nguồn năng lượng khác…


Vốn rút ra khỏi Trung Quốc trong 3 tháng qua tương đương GDP Hy Lạp

von rut ra khoi trung quoc trong 3 thang qua tuong duong gdp hy lap

Vốn rút ra khỏi Trung Quốc trong 3 tháng qua tương đương GDP Hy Lạp


Năm nay, dòng vốn tháo chạy và những đợt bán tháo trên TTCK có thể sẽ lại gây áp lực buộc NHTW Trung Quốc (PBOC) tiếp tục phải hành động để duy trì tỷ giá ổn định.

Sau 1 năm chứng kiến Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong 1/4 thập kỷ, năm 2016 bắt đầu với một cú ngã khá đau đớn. Cơn bán tháo trên TTCK toàn cầu cho thấy có vẻ như các nhà hoạch định chính sách chỉ có chút ít tự tin khi đối mặt với những thách thức sắp tới.

Ngoài các báo cáo kinh tế bi quan của Trung Quốc và căng thẳng ở Trung Đông leo thang, một trong những nhân tố khiến chứng khoán Trung Quốc có một khởi đầu tồi tệ và kéo theo cả chứng khoán thế giới lao dốc là diễn biến của đồng nhân dân tệ. Đồng tiền này đã liên tiếp giảm giá từ cuối năm ngoái, phản ánh các nhà đầu tư nội địa tiếp tục có nhu cầu mang tiền ra nước ngoài.

Theo số liệu của Bloomberg, số vốn bị rút ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 3 tháng vừa qua đã lớn hơn cả quy mô nền kinh tế Hy Lạp.

Mặc dù mấy năm gần đây các lãnh đạo Trung Quốc đã phát tín hiệu chấp nhận mức “bình thường mới” trong tăng trưởng kinh tế, sự biến động quá mạnh của thị trường đã buộc họ phải có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ. Năm nay, dòng vốn tháo chạy và những đợt bán tháo trên TTCK có thể sẽ lại gây áp lực buộc NHTW Trung Quốc (PBOC) tiếp tục phải hành động để duy trì tỷ giá ổn định.

Hôm nay (5/1), PBOC thừa nhận đã bơm khoảng 130 tỷ nhân dân tệ (tương đương 20 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng nước này thông qua các thỏa thuận mua lại đảo ngược kỳ hạn 7 ngày. Ngoài cam kết sẽ cải thiện hệ thống tự ngắt, động thái can thiệp của PBOC giúp thị trường hồi phục trong phiên sáng nay.

Sự trồi sụt của thị trường càng nhấn mạnh thêm những thách thức mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang phải đối mặt khi đang cố gắng hoàn thành cam kết sẽ để cho các yếu tố thị trường có tiếng nói lớn hơn trong nền kinh tế.

Theo Louis Kuijs, chuyên gia đến từ Oxford Economics, duy trì tăng trưởng ở mức 6,5% là thách thức lớn đối với Trung Quốc. Trong khi đó ông Tập từng nói tăng gấp đôi GDP và thu nhập bình quân đầu người vào năm 2020 là vấn đề mang tính sống còn đối với Trung Quốc. Quá trình này càng khó khăn hơn khi Trung Quốc phải loại bỏ phần sản lượng dư thừa trong các ngành công nghiệp nặng và thực hiện quá trình giải chấp.

Kujis cho rằng triển vọng cải cách đáng ra đã sáng sủa hơn nếu như Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn hơn.

Lần này sẽ khác?

Chỉ cách đây một vài năm, nếu phải đối mặt với một thị trường tài chính rung lắc và các số liệu kinh tế yếu ớt, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ dễ dàng đối phó bằng cách cắt giảm chi phí đi vay và đẩy tăng chi tiêu công. Tuy nhiên, 12 tháng qua, tình hình đã trở nên phức tạp hơn vì những biện pháp cải tổ thủ tục tại PBOC và khả năng huy động vốn của các chính quyền địa phương.

Ví dụ, tháng trước PBOC đã quyết định tăng cường hạn chế khả năng sử dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bảo vệ sự ổn định của thị trường tài chính. Do đó giờ đây sẽ có rất ít khả năng Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy tăng trưởng.

Cam kết cắt giảm nợ cũng đối mặt với khó khăn sau khi có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc khó có thể vừa thúc đẩy cải cách vừa giữ cho nền kinh tế tăng trưởng ở tốc độ cao.


Tổng thống Venezuela giành kiểm soát Ngân hàng Trung ương

tong thong venezuela nicolas maduro - anh: ft/getty.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro - Ảnh: FT/Getty.


Theo nội dung sắc lệnh vừa được Tổng thống Maduro công bố, Quốc hội Venezuela bị tước quyền kiểm soát đối với Ngân hàng Trung ương...

Nguy cơ xảy ra siêu lạm phát ở Venezuela đang gia tăng sau khi Tổng thống nước này Nicolas Maduro công bố một sắc lệnh khiến Quốc hội mất quyền giám sát đối với Ngân hàng Trung ương.

Theo tin từ tờ Financial Times, sắc lệnh trên được công bố vào ngày 4/1, ngay trước khi Quốc hội mới của Venezuela do phe đối lập nắm quyền kiểm soát bắt đầu đi vào hoạt động kể từ ngày 5/1.

Sắc lệnh được xem là một động thái mới nhất trong cuộc chiến giành giật quyền lực giữa Tổng thống Maduro và phe đối lập.

Hiện nay, Venezuela - quốc gia Nam Mỹ nhiều dầu lửa - đang chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế-xã hội và bất ổn chính trị. Giá dầu giảm sâu và các biện pháp quản lý kinh tế sai lầm được cho là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng này.

Theo nội dung sắc lệnh vừa được Tổng thống Maduro công bố, Quốc hội Venezuela bị tước quyền kiểm soát đối với Ngân hàng Trung ương, bao gồm quyền bổ nhiệm và sa thải các thành viên trong ban lãnh đạo của cơ quan này.

“Maduro đã biến Ngân hàng Trung ương thành cỗ máy in tiền của cá nhân ông ta, ở một đất nước mà Hiến pháp quy định Ngân hàng Trung ương có vai trò độc lập”, chuyên gia kinh tế người Venezuela Francisco Monaldi nhận định.

“Tổng thống kiểm soát hoàn toàn Ngân hàng Trung ương là công cụ cuối cùng đẩy Venezuela trượt vào siêu lạm phát”, vị chuyên gia nói.

Giữa lúc nền kinh tế suy thoái sâu, lạm phát hàng năm của Venezuela hiện dao động trong khoảng từ 100-200%. Đây là kết quả của việc Chính phủ in tiền ồ ạt để bù đắp thâm hụt ngân sách ước tính vào khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ông Jose Guerra, một nghị sỹ Quốc hội thuộc phe đối lập của Venezuela, viết trên mạng xã hội Twitter: “Cải cách này là động thái pháp lý quái đản nhằm bảo vệ vị Tổng thống bị đặt nhiều câu hỏi. Điều này đi ngược lại Hiến pháp”.

Nhiều ý kiến khác cho rằng sắc lệnh của ông Maduro là một nỗ lực nhằm ngăn cản sự nổi lên của phe đối lập chỉ một ngày trước khi Quốc hội do phe này dẫn đầu thực hiện lễ tuyên thệ.

Trong cuộc bầu cử toàn quốc diễn ra vào tháng trước, cử tri Venezuela đã dành phần thắng áp đảo cho phe đối lập trong Quốc hội. Kết quả này được xem là thể hiện rõ sự bất mãn của người dân trước sự thiếu thốn nghiêm trọng các mặt hàng thiết yếu và lạm phát nhảy vọt.

Tuy nhiên, Quốc hội sắp từ nhiệm - vốn ủng hộ ông Maduro - đã trao cho vị Tổng thống này những quyền đặc biệt mà nhờ đó ông có thể làm luật bằng cách ra sắc lệnh cho tới ngày cuối cùng của năm 2015. Sắc lệnh tước giành kiểm soát Ngân hàng Trung ương của ông Maduro đề ngày 30/12/2015.

Ông Henry Ramos Allup, Chủ tịch đắc cử của Quốc hội mới, người sẽ bắt đầu nắm quyền vào ngày 5/1, cho biết “nhiều bộ trưởng và quan chức chính phủ sẽ bị gọi ra điều trần”.

Các nghị sỹ quốc hội mới của Venezuela cũng tuyên bố sẽ yêu cầu Ngân hàng Trung ương phải cung cấp dữ liệu lạm phát và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính phủ. Cho đến nay, Venezuela vẫn che giấu mức lạm phát thực sự của nước này.

Tuy nhiên, sắc lệnh mới nhất của ông Maduro cho phép Ngân hàng Trung ương giữ kín các số liệu và cấp vốn cho các cơ quan, tổ chức thuộc Chính phủ mà không cần được Quốc hội thông qua.


Thủ tướng Nhật tuyên bố sắp thoát giảm phát

thu tuong nhat tuyen bo sap thoat giam phat

Thủ tướng Nhật tuyên bố sắp thoát giảm phát

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố nước này “không còn ở trong giai đoạn giảm phát”...

Trong thông điệp năm mới 2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abetuyên bố nước này “không còn ở trong giai đoạn giảm phát”. Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, phát biểu này của ông Abe mâu thuẫn mới những thống kê gần đây cho thấy lạm phát của Nhật vẫn ở ngưỡng gần 0%.

Tờ báo trên đánh giá, tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ Nhậtcho thấy sự “sốt sắng” của ông trong việc công bố thành quả kinh tế với công chúng. Chương trình chấn hưng tăng trưởng mang tên Abenomics mà ông Abe theo đuổi đã bước sang năm thứ tư liên tục, và cuộc bầu cử Thượng viện Nhật sẽ diễn ra vào mùa hè năm nay.

Tuy nhiên, với tuyên bố Nhật đang trên đà thoát khỏi giảm phát, ông Abe tự đặt mình vào “thế khó” trong trường hợp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới chuyển xấu và đòi hỏi phải có thêm một gói kích thích kinh tế bổ sung.

Ông Abe thừa nhận “chúng tôi chưa hoàn toàn thoát khỏi giảm phát”, nhưng tiền lương và đầu tư tăng đồng nghĩa với việc thoát khỏi giảm phát đang tới gần.

“Tôi cho rằng chỉ còn một bước nữa là chúng tôi có thể tuyên bố hoàn toàn thoát khỏi giảm phát”, vị Thủ tướng nói. “Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda đã nói sẽ làm bất kỳ điều gì để đạt mục tiêu này”.

Theo số liệu mới nhất, giá cả ở Nhật trong tháng 11 tăng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không tính biến động giá thực phẩm và năng lượng, lạm phát lõi tháng 11 của Nhật là 0,9%.

BOJ cho rằng sự tăng lên của lạm phát lõi phản ánh xu hướng tiến tới lạm phát, nhưng nhiều nhà phân tích lo ngại rằng đó chỉ là hiệu ứng nhất thời của đồng Yên xuống giá, và xu hướng này sẽ đảo chiều trước khi đạt mục tiêu lạm phát 2% mà BOJ đề ra. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới giảm sâu cũng khiến việc Nhật Bản thoát giảm phát khó khăn hơn.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt năm tới của Hiệp hội Bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản, ông Kuroda nói năm 2016 “chắc chắn là thời điểm hành động hay là chết” đối với nền kinh tế Nhật, đồng thời hứa sẽ nới lỏng thêm chính sách tiền tệ nếu cần thiết.

“Chúng tôi sẽ làm bất kỳ việc gì cần thiết, và sẽ đạt mục tiêu lạm phát 2%”, ông Kuroda nói.

Tuy nhiên, vào mùa thu năm 2015, BOJ đã khiến nhiều nhà phân tích ngạc nhiên khi không nới lỏng thêm chính sách tiền tệ, bất chấp giới doanh nghiệp Nhật giảm kỳ vọng về lạm phát trong tương lai.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh 03-02-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh 03-02-2016

    Sập bẫy đa cấp ở Trung Quốc
    Hơn 70% kiều hối đổ vào sản xuất, kinh doanh
    Nhiều công ty con của Tập đoàn Dầu khí lỗ do giá dầu giảm mạnh
    Rửa tiền ở Mỹ quá dễ dàng
    Nhật mở trang trại do robot "làm chủ" đầu tiên thế giới

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-02-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-02-2016

    Triển vọng thương mại Việt Nam "sáng" chưa từng có với 14 hiệp định thương mại tư do sắp hoàn tất
    Chương trình bình ổn giá giúp "kìm chân" CPI
    Xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử có xu hướng chậm lại
    Giá cao su xuất khẩu có thể chỉ còn 20 triệu đồng/tấn
    Đồ trang trí Tết: Hàng Trung Quốc chiếm lĩnh

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-02-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-02-2016

    Càng lạm dụng "thuốc giảm đau", Trung Quốc ngã càng đau
    Chính phủ Nhật do dự, Sharp có thể về tay Foxconn
    Bloomberg: Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách
    PMI tháng 1/2016 tăng: Ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục hưởng lợi nhờ giá dầu giảm
    Bộ Giao thông Vận tải thúc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoàn thành trước 31/12/2016

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-02-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-02-2016

    "Bật mí" kế hoạch của nhiều "ông lớn" địa ốc năm 2016
    Thị trường bán lẻ “nóng” nhất thế giới đang ở đâu?
    Cao su tự nhiên: 2015 lãi thấp, dè dặt kế hoạch lãi 2016
    PMI giảm kỷ lục, Trung Quốc tiến thoái lưỡng nan
    HSBC “đóng băng” tuyển dụng và tăng lương trong năm 2016

  • Tin kinh tế đọc nhanh 02-02-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh 02-02-2016

    Amazon vào 'câu lạc bộ' nhà bán lẻ có doanh thu khủng
    Siết chặt quản lý sữa nhập lậu
    Trung Quốc phá vụ lừa đảo trực tuyến gần 7,6 tỉ USD
    Ông Nguyễn Duy Hưng: "Nên bỏ tiêu chuẩn cổ đông chiến lược"
    Tháng đầu tiên năm 2016: Khối ngoại bán ròng hơn 1.256 tỷ đồng

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-02-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 01-02-2016

    Trung Quốc muốn chấn chỉnh tình trạng thao túng chỉ số GDP?
    Tăng thuế suất hàng loạt khoáng sản
    Cơ chế giúp đẩy nhanh giải phóng hàng xuất nhập khẩu
    Nhà máy tranh mua, giá mía nguyên liệu tăng cao
    Sản lượng xuất khẩu gạo tăng khoảng 46% trong tháng Một

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-02-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 01-02-2016

    Xăng dầu Ả Rập còn rẻ hơn cả nước uống
    Giá gas tiếp tục giảm hơn 20.000 đồng
    Ôtô TMT sẽ Nam tiến trong năm 2016
    Sàn giao dịch bất động sản phải rộng tối thiếu 50m2
    Người Trung Quốc “đội lốt” du khách thu mua thủy sản 

  • Tin kinh tế đọc nhanh 01-02-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh 01-02-2016

    Chiến tranh tiền tệ: Liệu châu Âu sẽ đáp trả Nhật Bản?
    Nhu cầu dầu mazut châu Á năm 2016 sẽ tiếp tục giảm
    Các nhà XK gạo Nhật nỗ lực chinh phục thị trường Đông Nam Á
    Bất động sản Australia hút nhà đầu nước ngoài
    Mỹ khôi phục xuất khẩu dầu sau 40 năm

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-01-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 31-01-2016

    Thủ tướng: Khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực còn khá lớn
    Đẩy mạnh triển khai Quy hoạch phát triển ngành than
    Bộ Công Thương chưa có chủ trương tăng giá điện
    Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong năm 2016
    Ngành du lịch: Hạn chế bất cập, nâng tính cạnh tranh

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-01-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 31-01-2016

    CIEM: “Kinh tế Việt Nam vẫn thiếu một động lực tăng trưởng đủ mạnh”
    Kinh tế chuyển động tích cực ngay từ tháng đầu năm
    Hơn 1.500 tỷ đồng xây dựng nhà máy điện Mặt Trời ở Hậu Giang
    Dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm” của TPP
    Doanh nghiệp tư nhân kỳ vọng đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế