Sau 2 lần "thoát xác", Tài chính Sông Đà chính thức có tên mới; Uber vẫn chưa chịu nộp hết thuế; Trên 32.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động; Yêu cầu Pjico chuyển tiền bồi thường cho ngư dân
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 06-08-2017
- Cập nhật : 06/08/2017
Chính phủ chính thức thảo luận Luật về Đặc khu kinh tế: Nền tảng cho sự đột phá
Việc Chính phủ lần đầu tiên chính thức thảo luận về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vào giữa tuần này có thể nói là bước đi đầu tiên trong việc tạo dựng nền tảng cho sự đột phá của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Nói vậy là vì các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu), dự kiến được xây dựng ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đang được kỳ vọng trở thành các mô hình phát triển đột phá, trở thành cực tăng trưởng cho kinh tế - xã hội của địa phương, của toàn vùng và của cả nước.
Nền tảng quan trọng nhất của việc hình thành các đặc khu này đã bắt đầu được thiết lập, khi Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Chính phủ xem xét.
Thực tế, chuyện phát triển các đặc khu kinh tế đã được đề cập từ lâu, song lại thiếu một yếu tố then chốt chính là các thể chế, chính sách vượt trội cho các đặc khu này. Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được xây dựng chính là để thể chế hóa các chính sách đó.
Đây có thể xem là chính sách chung cho sự phát triển của cả ba đặc khu, vừa là thể chế, chính sách đặc biệt cho mỗi khu, dựa trên tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển chiến lược.
Dù Dự thảo Luật chưa chính thức được công bố, song dư luận đang đặt nhiều kỳ vọng, nhất là khi tại cuộc thảo luận đầu tiên về Dự thảo Luật, người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu về những chính sách mang tính chất vượt trội, trong đó bao gồm các chính sách về đất đai. Cụ thể, Luật Đất đai hiện hành chỉ cho phép giao đất, cho thuê đất tối đa 70 năm đối với đất trong khu kinh tế, trong khi tại nhiều đặc khu trên thế giới, thời hạn này lên đến 99 năm. Chính phủ đã bước đầu chấp thuận việc nghiên cứu sửa đổi chính sách pháp luật về đất đai để đảm bảo sự phát triển ổn định của các đặc khu.
Một sự cởi mở cũng rất rõ ràng, khi quan điểm của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đều cho rằng, tinh thần chung khi phát triển các đặc khu là bảo đảm cạnh tranh quốc tế và khu vực, đi tắt đón đầu, tìm lợi thế so sánh để thu hút đầu tư. Và rằng, trong quá trình xây dựng Luật, cần tiến hành đánh giá tác động, “lợi người lợi ta là cái gì, trước mắt, lâu dài là gì”, không nên chỉ nhìn vào mặt bất cập rồi bàn lùi. Cũng cần xây dựng các chính sách đặc thù trên tinh thần kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, tạo thuận lợi để mở cửa thị trường, giảm thiểu việc áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh tại đặc khu…
Tất cả mới chỉ là bắt đầu. Dự thảo Luật mới là bản đầu tiên. Cũng là lần đầu tiên, Chính phủ chính thức thảo luận về Dự thảo Luật. Song những sơ thảo đầu tiên của Dự thảo Luật đã được đánh giá cao và điều quan trọng là đã có sự thống nhất về tư duy trong xây dựng thể chế, chính sách vượt trội cho các đặc khu. Đó là sự thống nhất cần thiết để - như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói - là không thể vì nhìn thấy những bất cập mà “bàn lùi”.
Tinh thần ấy sẽ tạo nền tảng căn bản cho việc xây dựng thành công Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, cũng như tạo nền tảng cho sự phát triển các đặc khu ở Việt Nam trong tương lai.(Baodautu)
--------------------------------
Nhiều sản phẩm vẫn chưa có cửa vào siêu thị
Rau, củ, quả, trái cây, phải tổ chức quy hoạch vùng trồng, đảm bảo số lượng, chủng loại, đồng chất lượng, hạn chế cung ứng theo mùa vụ.
Ngày 4-8 tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo Cung-cầu và mở rộng thị trường nằm trong hội nghị Ngành công thương các tỉnh thành phố khu vực phía Nam lần IV -năm 2017 do Bộ Công Thương tổ chức.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết Chương trình Hợp tác Thương mại, kết nối cung cầu đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng mạng lưới phân phối của DN TP.HCM cũng như các DN thành phố trở thành đầu mối tiêu thụ lớn các mặt hàng nông sản thực phẩm của các tỉnh, thành.
Tuy nhiên, bà Trang cho rằng tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương chưa được khai thác triệt để, do thiếu sự gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng. Công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, phân phối đến nay vẫn còn khó khăn.
Nhiều sản phẩm có thế mạnh, là tiềm năng của các địa phương chủ yếu do DN vừa và nhỏ, hộ gia đình sản xuất thủ công nên tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm... để đáp ứng đủ yêu cầu, điều kiện cung ứng vào siêu thị chưa đảm bảo.
Quy chuẩn, mẫu mã bao bì... của DN vừa và nhỏ chưa đảm bảo để vào siêu thị
Vì vậy thời gian tới, đối với hoạt động sản xuất cần có chính sách hỗ trợ DN, HTX phát triển sản xuất, nuôi trồng theo hướng an toàn, VietGap, GlobalGap… nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản tại TP.HCM.
Đối với rau, củ, quả, trái cây, phải tổ chức quy hoạch vùng trồng, đảm bảo số lượng, chủng loại, đồng chất lượng, hạn chế cung ứng theo mùa vụ. Đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Xây dựng, phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm, quảng bá thương hiệu, chất lượng…
Các địa phương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN thành phố đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu tại các địa phương. Qua đó, phát triển hoạt động sản xuất nông sản tại các địa phương theo hướng tập trung, quy mô lớn và mở rộng thị trường cho hàng nông sản. (PLO)
------------------------------------
Sơn Kim “bắt tay” GS Retail mở chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 tại Việt Nam
Cửa hàng đầu tiên của GS25 dự kiến sẽ mở tại TPHCM vào cuối năm nay và đặt mục tiêu mở hơn 2.500 cửa hàng trong vòng 10 năm tới.
Hiện thị trường cửa hàng tiện lợi tại Hàn Quốc đã bão hòa với rất nhiều sự lựa chọn cho khách hàng đã khiến Chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 thuộc GS Retail - Tập đoàn GS Group phải chinh phục thị trường nước ngoài. Trong đó Việt Nam là điểm đến đầu tiên.
Để thuận lợi hơn, GS Retail đã thành lập một liên doanh với Tập đoàn Sơn Kim. Trong đó, GS Retail sẽ nắm 30%, Sơn Kim nắm 70%. Theo thỏa thuận, GS Retail sẽ cung cấp cho liên doanh các quyền sử dụng nhãn hiệu và các kinh nghiệm quản lý và vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi. Đổi lại, liên doanh GS-Sơn Kim sẽ trả tiền bản quyền và lợi tức bán lẻ cho GS Retail phần lợi tức tương ứng với số cổ phần 30%.
“Chúng tôi nhận được rất nhiều lời mời từ các nước khác, bao gồm Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Nhưng sau nhiều tháng nghiên cứu, chúng tôi đã chọn Việt Nam vì đây là thị trường có tiềm năng phát triển lớn nhất”, đại diện GS25 cho biết.
GS25 là một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc, chiếm khoảng 30% thị trường bán lẻ tại quốc gia này. Dù thị trường cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc ban đầu cũng bị “xâm chiếm” bởi hai ông lớn là 7-Eleven và FamilyMart, GS25 đã dần dần phát triển và chiếm lại thị trường từ 2 đối thủ nặng ký này.
Trong khi đó, Sơn Kim hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, truyền thông và bán lẻ. Công ty này sở hữu chuỗi cửa hàng đồ lót lớn cùng nhiều cửa hàng thời trang. Những thương hiệu thời trang như Vera, Wow, Woweco, Misaki Sơn Kim đều bắt tay với Công ty Liên doanh Q&V của Nhật.
Trước đó, Sơn Kim cũng đang hợp tác với GS Home Shopping trong mảng mua sắm tại nhà từ năm 2012. GS Home Shopping và GS Retail đều cùng thuộc hệ thống GS Group.(Baodautu)
------------------
Lập doanh nghiệp 'bí ẩn' nhập khẩu hàng cấm
Theo thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM, qua quá trình thu thập thông tin, Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện Công ty TNHH TM DV NDT có nhiều container nhập khẩu từ Nhật Bản về cảng Cát Lái có nghi vấn chứa hàng lậu nên đã đưa vào giám sát trọng điểm. Trên hồ sơ lô hàng nhập khẩu thể hiện hàng hóa là tấm MDF, nhập theo loại hình kinh doanh.
Nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật hải quan của Công ty TNHH TM DV NDT, đầu tháng 7-2017, tại cảng Cát Lái, Đội Kiểm soát Hải quan đã phối hợp với Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 khám xét 4 container nhập khẩu.
Kết quả phát hiện toàn bộ hàng hóa chứa trong container là hàng cấm nhập khẩu, gồm: Trên 1.000 bộ máy lạnh và hàng trăm quạt điện, tủ lạnh nồi cơm điện, máy hút ẩm... đã qua sử dụng.
Điều đáng chú ý, khi cơ quan Hải quan thực hiện khám xét trọng điểm, mời DN đến chứng kiến, nhưng DN này không phản hồi và không đến chứng kiến. Sau đó, Công ty TNHH TM DV NDT lại đến cơ quan Hải quan xin được điều chỉnh manifest tên hàng và tên doanh nghiệp nhận hàng đồng thời xin điều chỉnh chuyển từ loại hình nhập kinh doanh sang loại quá cảnh.
Tuy nhiên, phát hiện có nhiều biểu hiện bất thường trong việc điều chỉnh các hồ sơ nhập khẩu hàng nêu trên, Cục Hải quan TP.HCM đã từ chối cho điều chỉnh manifest, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của doanh nghiệp này.
Mở rộng điều tra, xác minh vụ việc để xử lý, Cục Hải quan TP.HCM đã làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM. Căn cứ vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH TM DV NDT do Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM cung cấp, thì việc thành lập doanh nghiệp này cũng có nhiều bí ẩn. Theo đó, từ tháng 4-2012 đến tháng 7-2017 đến nay, công ty này liên tục thay đổi người đại diện pháp luật.
Cơ quan hải quan đã xác minh cơ quan Công an một trường hợp người đại diện pháp luật cho công ty NDT là ông Đ., nhưng khi làm việc với cơ quan Hải quan, ông này hết sức ngạc nhiên và khẳng định, ông Đ. không thành lập bất cứ doanh nghiệp nào, ông cũng không phải là giám đốc công ty NDT, chắc chắn đã có người lấy CMND bị mất của ông Đ. để thành lập doanh nghiệp, làm việc phi pháp.
Ngoài ra, ông Đ. cũng khẳng định, chữ ký mang tên ông trên tất cả các chứng từ trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp của Công ty, chứng từ hải quan cũng không phải là của ông.
Như vậy, các đối tượng đã dùng CMND bị mất của ông Đ. để thành lập công ty ma nhằm mục đích buôn lậu. Cục Hải quan TP.HCM đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vụ việc theo quy định.
Được biết, trong thời gian qua, trong quá trình thực hiện các Kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với hàng chuyển cửa khẩu, hàng quá cảnh, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan TP.HCM) phát hiện một số doanh nghiệp có dấu hiệu là công ty “ma” được các đối tượng thành lập để buôn lậu; phát hiện, bắt giữ hàng chục container hàng cấm nhập khẩu.(PLO)