Sếp công ty sản xuất máy bay duy nhất của Hàn Quốc từ chức; Mỹ siết ngăn Trung Quốc vung tiền mua công ty Mỹ; Audi sẽ thu hồi 850.000 xe động cơ diesel sau gian lận khí thải; Kiến nghị Chính phủ tạm dừng cấp phép đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển
Tin kinh tế đọc nhanh 07-08-2017
- Cập nhật : 07/08/2017
Người Việt 'rót tiền' mua trái cây ngoại
Việc ưa dùng trái cây ngoại không chỉ vì hương vị lạ mà còn do tâm lý tin tưởng hàng nhập khẩu sẽ an toàn, đảm bảo hơn. Tuy nhiên thực tế, chất lượng trái cây nhập cũng rất phập phù.
Người tiêu dùng chọn mua trái cây tại một siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH659 triệu USD là mức VN chi nhập rau quả trong 7 tháng đầu năm 2017, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Nếu tính bình quân mỗi tháng người Việt bỏ ra 120 triệu USD để nhập khẩu rau quả.Nguồn: Bộ NN&PTNT
Dạo một vòng chợ Thị Nghè và chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) những ngày này, rất dễ tìm mua bòn bon Thái Lan với giá dao động 55.000-70.000 đồng/kg, măng cụt 60.000-75.000 đồng/kg với cam kết người bán bao ăn.
Bà Nguyệt Anh (Q.Bình Thạnh) cho biết vài năm gần đây gia đình bà rất ít chọn mua trái cây trong nước do lo ngại chất bảo quản, thay vào đó là chuyển sang ăn trái cây nhập khẩu, chủ yếu là táo, lê, kiwi và nho.
Áp đảo trái cây Việt
Theo ban quản lý chợ đầu mối Bình Điền (Q.8), trái cây về chợ này khoảng 200-220 tấn/đêm, trong đó trái cây nhập áp đảo trái cây Việt. Phần lớn trái cây về chợ này có nguồn gốc từ Trung Quốc với chủng loại phổ biến như táo 20.000-25.000 đồng/kg, lê 20.000-26.000 đồng/kg, đào trên dưới 20.000 đồng/kg. Trái cây Thái Lan như bòn bon 53.000-57.000 đồng/kg, măng cụt 28.000-30.000 đồng/kg.
Trong khi đó, ban quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết lượng trái cây về chợ này khoảng 2.100 tấn/ngày đêm, nhưng có thể lên tới 3.000 tấn/ngày đêm vào dịp lễ hay ngày rằm, trong đó trái cây ngoại chiếm khoảng 25-30%. Trong các loại trái cây ngoại, sản phẩm từ Trung Quốc chiếm khoảng 60%, trái cây Thái Lan chiếm hơn 30%, còn lại là từ các nguồn khác.
Giám đốc thu mua phụ trách ngành hàng tươi sống một siêu thị trong nước cho biết tiêu thụ trái cây ngoại ở hệ thống rất khả quan, nhiều loại trái cây nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Úc dù có giá cao nhưng vẫn có sức tiêu thụ tốt. “Chẳng hạn hai tháng qua là mùa cherry, giá lên đến 400.000-500.000 đồng/kg nhưng cứ bán nửa buổi là kệ trống hàng”, ông này cho biết.
Lập lờ, trà trộn
Ông Lê Xuân Hoàng, giám đốc HTX Vườn Xanh (Đồng Nai), cho biết trước đây trái cây nhập khẩu chủ yếu là các loại ôn đới như cam, nho, táo, lê... vốn không phải thế mạnh của VN, nhưng hiện nay nhiều loại trái cây khá tương đồng mùa vụ và chủng loại trái cây VN vẫn được nhập vào, nhiều nhất là trái cây Thái Lan.
Ông Dụng Quý Đông, chủ trang trại Quý Đông (Bình Phước), cho biết các loại trái cây Thái Lan như xoài, chôm chôm, măng cụt, bòn bon, sầu riêng... đang được nhập ngày càng nhiều, đánh bật hàng VN. Chẳng hạn, sầu riêng Thái Lan đang bắt đầu tràn ngập thị trường nội do sầu riêng VN gần hết vụ, hơn nữa sầu riêng Thái cũng rất được ưa chuộng.
Theo các nhà vườn, VN từng tự hào làm chủ cây thanh long, nhưng đến nay Thái Lan cũng lai tạo thành công giống thanh long ruột đỏ và ruột vàng rất chất lượng.
"Khâu lai tạo giống cây ăn trái Thái Lan làm rất tốt, nhờ đó chất lượng và sản lượng trái cây thường hơn hẳn VN. Hơn nữa, thuế xuất nhập khẩu nông sản khu vực Đông Nam Á được giảm, miễn, nên việc trái cây Thái Lan nhập vào VN ngày càng nhiều là điều khó tránh khỏi", ông Hoàng khẳng định.
Giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu trái cây cho biết với tăng trưởng hiện nay, thị trường trái cây nhập khẩu đang là miếng bánh hấp dẫn và cạnh tranh rất khốc liệt. Chỉ trong khoảng 2 năm qua, số lượng đầu mối nhập khẩu rau quả của VN tăng đột biến ở mức hai con số.
“Nhiều loại trái cây ngoại có giá không cao nhưng nhập về VN lại thành hàng cao cấp do chi phí vận chuyển, thuế, bảo quản hao hụt...”, vị này nói.
Và để cạnh tranh, nhiều nhà nhập khẩu đã cố tình lập lờ nguồn gốc hàng hóa, trà trộn hàng giá thấp với giá cao để đạp giá xuống, giành thị phần. Với cách thức này, người tiêu dùng rất khó nhận biết chất lượng hàng tốt hay hàng xấu, trong khi nhà bán lẻ có thể nhận ra nhưng cũng khó chứng minh được việc pha trộn này để trả hàng cho đầu mối, nên cũng đành nhắm mắt làm ngơ, người tiêu dùng chịu thiệt.(Tuoitre)
----------------------------
Doanh nghiệp du lịch: Háo hức chờ đếm... lợi nhuận
Cam kết sẽ gỡ các rào cản liên quan đến chính sách thị thực của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) năm 2017 đã được doanh nghiệp trong ngành xem là một trong những cơ sở có thể giúp tăng doanh thu, lợi nhuận.
Cân bằng lợi thế
Việc ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thẳng thắn thừa nhận, các chính sách về thị thực của Việt Nam với khách du lịch hiện tại chưa đủ thông thoáng, kém cạnh tranh so với nhiều quốc gia trên thế giới khiến các doanh nghiệp du lịch cảm kích.“Khi Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận đây là điểm nghẽn thì sẽ có giải pháp.Chỉ có điều, các giải pháp cần được đưa ra nhanh chóng. Chúng tôi đã kiến nghị xem xét thực hiện trong quý III/2017 để đón đầu mua du lịch bắt đầu từ quý IV/2017”, ông Hoàng Nhân Chính, Thư ký Hội đồng tư vấn Nhóm Công tác du lịch của VPSF nói.
Đề xuất của VPSF là bổ sung thêm 6 quốc gia vào danh sác miễn thị thực, gồm Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Bỉ, áp dụng thị thực điện tử cho 9 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Với các đề xuất này, các doanh nghiệp du lịch tính toán, thị trường mục tiêu của ngành sẽ mở rộng thêm, thay vì giới hạn 23 quốc gia miễn thị thực, trong đó có tới 13 quốc gia miễn thị thực có thời hạn như hiện nay.
“Ngành du lịch Việt Nam sẽ có lợi cạnh tranh công bằng hơn so với các nước trong khu vực. Doanh nghiệp ngành du lịch đương nhiên sẽ hưởng lợi”, ông Chính nhận định.
Ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour thậm chí đã tính số khách quốc tế của Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng tích cực, không thể chỉ bằng 30% lượng khách đến Thái Lan, trong khi Việt Nam đứng thứ 16 trong xếp hạng các quốc gia có tiềm năng du lịch trên thế giới.
Thực tế, chính sách miễn thị thực dành riêng 5 nước Tây Âu là Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đã chứng minh, dù chính sách này chỉ có hiệu lực ngắn hạn, tính theo từng năm một, thì số khách đến Việt Nam từ các thị trường này đã tăng rất nhanh.
Năm đầu tiên áp dụng chính sách này, Việt Nam đã đón 720.000 lượt khách từ 5 nước trên, tăng thêm 96.000 lượt so với cùng kỳ. Tương tự, năm 2016, lượng khách 5 nước Tây Âu tăng thêm 58.000 lượt.
Tăng lợi nhuận và không bị rối khi hoạt động
Nhóm công tác du lịch của VPSF cũng đã đề xuất tăng số ngày miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày với khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Italy… Thời gian miễn thị thực kéo dài 5 năm.
Nếu kiến nghị này được thực hiện, lợi nhuận thu được từ ngành kinh tế du lịch sẽ tăng lên đáng kể vì 12 thị trường hàng đầu của du lịch Việt Nam, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, đều đang bị giới hạn số ngày lưu trú.
Trong khi đó, ngoài du khách Hàn Quốc và Nhật Bản có mức chi tiêu bình quân gần 1.000 USD/khách thì các nước còn lại đều có mức chi tiêu bình quân trên 1.000 USD/khách. Đây là lý do các doanh nghiệp du lịch hào hứng với các kế hoạch kinh doanh cuối năm và đặc biệt là các năm tới.
“Chúng tôi đề nghị việc thay đổi chính sách gia hạn miễn thị thực ví dụ như gia hạn cho 5 nước Tây Âu cần thời gian thông báo trước 6 tháng”, ông Chính nói.
Lý do là doanh nghiệp cần 3 - 5 tháng để khảo sát tuyến điểm, kiểm tra dịch vụ du lịch tại điểm rồi mới xây dựng sản phẩm và lên kế hoạch giữ chỗ hàng không, quảng cáo, thu hút khách đăng ký tour.
“Kế hoạch xúc tiến đã lạm vào hơn nửa thời gian được miễn visa cùng chính sách gia hạn chỉ kéo dài 1 năm, nếu chỉ được thông qua sát nút trước một tháng như hiện tại đang đẩy doanh nghiệp vào tình trạng luôn bị động. Cách làm hiện tại đang thu hẹp mức độ tiếp cận lượng khách lớn, làm tăng chi phí cơ hội, giảm hiệu quả kinh doanh. Do vậy, chính sách nên kéo dài 5 năm như đề xuất của Nhóm công tác du lịch”, ông Năng thẳng thắn nói.
Theo ông, 40% khách có nhu cầu đặt tour trên 15 ngày của Vietrantour đã phải quay sang đặt tour ngắn dưới 15 ngày. Bên cạnh đó, hầu hết các tour xuyên Việt, khám phá di sản, cảnh quan do đơn vị này mở bán đều có độ dài 17 - 18 ngày. Nhưng từ khi chính sách miễn thị thực thời hạn lưu trú không quá 15 ngày được triển khai, Công ty đã phải nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm ngắn ngày.
Ở khía cạnh kinh tế, khi kéo dài thời gian miễn thị thực, tổng chi tiêu trung bình của khách sẽ có cơ hội tăng hơn mức trung bình hiện tại là khoảng 1.300USD/15 ngày tour vì khách Tây Âu có mức chi tiêu trung bình 87 USD/khách/ngày.
Trên bình diện rộng hơn, ông Hoàng Nhân Chính cũng cho rằng, các chính sách thị thực phù hợp cộng với việc cắt giảm các thủ tục hành chính ở cửa khẩu sẽ là cơ sở để ngành du lịch duy trì mức tăng trưởng 15-20% trong vòng 4 năm (từ nay tới năm 2020), để có thể cán đích thu hút 17-20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020.(Baodautu)
------------------------
Cơ hội lớn của ngành sản xuất bông Việt Nam
Theo số liệu của WTO, Việt Nam cùng với Bangladet và Trung Quốc là ba nước nhập khẩu bông lớn nhất thế giới. Lượng nhập khẩu bông của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên do ngành dệt may ngày càng tăng trưởng và nhu cầu về bông sợi cũng tăng lên, nhất là từ Trung Quốc.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ 5 trên thế giới và hàng dệt may là lĩnh vực mang lại nguồn thu xuất khẩu lớn thứ hai (tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2016 đạt khoảng 24 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 14,58 tỷ USD).
Mặc dù Việt Nam có sản xuất bông nhưng sản lượng này không đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại và ước tính sản lượng sẽ giảm trong một vài năm tới, bất chấp việc gia tăng xuất khẩu các sản phẩm bông. Mức tiêu thụ bông của Việt Nam đã tăng bình quân khoảng 22% trong 5 năm qua.
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam, năm 2016, trung bình mỗi tháng Việt Nam chi nhập khẩu bông gần 140 triệu USD. Cụ thể, trong năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu lượng bông 1,020 ngàn tấn, trị giá 1,637 triệu USD, tăng 0,6% về lượng và 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015. Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (Vcosa) cho biết, do nguồn cung bông trong nước hiện chỉ đáp ứng được 2% nhu cầu, nên nhập khẩu bông tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Việt Nam nhập khẩu bông từ 10 quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu nhập từ Mỹ, nguồn cung lớn thứ hai đến từ Ấn Độ, tiếp đến là Brazil.
Có nhiều yếu tố góp phần vào sự suy giảm sản lượng cả yếu tố bên trong và bên ngoài. Ở trong nước, sản lượng bông của Việt Nam giảm, giá quốc tế cũng giảm và chi phí sản xuất bông ở Việt Nam chưa thể cạnh tranh được. Ngoài ra, các loại cây công nghiệp khác như sắn, điều, cà phê và ngô đang cạnh tranh về diện tích và có lợi nhuận hơn bông.
Các chính sách ưu tiên cũng chưa thực sự mang lại nhiều ưu đãi cho người trồng bông làm cho lợi nhuận giảm đi nhất định. Ước tính diện tích trồng bông sẽ giảm xuống dưới 1.000 ha trong tương lai gần. Ở nước ngoài, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã có báo cáo cho thấy lượng tiêu thụ bông của nước này giảm nhưng sản lượng lại tăng lên. Mỹ là nhà cung cấp bông thô lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm nay, và việc thặng dư sản lượng bông có thể làm cho giá bị giảm thêm, tạo cơ hội cho Việt Nam tăng nhập khẩu nguyên liệu này.
Tương tự như vậy, Trung Quốc đang nhập khẩu ít bông thô hơn trước, cũng góp phần làm cho thặng dư sản lượng tăng lên. Các nhà cung cấp bông chính của Việt Nam hiện nay, ngoài Mỹ còn có Ấn Độ, Brazil, Australia và Bờ Biển Ngà. 5 quốc gia này chiếm tới 70-80% lượng nhập khẩu bông của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 65% lượng sợi (bông và sản phẩm khác) được sản xuất ra. Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc là những nước nhập khẩu lớn nhất lượng sợi này. Điều này cũng mở ra triển vọng cho ngành dệt và may mặc của Việt Nam.
Hiện nay đã có các khoản đầu tư trong và ngoài nước nhằm cải thiện quá trình sản xuất như kéo sợi, dệt, nhuộm. Việt Nam cũng đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng như FTA với EU, FTA với Hàn Quốc hay TPP, càng mở ra nhiều cơ hội cho ngành công nghiệp dệt may phát triển. Và dù sản lượng bông của Việt Nam có thể giảm nhưng vị thế của Việt Nam trong ngành bông thế giới sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.
Mặc dù phụ thuộc nhiều vào lượng nhập khẩu để duy trì sản xuất nhưng với giá cả trên thị trường thế giới và các FTA được thực thi trong điều kiện thị trường dệt may ở Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á vẫn tăng trưởng mạnh thì xuất khẩu bông của Việt Nam sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong những năm tới.(Baocongthuong)
--------------------------------
Báo cáo việc làm nhấn chìm giá vàng
Giá vàng thế giới rơi từ sát mức 1.270 USD/ounce xuống mức 1.258,4 USD/ounce sau khi báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy có 209.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 7, cao hơn nhiều so với con số dự báo trước đó.
Tỉ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức 4,3% - mức thấp nhất trong 16 năm.
Số liệu việc làm khả quan khiến USD tăng trở lại so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ và làm giảm nhu cầu tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.
Giới đầu tư cũng dự đoán thông tin khả quan này sẽ khiến Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) xem xét việc nâng lãi suất lần tiếp trong những tháng cuối năm và nếu khả năng này xảy ra giá vàng thế giới có thể sẽ rơi về vùng giá 1.150 USD/ounce.
Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng, giá vàng thế giới tương đương 34,54 triệu đồng/lượng. Trong khi đó giá vàng miếng SJC giảm về mức 36,35 triệu đồng/lượng sau cú rơi của giá vàng thế giới.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đang cao hơn 1,81 triệu đồng/lượng.
Tại các tiệm vàng lớn, giá bán vàng miếng SJC ở mức 36,32 triệu đồng/lượng, mua vào khoảng 36,24 triệu đồng/lượng.
Giá bán USD tại Vietcombank ở mức 22.770 đồng/USD, giá mua USD tiền mặt ở mức 22.700 đồng/USD.(Tuoitre)