Ấn Độ từ chối thẳng lời mời tham gia 'Con đường tơ lụa mới' của Trung Quốc; Doanh nghiệp Mỹ giục Nhà Trắng bảo vệ lợi ích kinh doanh trước Trung Quốc; Có 9 nhóm máy móc nông nghiệp sẽ bị kiểm tra khi nhập khẩu; Lao động nước ngoài tại VN sẽ phải đóng BHXH
Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-08-2017
- Cập nhật : 06/08/2017
Tăng lương tối thiểu vùng 2018: Doanh nghiệp ở thế “tiến, thoái lưỡng nan”?
Nếu không tăng lương thì rất khó tuyển lao động; nếu cứ tăng lương đều hàng năm người lao động sẽ có tính ỷ lại, không thúc đẩy năng suất mà chỉ trông chờ vào tăng lương… là nhiều trăn trở của doanh nghiệp trước thềm tăng lương tối thiểu vùng 2018.
Doanh nghiệp cho rằng, nếu cứ tăng lương đều hàng năm thì người lao động sẽ có tính ỷ lại, không thúc đẩy năng suất mà chỉ trông chờ vào tăng lương.
Hội đồng tiền lương Quốc gia đã tổ chức hai phiên họp nhưng vẫn chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Ở phiên họp thứ nhất, mức đề xuất tăng lương tối thiểu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại diện giới chủ và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – đại diện cho người lao động chênh nhau ở mức cao, tới hơn 8%. Nhưng ở phiên họp thứ hai, đề xuất của các bên đã xích lại gần nhau hơn, chỉ còn chênh nhau 3%.
Phiên họp thứ ba dự kiến diễn ra vào tuần tới, mức tăng lương tối thiểu vùng sẽ được chốt để trình Thủ tướng Chính phủ. Nếu không tăng lương thì rất khó tuyển lao động, còn nếu năm nào cũng tăng lương thì người lao động sẽ có tính ỷ lại,… Đây cũng là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp (DN) trăn trở hiện nay.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Lê Hùng, Tổng giám đốc Công ty May Minh Trí cho biết, hiện công ty đang sử dụng hơn 2.000 công nhân và hàng tháng quỹ lương của công ty phải trả cho người lao động khoảng 13-14 tỷ đồng. Việc tăng lương tối thiểu vùng đối với DN ông không vấn đề gì. Bởi nếu tăng lương tối thiểu vùng thì chỉ ảnh hưởng đến phần đóng bảo hiểm, nhưng điều này lại khiến người lao động vui vẻ hơn.
“Theo tôi nên tăng lương tối thiểu ở mức cao hẳn lên rồi để một thời gian dài cho DN xoay xở, chứ năm nào cũng cứ tăng lương nhưng chỉ nhích lên một chút thì chỉ mất thêm thời gian. Tăng cao hẳn lên rồi giữ yên một thời gian dài để DN có định hướng, còn việc có năm tăng cao, năm tăng thấp sẽ chỉ khó cho DN lập kế hoạch kinh doanh. Mặt khác, nếu cứ tăng lương đều hàng năm thì người lao động sẽ có tính ỷ lại, không thúc đẩy năng suất mà chỉ trông chờ vào tăng lương”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Hùng lại cho hay, chỉ có chính sách tiền lương mới có thể giữ chân người lao động và đây cũng là lý do để mức lương công ty Minh Trí đang trả cho người lao động hiện nay còn cao hơn mức lương tối thiểu vùng hiện tại.
“Đơn vị nào trả thêm 500.000 đồng/tháng là lao động sẵn sàng “nhảy” việc. Còn các chế độ đãi ngộ khác như tiền thưởng, nghỉ mát, thai sản… người lao động cũng không coi trọng lắm, mà họ tính mỗi tháng cao hơn 500.000 là cả năm có thêm 6 triệu đồng là họ “nhảy” việc. Giữ công nhân bây giờ rất khó, kể cả những người đã làm tới 15-20 năm nhưng vẫn bỏ, chứ chưa nói đến công nhân mới”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Cũng trao đổi với PV, ông Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hiệp hội da dày Phù Yên (Phú Xuyên – Hà Nội) thì cho rằng, tăng lương tối thiểu vùng là đúng, nếu không tăng thì làm sao bảo đảm được cuộc sống của người lao động khi tất cả chi phí khác đều đã tăng lên và nên tăng lương theo năm sẽ phù hợp hơn với cơ chế thị trường.
“Theo đề xuất của VCCI, mức tăng 5% của năm 2018 là phù hợp. Tăng lương ở mức nào đều có sự tác động tới doanh nghiệp, tuy nhiên nếu không tăng lương thì khó tuyển công nhân, trong khi ngành da dày hiện đang có nhiều đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang nên các nhà máy sản xuất gia công cho các hãng quốc tế hiện cũng đang thiếu công nhân rất nhiều. Thực ra mức tăng 5% chỉ là mức độ đánh sàn cho nhiều DN thôi, nếu không tăng lương thì rất khó tuyển lao động”, ông Đức nói.
Theo ông Đức, nếu tăng lương tối thiểu cao hơn mức 5% thì tác động khá nhiều đến DN bởi khi tăng lương thì tất cả chi phí đều tăng sẽ thêm gánh nặng cho DN trong khi giá trị thặng dư kém đi rất nhiều. Như vậy, buộc DN phải đưa thêm dây chuyền máy móc sản xuất mới vào để tăng năng suất lao động lên.
Mới đây, trong buổi đối thoại với DN của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, ông Thân Đức Việt, Phó Tổng giám đốc Công ty May 10 đã kiến nghị Chính phủ không nên tăng lương tối thiểu vùng năm 2018. Bởi theo ông, với mức lương tối thiểu vùng 1 như hiện nay là 3,75 triệu đồng, cộng với hệ số 1,13 theo quy định thì lương tối thiểu mà công ty đang trả là hơn 4 triệu đồng/tháng.
Riêng mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2017, tiền đóng bảo hiểm xã hội và các phí khác của Công ty May 10 đã “đội” lên 22 tỷ đồng.
“Dưới góc độ của người lao động, tôi đồng tình rằng tăng lương tối thiểu để đảm bảo đời sống cho người lao động là hợp lý. Nhưng dưới góc độ của người sử dụng lao động thì việc tiền lương tối thiểu cứ tăng liên tục, đều đặn hàng năm sẽ vượt khả năng chi trả của doanh nghiệp. Một khi doanh nghiệp không thể tồn tại thì việc tiền lương tối thiểu tăng 5%, 7% hay 13% sẽ không còn ý nghĩa. Doanh nghiệp cũng sẽ không dám đầu tư mở rộng do chi phí cho nhân công cao, dẫn đến mất khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực”, ông Việt nói.
Cũng theo ông Việt, việc tăng lương hiện nay không đồng hành với tăng năng suất lao động. Vì thế, không nên tăng tiền lương tối thiểu hàng năm. Nếu tăng thì phải có lộ trình và nên tham khảo doanh nghiệp hoặc tăng ở mức hết sức hợp lý để doanh nghiệp có thể chịu đựng được.(Vnexpress)
-----------------------------------------
Siêu dự án 65.000 tỷ của “chúa đảo” Tuần Châu ở TP.HCM đang ra sao?
Đã qua thời hạn 4 tháng mà TP.HCM đưa ra cho Tập đoàn Tuần Châu để đề xuất phương án khả thi của dự án 65.000 tỷ Đại lộ ven sông, tình trạng dự án này vẫn đang để ngỏ.
Siêu dự án của "chúa đảo" Tuần Châu liệu có thành hiện thực?
Trao đổi với PV chiều 3/8, ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tuần Châu, cho biết ông chưa nắm được rằng bộ phận tư vấn “đã làm đến đâu” với đề xuất cho siêu dự án.
Chưa rõ đề xuất đến đâu
“TP.HCM có chủ trương, tôi giao cho anh em chuyên môn, công ty tư vấn trực tiếp làm với sở ban ngành, như là hiến kế cho thành phố”, ông Tuyển nhấn mạnh.
“Chúa đảo” Tuần Châu cũng không bình luận thêm về tuyên bố “sẽ theo đuổi dự án đến cùng” từng đưa ra trước đó.
"Nếu đề xuất không khả thi, không được các cơ quan có thẩm quyền xem xét thông qua hoặc quá 4 tháng mà Tuần Châu không hoàn thành việc nghiên cứu đề xuất thì coi như Tuần Châu từ chối tiếp tục tham gia đầu tư dự án và tự chịu mọi chi phí thực hiện", văn bản của Văn phòng UBND TP.HCM nêu rõ.Thời điểm 4 tháng để Tuần Châu trình đề xuất được tính từ ngày 8/3. Trong văn bản của Văn phòng UBND TP.HCM, thành phố ra “tối hậu thư” đối với Tuần Châu liên quan đến dự án Đại lộ ven sông. Trong vòng 4 tháng, Tuần Châu tự cân đối chi phí lập, trình duyệt dự án. Doanh nghiệp của “chúa đảo” cũng sẽ nghiên cứu phương án giao thông kết nối khu đô thị Tây Bắc với dự án giao thông trên.
Đến nay, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho rằng dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn từ quận 1 tới Củ Chi mà Tập đoàn Tuần Châu đề xuất là hoàn toàn mới trong quỹ giao thông của thành phố. Hiện nay, Sở Kế hoạch Đầu tư mới nhận được báo cáo mới nhất của chủ đầu tư về chi tiết thực hiện. Thành phố đang làm thủ tục cập nhật quy hoạch, đánh giá quy mô của dự án.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng lưu ý đây là dự án lớn và phải xem xét dựa trên quy hoạch tổng thể của TP.HCM bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan nên không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
"Việc dự án triển khai hay không còn phải tính toán lại về nguồn vốn và phương thức thực hiện", ông Lâm nói.
Vẫn băn khoăn về nguồn vốn
Ngay sau khi Tuần Châu ngỏ ý muốn xây siêu dự án 65.000 tỷ đồng, câu hỏi được nhiều người đặt ra là Tuần Châu lấy đâu ra tiền để làm dự án, khi mà so sánh quy mô dự án đối với quy mô doanh nghiệp có sự chênh lệch lớn.
PV cũng đã có trao đổi với một số ngân hàng vào thời điểm “chúa đảo” Tuần Châu đề xuất siêu dự án nói trên.
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank, cho biết ông chưa nghe thông tin ngân hàng sẽ tài trợ vốn cho dự án này.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank cũng phủ định thông tin thị trường cho rằng TPBank sẽ cấp “vài nghìn tỷ” cho dự án nói trên.
Gần đây, trao đổi với PV, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, khẳng định lại ông chưa nghe thông tin về việc ngân hàng tài trợ vốn cho dự án của “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển.
Nguồn tin từ một quỹ đầu tư lớn tại Việt Nam cũng từng chia sẻ đơn vị này chưa hào hứng đối với dự án nói trên. Vẫn đang đầu tư một dự án lớn tại khu vực miền Trung, nguồn tin này cho biết hiện tại, hầu như các quỹ không quá hào hứng đối với bất động sản. (Zing News)
-------------------------
Người Việt đổ tiền mua nhà tại Mỹ, còn người châu Á rót tiền mua bất động sản Việt
Theo quan sát của Savills chỉ riêng thị trường bất động sản TP. HCM, trong vòng 2 năm qua đã có hàng ngàn giao dịch thành công với khách hàng là người nước ngoài. Chẳng hạn, trong năm 2017, một dự án nằm ở quận 2 mở bán giai đoạn 2 thì hạn ngạch dành cho người nước ngoài đạt hơn 30% trong thời gian ngắn và còn nhiều khách nước ngoài không có suất mua.
Ảnh minh họa.
Nhận định về tình hình người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam vài năm gần đây, ông Nguyễn Khánh Duy, Giám đốc bộ phận Kinh doanh nhà ở, Savills TP.HCM cho biết: Từ năm 2015, những sửa đổi trong Luật nhà ở cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam được nhìn nhận đã chuyển biến rất khả quan trong chính sách. Nhìn chung, những yêu cầu dành cho đối tượng này đã được quy định khá cụ thể và rõ ràng, từ đó đã tạo ra một nguồn cầu mới và hứa hẹn sẽ thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trường bất động sản nội địa.
"Việc cho người nước ngoài mua nhà sau khi nhập cảnh được kỳ vọng tạo ra yếu tố thuận lợi để thu hút, kích thích phát triển nhiều loại hình bất động sản như đầu tư, du lịch, dịch vụ. Điều này có lợi cho cả nền kinh tế, phù hợp thông lệ quốc tế và là một hình thức “xuất khẩu” bất động sản tại chỗ hiệu quả", ông Duy đánh giá.
Cũng theo ông Duy, hiện nay, về cơ bản, các thủ tục pháp lý về việc sở hữu bất động sản ở Việt Nam dành cho người nước ngoài đã nhận được phản hồi rất tích cực từ cả phía người bán lẫn người mua sau gần 3 năm triển khai.
Theo quan sát của Savills chỉ riêng thị trường bất động sản TP. HCM, trong vòng 2 năm qua đã có hàng ngàn giao dịch thành công với khách hàng là người nước ngoài.
"Trong năm 2017, đã có rất nhiều dự án “chạm trần” sở hữu khách nước ngoài trong thời gian nhanh chóng. Cụ thể hơn, một dự án nằm ở vị trí đắc địa của quận 2 được mở bán giai đoạn 2 thì hạn ngạch dành cho người nước ngoài đạt hơn 30% trong thời gian ngắn và còn nhiều khách nước ngoài không có được suất mua căn hộ. Khách hàng trong đợt mở bán này chủ yếu đến từ châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore", ông Duy cho biết.
Vị đại diện Savills cho rằng, dựa trên đánh giá chung, những dự án nằm ở vị trí chiến lược như quận 1 và quận 2, đặc biệt là khu vực Thảo Điền và Thủ Thiêm, với chủ đầu tư uy tín hiện nhận được sự quan tâm với tỉ lệ hấp thụ rất khả quan từ đối tượng khách nước ngoài. Trên thực tế, các dự án, sản phẩm thu hút người mua quốc tế chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp, đi kèm với đó là đòi hỏi về chất lượng công trình, dịch vụ trong quá trình tư vấn và bán hàng tương xứng cũng như khả năng đầu tư, cho thuê lại.
Từ việc số lượng giao dịch bất động sản thành công với khách hàng là người nước ngoài đang ngày càng gia tăng, ông Duy cũng đã chỉ ra những thuận lợi và rào cản ảnh hưởng đến việc mua bất động sản của người nước ngoài tại Việt Nam.
Thứ nhất là việc giới hạn số lượng căn hộ cho phép người nước ngoài sở hữu là rất quan trọng, với mục tiêu giảm thiểu và ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội nói chung. Theo thông tư 19/2016/TT-BXD hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Nghị định số 99/2015/NĐ-CP do Bộ Xây dựng ban hành, quy định về số lượng căn hộ mà người nước ngoài được phép sở hữu nhằm thắt chặt các thủ tục bán lại, tăng tính minh bạch của quy trình thực hiện các thủ tục giấy tờ và hành chính bất động sản.
Tuy vậy, việc điều chỉnh giới hạn phù hợp một số loại hình bất động sản ở vài khu vực có nhu cầu đặc biệt hơn, như bất động sản nghỉ dưỡng hay chung cư hạng A, cũng là một hướng cân nhắc, bởi sự linh động về mặt phạm vi giới hạn thay vì một giới hạn cố định sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy thị trường. Nhất là khi Việt Nam đang có tầm khoảng hơn 82.000 người nước ngoài sinh sống và làm việc, cũng như hơn 4 triệu kiều bào với mối quan tâm đặc biệt mang tên “quê hương”.
Thứ hai, sau vài năm Luật Nhà ở 2014 sửa đổi, nhiều khách nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm đến thị trường BĐS tại các thành phố lớn, nhất là TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Tuy vậy, số lượng sổ đỏ được cấp cho tổ chức và cá nhân người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam còn tương đối thấp, nếu so với sự quan tâm và nhu cầu của khách hàng.
Những tác nhân giới hạn số lượng này có thể kể đến quy trình cấp sổ đỏ cần được phổ biến rộng rãi hơn, thay vì tập trung ở một vài khu vực trung tâm. Việc người nước ngoài chưa nắm bắt rõ thủ tục pháp lý ở Việt Nam, và ngược lại, công tác hành chính tại một số địa phương còn chưa quen thuộc với khách nước ngoài đều tạm gọi là những rào cản có thật trong thời điểm này.
Ngoài ra, theo ông Duy để tìm kiếm được dự án bất động sản phù hợp, nhà đầu tư nước ngoài nên làm việc qua đơn vị tư vấn quốc tế có mạng lưới văn phòng, chi nhánh ở nhiều quốc gia để đảm bảo các thắc mắc về pháp lý cũng như thủ tục mua bán được giải đáp cụ thể nhất và có khi không mất chi phí phụ thêm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên hiểu rõ về ngân sách, và những yêu cầu cụ thể của bản thân dành cho những dự án mình quan tâm, để có được thông tin tư vấn chi tiết nhất.(Bizlive)
---------------------
PVN hút được 9,23 triệu tấn dầu trong 7 tháng
7 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác dầu của Tập đoàn Dầu khí (PVN) đạt 9,23 triệu tấn (khai thác dầu ở trong nước 8,09 triệu tấn, ở nước ngoài 1,42 triệu tấn). Tổng doanh thu toàn đạt 278.500 tỷ đồng, vượt 14% so với kế hoạch 7 tháng và bằng 64% kế hoạch năm.
Sáng 5/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, phụ trách Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc PVN cho biết, 7 tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác dầu của Tập đoàn đạt 9,23 triệu tấn (khai thác dầu ở trong nước 8,09 triệu tấn, ở nước ngoài 1,42 triệu tấn). Sản lượng khai thác khí, sản xuất điện, đạm, xăng dầu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 278.500 tỷ đồng, vượt 14% so với kế hoạch 7 tháng và bằng 64% kế hoạch năm.
Tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất Tập đoàn đạt 14.100 tỷ đồng, vượt 14% so với kế hoạch 7 tháng và bằng 85% kế hoạch năm. Tập đoàn nộp ngân sách Nhà nước 50.800 tỷ đồng.
Công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí thu được nhiều kết quả quan trọng; có 1 phát hiện dầu khí mới là Cá Trích (lô 11-2) và một số giếng khoan thẩm lượng cho kết quả tốt như Thiên Nga-3X, Bạch Hổ-48. Tập đoàn cũng đã đưa giàn Thỏ Trắng 3 vào khai thác từ ngày 7/5/2017 (sớm hơn kế hoạch 13 ngày). Các hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo được triển khai tích cực.
Công tác an ninh, an toàn dầu khí, an toàn môi trường, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ trên các công trình dầu khí được giám sát chặt chẽ và thực hiện nghiêm túc. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được tích cực triển khai thực hiện theo cam kết.
“Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức từ 2 - 19%. Tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều giữ nhịp độ sản xuất kinh doanh bình thường”, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được 7 tháng đầu năm, PVN quyết tâm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được giao trong năm 2017 như tổng doanh thu đạt 471.000 tỷ đồng, vượt 7,4% so với kế hoạch, nộp ngân sách 89.000 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch...
Phấn đấu vượt mức khai thác dầu khí năm 2017 đạt tối thiểu 13,28 triệu tấn dầu thô (so với kế hoạch thực hiện năm 2015 là 16 triệu tấn, giảm gần 3 triệu tấn), ông Nguyễn Vũ Trường Sơn cho biết Tập đoàn sẽ bám sát diễn biến giá dầu để có các giải pháp kịp thời ứng phó với những biến động từng thời điểm; kiểm soát, vận hành an toàn, ổn định các nhà máy, công trình dầu khí; đẩy mạnh công tác đầu tư, ưu tiên vốn cho các dự án hoàn thành trong năm 2017; tăng cường công tác, kiểm tra, giám sát mọi hoạt động nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Tập đoàn có đóng góp nhiều mặt cho đất nước, đặc biệt là khẳng định chủ quyền quốc gia và nộp ngân sách nhà nước.
Vừa qua, khủng hoảng giá dầu diễn ra trên toàn cầu. Vì thế, Tập đoàn sụt giảm sản lượng, doanh số, hiệu quả sản xuất bị ảnh hưởng, cùng với việc quản lý nội bộ còn nhiều vấn đề. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, sự phấn đấu của Tập đoàn, “các đồng chí đã cố gắng vươn lên, đạt một số kết quả khá quan trọng, nhất là một số chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2017 thể hiện quyết tâm cao”, Thủ tướng nhìn nhận và khẳng định mục tiêu của Chính phủ là xây dựng PVN phát triển bền vững, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong nhiều thập niên tới.
Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu PVN đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, quản lý tốt hơn nữa. Có phương hướng tập trung một số việc quan trọng, nhất là xây dựng đội ngũ, khắc phục tồn tại, bất cập vừa qua để thực hiện nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho một tập đoàn chủ lực.(Bizlive)