Bloomberg: Thương mại điện tử Đông Nam Á còn nhiều tiềm năng phát triển; Nhập khẩu than từ Trung Quốc 7 tháng đầu năm giảm gần 1 nửa; Thị trường phân bón 'té nước theo mưa' khi áp thuế tự vệ; Có thể cho phá sản Nhà máy Đóng tàu Dung Quất
Tin kinh tế đọc nhanh 22-07-2017
- Cập nhật : 22/07/2017
Sếp công ty sản xuất máy bay duy nhất của Hàn Quốc từ chức
Nhà sản xuất máy bay Hàn Quốc, công ty Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI), thông báo giám đốc điều hành của hãng, ông Ha Sung-yong, đã vừa từ chức.
Theo hãng tin Bloomberg, hãng KAI ra thông báo về sự việc nói rằng ông Ha Sung-yong đã từ chức sau khi nhận trách nhiệm về "một số vụ việc gần đây" dẫn tới chuyện các văn phòng của KAI bị các công tố viên lục soát tuần trước.
Cũng theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, bê bối của CEO hãng KAI liên quan tới những cáo buộc tham nhũng trong các dự án quốc phòng lớn.
Thông cáo của KAI cho biết, chiều 20-7, trong phiên họp của hội đồng quản trị công ty, sau khi ông Ha đệ đơn từ chức, KAI dự kiến sẽ yêu cầu các cổ đông tìm người thay thế vị trí giám đốc điều hành (CEO) của ông Ha Sung-yong.
Ông Ha Sung-yong được bổ nhiệm làm CEO của KAI vào tháng 5-2013. Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc là cổ đông lớn nhất của KAI.
Ngày 14-7 các công tố viên, lãnh trách nhiệm điều tra về một dự án phát triển trực thăng của KAI, đã tiến hành lục soát hai văn phòng của công ty này tại Sacheon và Seoul.
Cuộc lục soát nhằm thu thập những bằng chứng liên quan tới các cáo buộc cho rằng KAI đã thổi giá của dự án phát triển máy bay quân sự, do đó bỏ túi nhiều khoản lợi bất hợp pháp trong quá trình triển khai dự án.
Ngày 19-7 Cơ quan Thanh tra và Kiểm toán Hàn Quốc cho biết đã phát hiện thấy những sai sót về thiết kế động cơ của một loại trực thăng quân sự do KAI đang chế tạo.
Họ cũng phát hiện thấy một số thử nghiệm không đúng nguyên tắc liên quan tới việc KAI nhận được bằng chứng nhận cho máy bay do hãng này sản xuất.
Trong thông cáo ngày 20-7, ông Ha nói: "Tôi sẽ hết sức cố gắng giải đáp mọi cáo buộc và những nghi ngờ của các công tố viên. Tôi sẽ cố để không gây tổn hại tới uy tín mà KAI đã gây dựng trong nhiều năm trời".(Tuoitre)
------------------------------
Mỹ siết ngăn Trung Quốc vung tiền mua công ty Mỹ
Từ đầu năm đến nay Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã bác ít nhất 9 đề nghị mua lại các công ty Mỹ của các nhà đầu tư nước ngoài, một con số cao lịch sử, bằng số đề nghị bị bác của cả năm 2014, hay 2016. Phần lớn đề nghị này là từ các nhà đầu tư Trung Quốc.
Nhiệm vụ của CFIUS xem xét các đề nghị mua công ty Mỹ của các nhà đầu tư nước ngoài có rủi ro đe dọa đến an ninh quốc gia hay không được thắt chặt dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Số nhà đầu tư nước ngoài muốn mua tài sản Mỹ đặc biệt cao trong năm 2017. Hiện CFIUS phải bận rộn thẩm tra từ 250-300 đề nghị bán công ty Mỹ cho nước ngoài, con số kỷ lục so với 147 đề nghị của cả năm 2014.
Có 87 đề nghị mua lại các công ty Mỹ từ các nhà đầu tư nước ngoài được chấp nhận từ đầu năm đến nay, một con số cao kỷ lục so với 77 đề nghị cùng thời điểm năm ngoái.
Công ty chuyển tiền điện tử MoneyGram International Inc của Mỹ được công ty thanh toán tài chính Ant Financial của Trung Quốc đề nghị mua lại với giá 1,2 tỉ USD. Ảnh: REUTERS
Reuters dẫn lời một số luật sư đại diện các công ty Mỹ bị CFIUS bác đề nghị bán cho nước ngoài cho biết phần lớn các đề nghị bị bác thuộc lĩnh vực công nghệ. Lý do tình trạng đe dọa an ninh mạng tăng cao cũng như đà phát triển nhanh của công nghệ khiến công việc đánh giá rủi ro với an ninh quốc gia trở nên khó khăn hơn.
Hầu hết các công ty Mỹ bị CFIUS bác đề nghị bán cho nước ngoài không được công khai. Tuy nhiên cũng có một số công ty chọn cách tự công khai. Trong số này có công ty sản xuất hàng điện tử Mỹ Inseego Corp, định bán MiFi mobile Hotspot - công nghệ phát mạng bằng điện thoại di động – cho công ty sản xuấ điện thoại thông minh TCL Industries Holdings của Trung Quốc. Ngoài ra còn có công ty sản xuất dầu ExL Petroleum Management LLC, muốn bán tài sản cho công ty năng lượng L1 Energy của tỷ phú người Nga Mikhail Fridman.
Các nguồn tin của Reuters tiết lộ một số công ty Trung Quốc đang đề nghị CFIUS duyệt mua các công ty Mỹ. Đó là công ty thanh toán tài chính Ant Financial muốn mua lại công ty chuyển tiền điện tử MoneyGram International Inc của Mỹ với giá 1,2 tỉ USD. Công ty đầu tư Canyon Bridge Capital Partners LLC muốn mua công ty sản xuất chip điện tử Lattice Semiconductor Corp của Mỹ với giá 1,3 tỉ USD.
Công ty đầu tư China Oceanwide Holdings Group Co Ltd muốn mua công ty bảo hiểm nhân thọ Genworth Financial Inc của Mỹ với giá 2,7 tỉ USD. Công ty đầu tư Unic CapitalManagement muốn mua công ty thiết bị bán dẫn Xcerra Corp của Mỹ với giá 580 triệu USD.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin (phải) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương tham dự Đối thoại Kinh tế Toàn diện Mỹ-Trung tại Mỹ ngày 19-7. Ảnh: REUTERS
Một số công ty sau khi bị CFIUS bác đề nghị mua bán đã thảo lại đơn đề nghị khác với các điều khoản giảm nhẹ, bớt rủi ro cho an ninh Mỹ hơn. Ant Financial đã từng một lần gửi đề nghị lại cho CFIUS sau khi bị bác lần đầu. Canyon Bridge và China Oceanwide đã gửi đề nghị lần thứ 3. Đơn lần đầu của Unic đang được CFIUS xem xét.
Theo Reuters, việc CFIUS siết đề nghị mua tài sản Mỹ của nước ngoài chủ yếu nhắm vào Trung Quốc, hạn chế tình trạng nhà đầu tư Trung Quốc vung tiền mua tài sản ở nước ngoài. Động thái này diễn ra trong lúc căng thẳng chính trị và kinh tế giữa hai nước đang gia tăng. Ngày 19-7, hai bên đã không thống nhất được biện pháp giảm thiếu hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Trở ngại với các công ty, nhà đầu tư Trung Quốc khi định mua tài sản Mỹ có thể sẽ lớn hơn, đặc biệt trong thời điểm chính phủ Trung Quốc cũng lo lắng với làn sóng vung tiền mua tài sản nước ngoài, muốn hạn chế dòng tiền chảy ra khỏi nước mình.(PLO)
-----------------------------
Audi sẽ thu hồi 850.000 xe động cơ diesel sau gian lận khí thải
Audi, công ty con của hãng sản xuất ô tô hàng đầu ở Đức Volkswagen (VW), cho biết, sẽ thu hồi lên đến 850.000 xe động cơ diesel, động thái nhằm làm giảm khí phát thải của động cơ và cải thiện chất lượng không khí.
Các xe thuộc diện thu hồi lần này là các xe chạy động cơ diesel 6 và 8 xilanh đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải Euro 5 và Euro 6, trong đó có một số dòng xe thuộc công ty mẹ VW và "người anh em" Porsche. Những xe bị thu hồi ở châu Âu và các thị trường ngoài khu vực Bắc Mỹ sẽ được nâng cấp phần mềm miễn phí, qua đó có thể hạn chế hơn nữa lượng khí phát thải trong các điều kiện lái xe thực, phù hợp các quy định hiện hành. Trước đó, Audi đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan quản lý phương tiện giao thông Liên bang Đức (KBA) để đưa ra quyết định trên.
Quyết định thu hồi xe của Audi được đưa ra trong bối cảnh một hãng xe nổi tiếng khác của Đức Daimler ngày 18/7 vừa qua cũng đã tự nguyện thu hồi hơn 3 triệu xe Mercedes-Ben chạy bằng động cơ diesel tại thị trường châu Âu.
Tháng trước Chính phủ Đức cáo buộc Audi đã gian dối trong các bài kiểm tra khí thải ở dòng xe cao cấp của mình. Đây là lần đầu tiên hãng xe Audi bị cáo buộc có những hành động gian lận tại "sân nhà."
Bộ Giao thông Vận tải Đức cho biết đã yêu cầu Audi tiến hành thu hồi khoảng 24.000 chiếc thuộc mẫu A7 và A8. Hai mẫu xe hạng sang này được sản xuất trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2013, và khoảng một nửa số xe này được bán tại thị trường Đức. Theo Bộ này các mẫu xe của Audi thuộc diện thu hồi đã phát ra lượng khí thải ô-xít ni-tơ gấp hai lần giới hạn cho phép.(Vietnam+)
-------------------------------------
Kiến nghị Chính phủ tạm dừng cấp phép đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển
Chiều 21/7, trao đổi với Zing.vn, TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết ông đã ký công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị về việc đổ 1 triệu m3 bùn ra vùng biển Bình Thuận.
Vùng biển cần được giữ gìn và bảo tồn
Theo đại diện Hội Nghề cá, vùng biển ven bờ Bình Thuận là vùng nước chồi (có năng suất sản lượng thủy sản cao hơn nhiều lần vùng biển khác). Đáy biển là cát và đá nhưng là nơi sinh sống của nhiều loài thủy sản quý hiếm.
“Xa hơn là khu bảo tồn biển Hòn Cau. Đây là nơi có thảm cỏ biển, rạn đá san hô, nơi sinh sống của quần đàn thủy sinh và chúng được lan tỏa ra toàn bộ vùng biển miền Trung. Dòng hải lưu từ phía Bắc, cùng với thủy sản di cư qua vùng biển này”, ông Thắng cho hay.Ngoài ra, vùng biển Bình Thuận đang là nơi cung cấp tôm hùm giống tự nhiên cho các tỉnh có nghề nuôi tôm hùm là Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận và Ninh Thuận, mang lại doanh thu hàng nghìn tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động.
Hội Nghề cá khẳng định vùng biển này rất quan trọng đối với đa dạng sinh học, hệ sinh thái, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của các tỉnh Nam Trung Bộ nói riêng, cả nước nói chung, nên rất cần được coi trọng đúng mức, giữ gìn và bảo tồn.
Nhận bùn xuống đáy biển là cách nói lách luật
Trước việc Bộ TN&MT cấp giấy phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ khối lượng bùn lớn xuống biển, Hội Nghề cá đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan.
Bùn thải cửa sông ngoài thành phần chính là bùn hữu cơ, cát còn là trầm tích lắng đọng của các hóa chất độc do chất thải nhà máy, bệnh viện gồm kim loại nặng, thuốc trừ sâu... Trong đó, có nhiều loại chất độc hàng chục năm không phân hủy như Dioxin, 2,4D…
Hội Nghề cá đặt câu hỏi liệu trước khi cấp phép, Bộ TN&MT có yêu cầu chủ đầu tư đánh giá nội dung này hay chưa.
Bên cạnh đó, Hội cho rằng thành phần bùn gồm bùn lỏng và cát, sỏi. Khi đổ xuống biển, cát sỏi sẽ lắng xuống đáy trong một số ngày, phần bùn lỏng sẽ nhiều tháng, thậm chí nhiều năm không thể lắng đọng xuống đáy.Trong điều kiện sóng, gió, bão, thủy triều thì chỉ trong vài ngày, lượng bùn này sẽ bị sóng đưa đi bồi đắp làm chết sinh vật đáy, làm thay đổi môi trường sinh thái của khu bảo tồn biển Hòn Cau.
"Việc trong báo cáo đánh giá tác động môi trường nói là nhận bùn xuống đáy biển chỉ là cách nói kiểu lách luật", Hội Nghề cá nhấn mạnh.
Hội Nghề cá cũng băn khoăn tại Bình Thuận dự kiến có tới 5 nhà máy nhiệt điện. Ngoài Vĩnh Tân 1 xin đổ bùn ra biển, các nhà máy tiếp theo sẽ đổ bùn đi đâu hay sẽ được tiếp tục mang ra vùng biển này đổ.
Theo đơn vị này, Luật Biển thế giới vẫn cho phép đổ chất thải ra biển nhưng phải có cơ sở đánh giá toàn diện về tác động đối với hệ sinh thái và phải công bố cho thế giới được biết, thông thường mang ra vùng biển chung, cách xa bờ.
Để giải quyết tình trạng trên, Hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho tạm dừng thực hiện khẩn cấp giấy phép của Bộ TN&MT cho phép đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển ở Bình Thuận.
“Cần thành lập một tổ chức độc lập kiểm tra xem xét do việc nạo vét đổ chất thải ra vùng biển Bình Thuận, xem xét quy trình thẩm định dẫn tới việc cấp phép của Bộ TN&MT”, Hội Nghề cá kiến nghị.(Zing)