Sacombank: Lợi nhuận 6 tháng đầu năm lao dốc, nợ xấu tăng
Dính nghi án trốn thuế, Facebook bị buộc nộp phạt 5 tỷ USD
Chứng khoán Mỹ tăng điểm, trái phiếu, vàng hấp dẫn trở lại sau kết quả thất vọng về nền kinh tế Mỹ
6 tháng, VN chi hơn nửa tỉ USD nhập khẩu ngô
Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-06-2016
- Cập nhật : 02/06/2016
Đến 15-5-2016: Kim ngạch hàng hóa XNK đạt 117 tỷ USD
Theo số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tính đến hết ngày 15-5-2016 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 117,02 tỷ USD, tăng 0,8% (tương ứng tăng 904 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2015.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 5-2016 thâm hụt 570 triệu USD, tính chung cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 5-2016 thặng dư 1,23 tỷ USD.
Về xuất khẩu, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5-2016 đạt 6,02 tỷ USD, giảm 14,5% (tương ứng giảm 1,02 tỷ USD) so với 15 ngày cuối tháng 4-2016. Tính đến hết ngày 15-5-2016 kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 59,13 tỷ USD, tăng 5,4% (tương ứng tăng 3,03 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.
Trong nửa đầu tháng 5-2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm so với kỳ 2 tháng 4 năm 2016 chủ yếu do giảm kim ngạch của một số mặt hàng: hàng dệt may giảm 143 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện giảm gần 128 triệu USD; phương tiện vận tải và phụ tùng giảm 90 triệu USD; máy móc thiệt bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 78 triệu USD; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 54 triệu USD; sắt thép các loại giảm 44 triệu USD; hàng thủy sản giảm hơn 43 triệu USD; dầu thô giảm 40 triệu, gỗ và sản phẩm gỗ giảm gần 40 triệu USD; túi xách, ví, vali, mũ, ô dù gần 33 triệu USD…
Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ này đạt 4,24 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 677 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 4-2016. Như vậy, tính đến hết ngày 15-5-2016 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 41,45 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015 tương ứng tăng 3,43 tỷ USD và chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Về nhập khẩu, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 5-2016 đạt 6,59 tỷ USD, giảm 3,5% ( tương ứng giảm 237 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 4. Tính đến hết ngày 15-5-2016 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 57,89 tỷ USD, giảm 3,5% (tương ứng giảm 2,13 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2015.
Kim ngạch nhập khẩu 15 ngày đầu tháng 5-2016 giảm so với nửa cuối tháng 4-2016 chủ yếu ở một số mặt hàng sau: phương tiện vận tải và phụ tùng giảm gần 144 triệu USD; xăng dầu các loại giảm 111 triệu USD; điện thoại các loại giảm 64 triệu USD; ô tô nguyên chiếc các loại giảm 55 triệu USD; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm gần 34 triệu USD…Bên cạnh đó, một số hàng có kim ngạch tăng là máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 111 triệu USD; hạt điều tăng hơn 26 triệu USD, nguyên phụ liệu dệt may, da, giày tăng hơn 24 triệu USD…
Lãi suất huy động rục rịch hạ
Theo ghi nhận trên thị trường, biểu lãi suất huy động mới nhất được Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) công bố đã có sự giảm nhẹ 0,1% ở các kỳ hạn ngắn. Với kỳ hạn dài trên 15 tháng, lãi suất giảm 0,2%, như với kỳ hạn 36 tháng, khoản tiền trên 10 tỷ đồng, vào đầu tháng 3, lãi suất ở mức 8%/năm thì nay chỉ còn 7,8%/năm.
Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm từ 5,8%/năm hồi cuối tháng 3 xuống còn 5,7%/năm. Lãi suất các kỳ hạn dài hơn cũng giảm nhẹ 0,1%.
Nhìn chung, mức giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại chỉ vào khoảng 0,1% ở các kỳ hạn, nhưng đây lại là đợt giảm lãi suất đầu tiên sau nhiều tuần tăng cao.
Tuy nhiên, mức giảm này mới đang diễn ra ở các ngân hàng thương mại tầm trung, một số ngân hàng lớn và ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Dù vậy, mức lãi suất huy động mà một số ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước đang áp dụng vẫn thấp hơn so với các ngân hàng thương mại.
Tại Báo cáo Kinh tế vĩ mô tháng 5-2016 được Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố ngày 30-5, lãi suất huy động đang duy trì sự ổn định sau hai đợt điều chỉnh tăng lãi suất huy động (0,2-0,4%) của các ngân hàng trong tháng 2 và tháng 4-2016.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-5,4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 5,4-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 6 tháng.
Tuy nhiên, Trung tâm nghiên cứu BIDV dự báo, do “cạnh tranh” với trái phiếu chính phủ và diễn biến của lạm phát nên lãi suất huy động trong quý III sẽ tăng nhẹ trở lại để đảm bảo thanh khoản cho tín dụng.
Điều này cũng tương tự với dự báo của các chuyên gia Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) khi cho rằng, động thái hạ lãi suất huy động của các ngân hàng chỉ diễn ra trong ngắn hạn, trong khi về dài hạn, sức ép tăng lãi suất của các ngân hàng vẫn được đánh giá ở mức cao.
Từ những biến động của thị trường tiền tệ, mới đây, trong Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016 để góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Công ty Wellington mong muốn được tạo điều kiện hoạt động tại Việt Nam
Ngày 01/6/2016, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã có buổi làm việc với Công ty Quản lý Quỹ Wellington, Hoa Kỳ.
Tại buổi tiếp, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng hoan nghênh và chào mừng đoàn công tác của Công ty Quản lý Quỹ Wellington đã có buổi làm việc với NHNN.
Phó Thống đốc đã cung cấp một số thông tin về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và các quyết sách mà Chính phủ Việt Nam và NHNN đưa ra trong thời gian qua, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài.
Đại diện Công ty Quản lý Quỹ Wellington cảm ơn Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã dành thời gian tiếp và trình bày với Phó Thống đốc về tình hình hoạt động của Công ty, đặc biệt là sự hợp tác của Công ty với các NHTW trên thế giới.
Đại diện Công ty Wellington cũng bày tỏ mong muốn, Chính phủ Việt Nam nói chung, NHNN nói riêng tạo điều kiện để Công ty có cơ hội phát triển hợp tác với nhiều công ty, doanh nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới.
Cũng tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận một số nội dung khác như: Xu hướng đầu tư của các NHTW trên thế giới; Triển vọng phát triển của thị trường trái phiếu…
250 doanh nghiệp Việt “bắt tay” hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nội địa
Dự báo giá thép, quặng sắt Trung Quốc sẽ giảm trong tháng 6
Giá thép và quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất gần 3 tháng hôm thứ tư (1/6), giảm mạnh ngày đầu tháng 6/2016, sau khi kết thúc tháng 5, với tháng giảm mạnh chưa từng có, trong bối cảnh nhu cầu suy yếu.
Số liệu cho thấy, tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tháng 5/2016 suy giảm, gây áp lực đối với các nhà đầu tư, do nhu cầu thép tại nước tiêu thụ hàng đầu thế giới chậm chạp.
Khu vực phía nam Trung Quốc trong tháng này mưa sẽ hạn chế hoạt động xây dựng, một thương nhân có trụ sở tại Thượng Hải cho biết. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tiêu thụ thép trong vài tháng tới.
“Giá thép sẽ tiếp tục xu hướng giảm, do tình trạng dư cung sẽ nghiêm trọng hơn trong vài tháng tới”, thương nhân cho biết.
Thanh cốt thép được sử dụng trong xây dựng tại Sở giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 2%, xuống còn 1.959 NDT (tương đương 297 USD)/tấn, sau khi giảm xuống còn 1.946 NDT/tấn trước đó. Giá thanh cốt thép đạt 1.894 NDT/tấn hôm thứ hai (30/5), mức thấp nhất kể từ tháng 4/3/2016.
Quặng sắt là nguyên liệu sản xuất thép tại Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên giảm 0,4%, xuống còn 346 NDT/tấn. Giá quặng sắt chạm mức thấp nhất 3 tháng, ở mức 333 NDT/tấn hôm thứ hai (30/5).
Thanh cốt thép và quặng sắt giảm khoảng 25% trị giá trong tháng 5/2016, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2009 và 2013 theo thứ tự lần lượt.
Điều tra tháng 5/2016 về nền kinh tế Trung Quốc cho thấy, sự suy yếu trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối mặt với nhiều thách thức, Helen Lau, nhà phân tích tại Argonaut Securities, Hồng Kông.
“Chúng tôi dự kiến chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục bổ sung các biện pháp hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi nền kinh tế”, Lau cho biết.
Sản lượng thép Trung Quốc duy trì ở mức cao, do các nhà máy thép mới đây tiếp tục sản xuất để phù hợp với sự gia tăng giá hồi đầu năm nay.
Giá quặng sắt giao ngay sang cảng Thiên Tân Trung Quốc giảm 1,4%, xuống còn 49,6 USD/tấn hôm thứ ba (31/5), The Steel Index cho biết, mức thấp nhất kể từ ngày 29/2.
Giá quặng sắt giao ngay hợp đồng benchmark giảm 24% trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011.